Theo “cha đẻ” Angry Birds, sự phát triển của AI và Cách mạng 4.0 sẽ tạo ra những công việc mới, đem lại nhiều cơ hội cho giới trẻ. Vì thế. trong thời đại 4.0, chúng ta cần đầu tư vào cái gốc là giáo dục để đi xa hơn, nhanh hơn.
Chia sẻ tại Ngày hội Trí tuệ Việt Nam (AI4VN) sáng ngày 16/8, ông Peter Vesterbacka, “cha đẻ” của tựa game Angry Birds bắt đầu bài tham luận với câu chuyện lịch sử về AI. Ông cho rằng, trí tuệ nhân tạo AI đã xuất hiện từ lâu. AI đã xuất hiện trong những câu chuyện mang tính tưởng tượng của con người cách đây 150 năm. Trước đó, máy móc cũng được sử dụng khá nhiều. 600 năm qua, máy móc đã hỗ trợ và dần thay thế con người. “Thời gian tới, máy móc và AI sẽ tiếp tục hỗ trợ con người, một mặt tạo ra công việc mới, mặt khác sẽ khiến con người không có việc làm”, ông Peter Vesterbacka chia sẻ.
Tuy nhiên, điều này sẽ tạo ra nhiều cơ hội mới cho các bạn trẻ. Nhiều người lo ngại AI phát triển sẽ gây ra tình trạng thất nghiệp. Nhưng sẽ có nhiều công việc mới nảy sinh, điều quan trọng là cần tăng cường nhận thức cho giới trẻ, đồng thời phải xác định con người là trung tâm là nguồn lực trong quá trình phát triển AI. Con người không cạnh tranh với máy móc mà cần kết hợp với máy móc. Điều chúng ta cần làm là chuẩn bị kỹ năng để tiếp nhận những công việc sẽ có trong tương lai.
Giáo dục đào tạo phải hướng đến AI và trang bị kỹ năng cần thiết cho giới trẻ. Chúng ta cần trang bị kỹ năng cho 5 tỷ người trên thế giới, cần ứng dụng AI và công nghệ, cần có quy trình. Quy trình ở đây chính là hệ thống giáo dục, là yếu tố để nâng cao kỹ năng, trang bị cho giới trẻ kiến thức để họ theo kịp những thay đổi trong tương lai.
Để minh hoạ, ông Peter Vesterbacka đưa ví dụ về hai con của mình, các bé chỉ học nửa ngày, nửa ngày còn lại để chơi, sáng tạo nhưng kết quả đạt được vẫn rất cao. Vì thế, hệ thống giáo dục phải giúp học sinh phát huy sự sáng tạo, là cái nôi thúc đẩy sự sáng tạo nuôi dưỡng sự sáng tạo để đổi mới.
Trong bài phát biểu khai mạc phiên trọng thể Ngày hội Trí tuệ nhân tạo (AI4VN) 16/8, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ đã xây dựng chiến lược quốc gia về công nghiệp 4.0, lấy ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ưu tiên phát triển ngành AI với nhiều nhóm chính sách. Trong đó, nguồn nhân lực được ưu tiên, như đào tạo trong bậc đại học, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng AI, ưu tiên đầu tư thông qua các quỹ, trung tâm đổi mới sáng tạo. |
Với chủ đề “Đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái Trí tuệ nhân tạo”, chương trình AI4VN 2019 diễn ra theo mô hình mở, là nơi kết nối và tụ hội của các thành tố trong cộng đồng AI. Chương trình năm nay bao gồm nhiều hoạt động thuyết trình, thảo luận, workshop, triển lãm, biểu diễn công nghệ… dự kiến thu hút 2.000 người tham dự.
Các bài thuyết trình sẽ mang đến cho cộng đồng nghiên cứu và phát triển AI những xu hướng, báo cáo và hướng đi phát triển AI trong các ngành công nghiệp; bài học kinh nghiệm của các quốc gia trong phát triển hạ tầng kỹ thuật và hàm ý chính sách cho Việt Nam. Ngày hội AI4VN cũng có các hội thảo chuyên đề chia theo từng lĩnh vực như AI trong du lịch, y tế, giáo dục, công nghệ tài chính….
Trên thế giới, theo nghiên cứu mới nhất của hãng tư vấn công nghệ Gartner, ngành công nghiệp AI toàn cầu năm 2018 có sự tăng trưởng đột phá (cao hơn 70%) so với năm 2017, đạt giá trị gần 1,2 nghìn tỷ USD. AI có khả năng trở thành công nghệ mang tính đột phá nhất trong 10 năm tới nhờ có những tiến bộ về công suất tính toán; sự nhảy vọt về khối lượng, tốc độ và sự đa dạng của dữ liệu.
NK
Theo ICT News