Chủ tịch Thaco cho rằng các giải pháp điều hành nền kinh tế cũng như các biện pháp hỗ trợ để giúp doanh nghiệp, tuy nhiên các biện pháp này để giúp doanh nghiệp tự đứng vững trên đôi chân của mình chứ không phải tạo ra tâm lý ỉ lại, trông chờ.
Mở đầu bài phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với doanh nghiệp để tìm ra các biện pháp vượt qua thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế hậu đại dịch Covid-19, Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần ô tô Trường Hải (Thaco) Trần Bá Dương cho biết doanh 4 tháng đầu năm của công ty này doanh thu đạt 11.500 tỷ, nộp ngân sách Quảng Nam 3.046 tỷ, giảm 30% so với cùng kỳ.
Ngoài ra tỷ lệ nghỉ việc tại Thaco do đợt cách ly do dịch là 27% và hiện nay đã trở lại làm việc bình thường 100%. Với dự đoán thị trường và sức mua giảm 25% trong những tháng còn lại năm 2020 nhưng ông Dương cho biết Thaco quyết tâm và cam kết với Chính phủ và tỉnh sẽ nộp ngân sách trong năm 2020 đạt ít nhất 12.000 tỷ, giảm 15% so với 2019.
Về kiến nghị chung về điều hành phục hồi kinh tế sau dịch, chủ tịch Thaco cho rằng Nhà nước và Chính phủ có trách nhiệm vận hành nền kinh tế đất nước trong đó có doanh nghiệp được điều hành bởi doanh nhân là thành phần có đóng góp quan trọng với nền kinh tế. Những lúc gặp khủng hoảng như dịch Covid-19 hiện nay, Chính phủ phải tập trung lo cho người nghèo trong đó có hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhưng ưu tiên cho các thành phần doanh nghiệp dễ bị tổn thương như hộ cá thể, doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp.
“Trong phát triển kinh tế có những lúc gặp khó khăn, thuận lợi và khủng hoảng lớn nhỏ khách quan là tất yếu. Và doanh nghiệp có khi lời, khi lỗ, khi thành thành công khi thất bại. Do vậy với quan điểm này tôi xin kiến nghị các giải pháp điều hành phục hồi kinh tế cũng như các biện pháp can thiệp của Chính phủ vào thị trường lúc này cần có sự cân nhắc hài hoà giữa việc giải quyết khó khăn trước mắt với những nguyên tắc thị trường nhằm không chỉ vượt qua khó khăn trước mắt mà phải khuyến khích tinh thần đổi mới với mục tiêu chung làm sao tạo ra môi trường kinh doanh minh bạch công bằng và phù hợp với kinh tế thị trường chung của thế giới”, ông Trần Bá Dương đưa ra kiến nghị.
Lấy ví dụ gần đây, chủ tịch Thaco cho biết ông hiểu sự trăn trở của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về giá thịt heo. Tuy nhiên nhìn ở khía cạnh khác giá thịt heo cao cũng là cơ hội để chúng ta khuyến khích đầu tư bài bản, có chiến lược lâu dài cho ngành cho chăn nuôi. Để sau này nguồn cung sẽ đầy đủ và không bận tâm phải giải cứu cho người nuôi heo hay phải can thiệp điều hành giá thịt heo nữa và thậm chí cơ hội xây dựng ngành nuôi heo để xuất khẩu.
“Về các giải pháp điều hành nền kinh tế cũng như các biện pháp hỗ trợ để giúp doanh nghiệp, tuy nhiên tôi đề nghị các biện pháp này để giúp doanh nghiệp tự đứng vững trên đôi chân của mình chứ không phải tạo ra tâm lý ỉ lại, trông chờ. Do vậy tôi đề nghị không nêu trực tiếp các biện pháp cho doanh nghiệp để làm mất nhuệ khí của doanh nghiệp“, chủ tịch Thaco đề xuất.
Thứ 3 về việc điều hành kinh tế sau dịch, ông Trần Bá Dương cho rằng nên thực hiện với tinh thần quyết liệt cao độ đồng lòng trong các cấp chính quyền từ trung ương tới địa phương, các tỉnh thành như chiến dịch phòng chống dịch Covid-19 của Chính phủ rất thành công trong thời gian vừa qua.
Điểm Thứ 4 được ông Dương kiến nghị là sớm nới lỏng với Lào và Campuchia. Với kinh nghiệm thành công trong phòng chống dịch trong nước vừa qua, chủ tịch Trường Hải kiến nghị với Chính phủ tiếp tục hợp tác để nới lỏng, sớm mở cửa với các nước có nguy cơ dịch thấp như Việt Nam trong đó có Campuchia, Lào, có thể ưu tiên cửa khẩu đường bộ sớm hơn để thuận tiện giao thương và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam tại các nước bạn.
Chủ tịch Trần Bá Dương cũng nhấn mạnh kiến nghị về việc đón đầu dịch chuyển chuỗi sản xuất toàn cầu tại miền Trung và Quảng Nam thông qua việc nâng cao năng lực và giảm giá thành logistics quốc tế tại Chu Lai, Quảng Nam nói riêng và miền Trung nói chung. Lấy ví dụ chính Thaco, Từ trước đến nay công ty này nhập linh kiện về nhưng phải xuất trên 90% container rỗng về Thành phố Đà Nẵng hoặc ra Hải Phòng. Hàng xuất khẩu từ miền Trung thường phải đưa về Thành phố sau đó mới xuất đi các nước dẫn đến giá thành vận chuyển cao gấp rưỡi so với 2 đầu của đất nước.
Thời gian vừa qua với sự nỗ lực xuất khẩu xe, hàng may mặc, đồ gỗ và nhất là hàng nông sản của Hoàng Anh Gia Lai. Hiện nay lượng hàng xuất rất lớn và tăng nhanh. Tháng 4 vừa qua dù dịch đạt 1.000 container, cuối năm sẽ đạt 1.500 container/tháng và năm sau đạt trên 2.000 container/tháng. Và cuối năm nay giá thành tại Chu Lai, Quảng Nam sẽ bằng Thành phố Đà Nẵng và Hải Phòng.
Tuy nhiên đã có 2 dự án lớn đã có chủ trương đầu tư từ năm 2018 nhưng đến nay chưa triển khai gồm: Dự án luồng tàu Cửa Lở để đón được tàu 5 vạn tấn, vốn đầu tư khoảng 5.000 tỷ và Quốc lộ 14A nối từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi lên Tp.HCM hiện có chiều rộng chỉ có 5,5m đến 7m và hiện đang xuống cấp vốn đầu tư khoảng 1.700 tỷ đồng.
Do tính cấp thiết của 2 dự án này và trên tinh thần thúc đẩy sản xuất kinh doanh phục vụ nền kinh tế nhất là đón đầu sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu cho miền Trung và phát triển nông lâm nghiệp cho miền Trung, Lào và Campuchia, chủ tịch Thaco xin chủ trường đầu tư, ứng vốn để thực hiện và xin các cơ chế để tạo nguồn thu hoàn vốn theo đúng quy định của pháp luật.
“Nếu hai dự án này được thực hiện nhanh, Thaco xin hứa với Thủ tướng và toàn thể lãnh đạo, hội nghị sẽ tiếp tục đóng góp phần phát triển Chu Lai, Quảng Ngãi nói riêng và miền Trung cao nguyên nói chung trong lĩnh vực công nông lâm nghiệp và lĩnh vực vận chuyển. Và xem dịch bệnh này là thách thức tạo động lực mới cho phát triển tiếp theo của chúng tôi“, ông Trần Bá Dương cam kết với Thủ tướng.
Theo Cafebiz