Theo bà Lý Kim Chi, làm giàu không chỉ là khát vọng của doanh nhân mà lớn lao hơn, nó chứa đựng cả tình yêu con người, tình yêu gia đình, tình yêu quê hương đất nước.
Năm 2020, TP.HCM lấy chủ đề “Năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị”. Báo Doanh Nhân Sài Gòn đã có buổi trò chuyện với bà Lý Kim Chi – Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm (FFA), Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Đông Hiệp về câu chuyện “hoạt động văn hóa” của doanh nghiệp, doanh nhân với mong muốn cùng cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của kinh tế thành phố.
Theo bà Lý Kim Chi, làm giàu không chỉ là khát vọng của doanh nhân mà lớn lao hơn, nó chứa đựng cả tình yêu con người, tình yêu gia đình, tình yêu quê hương đất nước. Khát vọng ấy thể hiện cả ý chí, lòng tự hào và tự cường dân tộc. Đó chính là nét văn hóa cao đẹp làm nên giá trị của người doanh nhân trong công cuộc phát triển kinh tế xã hội chung của đất nước.
* Bà cho rằng, văn hóa là nền tảng của mọi giá trị. Đối với một người chủ doanh nghiệp (DN) – một doanh nhân, nét văn hóa ấy thể hiện như thế nào?
– Trước hết, doanh nhân phải có khát vọng làm giàu, biết cách tổ chức, điều hành các hoạt động sản xuất, kinh doanh để tạo ra của cải và lợi nhuận; là người dám nghĩ, dám làm, dám chấp nhận mạo hiểm; năng động, nhanh nhạy, biết nắm bắt cơ hội để vươn lên. Và điều quan trọng của người doanh nhân biết làm giàu là phải tạo ra đặc trưng văn hóa riêng. Đó chính là nền tảng để đưa kinh tế tri thức vào hoạt động kinh doanh, là điều kiện cơ bản xây dựng nên văn hóa DN.
Chỉ khi nào doanh nhân biết dung hòa giữa lợi ích cá nhân với lợi ích của cộng đồng, xã hội thì mới tạo ra được giá trị văn hóa. Hiểu rõ giá trị đích thực của lao động mà nỗ lực một cách tự trọng để khẳng định bản thân. Doanh nhân phải hội tụ “tầm, trí, tâm” để sau cùng có được chữ “tiền” một cách xứng đáng.
* Mỗi nhà kinh doanh đều có những nguyên tắc riêng trong tiến, lui hay hoạch định chiến lược phát triển. Đối với bà, nguyên tắc đó là gì?
– Tôi từng là cán bộ nhà nước, rồi ra làm DN. Cả một chặng đường dài, thành công từng nếm, thăng trầm từng trải. Điều tôi tâm đắc và luôn xem là kim chỉ nam cho mình trong mọi tình huống đó chính là kinh doanh đúng pháp luật, làm giàu từ tri thức, trí tuệ và luôn sống thật – không ham lợi nhuận mà làm mất uy tín. Niềm hạnh phúc lớn lao nhất khi thực hiện nằm lòng những nguyên tắc đó giúp tôi đem lại nhiều lợi ích cho DN của mình và cho cộng đồng.
Mỗi năm, Tập đoàn Tân Đông Hiệp đóng góp vào ngân sách nhà nước nhiều tỷ đồng tiền thuế. Tôi có tiền chăm lo cho người già, giúp đỡ người nghèo, tặng học bổng cho học sinh khó khăn, làm đường, làm cầu cho vùng nông thôn xa xôi… và chăm lo cho chính đội ngũ cán bộ, người lao động trong DN mình.
Đến bây giờ vẫn như vậy. Khi nhìn lại chặng đường đã qua, tôi vui về những nỗ lực và tự hào bởi những thành quả từ trí tuệ, sức lao động mà mình mang lại. Dù đã lớn tuổi và còn bộn bề với nhiều lĩnh vực kinh doanh từ chế biến, xuất khẩu nông sản, thực phẩm, đầu tư tài chính, xây dựng khu công nghiệp… nhưng trong tôi luôn tràn đầy niềm tin và khát khao làm được nhiều điều hơn nữa cho những người kém may mắn trong cuộc đời.
* FFA là một trong những hội ngành nghề có tiếng nói và uy tín đối với Chính phủ, thành phố và các cơ quan, tổ chức cũng như hội viên. Để làm tròn vai Chủ tịch hội là điều không đơn giản. Bà có thấy như vậy không?
