Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

CEO Trusting Social Nguyễn An Nguyên: Đón sóng dữ liệu lớn

Khi mọi dữ liệu đều có thể trở thành điểm tín dụng, TrustingSocial đón sóng, trở thành mắt xích quan trọng cung cấp giải pháp tài chính toàn diện cho người dân ở các nước đông dân và đang phát triển. Thị trường có những ngọn sóng tiếp theo buộc công ty phải vượt qua.

SAU BỐN NĂM HOẠT ĐỘNG TẠI THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM, TS.Nguyễn An Nguyên, sáng lập và CEO công ty TrustingSocial nhận thấy tại thị trường Việt Nam, trên 30% khách hàng của ngân hàng và tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vay dựa trên điểm tín dụng (credit score) mà công ty ông cung cấp đã dùng khoản tiền đó để kinh doanh.  Họ vốn là những người không được ngân hàng truyền thống phục vụ vì “dưới chuẩn” tín dụng khi không có tài sản đảm bảo hoặc thu nhập cố định

TrustingSocial là công ty thuộc nhóm nổi bật đang khai thác ưu thế từ dữ liệu lớn và học máy, nhằm hỗ trợ cải thiện khả năng tiếp cận tài chính cho những người chưa có lịch sử tín dụng. Sau các vòng gọi vốn tổng cộng hơn 25 triệu USD từ các nhà đầu tư như Kima Ventures, Sequoia Capital, 500 Startups và BeeNext, ông Nguyên cho biết công ty hiện đã hợp tác với các nhà mạng có tổng số thuê bao khoảng 500 triệu người tại thị trường Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia. Con số này bằng một nửa mục tiêu đầy tham vọng tính tới năm 2020 mà ông và các cộng sự đặt ra khi thành lập công ty cách nay sáu năm.

TS.Nguyễn An Nguyên, sáng lập và CEO TrustingSocial.

Nhà sáng lập TrustingSocial cho biết họ sẽ thâm nhập Philippines và Bangladesh vào năm 2020, sau đó sẽ tiến tới thị trường châu Phi và Mỹ Latinh. Những điểm chung tại các thị trường này? Trên 100 triệu dân, độ phổ biến điện thoại cao và khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính cơ bản thấp. 

Ngành chấm điểm tín dụng bùng nổ gần đây với hướng tiếp cận “mọi dữ liệu là dữ liệu tín dụng.” Các công ty chấm điểm kết hợp từ thông tin tín dụng truyền thống, với hàng ngàn điểm dữ liệu “đào” từ các hoạt động “offline” và online. Phân tích dữ liệu lớn (big data) từ những lĩnh vực tưởng chừng như không liên quan tới giá trị tín dụng có thể giúp đánh giá rủi ro tín dụng và dự báo nhu cầu khách hàng để mở rộng thị trường và tăng hiệu quả kinh doanh cho các ngân hàng và tổ chức tín dụng.

Với mô hình hoạt động dựa trên phân tích hàng trăm ngàn điểm dữ liệu thay thế (alternative data) không thuộc phạm trù nhân khẩu học, mà là các dữ liệu hành vi đến từ việc sử dụng điện thoại di động, hóa đơn điện, nước, vị trí thường lui tới, nhịp sinh hoạt, lịch sử thanh toán, mua hàng trên Internet.

Chẳng hạn, thời điểm bạn mua thẻ cào điện thoại, thời gian sử dụng hết dung lượng cũng trở thành một điểm tính toán ảnh hưởng tới điểm tín dụng. Sát sườn hơn, mạng lưới bạn bè, các tương tác trên mạng xã hội như thả tim hay ấn nút “like” bạn bè cũng có thể biến thành những chỉ số được phân tích. 

