“Khởi nguồn khát vọng đến từ ‘nỗi đau và niềm vui sướng’, hai cảm xúc này đều mãnh liệt và thôi thúc tôi biến khát vọng thành sứ mệnh cuộc đời: Phải mang văn hoá ẩm thực Việt ra Thế giới”.
“Đau vì khi thời gian làm việc tại nước ngoài liên tục bị gọi nhầm là người Trung Quốc, vui sướng vì phát hiện ẩm thực Việt chính là niềm tự hào của Quốc Gia. Sẽ là “đại dương xanh” nếu nâng tầm văn hoá ẩm thực Việt Nam ra thế giới”.
Đó là những chia sẻ của CEO Nguyễn Mai – người sáng lập kiêm Tổng Giám đốc điều hành Công ty CP Thương mại dịch vụ BaoBab.
– Tại sao bà lại chọn sứ mệnh là người nâng tầm văn hóa ẩm thực ra Việt ra thế giới?
Sứ mệnh này bắt nguồn từ sự trải nghiệm hòa quyện giữa 2 cảm xúc đó là “nỗi đau và niềm vui sướng”.
Tôi nói về nỗi đau trước nhé. Hơn 10 năm về trước, khi quyết định ra nước ngoài lập nghiệp, ngay tại sân bay, nơi làm thủ tục nhập cảnh đầu tiên, người nước ngoài đã nhầm rằng tôi là người Trung Quốc.
Sau này, khi sinh sống một thời gian dài, đã quen với cuộc sống, thì việc nhầm lẫn này vẫn thường xuyên xảy ra. Tôi đã phải giải thích rất nhiều lần rằng, tôi không phải người Trung Quốc mà là người Việt Nam. Mỗi khi bị nhầm như vậy, tôi thấy rất tủi thân và đó là những ấn tượng khiến tôi không bao giờ quên. Như vậy, có thể thấy, ở đâu đó, vẫn có rất nhiều người nước ngoài chưa biết đến Việt Nam.
Còn niềm vui sướng là khi tôi kinh doanh chuỗi spa và nails ở nước ngoài, tôi thường mời bạn bè và đối tác đến nhà dùng bữa, nấu những món ăn của người Việt, trong đó có món nem rán…. Mọi người đều trầm trồ khen ngợi sự thông minh trong cách chế biến những món ăn của người Việt Nam, họ khen rất ngon, dễ ăn và cân bằng chất dinh dưỡng, không quá béo…. Họ bảo với tôi: Sao Mai không kinh doanh thêm ẩm thực nhỉ? Sẽ rất tiềm năng đấy!
Sau nhiều lần như vậy, tôi đã suy nghĩ nghiêm túc về điều này. Tôi nhận ra: nhu cầu thị trường là rất lớn, nhưng nguồn cung vẫn hạn chế và “đại dương xanh” thì rộng lớn, bao la. Đây chính là cơ hội dành cho tôi, là sứ mệnh doanh nhân của tôi.
Từ đó, trong tôi luôn dấy lên một niềm khát vọng cháy bỏng, là nâng tầm được văn hóa ẩm thực Việt Nam và mang ra nước ngoài, thông qua những chuỗi nhà hàng bản sắc Việt, người nước ngoài sẽ biết đến con người và văn hóa Việt Nam nhiều hơn, góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
Và đặc biệt là sẽ tạo ra rất nhiều cơ hội kinh doanh cho các ngành nghề khác tham gia vào chuỗi giá trị này và là nơi để gặp gỡ, liên minh các kiều bào đang làm ăn, sinh sống tại nước ngoài.
– Thưa bà, nâng tầm văn hóa ẩm thực Việt sẽ là chiến lược đánh nhanh thắng nhanh hay phải đi chậm và chắc?
Cũng chính vì sứ mệnh nâng tầm văn hóa ẩm thực Việt ra thế giới đòi hỏi một chặng đường đi phải chậm, dài và bền vững hơn rất nhiều.
Khoản đầu tư nhiều tỷ đồng vào Thành Cổ là đầu tư bền vững, không chỉ là đầu tư nghiên cứu, phát triển concept, mô hình quản trị kinh doanh, hệ thống quy trình, con người, công nghệ để chuẩn bị hạ tầng cơ sở cho tương lai.
Như các bạn biết, với số vốn hơn 10 tỷ đồng, chúng tôi có thể mở từ 3 nhà hàng trở lên, tuy nhiên, khi chúng tôi định hướng lựa chọn sản phẩm kinh doanh văn hóa ẩm thực Việt, và mong muốn mang được ẩm thực Việt ra thế giới, nên chúng tôi phải lựa chọn chiến lược đầu tư và phát triển bền vững chứ không thể “ăn xổi” như cách xây dựng chuỗi nhà hàng hiện nay.
