Ông Nguyễn Đức Thuấn – Chủ tịch Hội đồng quản trị cùng TBS Group đã chứng minh câu nói của mình bằng chặng đường 30 năm đưa doanh nghiệp tiến lên làm chủ chuỗi sản xuất, gia nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, từ đó đmở rộng sang các ngành nghề khác.
Có thể nói ông Thuấn và các đồng đội đã bước vào hành trình chinh phục ngành sản xuất thời trang bằng niềm tự hào và lòng quyết tâm của người lính. Vào những năm đất nước mới mở cửa, ngành sản xuất giày của TBS được khởi tạo giữa những khó khăn, kiến thức về nghề, về khoa học quản trị gần như con số 0, thiếu thốn cả về nguyên vật liệu, máy móc thiết bị. Để tạo dựng lợi thế cạnh tranh ngay từ bước đầu, đội ngũ lãnh đạo đã huy động tất cả nguồn lực để xây dựng nhà máy sản xuất giày đầu tiên vào năm 1992.
Nắm bắt thời cơ, tiên phong chuyển đổi
Chỉ trong năm đầu nhà máy đi vào hoạt động, ông Thuấn đã nhận thấy giá trị gia tăng trên mỗi đơn vị thành phẩm chưa cao: “Chỉ vài cent trên một đôi” – ông nhớ lại, đồng nghĩa với việc không tạo ra lợi nhuận lớn. Vậy làm thế nào để các nhãn hàng lớn trên thế giới có thể vượt qua giai đoạn này và phát triển bền vững? Làm thế nào để tạo ra giá trị gia tăng cao hơn cho lao động Việt?
Những trăn trở của ông chỉ được giải đáp sau đó vài năm, khi cơ duyên đưa TBS đến với một nhãn hàng thời trang thể thao thuộc top 3 thế giới những năm 1993 – 1995. Việc được tiếp cận với thương hiệu quốc tế và tham gia các hội chợ triển lãm, tham quan nhà máy, phòng nghiên cứu và phát triển của họ đã tạo ra một bước ngoặt về tư duy và định hướng đối với ông. Qua đó ông và ban lãnh đạo TBS nhìn thấy toàn cảnh ngành công nghiệp sản xuất thời trang toàn cầu và nhận ra hướng đi giúp người Việt có thể gia tăng giá trị lao động, đó là phải làm chủ chuỗi sản xuất, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, đưa người Việt làm chủ.
Quyết liệt biến tầm nhìn thành hành động
Nghĩ là làm, khi đã làm phải quyết liệt. Khi đã xác định được hướng đi cho TBS, ông Thuấn và ban lãnh đạo nhanh chóng tiến hành xây dựng trung tâm nghiên cứu phát triển đầu tiên, đồng thời sang Đức tham quan học hỏi cách làm kho vận Logistics, đó là năm 1998.
Đến năm 1999, TBS Group là đơn vị đầu tiên xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D). Từ đây, trong tổng số 50 triệu đôi giày và 30 triệu chiếc túi xuất đi 60 nước trên thế giới hàng năm, đã có giá trị chất xám của người Việt.
Nhận thấy ngành sản xuất trong nước lúc bấy giờ đang phụ thuộc vào một đối tác duy nhất cung cấp đế giày do Đài Loan làm chủ, TBS xây dựng nhà máy đế đầu tiên ngay trong năm 2002. Đây là bước đi quan trọng của công ty nhằm mở rộng sản xuất sang ngành công nghiệp phụ trợ, bao gồm sản xuất các loại đế EVA, PU, Phylon…, giúp TBS có đủ tầm cạnh tranh với các doanh nghiệp FDI.
Năm 2008, TBS ra mắt hệ thống kho đầu tiên tại Tân Vạn, tiếp tục triển khai xây dựng nhiều kho hàng, bến bãi, nhanh chóng lọt vào top 10 doanh nghiệp Logistic tại Việt Nam, với hệ thống kho hiện đại và lớn nhất trong cả nước. Kết quả quan trọng nhất của giai đoạn này là làm chủ được một bước tiếp theo trong chuỗi giá trị toàn cầu, đảm bảo cho các đối tác có một dòng chảy thông suốt từ khâu nghiên cứu tạo mẫu, sản xuất, đến lưu trữ và vận chuyển.
Sau khi đã làm chủ thành công ngành sản xuất công nghiệp giày, cơ hội mới đến với TBS khi một đối tác đề nghị mở xưởng sản xuất túi xách. Một lần nữa ông Thuấn dốc tâm huyết vào ngành túi, mở phòng nghiên cứu sản xuất túi xách trong vòng một tháng và làm xong hệ thống nhà xưởng, thuê nhân công đầy đủ trong vòng một năm. Sự thần tốc trong hành động khiến đối tác nước ngoài phải kinh ngạc.
Người Việt phải làm chủ
Trong việc dùng người, chủ tịch Nguyễn Đức Thuấn có một điểm đáng chú ý là luôn luôn ưu tiên người Việt Nam, muốn đưa người Việt nắm vai trò làm chủ trong chuỗi sản xuất.
Ông Thuấn có lần chia sẻ câu chuyện về một chuyên gia người Hàn Quốc khuyên ông “Hãy chỉ tập trung vào sản xuất đi, tôi sẽ giúp bạn hiệu quả kinh tế tốt hơn vì bạn không có được công nghệ, không có vật tư và khách hàng”. Chỉ ba năm sau, chính những bạn hàng của chuyên gia này đã chuyển sang hợp tác với TBS Group, với đội ngũ nhân sự TBS toàn bộ là người Việt. Nhắc đến chuyện này, ông Thuấn chỉ nói: “Đó là cái “máu lính” trong tôi và những người đồng đội, giúp chúng tôi sẵn sàng đương đầu với tất cả những khó khăn”.
Trong thực tế, có những lúc không thể kiếm được một chuyên gia người Việt nào, khi đó ông Thuấn chấp nhận rằng trước tiên hãy thuê những chuyên gia người nước ngoài, sau đó thì nhanh chóng “học những cái know-how của họ”, để biết cách làm, hiểu cái gốc lõi để phát triển.
Tiếp tục chinh phục đỉnh núi mới mà các công ty và quốc gia tiến tiến đã làm được, ông Thuấn cùng ban lãnh đạo TBS ngay cả khi chuyển sang ngành kinh doanh khác cũng phải giữ vững tinh thần người Việt làm chủ, điển hình là ngành khách sạn và nghỉ dưỡng tại Việt Nam. Nhờ vậy mà khách sạn 5 sao Mai House do người Việt làm chủ đã đi vào hoạt động tại TP.HCM. Một định hướng phát triển TBS Land đã được đề ra đến năm 2025.
Sống qua những năm tháng khó khăn của đất nước và doanh nghiệp, sau 30 năm, ông Thuấn vẫn giữ vững niềm tin chắc chắn vào tương lai, nơi người Việt hoàn toàn làm chủ trên quê hương mình và vươn tầm thế giới.
Theo DNSG