Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc kêu gọi sự chung tay của cộng đồng để xây dựng bộ chỉ số phát triển bền vững dành riêng cho doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và vừa – những thành tố định hình tương lai của nền kinh tế. “Làm sao cho quán phở ven đường cũng hoạt động với tinh thần phát triển bền vững, chứ đây không chỉ là chuyện của riêng những ông lớn như Vingroup, Sungoup, hay FLC…”, TS. Lộc khuyến nghị.
Lễ phát động Chương trình Đánh giá, Công bố Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam năm 2020 vừa được tổ chức tại Hà Nội.
Phát biểu tại lễ phát động, TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – cho rằng “Phát triển bền vững” sẽ là 4 chữ vàng trong kinh doanh giai đoạn mới.
“Chương trình Đánh giá, công bố doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam không dừng lại ở một cuộc thi để chấm điểm và trao giải, mà hơn hết qua đó, Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam (VCCI-VBCSD) mong muốn có thể thay đổi tư duy và cách thức kinh doanh “vì lợi nhuận trước mắt” bằng tư duy “kinh doanh nhân văn, lợi ích kinh tế hài hòa với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường trong dài hạn””, TS. Lộc nói.
“Bộ chỉ số Doanh nghiệp bền vững (CSI) không chỉ dừng lại ở 127 chỉ số, mà đó chính là công cụ quản trị doanh nghiệp khoa học, hiệu quả. CSI giúp doanh nghiệp cụ thể hóa lộ trình thực hiện phát triển bền vững, trả lời được câu hỏi của rất nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam – như “Doanh nghiệp phát triển bền vững là gì? Muốn phát triển bền vững doanh nghiệp cần làm gì?””.
Trong buổi lễ phát động, TS. Vũ Tiến Lộc cũng bày bỏ mong muốn có bộ chỉ số phát triển bền vững riêng cho doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.
“127 chỉ số CSI thích ứng với các doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp cỡ vừa, còn áp dụng cho doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ, tôi nghĩ là điều xa xỉ. Doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ không thể “mang vác” 127 chỉ số như vậy, và có chỉ số không thích hợp”.
“Làm sao cho quán phở ven đường cũng hoạt động với tinh thần phát triển bền vững, chứ đây không chỉ là chuyện của riêng những ông lớn như Vingroup, Sungoup, hay FLC… Tôi mong chúng ta xây dựng được một hệ ít nhất 3 bộ chỉ số, như trong học hành có sơ cấp, trung cấp và đại học”, ông Lộc ví von.
Theo đó, 127 chỉ số CSI sẽ tương đương cấp “đại học”, dành cho doanh nghiệp lớn. “Trung cấp” dành cho doanh nghiệp cỡ vừa. Và “sơ cấp” – những nền móng đầu tiên cho phát triển bền vững sẽ dành cho doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ.
“Trước đây các diễn đàn quốc tế chỉ nhắc tới doanh nghiệp nhỏ và vừa, giờ ngoài diễn đàn quốc tế đều nói đến doanh nghiệp siêu nhỏ. “Siêu nhỏ, nhỏ và vừa”, phải nhớ rằng doanh nghiệp siêu nhỏ (MSME) được nhắc đến đầu tiên chứ không phải doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) nữa. Phát triển bền vững là con đường của các doanh nghiệp siêu nhỏ, không chỉ là con đường của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cũng không chỉ là con đường của những doanh nghiệp lớn”.
“Chúng tôi kỳ vọng vào doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, vì đó mới là chủ nhân tương lai của đất nước. Tôi rất chia sẻ với ý kiến của tỷ phú Jack Ma – Hãy chú ý tới những doanh nhân dưới 30 tuổi và những doanh nghiệp ít hơn 30 người, vì đó chính là người định hình tương lai của nền kinh tế toàn cầu. Phát triển bền vững là phải đứng vững trên mặt đất và di dân lên không gian số, đó là công thức để chúng ta thành công”, TS. Lộc nói.
Chương trình Đánh giá, Công bố Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam năm 2020 được thực hiện bởi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (MOLISA), Bộ Tài nguyên và Môi trường (MONRE), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (VGCL).
Năm 2020, chương trình sẽ tiếp nhận hồ sơ của doanh nghiệp ở mọi quy mô và lĩnh vực trên toàn quốc, thông qua hình thức nộp hồ sơ bản cứng hoặc khai trực tuyến và không thu bất kỳ khoản phí nào từ doanh nghiệp. Các doanh nghiệp tham gia Chương trình sẽ khai thông tin theo Bộ chỉ số CSI 2020 với 127 chỉ số ở 4 lĩnh vực: Chỉ số Kết quả phát triển bền vững, Chỉ số Quản trị, Chỉ số Môi trường, và Chỉ số Lao động.
Hạn chót nhận hồ sơ của doanh nghiệp là ngày 15/8/2020.
Theo Cafebiz