Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình Lê Viết Hải: Tham vọng duy trì tốc độ 10 năm doanh thu tăng 25 lần, mục tiêu 100 tỷ USD doanh thu vào năm 2030

“Với tham vọng cứ 10 năm doanh thu tăng 25 lần thì đến năm 2030, Hòa Bình phải đạt 100 tỉ USD. Để đạt được doanh thu này thì chúng tôi không thể chỉ duy trì hoạt động trong nước mà phải ra nước ngoài bằng sản phẩm có lợi thế cạnh tranh nhất là xây dựng nhà ở cao tầng…”.
Đó là chia sẻ của ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) tại “Hội nghị Đầu tư 2019: Thương chiến toàn cầu và hành động của doanh nghiệp Việt” diễn ra tại Tp.HCM mới đây.

Tham vọng là cứ 10 năm doanh thu tăng 25 lần và phải là nhà xây dựng hàng đầu thế giới

Chia sẻ tại sự kiện, ông Lê Viết Hải cho rằng, tham vọng của Hòa Bình trước đến nay là phải duy trì tốc độ phát triển: Cứ 10 năm doanh thu tăng trưởng 25 lần. Và, tham vọng này đã từng bước đạt được từ lúc thành lập đến nay.

Ông Hải cho biết, Hòa Bình được thành lập năm 1987, đến năm 1988 doanh thu đạt 1,2 tỉ đồng. 10 năm sau, tức năm 1998 là khoảng 10 tỉ đồng. 10 năm tiếp theo là 2008 đạt 750 tỉ đồng. Đến năm 2018 là 18.000 tỉ đồng. Nếu đặt mục tiêu đến năm 2030 thì Hòa Bình phải đạt 100 tỉ đô.

Bên cạnh tham vọng về doanh thu, ông chủ Hòa Bình còn có tham vọng là trở thành nhà xây dựng nhà ở hàng đầu thế giới, đưa thương hiệu Việt Nam ra nước ngoài. “Chỉ có vươn ra nước ngoài thì mới có thể đạt được doanh thu 100 tỉ đô”, ông Hải nhấn mạnh.

Tham vọng của đơn vị này là có doanh thu 100 tỉ đô vào năm 2030 và trở thành nhà xây dựng nhà ở hàng đầu thế giới

Theo vị chủ tịch này, thị trường trong nước không phải không đủ cho Hòa Bình phát triển. Nhưng, ông thừa nhận, mỗi năm ngành xây dựng tăng khoảng 10% thì doanh thu của doanh nghiệp chỉ đạt khoảng 50 tỉ đô chứ không thể kì vọng 100 tỉ đô được. Do đó, doanh nghiệp này tham vọng vươn ra nước ngoài bằng sản phẩm có lợi thế cạnh tranh nhất là xây dựng nhà ở cao tầng. Và, theo ông Hải người Việt có thể làm được điều này.

“Cơ hội đầu tư địa ốc ở nước ngoài khá rộng mở. Tại Mỹ, Canada, Úc, nhu cầu nhà cao tầng cho dân nhập cư châu Á còn rất nhiều. Một dự án đầu tư tại nước ngoài có lợi nhuận gấp 5 lần trong nước”, ông Hải nhấn mạnh và dẫn chứng: 1m2 xây dựng tại Canada có giá khoảng 2.200 USD, rẻ nhất là 1.800 USD. Với tính toán của Hòa Bình, mức giá này có thể còn rẻ hơn 20 – 30%. Trong khi đó tại Việt Nam, đầu tư 1m2 tương tự chỉ khoảng 500 USD. Do đó, ởViệt Nam chỉ lời khoảng 10-20 USD nhưng ở nước ngoài thì con số này là 1.000-2.000 USD. Làm một công trình ở nước ngoài bằng 50 công trình tại Việt Nam.

Trong khi đó, theo vị thuyền trưởng này, Việt Nam có sức cạnh tranh cao, chất lượng công trình cao hơn so với mặt bằng chung; có quản lý về xây dựng chuyên nghiệp và nhân công thạo nghề không thua kém các nước tiên tiến.

“Khi có công nghệ hỗ trợ cùng những lợi thế sẵn có thì tham vọng mở rộng, chiếm lĩnh thị trường nước ngoài của doanh nghiệp Việt là chính đáng”, ông Hải nhấn mạnh.

Áp dụng công nghệ để tạo lợi thế cạnh tranh

Vốn được biết đến là doanh nghiệp làm trong ngành nghề truyền thống là xây dựng, đến nay Hòa Bình đã áp dụng công nghệ 4.0 một cách triệt để, ông Lê Viết Hải khẳng định.

Cụ thể, hiện Tập đoàn đang tích hợp hệ thống công nghệ trong quản lý xây dựng, bao gồm quản lý dự án, nguồn nhân lực. “Công nghệ này giúp công ty trong vòng 2 tiếng có được các thông tin về dự án, gồm đầu vào – đầu ra; tình trạng biến động; an toàn dự án và kiểm soát tốt rủi ro”, ông Hải cho hay.

Theo vị doanh nhân, hệ thống công nghệ mà Hòa Bình đang ứng dụng giúp kết nối nhanh chóng trong công việc, tạo được lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Chẳng hạn, báo cáo tất cả tình hình hoạt động nhanh nhất, tận dụng phương thức mua hàng mới, xây dựng hệ thống dữ liệu nhà cung cấp dịch vụ. Khi có nhu cầu vật tư, trang thiết bị, nhà thầu cung cấp, hệ thống có thể truy xuất ra danh sách mời thầu. Trên cơ sở danh sách mời thầu đó gửi thư chào thầu.

“Cách làm này đảm bảo sự minh bạch và chủ đầu tư (CĐT) có thêm thời gian để đấu giá trong vòng 1 tiếng đồng hồ và ra được giá cạnh tranh nhất. Áp dụng công nghệ vào mua hàng tự động tôi thấy hiệu quả kinh doanh tốt hơn”, Chủ tịch Hòa Bình nhấn mạnh.

Phương Nga

Theo Trí Thức Trẻ