“PHÂN KHÚC NGƯỜI VAY TIỀN ĐỂ KINH DOANH, TẠO VIỆC LÀM LÀ RẤT LỚN,” ông Nguyên nói với Forbes Việt Nam  tại văn phòng TrustingSocial ở quận 1, TP.HCM. Trụ sở chính ở Việt Nam là một trong 11 văn phòng trên thế giới hiện nay của TrustingSocial. “Tiếc là khung chính sách và sản phẩm của ngân hàng không phân biệt được điều đó, tức là không phân biệt được người vay 30 triệu đồng để sửa bếp với người vay 30 triệu để mua xe máy chạy Grab nhằm thay đổi cuộc sống của họ và gia đình.” 

Tại Việt Nam đến nay, ông Nguyên cho biết đến nay có khoảng 10 triệu khách hàng tín dụng cá nhân được chấm điểm bởi TrustingSocial. Riêng năm 2018 là khoảng sáu triệu khoản vay trên tổng số thị trường có khoảng 15-18 triệu khoản vay/năm. Đối tác của TrustingSocial là các nhà mạng, các ngân hàng và các tổ chức tín dụng.

Bên cạnh số người vay với mục đích thay đổi cuộc sống theo hướng tích cực (như kinh doanh, học tập để phát triển kiến thức, mua công cụ lao động), tại Việt Nam, ước tính số người có nhu cầu vay tiêu dùng chiếm khoảng 30% dân số, tức khoảng 27 triệu người có độ tuổi từ 22 – 55 với thu nhập trung bình từ khoảng 6 – 17 triệu đồng/tháng. Họ có nhu cầu vay tín chấp, trả góp để mua các đồ dùng gia đình như xe máy, tủ lạnh, TV, điện thoại.

Tuy nhiên, nếu không nhận được điểm tín dụng từ các công ty như TrustingSocial cung cấp, bên vay sẽ không thể ra quyết định cho vay nhanh chóng và hạn chế rủi ro. Điều này hạn chế các tổ chức tín dụng tiếp cận các tập khách hàng mới trên quy mô lớn như kỳ vọng.

“Doanh nghiệp của tôi sinh ra với ‘mẹ’ là trí tuệ nhân tạo (AI) và ‘bố’ là dữ liệu lớn (big data). Khi kết hợp mô hình như vậy chúng tôi có thể tạo được những sản phẩm có ảnh hưởng rất lớn mà ngay chúng tôi khi thành lập cũng không mơ được,” nhà sáng lập 42 tuổi, tốt nghiệp tiến sĩ chuyên ngành Kinh tế lượng (Econometrics) và Lý thuyết trò chơi (Game Theory) từ ĐH Rice (Hoa Kỳ) cho biết.

Ông Nguyên có sáu năm là chuyên viên của nhóm nghiên cứu và phát triển các mô hình phân tích rủi ro tín dụng, rủi ro gian lận, khả năng thu hồi vốn cho phân khúc bán lẻ của ngân hàng Barclay’s tại New York. Kinh nghiệm làm việc tại thị trường châu Phi cho ông thấy nhu cầu lớn từ người dân ở các thị trường đông nhưng họ không thể tiếp cận các dịch vụ tài chính cơ bản.

Vào những năm 2007, khi Internet và mạng viễn thông phát triển, dữ liệu người dùng dần trở nên dồi dào, ông gợi ý Barclay’s dùng nguồn dữ liệu đó để bổ sung vào đánh giá tín dụng cho cả doanh nghiệp vừa và nhỏ, và người tiêu dùng. Tuy nhiên, chứng kiến những hạn chế hoạt động của hệ thống ngân hàng truyền thống trong việc quy mô hóa mô hình để có thể tạo nên cuộc cách mạng phổ cập dịch vụ tài chính cơ bản cho những người chưa có lịch sử tín dụng trên toàn thế giới, ông Nguyên quyết định nghỉ việc và thành lập TrustingSocial, mở văn phòng tại thung lũng Silicon (Mỹ).