– Mặc dù, toàn bộ thời gian của tôi đều bị chi phối bởi một khối lượng rất lớn công việc từ nhiều mảng kinh doanh khác nhau, nhưng tôi vẫn dành rất nhiều tâm huyết để không chỉ làm tròn vai Chủ tịch FFA mà còn tạo được tiếng nói uy tín cho hội. Điều tự hào nhất mà tôi đã làm được cho FFA và các DN trong ngành là đã có nhiều kiến nghị kịp thời lên Chính phủ, các cơ quan có thẩm quyền để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN và đã nhận được sự phản hồi, vào cuộc nhanh chóng của Chính phủ.
Đơn cử, khi Nghị định số 38/2012/NĐ-CP quy định về Luật An toàn thực phẩm trong thời gian dài đã gây khó cho DN bởi các thủ tục hành chính nhiêu khê, FFA đã cùng các hội ngành nghề khác kiên trì kiến nghị và đã được Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định 38.
Nghị định 15 đặt dấu chấm hết cho một quá trình gian nan vì thủ tục hành chính bất hợp lý, gây tốn kém cho DN, phiền phức cho xã hội, giúp giảm trên 90% chi phí hành chính, đồng thời tiết kiệm được rất nhiều ngày công và hàng nghìn tỷ đồng cho ngành chế biến lương thực thực phẩm (LTTP).
Hay như vụ nước mắm bị “vu oan” chứa asen, chúng tôi đã kịp thời kiến nghị Chính phủ làm rõ và đã cứu được cả vạn lao động trong ngành sản xuất nước mắm truyền thống. Nói thì dễ nhưng làm được mới thật là khó. Bản thân mình không có ý chí, không có kiến thức, không quyết tâm theo đuổi sự việc đến cùng thì không thể có được kết quả như mong đợi.
* Năm 2019, chỉ số phát triển công nghiệp ngành LTTP của thành phố tăng trưởng không mấy khả quan. Có giải pháp nào cải thiện tình trạng này thưa bà?
– Đến cuối năm 2019, chỉ số phát triển công nghiệp ngành LTTP chỉ tăng 1,25% so với cùng kỳ 2018 (sản xuất đồ uống tăng 7,38%, chế biến thực phẩm giảm 2,28%). Nguyên nhân một phần do biến động thị trường, chi phí sản xuất tăng cao, áp lực cạnh tranh lớn.
DN chịu tác động trực tiếp bởi các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã được ký kết. Cộng với những đòi hỏi tiêu chuẩn hóa sản phẩm của thị trường, thiếu hụt lao động có tay nghề… Trong đó, nguyên nhân chính xuất phát từ tình trạng các DN dịch chuyển nhà máy sang các tỉnh lân cận xung quanh TP.HCM do áp lực quỹ đất và chi phí nhà xưởng cao.
Để tháo gỡ những khó khăn này, chúng tôi tha thiết đề xuất chính quyền thành phố sớm phát triển khu, cụm công nghiệp chuyên biệt dành cho ngành chế biến LTTP với những ưu đãi đặc biệt về chính sách để thúc đẩy phát triển ngành tại TP.HCM. Song song đó, cần tiếp tục cải cách mạnh hơn nữa thủ tục hành chính, tăng cường kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm, kết nối các đơn vị sản xuất kinh doanh thuộc các nhóm ngành nghề tăng cường sức mạnh nội lực, giảm bớt sự cạnh tranh lẫn nhau.
* Bà có thể chia sẻ kinh nghiệm trong công tác hội và các kỹ năng đàm phán, kiến nghị để tiếng nói của hội ngành nghề thực sự có trọng lượng.
– Vấn đề nêu ra phải đúng, hợp tình hợp lý, có trách nhiệm và giúp đem lại lợi ích cho số đông cộng đồng DN. Kiến nghị cũng phải rất kịp thời và sát sao với tâm tư, nguyện vọng của hội viên. Phải làm tốt vai trò tham vấn cho Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước để các chính sách, quy định khi ban hành có tính thực thi cao. Uy tín của FFA có sức lan tỏa mạnh cũng nhờ phương pháp làm việc có kế hoạch, khoa học, đúng mục đích, không vụ lợi.
Nhiều năm qua, FFA được UBND TP.HCM đánh giá là một hội mạnh, hoạt động hiệu quả. Tôi luôn hy vọng rằng, các thế hệ doanh nhân kế cận phải nhận thức đúng nghĩa vụ tham mưu và làm tốt vai trò cầu nối cho Nhà nước trong các quan hệ kinh tế, văn hóa và cả ngoại giao.
