Quản trị nói chung muốn hiệu quả cần có chuẩn. Quản trị thương hiệu không phải ngoại lệ. Chuẩn để lập chiến lược, chuẩn để tham chiếu khi triển khai & chuẩn để đo lường hiệu quả. Như thế nào là một thương hiệu được quản trị chiến lược theo đúng chuẩn Quốc tế?
Một thương hiệu được quản trị chiến lược theo đúng chuẩn Quốc tế, theo quan điểm cá nhân của tôi, có 3 tiêu chí chính như sau:
Chiến lược thương hiệu dựa vào các học thuyết về quản trị thương hiệu xuất phát từ quốc gia có nền kinh tế thị trường phát triển & có uy tín về ngành marketing.
Tại nước Mỹ thập niên 70s, cuộc chiến cạnh tranh về hình ảnh ngột ngạt chẳng kém như thời đại của sản phẩm những năm 50s, 60s trước đó đã trải qua. Và đến năm 1972, khái niệm “positioning” (định vị) ra đời, bắt đầu từ chuỗi các bài viết mang tính đột phá của Jack Trout & Al Ries được đăng trên tạp chí nổi tiếng nhất về Marketing là Advertising Age.
Các chiến dịch thành công kinh điển về positioning như Seven-up với slogan “Uncola”, Avis với “We try harder” đều ra đời trong giai đoạn này. Sau gần 10 năm, năm 1981 cuốn sách kinh điển về định vị thương hiệu đã chính thức ra đời với nhiều case studies được đưa ra phân tích làm ví dụ (Positioning, the battle for your mind).
Các học thuyết về thương hiệu không chỉ có riêng ở nước Mỹ. Nhưng cho đến nay, ít nhất tại thị trường Việt Nam, gần như 100% các phương pháp luận về xây dựng thương hiệu các nhãn hàng đang sử dụng đều có xuất phát từ nước Mỹ. Cũng không có gì ngạc nhiên khi Mỹ là nơi sản sinh đa số các thương hiệu nổi tiếng có nhận biết và uy tín quốc tế ở nhiều quốc gia khác nhau.
Chiến lược thương hiệu dựa vào các học thuyết về quản trị thương hiệu của những học giả, chuyên gia hoặc doanh nhân có uy tín.
Cũng như bất kỳ ngành nghề nào, trong thương hiệu cũng có một số trường phái khác nhau. Theo tôi, các học giả người Mỹ có tên sau là những người có ảnh hưởng nhiều nhất. Họ đã dày công đúc kết từ thực tế hàng trăm doanh nghiệp thành những phương pháp luận hiệu quả để ứng dụng về quản trị chiến lược thương hiệu.
Al Ries & Jack Trout – chuyên gia thương hiệu người Mỹ
Đây là cặp đôi gạo gội gây dựng nền móng về chiến lược định vị thương hiệu phổ biến nhất cho đến thời điểm này.
Khá nhiều tác phẩm sách kinh điển được giới doanh nghiệp, marketers ở Mỹ và trên thế giới lấy làm sách gối đầu giường như “22 quy luật marketing”, “Định vị thương hiệu – cuộc chiến trong tâm trí khách hàng”, “Chiến tranh tiếp thị” hay “Cuộc chiến phòng họp”.
Aaker là người tiên phong về các đầu sách về chiến lược thương hiệu tập trung vào sự phù hợp ngành nghề (Brand Relevance Strategy) và quản trị cơ cấu quan hệ thương hiệu (Brand Portfolio Strtagey).
Kevin Keller – chuyên gia chiến lược thương hiệu
Cuốn sách hay nhất của ông là “Strategic Brand Management”. Đây cũng là tài liệu chính tôi được học khi theo học thạc sỹ Marketing tại đại học Sydney (Úc) cho bộ môn về quản trị thương hiệu.
Byron Sharp – chuyên gia ngành thần kinh học (neuroscience) người Úc
Ông là người đưa ra những quan điểm khá gây tranh cãi đi ngược với cách làm thương hiệu truyền thống. Với góc nhìn của một chuyên gia marketing dựa vào nguyên lí vận hành của não bộ (neuromarketing), các quan điểm của ông đóng góp giá trị trong phân tích hành vi tiêu dùng của khách hàng làm cơ sở để đưa ra cách tiếp cận mới về chiến lược thương hiệu.
A.G. Lafley – doanh nhân Mỹ
Đối với mọi học thuyết quản trị, có lẽ không ai thẩm định hiệu quả chính xác hơn chính các chủ doanh nghiệp & các lãnh đạo cao cấp liên quan. Trong cuốn sách Play to win, A.G. Lafley, cựu CEO của P&G cho rằng một chiến lược thương hiệu hiệu quả sẽ giúp sản phẩm & dịch vụ của doanh nghiệp có giá trị hơn đối thủ trong cảm nhận của khách hàng.
Các nhà quản trị chiến lược thương hiệu có thể lấy một số tài liệu hay học giả khác ngoài mấy cái tên nêu trên. Đối với tôi, kết hợp ứng dụng cho hết các phương pháp luận những người này đưa ra đã quá đủ cho một chiến lược thương hiệu có căn cứ vững vàng về phương pháp luận được đúc kết từ rất nhiều case studies đa dạng.
