Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Có startup lãi 50 lần sau 6 năm đầu tư

“Có startup được chúng tôi đầu tư 10.000 USD vốn ban đầu, đến nay sau 6 năm, khi thoái vốn chúng tôi thu về giá trị gấp 50 lần”, ông Phạm Ngọc Huy, Giám đốc dự án của Vietnam Silicon Valley chia sẻ.
Trước ngày hội khởi nghiệp Quốc gia diễn ra (4-6/12), nhiều sự kiện khởi nghiệp địa phương và quốc tế được tổ chức. Trong ảnh là Techfest Việt Nam được tổ chức tại Hoa Kỳ. Ảnh: Bộ KH&CN.

Tại Hội thảo Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo 2019 – cơ hội, thách thức và giải pháp để phát huy lợi thế tại Ngày hội khởi nghiệp Quốc gia sáng nay (4/12), ông Phạm Ngọc Huy chia sẻ, bắt đầu từ Đề án mô hình thung lũng Silicon của Bộ KH&CN, đến nay, Vietnam Silicon Valley đã ươm tạo 80 dự án. Trong số đó, 1/3 dự án đã thất bại ngay trong quá trình ươm tạo, 1/3 trở thành các công ty vừa và nhỏ. 28/80 startup còn lại đã gọi vốn thành công ở các vòng gọi vốn tiếp theo. Tỷ lệ này cao hơn so với mặt bằng chung của thế giới (khoảng 10%).

Lý giải vì sao tỷ lệ startup được ươm tạo tại Vietnam Silicon Valley thành công cao hơn mặt bằng thế giới, ông Huy cho biết, các startup Việt đang ở giai đoạn vàng phát triển. Việt Nam là thị trường mới, những startup ra đời trong giai đoạn 5 năm trở lại đây có nhiều cơ hội trở thành số 1, số 2 trên thị trường do không phải cạnh tranh với các dự án lớn cũng như các đối thủ khác. Trong khi đó, ở các quốc gia phát triển, startup có từ lâu, tính cạnh tranh cao hơn.

Một lý do nữa là Vietnam Silicon Valley đã xây dựng được quy trình ươm tạo tốt để lựa chọn các startup ban đầu và cung cấp nguồn lực để startup này phát triển. Ông Huy chia sẻ, sau 4 tháng tham gia ươm tạo, giá trị starup tăng trung bình 3-5 lần.

Đáng lưu ý, trong số 28 startup gọi vốn được ở các vòng tiếp theo có nhiều startup đang thành công rực rỡ. Trong đó có 2 dự án được ươm tạo từ năm 2014 với số tiền 10.000 USD, đến nay một dự án đã tăng 20 lần và một dự án tăng 50 lần, có startup được định giá 31 triệu USD.

Ông Huy cho biết, chất lượng startup Việt Nam ngày càng được nâng cao bởi các họ được tiếp cận với kiến thức và thông tin xây dựng doanh nghiệp nhiều. Nguồn lực xã hội hỗ trợ cho các startup cũng ngày càng nhiều gồm sự tham gia của quỹ đầu tư trong nước và quốc tế. Để tồn tại được, các starup phải đi sâu hơn về công nghệ và mô hình kinh doanh. Vì vậy trình độ công nghệ của startup cũng chuyên sâu hơn.

Ông Phạm Ngọc Huy, Giám đốc dự án của Vietnam Silicon Valley. Ảnh: Nguyễn Hoài.

Ông Huy cho rằng, điểm mạnh của startup Việt Nam là sức trẻ, sự nhiệt huyết, đam mê và sự hỗ trợ đến từ Chính phủ, cộng đồng, các nguồn lực xã hội.

Tuy nhiên, nhiều startup khởi nghiệp khi còn chưa tích lũy đủ kinh nghiệm xây dựng công ty, kiến thức chuyên sâu trong lĩnh vực theo đuổi và năng lực tài chính. Ngoài ra, các startup Việt cũng phải cải thiện nhiều trình độ ngoại ngữ để có thể làm việc với các tập đoàn lớn, các quỹ đầu tư nước ngoài.

Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ, Việt Nam đã tăng trưởng phi thường về số lượng startup, từ 400 vào năm 2012 lên gần 1800 vào năm 2015 và hơn 3000 trong năm 2018. Lượng vốn đầu tư mạo hiểm cho startup Việt cũng đã tăng gấp 3 lần trong giai đoạn 2016 – 2018, từ 205 triệu USD lên gần 900 triệu USD.

Theo đánh giá của tổ chức sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO), trong những năm gần đây, Việt Nam luôn tăng hạng trong xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, dẫn đầu nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp (năm 2017 tăng 12 bậc, năm 2018 tăng tiếp 2 bậc, xếp thứ 45/126 quốc gia, trong đó, nhóm chỉ số về tri thức – công nghệ của Việt Nam có thứ hạng rất cao, xếp thứ 28). Những bước tăng trưởng nhảy vọt kể trên đã đưa hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam lọt top 3 Đông Nam Á.

Tuy nhiên, ông Quất cũng cho rằng, dù có những bước phát triển triển ấn tượng, Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam vẫn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng và còn nhiều dư địa chưa được khai thác, tận dụng để phát triển. So với các nước trong khu vực, Hệ sinh thái của chúng ta vẫn còn tương đối non trẻ và chưa kết nối chặt chẽ với nhau. Các yếu tố như hạ tầng, thể chế chính sách, tài chính, thị trường vốn đầu tư mạo hiểm và văn hóa vẫn cần tiếp tục được hoàn thiện từng bước.

Để tăng cường kết nối đầu tư, Bộ KH&CN phối hợp với các bên liên quan đang Tổ chức Ngày hội khởi nghiệp Quốc gia (Techfest) tại Quảng Ninh trong 3 ngày từ 4-6/12 với hàng loạt các hội nghị, hội thảo, các hoạt động kết nối đầu tư.

Theo DĐDN