Không tìm ra sản phẩm phù hợp với thị trường Mỹ, sau một thời gian thăm dò thị trường Anh và Malaysia, ông mở văn phòng ở Việt Nam năm 2015. Hai nhân viên đầu tiên đều đoạt giải nhất kỳ thi tin học quốc gia, dự thi giải toán sinh viên châu Á. 

Tự đầu tư trong 2 năm đầu, đến tháng 3.2015, TrustingSocial gọi được khoản vốn ươm mầm 150.000 từ Kima Ventures.

SỐ LƯỢNG NGƯỜI CÓ NHU CẦU NHƯNG KHÔNG TIẾP CẬN ĐƯỢC với dịch vụ của ngân hàng ở các nước đang phát triển là rất lớn. Theo ngân hàng Thế giới, năm 2017, có khoảng 1,7 tỉ người trưởng thành không được tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng (năm 2014 là hai tỉ người). Việc không tiếp cận được với dịch vụ tài chính cơ bản tạo ra những rào cản lớn khiến người dân không có điều kiện để thoát nghèo, do các cá nhân hay doanh nghiệp không thể vay tiền để kinh doanh.

Trong lĩnh vực mới mẻ này, các nhà băng với tư duy và cách tiếp cận truyền thống khó có thể cạnh tranh được với các công ty công nghệ tiếp cận thị trường với thế mạnh về công nghệ và tư duy rộng mở. Phân khúc khách hàng của TrustingSocial hiện nay tập trung vào phổ cập tài chính cho những người muốn vay trung bình 20 đến 100 triệu đồng, với thời hạn trung bình là hai năm.

Doanh thu của TrustingSocial đến từ phí chấm điểm tín dụng theo yêu cầu từ bên cho vay, giới thiệu khách hàng phù hợp cho bên cho vay, và khai thác dữ liệu với các nhà mạng. Không chia sẻ cụ thể về số liệu tài chính, ông Nguyên cho biết họ đã có dòng tiền dương tại Việt Nam từ cách nay ba năm, mới có lãi tại Indonesia còn thị trường Ấn Độ vẫn đang “màu đỏ.” Mô hình chấm điểm tín dụng đòi hỏi đạt tới quy mô đủ lớn trên thị trường để có thể tạo ra lợi nhuận.

TRONG KHI ẢNH HƯỞNG CỦA TRÍ TUỆ NHÂN TẠO (AI) với ngành ngân hàng được dự báo sẽ rõ ràng nhất trong vòng 7 – 10 năm tới, bảo vệ quyền riêng tư của người dùng đang được xem là mối lo ngại lớn. Ông  Nguyên cho biết họ tuân thủ Quy định bảo vệ dữ liệu chung (GDPR) 2016/679, là quy định của luật Liên minh châu Âu về bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư cho tất cả các cá nhân trong Liên minh châu Âu.

Theo đó, các quy trình kinh doanh liên quan tới dữ liệu cá nhân phải được thiết kế và xây dựng dựa trên những nguyên tắc bảo vệ dữ liệu, và cung cấp các giải pháp để bảo vệ (ví dụ, sử dụng bí danh hoặc ẩn danh hoàn toàn), cũng như thiết lập mặc định chế độ riêng tư cao nhất. Tại Việt Nam, theo ông Nguyên, đang thiếu khung pháp lý để nguồn bí danh hoặc ẩn danh hoàn toàn để các công ty AI có thể dùng làm dữ liệu, để tạo ra môi trường nghiên cứu tự do đóng góp cho xã hội.

Trong khi các quốc gia phát triển đều có nền tảng dữ liệu định danh số, tại một số quốc gia đang phát triển đã bắt đầu có và tác động lớn tới quá trình phổ biến dịch vụ tài chính. Trong đó, nổi bật là sáng kiến Aadhaar e-KYC (quá trình xác định danh tính điện tử của khách hàng) tại Ấn Độ của Cơ quan Định danh Duy nhất thuộc Chính phủ Ấn Độ.

