Giảm bớt cái tôi để lắng nghe nhiều hơn và thấu hiểu là cách mà Vũ Thị Thái An trưởng thành và phát triển cùng startup công nghệ du lịch Tubudd do cô đồng sáng lập trong suốt hơn 5 năm qua.
Từ CEO về làm ‘tập sự’
Nhiều tháng trước, Vũ Thị Thái An, đồng sáng lập của startup công nghệ du lịch Tubudd tuyển cho mình một người trợ lý vì khối lượng công việc quá lớn.
Một trong những nhiệm vụ mà cô giao cho trợ lý là thay CEO quan tâm đến các nhân sự khác trong công ty vì cô không có đủ thời gian và sức lực để trực tiếp làm điều đó.
Với An, chăm sóc người khác không phải là việc ưu tiên lúc bấy giờ. Ngôn ngữ tình yêu của cô với những người xung quanh là mua đồ ăn, mua hoa, mua quà gửi tặng thay vì lắng nghe, trò chuyện, nhắn tin gọi điện hỏi han.
Cách đây không lâu, cô cho nhân sự đánh giá CEO và nhận được những phản hồi rất tích cực về cách cô điều hành và phát triển công ty. Cô tiếp tục hỏi mọi người về một điều mà họ muốn CEO thay đổi. Phần lớn câu trả lời nhận về là muốn cô quan tâm họ nhiều hơn.
“Câu trả lời đó như một cú tát đối với chính tôi và khiến tôi giật mình bởi lẽ nhân sự không hề cảm nhận được sự quan tâm của người lãnh đạo”, Thái An chia sẻ.
Nhớ lại câu nói của cựu Tổng thống Mỹ Theodore Roosevelt “People don’t care how much you know until they know how much you care” (tạm dịch: Người ta sẽ không quan tâm bạn biết được bao nhiêu cho đến khi họ biết bạn quan tâm đến mức nào), cô xác định phải thay đổi.
“Tôi nói trợ lý không cần làm nhiệm vụ đó nữa vì đó là công việc của tôi”, Thái An kể lại.
Cô dành nhiều thời gian hơn để nói chuyện cùng nhân sự trong tổ chức. Thay vì nhắn trợ lý mua trà sữa cho nhân viên, cô ngồi uống trà sữa cùng mọi người bởi cô nhận ra rằng việc chia sẻ câu chuyện và niềm vui cùng nhân sự mới là thứ mang lại giá trị chứ không phải là vật chất.
Cứ mỗi thứ Sáu thứ hai của tháng, cả công ty sẽ đi ăn cùng nhau. Mỗi sáng thứ Sáu hàng tuần, Tubudd tổ chức các buổi workshop, nơi người lãnh đạo sẽ chia sẻ, đào tạo về tư duy và kỹ năng cho đội ngũ, nơi mà các thành viên trong tổ chức học hỏi lẫn nhau. Thái An hiện diện và tham gia tích cực ở hầu hết cuộc gặp thay vì chỉ tạo môi trường cho nhân sự tham gia.
Ngày trước, cô cho rằng mình đã tạo được công cụ và nền tảng cho các buddy (tạm dịch: người bạn bản địa), họ tham gia sẽ có tiền còn không thì thôi, cô chẳng quan tâm. Thái An thừa nhận, đó là một sự ngạo mạn lớn vô cùng.
Giờ đây, khi Tubudd đã phát triển mạnh mẽ sau 5 năm, ký được những thương vụ đầu tư với các quỹ lớn trong nước và quốc tế, cũng là lúc An xác định phải trưởng thành hơn, phải thay đổi. Thay vì chỉ quan tâm đến việc gia tăng số lượng buddy trên nền tảng, thứ cô đặt tâm vào là số tiền mà mỗi người trên đó có thể kiếm được. Thay vì con số 3.000 buddy, cô chỉ cần 200 người mà gần như tháng nào cũng có khách thuê.
“Tôi cảm thấy cần phải xoay đổi hệ quy chiếu sang một hướng khác để các bạn ở lại lâu hơn”, CEO Tubudd nói.
Ngày xưa, Thái An nghĩ rằng CEO không cần là người trực tiếp đi gặp gỡ bên ngoài để tuyển dụng. Giờ đây, cô nhận ra rằng mình “quá nhầm”. Cô đến tận nơi để gặp từng người, xông pha hơn. Liên tục tìm trả lời cho câu hỏi ‘làm sao để làm tốt hơn, lớn nhanh hơn và tạo ra giá trị nhiều hơn’, cô học cách lắng nghe và chia sẻ.
“Tôi nhận ra mình vẫn còn là một tập sự trong lĩnh vực quan tâm người khác”, CEO Tubudd nói.
Bớt ngạo mạn để lắng nghe nhiều hơn
Những thay đổi chỉ mới diễn ra sau một thời gian ngắn, trên thực tế, lại là kết quả của một hành trình kéo dài hơn 10 năm của một cô gái trẻ đầy nhiệt huyết, năng lượng và cá tính để trưởng thành và giảm bớt cái tôi cũng như sự ngạo mạn của chính mình.
“Ngày xưa mọi người hay nói rằng tôi ương bướng, cá tính. Tôi nghĩ nó là hay nên tôi bịt hai tai lại mà không chịu lắng nghe”, Thái An kể lại.
