Từ những ngày còn rất thành công trên sàn chứng khoán nhiều năm về trước, Chủ tịch Alphanam Nguyễn Tuấn Hải đã có ước mơ trở thành Samsung của Việt Nam và ước mơ này vẫn tiếp tục được bảo toàn khi Alphanam xin huỷ niêm yết tự nguyện để quay về mô hình doanh nghiệp gia đình.
Chỉ bốn năm sau khi lập công ty vào năm 1995 với số vốn điều lệ tăng hơn 200 lần và số nhân sự cũng tăng theo con số hàng nghìn, Chủ tịch Alphanam Nguyễn Tuấn Hải đã giành giải thưởng Sao Đỏ danh giá trước khi Luật Doanh nghiệp ra đời và cùng thế hệ doanh nhân trẻ thời điểm đó tạo bàn đạp cho doanh nghiệp tư nhân nở rộ và bứt phá.
Việc tiếp xúc với những doanh nhân đàn anh, đàn chị như ông Vũ Văn Tiền, bà Cao Thị Ngọc Dung đã khiến ông Hải mở rộng tư duy và đồng thời tác động đến triết lý kinh doanh của Alphanam những năm về sau. Khi nhiều doanh nhân coi câu nói “một vốn bốn lời” của ông Vũ Văn Tiền chỉ là một lời hô hào thì ông Hải lại đặt đó làm mục tiêu quyết tâm phấn đấu.
Chính phủ kêu gọi công nghiệp hoá, Alphanam tập trung vào sản xuất, xây lắp các khu công nghiệp từ Bắc vào Nam. Đảng kêu gọi làm sao có hàng hoá thay thế hàng nhập khẩu để không tốn ngoại tệ thì ông Hải định hướng nhóm sản phẩm thay thế hàng nhập khẩu, dần mở rộng sang sản xuất thang máy, sơn, rồi đầu tư tài chính, đồng thời tiến ra nước ngoài và mở rộng phạm vi thị trường.
Xuất phát điểm là một doanh nghiệp gia đình nhưng những ngày đầu khởi sự kinh doanh, ông Nguyễn Tuấn Hải không hề có ý định sẽ duy trì mô hình này qua nhiều thế hệ.
Khi đã có chút thành công, ông Hải nghĩ rằng phải chuyển doanh nghiệp sang công ty đại chúng bởi đây là một hình thức phù hợp để gia tăng nguồn vốn cho những việc to lớn hơn, quản trị công ty bền vững, minh bạch và đa chiều hơn và cũng là một cách để gia tăng nhận diện hình ảnh trên thương trường. Vì vậy, Alphanam đã lên sàn chứng khoán vào năm 2001 với việc chính thức thành lập Công ty CP Alphanam có vốn điều lệ 50 tỷ đồng do ông Hải làm Chủ tịch HĐQT.
“Alphanam phát hành cổ phần cho cán bộ công nhân viên, tìm kiếm đối tác, hoàn thiện hệ thống. Tôi bảo anh em mài dao 5 năm nữa rồi xuống núi mài thương hiệu ra tiền”, ông Hải kể lại trong một sự kiện gần đây của câu lạc bộ doanh nhân Sao Đỏ.
Thật vậy, sự tăng trưởng của Alphanam diễn ra nhanh chóng. Năm 1995 vốn điều lệ của Alphanam là 1 tỷ đồng, thời điểm ông Hải nhận giải sao đỏ năm 1999 thì vốn điều lệ là 50 tỷ đồng và đến 2006 là 250 tỷ đồng.
Từ một công ty gia đình, Alphanam trở thành công ty đại chúng và niêm yết đúng thời điểm thị trường chứng khoán thăng hoa năm 2007. Có thời điểm, giá trị cổ phiếu Alphanam tăng lên gần 100.000 đồng/cổ phiếu và đưa ông Hải trở thành một trong 10 người giàu nhất trên sàn chứng khoán với tổng tài sản trên 1.000 tỷ đồng. Những con số này khiến ông Hải nhận định: “Có thể nói là tăng với tốc độ Thánh Gióng”.
