Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Vị shark lần đầu dự Shark Tank: lập quỹ hỗ trợ khởi nghiệp 200 tỷ đồng

Vị shark mới trong mùa 3 này đi lên từ 2 bàn tay trắng để làm nên hãng tivi Made in Vietnam có tên Asanzo.

Ngày 13/6, chương trình Shark Tank mùa 3 đã chính thức ra mắt giàn “cá mập” của mình. Ngoài các gương mặt quen thuộc như Shark Nguyễn Mạnh Dũng, Phạm Thanh Hưng, Nguyễn Ngọc Thủy, Thái Vân Linh, Nguyễn Thanh Việt; năm nay còn đón chào 2 gương mặt mới là Shark Phạm Văn Tam – Chủ tịch Tập đoàn điện tử Asanzo Việt Nam và bà Đỗ Liên – Nhà Sáng lập Ứng dụng Bảo hiểm Công nghệ LIAN.

Cũng trong khuôn khổ chương trình Công bố đối tác chiến lược, đại diện tập đoàn Asanzo đã cho ra mắt Quỹ đầu tư khởi nghiệp Asanzo Startup Fund. Quỹ được Asanzo cấp vốn khởi đầu là 200 tỷ đồng, đứng đầu bởi Shark Tam.

“Tôi đã trải qua nhiều thăng trầm và 4 – 5 lần thất bại. Tôi muốn hỗ trợ các bạn trẻ khởi nghiệp để làm sao tránh tình trạng vết xe đổ như tôi. Để đi đến ngày hôm nay tôi cũng qua rất nhiều con đường, cũng lạc lối. 32 tuổi tôi mới bắt đầu có thành tựu, cũng hơi trễ để thành công. Hy vọng với kinh nghiệm xương máu của mình, tôi và quỹ Asanzo sẽ giúp đỡ các startup rút ngắn thời gian đi tới thành công, giảm thất bại”, ông Tam chia sẻ về lý do tham gia chương trình.

Shark Tam cũng tiết lộ thêm mình sẽ không chỉ đầu tư vào ngành công nghệ như mọi người đồn đoán, mà sẽ đầu tư nhiều ngành. Ông sẽ quan tâm nhiều đến những startup có sản phẩm/dịch vụ giải quyết những nhu cầu thực tế trong cuộc sống và nhà sáng lập có sở thích đi đầu.

Ít ai biết vị shark mới trong mùa 3 này đi lên từ 2 bàn tay trắng để làm nên hãng tivi Made in Vietnam có tên Asanzo.

Từ cậu bé thích vọc vạch linh kiện tivi…

Những năm đầu thập niên 90s, chiếc tivi đen trắng là tài sản quý của nhiều gia đình vùng quê Bắc bộ. Trong khi những đứa trẻ khác say sưa với những bộ phim hay chương trình truyền hình thì cậu bé 12 tuổi Phạm Văn Tam lại bị ‘thôi miên’ bởi những thứ linh kiện bên trong đó. Khi bố mẹ vắng nhà, cậu bé tò mò lôi tivi ra vọc vạch.

Không chỉ tivi, đồ điện tử trong nhà hay cũ hỏng của hàng xóm cũng đều qua tay Tam. Niềm vui tháo lắp, sửa chữa, ngồi hàng giờ bên đống đồ điện tử biến cậu thành thợ sửa máy bất đắc dĩ cho cả xóm. Ít ai ngờ hạt mầm nghề và nghiệp của Tam đã được gieo từ đây.

Năm 18 tuổi, Tam quyết định không vào đại học mà đi học chụp ảnh vừa thoả chí đi đây đi đó vừa lãng tử, bảnh bao. 2 năm theo nghề, anh quyết định nghỉ việc vì không còn hứng thú dù bị gia đình phản đối. Sĩ diện của tuổi trẻ, anh sẵn sàng vừa bưng phở kiếm sống chứ không ngửa tay xin tin bố mẹ.

Là người Quảng Ninh, Tam bắt đầu làm quen buôn bán khu vực cửa khẩu Móng Cái. Vốn có sẵn tố chất và ưa thích đồ điện tử, có người gợi ý anh làm áp tải hàng điện tử từ Móng Cái vào Sài Gòn, vài ngày là kiếm được tiền công tới 1 triệu đồng.

Chuyến hàng đầu tiên đến đích đúng dự kiến, ông chủ trả tiền công như đã hứa nhưng đề nghị anh ở lại trông kho và giao hàng cho tiểu thương chợ Nhật Tảo. Từ đây, công việc hàng ngày 2 năm liền của anh là giao hàng và trông hàng. Các tiểu thương cũng đã quen với anh thanh niên nhanh nhẹn, khéo chọn đồ cho đến khi ông chủ không làm nữa khiến Tam bất ngờ mất việc.

Thành “ông trùm” nhờ tiểu thương chợ Nhật Tảo

Cú sốc đầu tiên đến với Tam khi toàn bộ vốn liếng tích cóp mất trắng khi người giữ hộ tiền vào tù vì dùng số tiền đó đi mua vàng lậu. Anh sụp đổ, trở về quê với ý định tự tử.

Lần thứ hai các tiểu thương chợ Nhật Tảo lại chìa bàn tay giúp đỡ Tam. Họ sẵn sàng cho anh mượn tiền để làm trung gian nhập hàng, kiểm tra chất lượng. Sẵn kinh nghiệm, không cần vốn, lại gặp thời điểm buôn đồ điện tử dễ kiếm lời gấp đôi, gấp 3 nên anh nhanh chóng lấy lại phong độ.

