Là CEO của We Escape nhưng ít ai biết anh Vương Chí Nhân đã từng là một cậu du học sinh từ bỏ công việc ổn định tại Singapore, tay trắng trở về Việt Nam để đi theo hoài bão của mình.
Vương Chí Nhân là cái tên không còn xa lạ trong cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam. Anh là một trong 5 người đồng sáng lập nên We Escape – trò chơi đội nhóm nhập vai giải đố hay còn gọi là escape room.
Chỉ sau gần 5 năm phát triển, We Escape hiện có 8 chi nhánh với gần 30 phòng chơi tại cả 2 miền Nam và Bắc. Cùng với đó, anh vinh dự lọt top 10 Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc năm 2018.
Dưới đây là câu chuyện khởi nghiệp về loại hình trò chơi giải đố này tại Việt Nam.
Ở độ tuổi 24 khi bạn bè đang chọn con đường ổn định và phát triển, tại sao anh lại chọn con đường trở lại Việt Nam để đi theo con đường khởi nghiệp của mình?
Năm 2013, sau khi tốt nghiệp đại học tại Singapore, tôi được nhận vào làm tại một công ty với mức lương khá ổn định. So với các bạn người Singapore, tôi làm việc khá nhanh. Họ có thể mất cả ngày, còn tôi chỉ mất mấy tiếng. Khoảng thời gian còn lại tôi rất rảnh, không biết đi chơi ở đâu, chỉ nằm nhà nên thấy bản thân vô dụng quá. Lúc đó, máu khởi nghiệp và kinh doanh của tôi lại rất mãnh liệt nên sau khi trải nghiệm Escape Room tại Singapore tôi chợt tự hỏi mình: “Tại sao không đưa loại hình giải trí bổ ích như thế này đến Việt Nam?
Đó cũng là lí do chính khiến tôi muốn đưa trò chơi hiện đại này về Việt Nam. Và theo một cách nhìn khác, Việt Nam tuy là thị trường mới dù khó khăn nhưng đây cũng sẽ là cơ hội và là mảnh đất màu mỡ để tôi phát triển ước mơ và hoài bão của mình.
Quyết định của anh có ảnh hưởng từ bố mẹ hay một người thân nào đó trong gia đình?
Không, bố mẹ tôi đều là cán bộ công chức nhà nước và muốn con của mình theo con đường ổn định. Thời gian đầu khi quay lại Việt Nam, gia đình tôi hoàn toàn phản đối vì bố mẹ tôi sợ tôi khổ và sợ con của mình thất bại. Bởi lúc ở Singapore, tôi chỉ là một nhân viên kế toán và việc kinh doanh hầu như tôi không có kinh nghiệm bắt buộc phải tìm tòi và phải học lại từ đầu.
Thế nhưng bản thân là một người thích khám phá những điều mới mẻ nên tôi muốn làm điều gì đó khác biệt. Tôi biết định hướng của mình và chấp nhận cho dù kết quả có như thế nào. Giờ nhìn lại tôi thấy mình lì thật!
Trong quá trình xây dựng và phát triển We Escape, anh có thể chia sẻ một câu chuyện của bản thân mà anh nhớ nhất?
Năm 2018, căn phòng Nhà Xác là một căn phòng theo dạng giải đố nhưng thiên về trải nghiệm không gian kinh dị được ra mắt sau căn phòng Mất tích – một cơn sốt khi đó tại Hà Nội. Nhưng vì quá đầu tư vào câu đố cũng như mong muốn khán giả có được những trải nghiệm hơn những trải nghiệm ban đầu mà căn phòng trở nên quá khó khiến khách hàng không có được các điều mà chúng tôi mong muốn.
Gần 2 tháng đi vào hoạt động, 2 tháng lên ý tưởng và xây dựng phòng chơi, tôi phải đưa ra một quyết định khá khó khăn là tạm ngừng hoạt động căn phòng này để đầu tư và xây lại với nội dung hoàn toàn mới. Với chi phí lên đến gần 500 triệu cho một lần thay đổi nhưng tôi phải chấp nhận sau khi lắng nghe phản hồi từ khách hàng.
Đó là câu chuyện và cũng là bài học đầu tiên mà tôi nhớ nhất để lấy làm kinh nghiệm cho những căn phòng sau này ra đời.
Anh đã từng nghĩ mình sẽ từ bỏ trong những lúc gặp khó khăn như thế không?
Thật sự nói “Không” là đang nói xạo. Có nhiều lúc tôi rất nản. Tuy nhiên, We Escape là “đứa con” tôi đã tạo ra cùng với hoài bão xây dựng địa điểm giải trí cho người Việt nên tôi phải mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa để phát triển nó.
Không chỉ thế, đây còn là gia đình thứ 2 của tôi. Nhìn lại bạn bè và đồng nghiệp luôn bên cạnh nên điều đó càng làm tôi không thể yếu đuối được. Sai chỗ nào thì mình làm lại chỗ đó, không ngại học hỏi và cố gắng để phát triển hơn nữa.
Anh có lo ngại gì khi tương lai các doanh nghiệp khác tạm gọi là “đối thủ” từ nước ngoài về Việt Nam?
Tôi không thấy lo ngại vì điều đó. Tự nhận thấy bản thân tạo nên sự khác biệt đó là các phòng chơi của tôi hoàn toàn được làm từ người Việt. Tạm gọi: “Người Việt sử dụng hàng Việt” nên tôi khá tự tin vào sản phẩm của mình có thể dễ dàng đến được với người chơi hơn các “đối thủ” khác.
Không những thế, tôi luôn lắng nghe ý kiến từ khách hàng và quan sát xu hướng giải trí của giới trẻ để thay đổi mình tốt hơn nên hầu như tôi chưa từng có suy nghĩ lo ngại gì cả. Thêm “đối thủ” thì mình lại có thêm cơ hội cọ xát và học hỏi.
Mục tiêu xây dựng We Escape sắp tới của anh là gì?
Sau gần 5 năm phát triển, bước đầu tôi và các bạn co-founder đã tạo nên một sân chơi giải trí lành mạnh cho giới trẻ với gần 10 chi nhánh và 30 phòng chơi cả 2 miền Bắc và Nam. Nhưng chúng tôi không muốn dừng lại ở đó, mục tiêu của chúng tôi là phát triển ở các tỉnh khác và thêm nhiều phòng chơi với châm ngôn “Giải trí kết hợp giáo dục”. Luôn đầu tư hơn nữa từ nội dung và câu đố đa dạng hơn để trải nghiệm của khách hàng luôn được đổi mới trong tương lai sắp tới.
Anh có thể chia sẻ một số lời khuyên đến các bạn trẻ đang có ý muốn khởi nghiệp tương lai?
Từ một cậu học trò tay trắng để khởi nghiệp, cùng kinh nghiệm của mình tôi nghĩ các bạn có ý muốn khởi nghiệp trong tương lai luôn cần có định hướng rõ ràng. Biết mình đang và sẽ làm gì vì có thể bạn sẽ không có đường để quay lại đâu. Đặc biệt là cần có máu “liều” và chấp nhận thất bại. Kèm thêm một chút may mắn trên con đường khởi nghiệp thì tôi tin các bạn sẽ làm được.
Theo DĐDN