Điều đó cũng dễ hiểu bởi lẽ với tài năng và sự nỗ lực của mình, cô đã sớm có được những thành công nhất định. Trước khi sang Anh du học, cô đã từng có mức thu nhập 50 – 60 triệu đồng mỗi tháng từ việc làm truyền thông cho các công ty lớn lúc chỉ mới tốt nghiệp đại học. Làm việc ở Anh, cô cũng nhanh chóng thăng tiến từ một nhân viên cấp thấp cho đến vị trí quản lý phát triển kinh doanh.
“Sự ngạo mạn nằm ở chỗ tôi nghĩ mình đã làm mọi thứ và biết hết tất cả mọi thứ. Với nguồn năng lượng lớn vô cùng, tôi cảm giác như mình đang chinh phạt thế giới”, Thái An chia sẻ.
Tư duy đó được cô mang theo cả khi bắt đầu hành trình khởi nghiệp từ tháng 7/2017. Cô cãi nhem nhẻm các mentor (cố vấn) vì sự tự tin thái quá của chính mình. Vị “cá mập” nọ mà cô chẳng buồn nhớ tên từng khuyên cô giảm bớt sự tự tin của mình nhưng cô liền đáp trả với tư duy “phải đẩy mạnh trao quyền cho phái nữ, phải để họ khẳng định tiếng nói của mình”.
“Với tôi lúc đó, Tubudd là một ý tưởng rất hay. Những người nào nói Tubudd cần thay đổi là tôi gạt phăng. Các nhà đầu tư nói về cách đầu tư, cách vận hành, về giá trị cốt lõi và sứ mệnh nhưng tôi phủ nhận hết vì lúc đó tôi không cần giá trị cốt lõi hay sứ mệnh”, An kể lại.
Qua thời gian làm khởi nghiệp về du lịch, đi nhiều, gặp nhiều, mở mang trí tuệ giúp cô nhận ra rằng nếu bịt tai lại, nếu không biết lắng nghe mà cứ cho rằng mình đã biết hết mọi thứ thì chẳng khác nào suốt ngày đâm đầu vào tường mà không có lối thoát.
Câu nói của cựu tổng thống Mỹ lại văng vẳng trong đầu cô như một cú tát khiến cô tỉnh ngộ. Thái An xác định phải thay đổi, phải lắng nghe nhiều hơn nếu muốn phát triển.
Lắng nghe để “bắt sóng”
Sự thay đổi đó trong cách tư duy đã giúp đồng sáng lập Tubudd bén duyên với các quỹ đầu tư có tên tuổi, bao gồm VSV trước đây và sau này là TheVentures (Hàn Quốc).
“Tôi nghĩ việc mình đang làm là hệ quả quyết định thay đổi đã đưa ra cách đây 5 năm. Nếu trong 4 năm qua không nhận được sự hỗ trợ từ VSV, không lắng nghe các chuyên gia của VSV thì sẽ không thể trưởng thành, đứng vững qua những khó khăn để rồi có cơ duyên gặp được TheVentures”, CEO Tubudd nói.
Nhà đầu tư Hàn Quốc vào Việt Nam lần đầu tiên vào giữa năm nay với một nguồn lực tài chính rất mạnh và muốn đầu tư vào một startup về công nghệ du lịch để bổ sung cho chuỗi giá trị của họ. Ở thời điểm hậu Covid-19, Tubudd là cái tên startup về công nghệ du lịch duy nhất còn sót lại mà chưa có ông lớn nào đứng sau. Hơn thế nữa, dự án về quản lý con người mà Tubudd đang làm là thứ mà các startup công nghệ du lịch khác ngại nhúng tay vào.
Định hướng của Tubudd trong thời gian tới là chuyên môn hoá các buddy để họ có thể trở thành chuyên gia trong ngành và tiêu chuẩn hoá thị trường dành cho “nghề buddy”, không chỉ trong lĩnh vực du lịch mà trong các lĩnh vực khác nhau. Thay vì chạy số, các nhà sáng lập Tubudd muốn tập trung vào giá trị.
“Dù vạch ra con đường và cho tôi chạm đến bài toán lớn hơn mà Tubudd chưa bao giờ chạm đến nhưng họ không can thiệp vào quyết định của nhà sáng lập vì họ nhìn thấy các nỗ lực của chúng tôi trong suốt 2 năm Covid”, Thái An chia sẻ.
TheVentures phù hợp với Tubudd với một triết lý mà cô rất thích là “founders backing founders” (tạm dịch: nhà sáng lập hỗ trợ nhà sáng lập). Quỹ được xây nên bởi những người sáng lập của các startup đã thành công ở thung lũng Silicon (Mỹ) với mong muốn hỗ trợ các nhà sáng lập startup và lan tỏa tinh thần này đến những người được họ đầu tư.
Họ cần tìm một nhà sáng lập đam mê với startup nhưng cũng phải đủ đam mê với cộng đồng để sẵn sàng dang tay giúp đỡ các thế hệ khởi nghiệp sau này.
Hỏi về sự khác biệt lớn nhất của Vũ Thị Thái An của bây giờ và nhiều năm trước, CEO Tubudd cho rằng mình đã trưởng thành hơn rất nhiều. Vẫn nguồn năng lượng và sự sung sức đó, nhưng sự ngạo mạn đã được thay thế bởi sự tự tin, đi cùng tinh thần luôn lắng nghe, học hỏi mọi lúc mọi nơi và sẵn sàng chia sẻ, trao truyền giá trị.
Theo Theleader.vn