Ngã rẽ quyết định

Năm 2009, làn sóng tivi nước ngoài tràn vào Việt Nam khiến công việc kinh doanh đồ điện tử của giới tiểu thương Nhật Tảo điêu đứng kéo theo Tam cũng mất hết đối tác. Không cam tâm, anh quyết định tự tạo ra thương hiệu riêng của mình bằng việc cho ra đời thương hiệu điện tử gia dụng. Tuy vậy sản phẩm không được tin tưởng do thiếu đội ngũ bảo hành. 2 năm liên tục cho ra hết thương hiệu này đến thương hiệu khác đều thất bại khiến anh giật mình và quyết định quay về thứ khiến anh đam mê hơn cả: tivi. Thương hiệu Asanzo bắt đầu được định hình từ đây.

Lần này, Tam quyết định tập trung vào đối tượng người dân có thu nhập trung bình với nhu cầu nghe nhìn tốt, mức giá phải chăng. Thời đó khi các tivi LCD nước ngoài với nhiều chức năng nhưng giá thành cao, anh chọn cách đặt linh kiện nước ngoài và tự tay thiết kế lắp ráp lại và lược bỏ hoàn toàn những chức năng không cần thiết. Từ đó tivi Asanzo có giá thành rẻ và phú hợp với nhu cầu số đông. Cú sốc thứ 2 đến với Tam khi lô hàng 4.000 chiếc bị thu hồi do kỹ thuật tháo lắp chưa tốt dẫn đến hư màn hình. Lỗ hơn chục tỷ nhưng lần này anh không gục ngã mà nhanh chóng quyết tâm làm lại.

Những nghiên cứu, cải tiến mới được đưa ra, chiếc tivi Asanzo 25 inch đời thứ 2 ra đời với giá chưa tới 2 triệu nhanh chóng được đón nhận. Không những thế với công ty của Tam còn đưa ra những sản phẩm phù hợp với đặc điểm với từng miền như miền Tây là tivi chạy bằng ắc quy, miền Trung là bo mạch chống ăn mòn hơi nước biển, miền Bắc là hình thức na ná tivi ngoại.

Sự hiện diện của Asanzo chủ yếu ở miền Nam. Ông Phạm Văn Tam, ông chủ của Asanzo cho biết, miền Nam chiếm khoảng 50% doanh thu của công ty, miền Trung 20%, miền cao nguyên 10% và còn lại là miền Bắc.

Sang năm 2018, Tam tuyên bố Asanzo sẽ tiến quân mạnh mẽ ra miền Bắc. Theo anh, Asanzo hợp tác rất tốt với Điện Máy Xanh và giờ đây, khi Trần Anh đã bị mua lại, Asanzo tự tin việc phát triển ở miền Bắc sẽ dễ dàng.

Từ chiếc tivi 25 inch, Tam làm tiếp các dòng tivi 32, 40, 43, 50 rồi 55 inch với chủng loại từ LED tới màn hình cong dù bị gia đình, thậm chí những người trong nghề chê là điên rồ. Dù mới ra đời được gần 4 năm, nhưng đã nhanh chóng có chỗ đứng nhất định trên thị trường nhờ chiến lược khác biệt. Trong năm 2017, hãng đã bán được 710.000 chiếc tivi, tăng trưởng gần 140% so với năm 2016.

Không chỉ sản xuất tivi, Asanzo hiện tiếp tục lấn sân sang sản xuất điện thoại thông minh. Giấc mơ của người con đất mỏ nay đã không còn giới hạn ở chiếc tivi Việt mà còn là kết nối mọi người gần nhau.

Từ ông bầu bóng đá đến cá mập khởi nghiệp

Mới đây Tập đoàn điện tử Asanzo đã chính thức trở thành nhà tài trợ mới của CLB bóng đá Hải Phòng trong mùa giải 2018. “Chỉ có bóng đá mới khiến tất cả mọi người xích lại gần nhau hơn. Nó giúp mọi người tăng tình đoàn kết và tôi thấy đây là điểm hoàn toàn xứng đáng để đầu tư”, vị doanh nhân này chia sẻ.

Những người theo dõi cơn cuồng nhiệt của bóng đá Việt hai năm trở lại đây có thể đã vài lần nghe đến cái tên Phạm Văn Tam. Anh cũng là cái tên treo thưởng nhiều cho đội bóng đá quốc gia, những phần thưởng lên đến vài tỷ đồng.

Trong khi những ông bầu khác thường làm bóng đá ở cái tuổi ngoài 50, đầu đã hai màu tóc thì chủ tịch Asanzo lại thuộc thế 8X. “Mình yêu bóng đá từ nhỏ, cũng tài trợ cho bóng đá vài năm rồi, nhưng chỉ từ khi U23 thành công, mọi người mới biết đến Phạm Văn Tam và Asanzo”, doanh nhân này chia sẻ trên Vnexpress cách đây không lâu.

Anh cũng chia sẻ thêm mình hâm mộ những danh thủ thế giới như Zinedine Zidane hay “người ngoài hành tinh” Ronaldo. Từ việc yêu thích lối đá của Manchester United và Barcelona doanh nhân 8x này cũng ấp ủ dự định thành lập đội bóng của riêng mình.

Thảo Nguyên

Theo Trí Thức Trẻ/Tổng hợp