Khiến người tiêu dùng bàn tán về sản phẩm là một chiến lược marketing quan trọng của Coca-Cola, đặc biệt là đối với giới trẻ.
Trong vài tháng qua, Coca-Cola đã tung ra một số sản phẩm gây tò mò: Coca-Cola Starlight, Byte và Dreamworld. Đối với mỗi hương vị được bán ra trong thời gian nhất định, thay vì miêu tả hương vị cụ thể, công ty lại đưa ra mô tả mang tính khái niệm về trải nghiệm. Đối với họ, “bí ẩn” chính là một bí kíp kinh doanh.
Selman Careaga – chủ tịch hạng mục toàn cầu của Coca-Cola Trademark, cho biết: “Chúng tôi đang tương tác với mọi người và họ cũng đang tương tác lại với chúng tôi. Người tiêu dùng tỏ ra thích thú với việc đoán xem mùi vị của các sản phẩm mới là gì”.
Khiến người tiêu dùng bàn tán về sản phẩm là một chiến lược marketing quan trọng của Coca-Cola, đặc biệt là đối với giới trẻ. Ví dụ, khi tiết lộ công thức của Coke Zero, công ty kêu gọi mọi người tranh luận để quyết định xem đó có phải “vị Coke ngon nhất từ trước đến nay” hay không.
Kiểu bình luận như vậy sẽ khiến thương hiệu hiện diện nhiều hơn trong tâm trí của khách hàng. Theo một chuyên gia, khi thực hiện điều này thành công, hãng sẽ thu được nhiều lợi ích từ việc người tiêu dùng nghĩ ngay đến Coke khi bước vào một cửa hàng để mua đồ uống.
Thêm vào đó, những sản phẩm này được Coca-Cola tạo ra không chỉ với hương vị của Coke mà còn đi kèm với trải nghiệm khác lạ với mục đích thu hút sự chú ý của nhóm nhân khẩu học mà các nhà sản xuất hiện nay đều muốn chinh phục: Gen Z.
Thay vì hương vị truyền thống như “vani” hay “anh đào”, Coca-Cola đưa ra mô tả mơ hồ nhằm mục đích để người hâm mộ bàn luận và đưa ra nhận xét riêng.
Ví dụ, họ mô tả dòng sản phẩm Coca-Cola Starlight là “gợi nhớ đến việc ngắm sao xung quanh lửa trại, cũng như cảm giác của một chuyến du hành lạnh giá vào không gian”. Hay Coca-Cola Byte là “mời bạn khám phá mùi vị của các pixel” và Dreamworld hứa hẹn với người tiêu dùng rằng họ sẽ được “trải nghiệm hương vị Coca-Cola quen thuộc ngay bây giờ với hương vị bất ngờ từ một thế giới trong mơ”.
Ngay sau đó, người tiêu dùng bắt đầu tranh luận về hương vị thực sự của chúng. Một số người cho rằng Starlight có vị giống như kẹo bông hay một loại bánh nổi tiếng ở Mỹ. Còn đối với Byte, một vài người đoán hương vị là việt quất hoặc bưởi. Trong khi đó, Dreamworld được nhận xét là có vị xoài, đào, cam hay thậm chí là siro ho.
“Theo một cách nào đó, việc không miêu tả chính xác hương vị của sản phẩm chính là công thức thành công bí mật của chúng tôi. Đối với những người tiêu dùng tò mò, hương vị thực sự không phải vấn đề lớn nhất. Cái họ quan tâm là trải nghiệm khi thưởng thức và bàn tán về nó”, Selman cho biết.
Cũng theo ông, tuy không công bố doanh số của những sản phẩm này nhưng Coca-Cola rất hài lòng với kết quả đạt được cho đến nay. Ông tiết lộ rằng chúng đã góp phần không nhỏ vào tăng trưởng doanh số bán đồ uống của công ty. Theo thống kê, thương hiệu Coke đã tăng trưởng 7% trong quý II năm nay.
Ngoài chiến lược về hương vị, Coca-Cola còn cung cấp trải nghiệm trực tuyến thú vị cho người tiêu dùng. Ví dụ những chai Starlight có mã QR cấp cho người mua quyền truy cập vào buổi biểu diễn ba chiều của Ava Max hay người mua Dreamworld có thể mua hàng hóa ảo để dùng cho hình đại diện trực tuyến của mình.
“Nhóm nghiên cứu và phát triển đã làm rất tốt việc tạo ra hương vị mới dựa trên bản gốc. Khi thưởng thức, người tiêu dùng sẽ nhận ra ngay rằng đó là một sản phẩm của Coca-Cola. Việc phát triển các hương vị mới có thể gặp rủi ro nếu chúng khác quá nhiều so với hương vị đặc trưng”, Selman chia sẻ thêm.
Nguồn: CNN