Khi dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường nên nếu việc khoanh vùng, cách ly không được thực hiện nghiêm túc rất có thể lây lan ra cộng đồng.
Thông tin nhiều trường hợp thuộc diện phải cách lý tại tâm dịch xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc trong thời gian qua đã rời nơi cư trú khiến dư luận không khỏi lo lắng, đặt nhiều câu hỏi về công tác quản lý cư trú, cách ly.
Về vấn đề này, Diễn đàn Doanh nghiệp có cuộc trò chuyện với Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội để phân tích rõ hơn dưới góc nhìn pháp lý.
-Việc cách ly các trường hợp nghi nhiễm hoặc nằm trong vùng có bệnh là cần thiết. Tuy nhiên cũng ảnh hưởng đến quyền đi lại và các hoạt động của người dân. Vậy cơ sở pháp lý nào để thực hiện việc cách ly trong trường hợp dịch COVID-19 như hiện nay?
Cách ly y tế là việc tách riêng người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, người mang mầm bệnh truyền nhiễm hoặc vật có khả năng mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm nhằm hạn chế sự lây truyền bệnh, được định nghĩa và quy định tại Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm 2007 cũng như các văn bản pháp luật có liên quan.
Việc tổ chức cách ly y tế và cưỡng chế tổ chức cách ly y tế quy định tại Điều 49 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm và Chương 1 Nghị định 101/2010/NĐ-CP ngày 30/9/2010 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm về áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế và chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch.
Theo đó người mắc bệnh dịch, người bị nghi ngờ mắc bệnh dịch, người mang mầm bệnh dịch, người tiếp xúc với tác nhân gây bệnh dịch thuộc nhóm A và một số bệnh thuộc nhóm B theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế phải được cách ly.
Hình thức cách ly bao gồm cách ly tại nhà, tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc tại các cơ sở, địa điểm khác.
-Vậy những trường hợp được cơ quan chức năng xác định thuộc diện phải cách ly mà cố tình chống đối hoặc bỏ trốn khỏi khu cách ly thì có chế tài nào xử lý, thưa luật sư?
Dưới góc độ pháp luật thì hành vi bỏ trốn khỏi khu cách ly là hành vi vi phạm quy định pháp luật về giám sát bệnh truyền nhiễm.
Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007 đã quy định nghiêm cấm các hành vi: Cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm; Không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Tùy vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm và hậu quả xảy ra mà hành vi trên có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đối với trường hợp người bỏ trốn khi bị cách ly thì người này sẽ phải chịu mức xử phạt vi phạm hành chính, điểm b khoản 2 Điều 10 Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế quy định hành vi vi phạm quy định về giám sát bệnh truyền nhiễm, cụ thể là Hành vi từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế.
Về truy cứu trách nhiệm hình sự, người bỏ trốn có thể bị truy cứu theo Điều 240 BLHS 2015 quy định về Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người như sau: Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh cho người có thể là các hành vi vi phạm các quy định về phòng chống dịch bệnh nguy hiểm như không tiêu hủy động vật, thực vật bị nhiễm bệnh, không khoanh vùng tẩy uế khu vực bị dịch bệnh, không tiến hành cách ly người nhiễm bệnh…. từ đó tạo điều kiện cho dịch bệnh lây lan nhanh.
Trong trường hợp hành vi vi phạm dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc làm chết người thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ; Làm chết 02 người trở lên thì bị phạt tù từ 10 năm đến 12 năm: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
-Cách ly là điều mà người bị cách ly không hề mong muốn và trong một chừng mực nào đó, họ có thể bị ảnh hưởng, vậy chi phí cho việc cách ly phải được thực hiện như thế nào?
Chế độ đối với người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế được quy định tại Điều 14 Nghị định 101/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm về áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế và chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch và Điều 2 Thông tư 32/2012/TT-BTC ngày 29 tháng 02 năm 2012 của Bộ tài chính quy định chế độ, quản lý và sử dụng kinh phí đối với người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế.
Theo đó, người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế được hưởng các chế độ như: Được miễn chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo quy định hiện hành về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở y tế công lập do cơ quan có thẩm quyền ban hành khi phát hiện, điều trị các bệnh truyền nhiễm theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế.
Đồng thời, được cấp không thu tiền: nước uống, khăn mặt, khẩu trang, nước dung dịch rửa tay, dung dịch sát khuẩn miệng, bàn chải đánh răng, xà phòng tắm gội và các vật dụng thiết yếu khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong những ngày cách ly y tế theo định mức sử dụng cho người bị cách ly y tế do Bộ Y tế ban hành. Cùng với đó được miễn chi phí di chuyển từ nhà.
Từ cơ sở, địa điểm phát hiện đối tượng phải thực hiện cách ly y tế đến cơ sở cách ly y tế hoặc từ cơ sở cách ly y tế này đến cơ sở cách ly y tế khác theo quyết định của người có thẩm quyền quy định tại khoản 1, Điều 2 Nghị định số 101/2010/NĐ-CP; được bảo đảm vận chuyển thuận lợi, an toàn và đúng quy định tại khoản 3, Điều 13 Nghị định số 101/2010/NĐ-CP. Căn cứ xác định chi phí di chuyển được miễn là định mức tiêu hao nhiên liệu thực tế của phương tiện vận chuyển người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế.
Trường hợp có nhiều hơn một người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế cùng được vận chuyển trên một phương tiện thì mức thanh toán cũng chỉ được tính như đối với vận chuyển một người.
Trường hợp người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế đang trong thời gian cách ly mà mắc các bệnh khác phải khám, điều trị thì phải thanh toán chi phí khám bệnh, điều trị bệnh đó theo quy định của pháp luật về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; nếu người đó có thẻ bảo hiểm y tế thì việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.
Trường hợp người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế tử vong thì được miễn chi phí cho việc bảo quản, quàn ướp, mai táng, di chuyển thi thể, hài cốt theo quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Mức chi theo thực tế phát sinh trên cơ sở hoá đơn, chứng từ hợp lệ đảm bảo theo đúng các quy định về chuyên môn y tế của việc bảo quản, quàn, ướp, mai táng, di chuyển thi thể, hài cốt do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.
Người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế được cơ sở thực hiện cách ly y tế cung cấp bữa ăn theo yêu cầu, phù hợp với khả năng của cơ sở thực hiện cách ly y tế. Chi phí tiền ăn do người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế tự chi trả. Trường hợp người bị cách ly y tế là người thuộc hộ nghèo theo quy định thì được hỗ trợ tiền ăn theo mức 40.000 đồng/ngày trong thời gian cách ly y tế.
Người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế được cơ sở thực hiện cách ly y tế cấp giấy chứng nhận thời gian thực hiện cách ly y tế để làm căn cứ hưởng các chế độ theo quy định của Bộ Luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội và các văn bản hướng dẫn (nếu có).
Theo Enternews.vn