* Với cá nhân bà, động lực nào để làm tốt công tác đối ngoại, đối nội của hội như hỗ trợ, phát triển hội viên và nhiều hoạt động xã hội khác?
Tôi luôn tâm niệm rằng, góp thêm một tiếng nói, một việc làm có ích cho cộng đồng DN cũng chính là góp phần làm cho đời sống người nông dân, công nhân được tốt hơn. Điều đó đồng nghĩa với việc làm cho nền kinh tế của đất nước phát triển mạnh mẽ hơn, và bản thân tôi thấy cuộc đời mình sống ý nghĩa hơn bao giờ hết.
Tôi luôn sống, làm việc và cống hiến hết mình bằng tình yêu dành cho mảnh đất này, đó là động cơ khiến tôi chưa bao giờ thấy mệt mỏi. Hiện nay, tôi vẫn làm việc từ 8 giờ sáng đến 8 giờ tối mới rời công ty (thậm chí không nghỉ trưa), nhưng luôn cảm thấy mình tràn đầy năng lượng. Đó là vì tôi yêu công việc, yêu mến và trân trọng cuộc sống này, luôn muốn làm việc có ích.
* Kinh doanh không bao giờ là con đường tơ lụa. Bà làm thế nào để cân bằng cuộc sống, gia đình và cả “sự nghiệp doanh nhân” trong những lúc khó khăn, chao đảo?
– Chặng đường kinh doanh có thành có bại, có lãi có lỗ, có khó khăn, biến cố. Trải qua nhiều thăng trầm, tôi rút ra bài học: bất kể trong tình huống nào, việc đầu tiên là phải giữ trọn vẹn chữ tín và cái tâm. Gói gọn trong một câu đó thôi, nhưng đó là văn hóa tôi đã dày công gây dựng để dù trong hoàn cảnh nào cũng phải kiên định tuân thủ và thực hiện.
DN có lớn lên được hay không, kinh doanh thành hay bại phụ thuộc rất lớn vào văn hóa của người lãnh đạo. Như tôi đã nói “văn hóa là nền tảng của mọi giá trị” – trong công việc, trong quan hệ gia đình và xã hội, hãy lấy văn hóa mà đối đãi, ứng xử thì lo gì không cân bằng được cuộc sống.
* Áp lực cạnh tranh trong xu thế hội nhập kinh tế toàn cầu khiến nhiều DN nhỏ và vừa hoang mang, lo lắng. Bà có bí quyết nào chia sẻ với cộng đồng DN?
– Đã là áp lực thì không kể là DN lớn hay nhỏ, mỗi loại hình đều có thế mạnh, điểm yếu riêng. Doanh nhân chèo lái con tàu DN ra biển lớn, không có gì phải sợ hãi, lo lắng. Chỉ cần chúng ta hội tụ và thấm nhuần ý nghĩa của hai đạo: đạo làm người và đạo làm ăn. Bấy nhiêu thôi cũng đủ giúp cho người chủ DN tăng cường năng lực chỉ đạo, điều hành sản xuất kinh doanh một cách có hiệu quả.
Hãy tận dụng cơ hội của cách mạng 4.0 với khả năng kết nối cộng đồng vào guồng quay của DN, để thực hiện các kế hoạch kinh doanh. Phải chú trọng đến vấn đề vệ sinh môi trường, bởi cộng đồng đang mang lại lợi ích và sự phát triển của DN. Mặt khác, muốn có DN vững mạnh thì phải có nền tảng vững chắc. Nền tảng ấy xây dựng trên thực lực, sự năng động và minh bạch. Tuyệt đối không vì lợi nhuận mà làm sai, làm liều.
* Gần 30 năm gây dựng cơ nghiệp trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh thực phẩm, đầu tư dự án, xây dựng khu công nghiệp… Chắc chắn có những lúc, những mảng kinh doanh gặp khủng hoảng. Ai là người luôn kề vai sát cánh cùng bà vượt qua những thử thách đó?
– Thật sự mà nói, trong gần 30 năm phát triển sự nghiệp kinh doanh của riêng mình, từng có thời kỳ thị trường lên xuống, DN chao đảo nhưng công ty luôn vượt qua mọi khó khăn. Tôi không có một “ai nào đó” để chống lưng hay san sẻ gánh nặng mà chỉ có một bí quyết nhất quán là giữ được uy tín và không “vung tay quá trán”. Phải tìm ra phương pháp điều tiết những lúc thị trường lên xuống.