Chủ tịch Alphanam chia sẻ, khi doanh nghiệp phát triển quá nhanh thì những ước mơ và tham vọng lớn được hình thành trong ông. Đó là tham vọng về một ngày nào đó Alphanam cũng là Samsung.
Từng chia sẻ với TheLEADER, ông Hải nói: “Mơ bao giờ cũng dễ hơn thực tế nên thay vì nghĩ nhiều quá đến cái hiện tại và thấy khó thì hãy có ước mơ, khát vọng và tự tin. Tất nhiên, để biến ước mơ thành hiện thực thì ít nhất cũng phải đặt được một chân xuống đất thay vì để hai chân lơ lửng”.
Theo doanh nhân này, phải có nền tảng; trong đó, kiến thức phải được trau dồi hàng ngày, hàng giờ vì đó là nền tảng vững chắc nhất. Khi có thách thức thì có cơ hội, càng ngày sẽ càng khó khăn hơn nhưng cơ hội cũng sẽ lớn hơn.
Ông Hải cho biết, sau khi lên sàn Alphanam tăng trưởng rất nhanh: “Mỗi cổ phiếu của Alphanam lúc đó đạt mức giá 70.000 đồng đến 90.000 đồng. Có tiền rồi, cũng phải nói là hơi dễ dãi nên đi đầu tư hơi nhiều, trong đó có bất động sản. Đó là lý do vì sao bây giờ Alphanam chuyển sang làm bất động sản chứ bản chất của công ty trước kia là sản xuất công nghiệp”.
Năm 2013, ông Hải nhanh chóng rời khỏi nhóm mười người giàu nhất sàn chứng khoán khi nhiều năm liên tiếp lỗ khủng, đỉnh điểm là hơn 200 tỷ đồng. Thế nhưng, trong khi hơn sáu năm về trước nhiều người nhắc đến ông là một trong những “tỷ phú đen đủi” trên thị trường chứng khoán thì thời điểm này nhìn lại, ông Hải lại cho rằng đó là một thời cơ lịch sử.
Vẫn liên quan đến câu chuyện ước mơ cá nhân muốn biến Alphanam thành Samsung của Việt Nam, thời điểm đó ông Hải xác định: “Đời mình thua rồi, đời mình không làm được thì nên để người nước ngoài vào làm hay để con cái phục thù”?
Vừa lúc đó, hai người con của ông là Nguyễn Minh Nhật và Nguyễn Ngọc Mỹ họp bàn và khẳng định với bố có thể làm được. Chính thế hệ sau đã hô khẩu hiệu, bàn lộ trình và kế hoạch.
Hơn nữa, kênh huy động vốn bằng việc niêm yết không còn trong khi ông Hải lại thích cha truyền con nối nên quyết định huỷ niêm yết và “rút trong tư thế rất khoẻ chứ không phải bị rút” và đưa Alphanam quay trở lại là công ty gia đình.
“Khi đó, VN-Index rơi từ 1.100 điểm xuống còn 400 điểm. Vào ngày Alphanam rút khỏi sàn thì vốn điều lệ hơn 2.000 tỷ đồng là không vay ngân hàng, tài sản mắt thấy tay sờ khoảng năm đến sáu nghìn tỷ đồng trong khi giá cổ phiếu xuống dưới 4.000 đồng, dưới mệnh giá rất sâu. Đó là một cơ hội lịch sử và tôi đã tranh thủ mua lại để sở hữu hơn 90% và đưa Alphanam trở lại mô hình công ty gia đình”, ông Hải kể lại.
Từ thời điểm đó, ông đặt mục tiêu xây dựng nền tảng và để con mình rèn giũa bằng việc cùng tham gia cùng quản lý, quản trị doanh nghiệp, chuyển giao theo hình thức “cha truyền, con nối” từ thấp lên cao, từ những việc nhỏ nhất theo một lộ trình được vạch sẵn. Hiện nay, việc chuyển giao đã gần được hoàn thiện và ông Hải rất tự hào và tin tưởng về thế hệ kế nghiệp của Alphanam.
Theo The Leader