Đây chính là nền tảng để các dịch vụ tài chính toàn diện được phát triển nhanh hơn và hiệu quả hơn. “Chi phí để vay cho người dân ở những nơi chưa có e-KYC đang rất đắt, một phần do chưa có e-KYC. Để tạo ra hạ tầng e-KYC này không đắt, nhưng đó là việc mà chính phủ kiến tạo cần làm, vì thiếu hạ tầng này sẽ tạo ra giới hạn vô cùng to lớn,” ông Nguyên nhận định.

Hoạt động trong bối cảnh các nền tảng xã hội đang tăng sự kiểm soát và hạn chế chia sẻ dữ liệu người dùng, TrustingSocial cạnh tranh với các công ty xếp hạng tín dụng lớn, có kinh nghiệm ở các thị trường khác nhau (Một vài cái tên: FICO XD, VantageScore, Experian, TransUnion, CredoLab,  JuanCredit, Lenddo, Tala…) 

Tất cả đều đang chạy đua để tìm kiếm mô hình đánh giá tối ưu. Đã xuất hiện những hành vi giả mạo hành vi mà máy móc chưa phát hiện được và có thể dẫn tới  phân tích sai. Thách thức lớn nhất với mô hình của TrustingSocial là khả năng tiếp nhận và hiểu dịch vụ mà họ cung cấp của các bên cho vay.

“Quyết định cho vay nhanh chóng với người chưa có lịch sử tín dụng là một bước nhảy vọt về nhận thức và niềm tin của ngành ngân hàng,” ông Nguyên nói. Ngoài ra, sau khi hợp tác khai thác dữ liệu với các công ty đánh giá tín dụng để đa dạng hóa nguồn doanh thu, giờ đây các nhà mạng đã bắt đầu tự phát triển hệ thống đánh giá điểm tín dụng và chào bán các sản phẩm tương tự như các công ty chấm điểm tín dụng.

Song song với đó là các hệ thống chấm điểm nội bộ của ngân hàng, cơ quan đánh giá tín dụng quốc gia, và bản thân mỗi công ty tiếp cận các nguồn dữ liệu cũng tìm cách phân tích dữ liệu hướng tới sản phẩm cho vay tài chính tiêu dùng, trong đó có sự nổi lên của các siêu ứng dụng.  “Sản phẩm của chúng tôi giống như bán một quả cà chua. Sẽ có người ăn ngay và có người dùng để chế biến ra món phù hợp,” ông Nguyên nhìn nhận về sự cạnh tranh. “Nơi nào cung cấp dịch vụ để giúp cho việc kinh doanh của khách hàng hiệu quả nhất thì sẽ tồn tại.”

Công ty có 250 người làm việc tại 11 văn phòng trên thế giới, trong đó có 23 tiến sĩ. Giữ đa số cổ phần tại TrustingSocial, TS.Nguyễn An Nguyên, người từng học chuyên văn cấp 3 tại trường Amsterdam (Hà Nội), học thẳng từ đại học lên tiến sỹ cho biết ông  đã thuyết phục được các cộng sự, vốn là những nhà quản trị  tại các công ty đa quốc gia về TrustingSocial là nhờ niềm tin vào sứ mệnh tạo thay đổi xã hội.

Huỳnh Ngọc Tuyên là nhà khoa học chính, với bằng tiến sĩ về khoa học máy tính chuyên ngành máy học tại ĐH Texas (Austin). Các lãnh đạo trong các mảng khác đều là những người có nhiều kinh nghiệm làm việc trong các  lĩnh vực ngân hàng đầu tư và PE, phân tích rủi ro và viễn thông tại các tập đoàn quốc tế.

“Trusting Social là một doanh nghiệp được thúc đẩy bởi một sứ mệnh rõ ràng. Chấm điểm tín dụng thành công cho một tỉ người mới chỉ là bước đầu. Việc đưa dịch vụ tài chính đến cho một tỉ người đó đòi hỏi rất nhiều việc tiếp theo,” ông Nguyên nói.

Theo Forbes Vietnam