Kinh nghiệm thực tế về triển khai chiến lược thương hiệu tại các doanh nghiệp khác nhau.
Nghề tư vấn cho phép tôi được trải qua nhiều dự án với đủ các doanh nghiệp lớn nhỏ, các ngành nghề khác nhau để chiêm nghiệm những lý thuyết thịnh hành trên thế giới diến ra ở một thị trường sôi động như Việt Nam.
Xin lấy vài ví dụ tiêu biểu như sau.
Gốm sứ Minh Long
Khác biệt vượt trổi các sản phẩm sứ của Minh Long so với tất cả đối thủ cạnh tranh là chất men trắng sáng rất đẹp mắt và trang trí tinh xảo. Đây là kết quả của nhiều yếu tố nguồn lực trở thành năng lực cạnh tranh lõi của một doanh nghiệp Việt có tuổi đời gần 50 năm: công nghệ, tay nghề & kinh nghiệm nghệ nhân. Slogan của Minh Long đã thể hiện một phần giá trị này:Tinh hoa từ đất tinh xảo từ người.
Đồ gia dụng Sunhouse
Sự phát triển của Sunhouse với tư cách là doanh nghiệp Việt sản xuất đồ gia dụng có quy mô lớn điển hình cho các bước phát triển của nhiều doanh nghiệp: đi từ đơn ngành sang đa ngành. Những năm đầu, Sunhouse được thị trường biết đến với những chiếc chảo nấu ăn bền đẹp. Khi chúng tôi vào tư vấn, các dòng sản phẩm của Sunhouse đã lên đến gần 40 với đủ loại vật dụng gia dụng gia đình. Một chiến lược thương hiệu đúng tương thích với mô hình kinh doanh mở rộng rất cần thiết cho Sunhouse trong việc hoạch định thống nhất thông điệp truyền thông & cân đối quản trị cơ cấu giữa các nhóm ngành hàng khác nhau.
Gạo Niêu Vàng
Gạo Niêu Vàng có điểm khác biệt rất đặc trưng khác với tất cả các thương hiệu gạo khác: vị ngọt đậm. Khi tổ chức nghiên cứu phỏng vấn chuyên sâu hầu như tất cả các bà các mẹ được hỏi đều thừa nhận điều này. Đây là kết quả bao năm nghiên cứu phát triển đầy tâm huyết của Tổng công ty giống Thái Bình, doanh nghiệp chủ sở hữu Niêu Vàng. Slogan của Niêu Vàng (Cơm ngon từ giống gạo sạch từ tâm) thể hiện năng lực lõi rất quan trọng để làm ra một loại gạo ngon (nghiên cứu & phát triển giống lúa) cũng như điều quan trọng của một doanh nghiệp ngành nông nghiệp: cái tâm của làm nghề.
Tập đoàn thương mại Stavian
Tên cũ của Starvian là tập đoàn OPEC Plastic – doanh nghiệp thương mại hàng đầu tại Việt nam chuyên mảng hạt nhựa & hoá chất.
Với chiến lược kinh doanh trở thành tập đoàn đa ngành nghề lấy nhựa & hoá chất làm nhóm sản phẩm chiến lược, chiến lược định vị rõ ràng sẽ giúp Starvian quản trị hiệu quả về định hướng hoạt động truyền thông cũng như quản trị cơ cấu các thương hiệu con của tập đoàn.
Hầu như tất cả các doanh nghiệp thành công chúng tôi có may mắn làm việc cùng đều giống nhau ở một điểm: ý thức được vai trò dẫn dắt của một chiến lược thương hiệu đúng & khả ăng thực thi quyết liệt, tập trung. Thực sự không dễ dàng gì khi phải ra quyết định hy sinh những việc không làm & biết tập trung nguồn lực vào những gì doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh lớn nhất. Đúng như câu nói của Sergio Zyman, cựu giám đốc marketing Coca Cola: Mỗi nhãn hàng nhất thiết phải có chiến lược thương hiệu rõ ràng & toàn bộ hoạt động truyền thông cần bám vào chiến lược thương hiệu này để triển khai.
Làm theo chuẩn để rút ngắn thời gian, tiết kiệm tiền bạc. Không chỉ trong lĩnh vực thương hiệu. Mọi tranh luận đều chẳng đi đến đâu khi thiếu một khung hành lang chuẩn ở giữa để lấy đó làm tham chiếu. Cập nhật được những phương pháp chuẩn mực kinh điển & hiện đại trong branding là điều cần thiết để khỏi hoang mang & lạc lối. Tuy nhiên tôi vẫn cho rằng, hiểu & ứng dụng cho đến nơi đến chốn những nguyên lý cơ bản vẫn quan trọng hơn. Làm điều đơn giản một cách đúng đắn & hiệu quả không dễ. Đối với khá nhiều doanh nghiệp ở một thị trường đang phát triển như Việt Nam, công nghiệp 4.0 vẫn chỉ là phù phiếm nếu vẫn phải đang loay hoay ở giai đoạn 1.0: “The era of product” – thời đại của sản phẩm tốt.
Theo CafeBiz