“Tôi biết, kinh doanh không bao giờ là bình yên cả nhưng tôi sẽ bền bỉ vượt qua để đạt được mục tiêu của cuộc đời mình”, CEO Nguyễn Mai bày tỏ.
Lùi lại để thấy mình rõ hơn
Lùi một bước thấy mình rõ hơn, công thức kinh doanh thành công trong lĩnh vực ẩm thực, nhà hàng (F&B) là thứ được đánh đổi bằng bằng cái giá hàng chục tỷ đồng cùng bao tâm sức. Hôm nay, khi chuẩn bị khởi nghiệp lại, CEO Nguyễn Mai đang rất khát khao được chia sẻ, cho đi và lan tỏa những kinh nghiệm xương máu của mình với tâm niệm “muốn đi xa thì hãy đi cùng nhau”.
CEO Nguyễn Mai, người con gái Việt có vóc dang nhỏ nhắn nhưng mang trong mình một nội lực phi thường, chị đã khởi nghiệp và tạo dựng được một “cơ đồ” đáng mơ ước tại Cộng hòa Angola (Châu Phi) xa xôi với mô hình chuỗi cửa hàng làm móng và thẩm mỹ (nail & spa) cho phụ nữ.
Khi mọi thứ tưởng chừng đang trên đỉnh thành công thì chị lại khát khao trở về để khởi nghiệp lần nữa trong một lĩnh vực hoàn toàn mới là F&B.
Năm 2016, chị thành lập Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Baobab, lấy ý tưởng từ sự vươn lên manh mẽ của một loại cây “siêu to khổng lồ” tại châu Phi để tiến vào “Đại dương xanh” F&B.
Tuy nhiên, “đại dương xanh” mà CEO Nguyễn Mai theo đuổi trong lĩnh vực F&B rõ ràng không phải là một cuộc chơi dễ dàng cho “tay mơ” như chị khi mà cả mô hình quán ăn đến nhà hàng Thành cổ đều có doanh thu nhưng lại “chẳng thấy” lợi nhuận đâu. Cụ thể nhà hàng Thành cổ có doanh thu tăng đều, năm 2017 đạt 10 tỷ đồng và sang năm 2018 đạt 12 tỷ đồng nhưng lợi nhuận lại không được như kỳ vọng.
Điều này xuất phát từ những bỡ ngỡ về quản trị, tối ưu hóa vận hành, chi phí,… đến công tác bán hàng, marketing, quảng bá,… của một mô hình nhà hàng, những thứ mà ở Việt Nam chẳng có đâu dạy. Với mô hình kinh doanh của mình, nhà sáng lập (founder) nhà hàng Thành cổ đã dần dần đốt hết cả chục tỷ đồng.
Đến khi đã “vững tay chèo”, thấu hiểu được “đường đi nước bước” để thành công trong lĩnh vực F&B và tưởng chừng con tàu “Thành cổ” sẽ băng băng ra khơi, thu về những “mẻ cá” lớn thì “bão tố” lại một lần nữa đặt ra cho CEO Nguyễn Mai thêm một thử thách một mất, một còn.
Thời điểm giữa năm 2018, sau khi đã “nướng” cả chục tỷ đồng để tìm ra “công thức thành công” cũng là lúc CEO Nguyễn Mai cần vốn nhất để bứt phá thì “sự cố” với mô hình kinh doanh tại châu Phi đã cắt đứt dòng tiền và thậm chí còn bào mòn cả số vốn ít ỏi còn lại của chị.
Trước những sóng gió tưởng chừng không thể vượt qua như thế, nhiều người nghĩ CEO Nguyễn Mai sẽ gục ngã nhưng ở giữa “tâm bão” chị đã bình tĩnh hơn bao giờ hết và đưa ra quyết định dừng tạm thời hoạt động của nhà hàng Thành cổ để chuẩn bị nguồn lực cho những bước đi đột phá về sau.
Khát khao gây dựng bản sắc ẩm thực Việt
Xuất thân trong một gia đình có bố mẹ là công nhân, nhưng chị Nguyễn Mai đã học hỏi vươn lên trong những ngày tháng nơi đất khách. Trở lại Việt Nam, chị gây dựng doanh nghiệp có bản sắc trong lĩnh vực ẩm thực.
Tại Hội thảo “Bảo tồn và phát triển Ẩm thực truyền thống Việt Nam”, PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam cho biết: “Ẩm thực cũng là di sản văn hóa và là văn hóa quan trọng nhất, quyết định sự sinh tồn của chúng ta”.
Còn theo báo cáo toàn cầu lần thứ hai về du lịch lại đưa ra con số: 87% số tổ chức được điều tra xác định “du lịch ẩm thực là yếu tố chiến lược đối với điểm đến; 82% cho rằng du lịch ẩm thực là động lực quan trọng cho phát triển du lịch”.
Một trong những người nhận ra giá trị và tìm cách phát triển văn hóa ẩm thực Việt, là chị Nguyễn Mai, Tổng giám đốc công ty CP Thương mại dịch vụ Baobab, đơn vị sở hữu nhà hàng Thành Cổ.
Bất cứ thực khách nào bước chân vào nhà hàng Thành Cổ (31 Hoàng Cầu, Hà Nội) sẽ có một ấn tượng đặc biệt với lối kiến trúc mang đậm văn hóa Việt: từ cổng chào, ao sen cho tới phòng ăn đều mang dáng dấp kiến trúc thời Vua Chúa xưa. Một không gian ấm cúng, sang trọng, thực khách được trải nghiệm các món ăn mang hương vị Việt, được đối đãi như ông Hoàng bà Chúa bởi những nhân viên với trang phục áo dài truyền thống.
Nhưng khi tiếp xúc với chủ nhà hàng này, nhiều người sẽ không khỏi ngạc nhiên, bởi trong người phụ nữ nhỏ bé ấy lại toát lên một nội lực to lớn. Từ chỗ trắng tay, chị từng bước gây dựng nên Thành cổ Restaurant, Vamos Café tại Hà Nội cùng chuỗi Spa & Nail tại Angola.
Nhắc lại hành trình vươn lên mạnh mẽ, CEO Nguyễn Mai hào hứng kể: Tôi là con gái Hà Nội, sinh trong 1 gia đình công nhân. Bố làm bảo vệ nhà máy, mẹ làm công dệt xí nghiệp Dệt 8/3”.
Lớn lên từ con phố Lò Đúc, năm 1999, chị kết hôn và sinh được 2 cô con gái. Không chịu “bó thân” ở vị trí làm việc tại một Spa thẩm mỹ công nghệ cao. Chị và chồng khát khao vươn lên, làm gì đây để tạo dựng tương lai, để con cái có một nền tảng vững chắc?
Trong thời gian đi làm, chị được tiếp xúc với nhiều doanh nhân giàu có, họ là những người truyền cảm hứng cho chị. Họ giàu có, làm ra của cải vật chất cho chính mình và xã hội. Họ mang lại nhiều giá trị nhân đạo cho người khác. Thế là, CEO Nguyên Mai cùng chồng quyết tâm sang Angola lập nghiệp vào năm 2008. