Ngày 5/12, tại tọa đàm Giải mã thất bại – Kinh nghiệm gọi vốn thành công – Mô hình khởi nghiệp số: Kinh nghiệm từ một số nước châu Á và thực tiễn tại Việt Nam trong khuôn khổ Techfest 2019, các nhà đầu tư đã đưa ra quan điểm về xu hướng mô hình kinh doanh trong năm tới và phân tích những thách thức, cơ hội khi nguồn lực thế giới dịch chuyển vào Việt Nam.
Mô hình kinh doanh nào là xu hướng trong năm tới?
Về xu hướng mô hình kinh doanh, ông Nguyễn Mạnh Dũng, Giám đốc Quỹ CyberAgent Việt Nam lấy dẫn chứng việc mua nhạc: “Ngày xưa, mua nhạc là mua content (nội dung) nhưng hiện tại, mua nhạc là mua dịch vụ. Nếu 15 năm trước, người ta trả tiền để chơi game thì game bây giờ miễn phí. Mô hình đang chuyển hóa”. Ngành kinh doanh phát triển thêm mô hình premium, tức là ai trả tiền để tận hưởng dịch vụ nhiều hơn hay mô hình trả tiền 1 lần, dùng trọn đời. Chung quy, các startup cần trả lời câu hỏi mô hình kinh doanh phục vụ ai, cá nhân hay doanh nghiệp. Ông Dũng cho rằng các sản phẩm công nghệ phục vụ một lượng khách hàng lớn, chỉ khi khách hàng yêu sản phẩm mới thu tiền được.
Bà Trương Lý Hoàng Phi, Tổng Giám đốc Vintech City cho rằng giải pháp kinh doanh chia làm 3 lớp. Lớp thứ nhất là những giá trị người dùng cảm nhận, lớp trung bình là mô hình kinh doanh, còn lớp lõi là nền tảng giá trị dịch vụ. Bà lý giải rằng tốc độ tăng trưởng thị trường nhanh chóng, người tiêu dùng dễ dàng tìm kiếm các giải pháp thay thế, vì vậy, khi nhìn vào mô hình kinh doanh, bà Phi thường xem xét phần công nghệ lõi. Đại diện Vintech City cho rằng xu hướng đầu tư sắp tới là nhóm Big Tech. Big data, AR là lớp lõi phía dưới, nếu startup sở hữu những giá trị này, tạo ra mô hình khả thi, hướng tới khách hàng cuối cùng, phục vụ mục tiêu siêu cá nhân hóa người dùng thì phương pháp này trở thành xu hướng. Việc sở hữu công nghệ lõi gây khó khăn cho những cá nhân, tổ chức khác trong việc sao chép. Bà cho rằng, các startup, thay vì lao vào cuộc chiến tìm khách hàng, nên tập trung nghiên cứu và phát triển (R&D) nền tảng công nghệ.
Ông Nguyễn Hòa Bình, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch HĐQT Tập đoàn NextTech nhận định rằng thế giới sắp trải qua bong bóng dotcom từ những sự kiện Uber, Wework. Những sự kiện này là bước ngoặt, thay đổi mô hình đầu tư rót tiền vào startup, thay đổi suy nghĩ các nhà đầu tư rằng các startup cần có khả năng kiếm tiền. Ông Bình cho rằng, từ khóa mới là “make money”. Có thể các startup còn lỗi, chưa hoàn thiện, nhưng họ phải chứng minh năng lực kiếm tiền. Ngoài ra, Chủ tịch NextTech cho rằng, trong cơn sốt chuyển đổi số, nhận thức về ứng dụng công nghệ số đang phát triển mạnh mẽ. Vì vậy, mô hình kinh doanh B2B (Business to Business), B2G (Business to Government) trên nền tảng điện toán đám mây là xu hướng. Xu hướng thứ 2 là “làm cho dữ liệu lên tiếng”, phân tích dữ liệu đưa ra các quyết định nhằm tối đa hóa hoạt động doanh nghiệp.
Dịch chuyển nguồn lực từ thế giới vào Việt Nam: Cơ hội hay thách thức?
Bà Hoàng Phi cho rằng, các startup thường chủ quan và việc các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam giúp họ thức tỉnh, tập trung vào lợi thế cạnh tranh nội tại. Hiện tại, các startup hay doanh nghiệp nước ngoài đều đánh giá Việt Nam là thị trường đang lên, nhiều tiềm năng bởi có nhiều vấn đề cần giải quyết. Nếu startup Việt hoạt động tốt, việc cộng tác với những tên tuổi lớn trên thế giới trở nên dễ dàng. Bên cạnh đó, sự dịch chuyển nguồn lực mang lại cơ hội, “đã đến lúc chúng ta đầu tư đúng mực vào con người, R&D cho chính lợi thế cạnh tranh”, bà nói. Bên cạnh việc tập trung vào những mô hình kinh doanh thành công, các startup cần phát triển những mô hình mang đặc trưng thị trường Việt Nam. Sự đặc trưng trở thành lợi thế cạnh tranh khiến các doanh nghiệp nước ngoài phải hợp tác.
Ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch HĐQT CenGroup, Chủ tịch HĐQT CenInvest cho rằng sự dịch chuyển mang lại cơ hội nhiều hơn. Tuy nhiên, các startup phải biết cách tận dụng và khai thác. Về bản chất, mô hình kinh doanh tương đối giống nhau, cách thức bán hàng là yếu tố thay đổi. Việc vận dụng những mô hình được kiểm nghiệm trên thế giới giúp các startup không phải mò mẫm, tìm kiếm kinh nghiệm kinh doanh. Một cơ hội khác đến từ nền kinh tế cá nhân hóa, càng đặc thù, càng thành công. Mô hình kinh doanh được mô hình hóa, còn việc ứng dụng tùy thuộc vào mỗi người.
Ông Nguyễn Thanh Việt, Chủ tịch HĐTV Tổ hợp Y tế Phương Đông chia sẻ ông thường đặt câu hỏi cho các đối tác nước ngoài: “Anh đã thành công ở nước nào?” và “Anh đã thành công ở Việt Nam chưa?”. Bởi nước ta có mô hình kinh doanh riêng và các nhà khởi nghiệp Việt là người hiểu rõ nhất, doanh nghiệp ngoại muốn thành công phải kết hợp với startup Việt. Theo ông, cơ hội và thách thức là 50-50, ai đi nhanh hơn thì người đó thắng.
Ngược lại với các nhà đầu tư trên, ông Dũng bi quan hơn do ông đầu tư vào các công ty công nghệ. Theo ông, các công ty công nghệ tại Việt Nam còn thua kém nhiều quốc gia khác như Mỹ, Israel, Trung Quốc. “Mỗi ngày, các doanh nghiệp của tôi đều đau đầu nghĩ cách tồn tại và thắng họ”, ông nói.
Theo Giám đốc CyberAgent Việt Nam, các bạn trẻ đừng lạc quan quá. “Có nhiều bạn nói rằng họ muốn xây dựng Google, Alibaba, Facebook… Các bạn quên những điều ấy đi, bởi việc xây dựng những thành tựu trên không hề dễ dàng”, ông nói.
Đồng tình với quan điểm của ông Hưng, ông Dũng cho rằng các mô hình kinh doanh tương đối giống nhau, chỉ cần tra Google. Việc người trẻ đọc sách, tiếp cận thông tin nhiều quá dẫn đến suy nghĩ lệch lạc. Thay vì nghĩ làm sao để phục vụ khách hàng, lại nghĩ làm sao để làm giống họ. Hãy nghĩ về những vấn đề của người dùng, doanh nghiệp. Nhà đầu tư tìm kiếm những người có khả nắng giải quyết, thực thi chứ không tìm một mô hình kinh doanh cao siêu.
Nhắn nhủ đến những nhà khởi nghiệp, ông nói: “Về cơ bản, bạn thông minh chắc chắn có người thông minh hơn, khi bạn nhìn thấy một thị trường tiềm năng thì người khác cũng nhìn thấy hoặc đang chuẩn bị kế hoạch”. Đừng khẳng định rằng bạn đang sở hữu một dự án độc quyền, ngược lại, chưa có ai làm đáng lo bởi có vấn đề thì người ta mới không làm. Ông Dũng cho rằng các startup Việt không nên cạnh tranh với các ông lớn, nên làm cánh tay nối dài cho họ để có cơ hội thành công.
Đồng quan điểm với ông Dũng, ông Bình bày tỏ sự lo ngại: “Trên thế giới, ai cũng nói về Việt Nam, chỉ sau Indonesia, đồng nghĩa với việc dòng vốn đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ, sẽ tăng. Tuy nhiên, đây là thách thức”. Ông đặt ra giả định: “Nếu dòng tiền đầu tư đó không chảy vào startup Việt mà vào các startup khu vực đang xâm chiếm thị trường Việt Nam thì các startup Việt không hưởng lợi và đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt. Trước đây, Lazada, Shopee tiến vào thị trường Việt Nam với số vốn khổng lồ đã lấn át các doanh nghiệp ngay trên sân nhà”. Lo ngại thứ hai là vấn đề chất xám dịch chuyển khi các công ty nước ngoài trả lương cao, thậm chí cấp thẻ xanh cho các kỹ sư công nghệ thông tin Việt Nam.
Theo NDH