Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

CEO SAP Việt Nam: ‘Người trẻ không sợ công nghệ, họ chỉ sợ sự thay đổi’

Yếu tố con người là một trong ba trụ cột chính giúp thúc đẩy sự thành công của Việt Nam trong kỷ nguyên số.

Bà Josephin Galla, Tổng giám đốc SAP Việt Nam

Bên cạnh chính sách và hạ tầng thì nguồn nhân lực đã được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh là yếu tố quan trọng trong chiến lược quốc gia về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. 

Nhiệm vụ chính là phát triển nguồn nhân lực đủ về số lượng và chất lượng để thực hiện các hoạt động chuyển đổi, nâng cấp công nghệ và nghiên cứu phát triển các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ mới.

Tuy nhiên có thể thấy cuộc cách mạng 4.0 không phải là câu chuyện của riêng ai, và đặc biệt, không phải là chuyện riêng của những nhân sự trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Tất cả mọi người trong xã hội đều là chủ thể của cuộc cách mạng này . 

Thế nhưng có thể thấy một thực trạng hiện nay là không ít người trẻ đang đối mặt với nỗi sợ công nghệ. Với tư cách là người tiêu dùng, là khách hàng, cuộc sống của họ tốt hơn rất nhiều, trải nghiệm của họ với sản phẩm, dịch vụ cũng tốt hơn nhờ công nghệ. 

Nhưng với tư cách là người lao động làm việc tại các doanh nghiệp đang trên đà thực hiện công cuộc số hoá, họ dường như bị hẫng, phải gồng mình thích ứng, và rồi dần hình thành trong mình một nỗi sợ. 

Bà Rachel Barger, Giám đốc điều hành SAP châu Á – Thái Bình Dương nhìn nhận, vấn đề này đã được nhiều doanh nghiệp nhận ra. Đây không chỉ là vấn đề của giới trẻ mà còn là vấn đề của cả những người trung tuổi, lớn tuổi. 

Tổng giám đốc SAP Việt Nam Josephin Galla, trong một cuộc trao đổi với TheLEADER đã chỉ ra rằng, không phải ai cũng ghét và sợ công nghệ, trên thực tế, họ ghét sự thay đổi. 

“Ngày nay, các em bé nhỏ tuổi cũng sử dụng điện thoại thông minh, máy tính bảng một cách rất thành thạo. Mới đây thôi, một bé gái sáu tuổi còn giải thích cho tôi cách dùng Ipad”, bà Josephin kể lại. 

Vấn đề ở đây, theo nữ lãnh đạo SAP Việt Nam, là làm thế nào để hỗ trợ cho mọi người sử dụng công nghệ một cách thoải mái nhất. Chẳng hạn như trò chơi hóa (gamify) việc sử dụng công nghệ phức tạp để giải quyết các vấn đề đời thường. 

Nếu nghĩ rằng công nghệ vị công nghệ thì sẽ không có ý nghĩa, nhưng nếu giới trẻ được hướng dẫn cách dùng công nghệ để giải quyết một vấn đề cụ thể, lúc đó con người có mục tiêu và công nghệ sẽ trở thành công cụ. Như vậy, việc sử dụng công nghệ sẽ trở nên thoải mái hơn. 

Ngoài ra bà Josephin cho rằng, cần tìm cách để công nghệ là một thứ dễ sử dụng, không quá phức tạp với những giao diện lằng nhằng khiến người dùng không thể hình dung. Nếu có thể làm được điều đó, không chỉ người trẻ mà tất cả công dân trong thời đại số hoá sẽ đón nhận và ứng dụng công nghệ một cách rộng rãi hơn.

Bà Rachel Barger cũng nhìn nhận, sẽ có rất nhiều loại công nghệ và kỹ năng con người phải sử dụng trong môi trường làm việc tương lai, chẳng hạn như kỹ năng phân tích dữ liệu, kỹ năng đồng cảm với người khác, kỹ năng phân tích dữ liệu lớn (Big Data). Đây là những kỹ năng giới trẻ cần được trang bị. 

“Ngày nay, chúng ta đã có rất nhiều mức độ sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp, nhưng cái mà chúng ta cần nghĩ đến là làm thế nào để trang bị cho giới trẻ Việt Nam những kiến thức và năng lực để giải quyết được các vấn đề sẽ xuất hiện trong 10 năm tới mà hiện nay chúng ta chưa thể nhìn thấy”, bà Josephin nói.

Bản thân bà Rachel là thành viên trong ban chuyển đổi số của G-20Y là Chương trình phát triển lãnh đạo điều hành uy tín. Nhóm làm việc của bà đã phân tích và thấy rằng, mặc dù bộ não con người không thể phân tích khối lượng dữ liệu khổng lồ như robot, song có thể tổ chức bộ não/tư duy để nhận thức những khía cạnh con người trong các bộ dữ liệu. 

Ví dụ như nhận thức được tình cảm, mong muốn và cảm xúc để đưa ra những dự báo cho các hoạt động tiếp theo. Chính vì vậy, việc đưa khía cạnh con người (human aspect) vào giảng dạy ở các trường sẽ là một vấn đề quan trọng trong việc phát triển con người.

Không chỉ vậy, bà Rachel cho rằng Chính phủ Việt Nam đã đề cập rất nhiều đến việc tập trung đào tạo các môn toán và khoa học cơ bản. Đó là tiềm năng rất lớn trong việc xuất khẩu chất xám vì sau nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong khu vực châu Á –Thái Bình Dương, bà Rachel nhận thấy các doanh nghiệp thường xuyên tìm kiếm nguồn nhân lực chất lượng cao, có những kỹ năng và thông minh.

Lãnh đạo của SAP nhìn nhận, với dân số trẻ, tốc độ tăng trưởng cao và vị trí địa lý lý tưởng, ở ngay trung tâm các nền kinh tế tăng trưởng cao tại châu Á, Việt Nam đang dần khẳng định vị trí của mình trong nền kinh tế số.

Với trụ cột về con người, SAP đã phối hợp với Quỹ ASEAN tổ chức cuộc thi “Khám phá khoa học số ASEAN” với mục đích đẩy mạnh cá hoạt động của sinh viên đại học trong khối ASEAN. Kể từ khi thành lập vào năm 2017, SAP đã hỗ trợ đào tạo gần 1.000 giảng viên và 9.000 sinh viên từ 230 trường đại học và cao đẳng trong khu vực với các kỹ năng phân tích dữ liệu trên nền tảng SAP Analytics Cloud. 

Chương trình Liên minh Đại học SAP UAP đã giới thiệu các công nghệ tiên tiến tới 1,7 triệu sinh viên tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Tại Việt Nam, SAP đã đào tạo 1.360 sinh viên tại sáu trường đại học về công nghệ SAP và doanh nghiệp này cũng đang nỗ lực mở rộng mạng lưới này.

Theo The Leader