Ngoài ra, để phát triển được một chuỗi văn hoá ẩm thực Việt và chinh phục thị trường nước ngoài thì không chỉ là câu chuyện của tiền, mà còn là công lao và tâm sức.
– Đã đầu tư hàng chục tỷ đồng vào Thành Cổ, với không ít tâm và công sức, vậy lý do nào để bà quyết định việc tạm dừng kinh doanh mô hình nhà hàng Thành Cổ?
Tôi thấy mình thật may mắn vì đã lựa chọn chiến lược đầu tư và phát triển bền vững ngay từ những ngày đầu khởi nghiệp, chính vì kiên trì với tầm nhìn này khiến tôi tránh được bẫy “phát triển nóng”, đồng thời nó giúp tôi có thời gian đủ lâu và đủ sâu, đủ thấu hiểu và được chứng kiến thị trường ngành nhà hàng trải qua 3 giai đoạn chuyển mình mãnh liệt
Giai đoạn thứ 1: Thời vàng son của những mô hình nhà hàng cao cấp, làm ăn rất thịnh vượng, nhưng sự thành công phụ thuộc lớn vào những ông bà chủ nào sở hữu những bếp trưởng tài năng trong tay…
Giai đoạn thứ 2: Mô hình chuỗi lên ngôi. Đã có những doanh nhân, tập đoàn lớn trong ngành may mắn nắm bắt được bí quyết này và đóng gói được mô hình kinh doanh thành một chuỗi cung ứng, có bếp trung tâm để giải quyết bài toán làm thế nào để nhân bản rất nhanh mà không phụ thuộc vào bếp trưởng. Và quy trình hoá mọi hoạt động.
Giai đoạn thứ 3: Từ năm 2018, ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, thời đại tri thức… nhu cầu khách hàng thay đổi rất nhanh, điều hôm nay ta thành công, ngày mai đã không còn đúng nữa…
Và rồi chúng tôi chợt nhận ra thành công không còn đơn giản là sở hữu một chuỗi cung ứng để sản xuất và cung cấp những món ăn được nghiên cứu và đóng gói công thức nữa. Mà muốn thành công và phát triển bền vững thì phải sở hữu được một “chuỗi giá trị” có ứng dụng công nghệ trong quản trị để hạn chế tối đa sự phụ thuộc vào con người, mà vẫn liên tục tạo ra các giá trị khác ngoài giá trị món ăn cho khách hàng.
Thời của chuỗi cung ứng đã hết, đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến một loạt các chuỗi thương hiệu lớn đóng cửa, hoặc đang chậm tăng trưởng lại để tái cấu trúc…
Vì thế chúng tôi quyết định dừng lại để xây dựng một cộng đồng với những người đam mê, đã, đang và sẽ kinh doanh F&B, đặc biệt ẩm thực Việt, để cùng nhau kết nối giao thương, chia sẻ, kiến thức, cùng nâng tầm ẩm thực Việt chinh phục thị trường nước ngoài thông qua hai dự án mới. Một là, hệ thống đào tạo kinh doanh thực chiến chuyên ngành F&B “từ ý tưởng đến khởi nghiệp và thành công bền vững”. Hai là, phần mềm quản trị tổng thể để phát triển bền vững mô hình kinh doanh “chuỗi giá trị F&B “ có ứng dụng công nghệ và trí tuệ nhân tạo.
Đồng thời thông qua cộng đồng này để lan toả, chia sẻ những kinh nghiệm, công thức mà sau một thời gian hoạt động đầu tư, nghiên cứu chúng tôi mới có được, để họ không mắc phải những thất bại đáng tiếc, hướng đến phong trào đầu tư, kinh doanh phát triển bền vững trong ngành F&B.
Ngoài ra, chúng tôi sẽ cho ra đời một cuốn sách tập hợp những bài học, kinh nghiệm kinh doanh, quản trị cho ngành F&B để các bạn khởi nghiệp, doanh nghiệp khác có thể coi đây như một cuốn sách tham khảo hữu ích tránh các bẫy thất bại.
Tiến tới, tầm nhìn lớn hơn là có nhiều thương hiệu, doanh nghiệp ngành F&B Việt IPO thành công trên sàn chứng khoán nước ngoài.