Đặc biệt là làm đúng pháp luật. Luôn tôn trọng, chia sẻ, chăm lo cho nhân viên, công nhân, người lao động cả vật chất lẫn tinh thần bằng tất cả trách nhiệm và tình cảm của người đứng đầu DN, kể cả lúc khó khăn nhất. Điều hạnh phúc là trong mọi biến cố thăng trầm, tôi luôn có họ bên cạnh. Cuộc sống rất sòng phẳng, những điều mình làm từ tâm cũng sẽ được đáp trả từ tâm.
* Ô nhiễm môi trường đang là vấn nạn không riêng gì TP.HCM. Theo bà, các DN, doanh nhân chung tay bằng cách nào để góp phần trả lại môi trường sống trong lành cho cộng đồng?
– Đây cũng là vấn đề xuất phát từ văn hóa, một người dân bình thường có văn hóa sẽ không xả rác bừa bãi, một DN có văn hóa kinh doanh không tìm mọi cách xả thải gây ô nhiễm, một doanh nhân có văn hóa luôn biết tuân thủ những nguyên tắc bảo vệ môi trường. Và thông qua các hoạt động đó DN, doanh nhân cần thể hiện trách nhiệm và nghĩa vụ đối với xã hội một cách thiết thực. Có như vậy, DN mới phát triển bền vững.
Đất nước ta đã và đang phát triển một đội ngũ doanh nhân hùng mạnh. Nhiều bài học nhãn tiền về ô nhiễm môi trường do sản xuất kinh doanh đã gây ra những hậu quả không lường. Nếu mỗi doanh nhân đứng đầu DN biết nghĩ đến lợi ích cộng đồng trên chính vùng đất mình đầu tư thì chắc chắn không xảy ra những sự cố đáng tiếc. Đừng vì cái được của riêng DN mình mà không nghĩ đến an nguy của người dân. Văn hóa hướng đến cộng đồng của doanh nhân là phải biết từ bỏ cái tôi nhỏ bé vì lợi ích chung của toàn xã hội.
* Bà thậm chí không mua cho mình bộ đồ giá vài chục USD khi ra nước ngoài, nhưng lại chẳng bỏ qua một cảnh ngộ khó khăn nào trên bước đường mình từng đi qua. Xin hỏi bà có nhớ mình xây bao nhiêu căn nhà cho người nghèo, bắc bao nhiêu cây cầu, tặng bao nhiêu học bổng, trao tay bao nhiêu gói quà Tết…?
– Tôi thật sự không thể nào nhớ và cũng không có ý định nhớ về rất nhiều điều mình đã làm và chia sẻ cho cộng đồng. Với tôi, cho đi là hạnh phúc và đó là động lực để đến tận bây giờ tôi vẫn luôn làm việc miệt mài. DN của tôi phát triển ổn định, con cái trưởng thành, có sự nghiệp. Bản thân tôi mỗi ngày có khi chỉ ly cà phê và trái bắp là đủ năng lượng.
Vậy tôi kiếm tiền để làm gì? Ước mơ của tôi là mạnh khỏe mỗi ngày để làm việc và kiếm tiền. Để từ đó tâm huyết sẻ chia nhiều hơn cho người nghèo, người kém may mắn. Tôi muốn chung tay cùng cộng đồng đến với trẻ em nghèo ở những nơi xa xôi hẻo lánh, những miền quê còn nhiều người khó khăn. Tôi muốn xây lên những mái ấm tình thương để ở nơi đó không chỉ là nơi trú mưa, che nắng, mà là nơi chan chứa tình yêu thương con người.
* Trước thềm năm mới, bà có tâm tư gì gửi gắm đến lãnh đạo thành phố, cộng đồng DN, doanh nhân?
– Tôi mong mỏi chính quyền thành phố sớm tạo quỹ đất để xây dựng khu công nghiệp hoặc cụm khu công nghiệp chuyên biệt dành riêng cho ngành chế biến LTTP. Với tư cách là người gắn bó với ngành LTTP trong một thời gian khá dài, tôi thật sự rất xót xa khi thời gian gần đây phải chứng kiến cảnh nhiều DN lớn của ngành dịch chuyển nhà máy sang các tỉnh lân cận.
Với cộng đồng DN, doanh nhân nói chung và các hội viên của FFA nói riêng, tôi hy vọng một năm mới đầy triển vọng. Mong mỏi các anh chị cùng chúng tôi chung tay vì cộng đồng trong chương trình tặng quà Tết cho đồng bào nghèo, các gia đình chính sách còn khó khăn trên khắp mọi miền quê và tiếp nối nhiều hơn nữa các chương trình thiện nguyện.
* Xin chúc bà một năm mới sức khỏe, thịnh vượng!
Theo DNSG