– Vậy kinh nghiệm khiến bà cảm thấy cần phải chia sẻ với những bạn trẻ khởi nghiệp và những doanh nghiệp đi sau là gì?
Các bạn khi khởi nghiệp ngay từ những ngày đầu, phải xác định rõ mô hình kinh doanh là gì? Mục đích đầu tư để kinh doanh bán lẻ cho khách hàng tiêu dùng hay cá nhân, hay là bán mô hình kinh doanh cho các nhà đầu tư? Đồng thời phải có chiến lược về bán như thế nào, nhượng quyền thương mại hay bán cổ phiếu, trái phiếu… Nhưng bất kể là gì thì cũng nên lựa chọn hướng đi phát triển bền vững. Nếu các bạn lựa chọn cả hai thì việc học hỏi kỹ năng gọi vốn là điều bắt buộc. Bởi, cá nhân tôi có những trải nghiệm rất sâu sắc khi thực hiện việc này.
Một trong những khó khăn của doanh nghiệp ngành F&B khi đi gọi vốn là do nhà đầu tư thiếu niềm tin vào thị trường, do văn hóa kinh doanh ngắn hạn, làm cho vui, vấn nạn vệ sinh an toàn thực phẩm… Chính những nhà hàng, kinh doanh như vậy đã là con sâu làm rầu nồi canh, ảnh hưởng đến những doanh nghiệp chân chính khác.
Ngoài ra, hiện Việt Nam chưa có doanh nghiệp nào IPO thành công trên sàn chứng khoán, khiến việc chứng minh các chỉ số kinh doanh bền vững rất khó có cơ sở để đối chiếu. Dù chúng tôi khi bắt đầu huy động vốn đã lập bản kế hoạch kinh doanh dưới sự hướng dẫn và tư vấn của chuyên gia F&B đến từ Hà Lan. Cùng với, những kinh nghiệm vận hành tối ưu từ thực tế để cho ra bản kế hoạch trực quan, nhưng vẫn không thuyết phục được các nhà đầu tư.
Ví dụ: chỉ số chi phí nguyên vật liệu đầu vào của chúng tôi là 30% trên tổng doanh thu, chỉ số chi phí nhân sự là 18% trên tổng doanh thu. Trong khi đó có những doanh nghiệp khác lại có các chỉ số này cao hơn, hoặc có những doanh nghiệp lại có các chỉ số này thấp hơn. Thậm chí có những doanh nghiệp, nhà hàng hoạt động không theo chỉ số nào cố định cả.
Trong khi, đây là những chỉ số rất quan trọng đối với mô hình nhà hàng nói riêng và với doanh nghiệp ngành F&B nói chung, để qua đó các nhà đầu tư có thể đánh giá được năng lực quản trị, quản lý, văn hóa và tư duy đầu tư, kinh doanh của người đứng đầu doanh nghiệp, cũng như mức độ khả thi và tiềm năng của doanh nghiệp, biên độ lợi nhuận… và các yếu tố khác để quyết định đầu tư.
– Chặng đường để đưa thương hiệu ẩm thực Việt ra thế giới, chắc chắn phải huy động vốn thị trường, được biết doanh nghiệp đặt mục tiêu IPO trị giá 250 triệu USD, liệu con số này có quá sức, thưa bà?
Không có gì là quá sức vì chiến lược tài chính của chúng tôi là sử dụng cơ chế vốn, chúng tôi sẽ đi các nước để huy động vốn nhằm nhân bản mô hình kinh doanh khi đã đóng gói xong “chuỗi giá trị”. Và chúng tôi thậm chí còn có một cộng đồng doanh nhân nước ngoài sẵn sàng hỗ trợ chúng tôi.
Chúng tôi tự tin rằng, tiềm năng ẩm thực Việt Nam ở thị trường nước ngoài cực kỳ hấp dẫn, dựa trên cơ sở khảo sát và kinh nghiệm thực tế.
Minh chứng lớn nhất có thể kể đến như ông PHILIP KOHLER – Người cha đẻ của Marketing hiện đại đã từng nhận định rằng: “nếu Trung Quốc là công xưởng của thế giới, Ấn Độ là văn phòng của thế giới thì Việt Nam hãy là nhà bếp của thế giới”. Bởi ông nhận thấy được tiềm năng của văn hóa ẩm thực Việt Nam, nhất là với những món ăn truyền thống đầy tinh tế được nâng tầm và đặt trong một không gian với những trải nghiệm văn hoá bản sắc Việt đầy sáng tạo.
– Xin cảm ơn bà!
Theo ENTERNEWS.VN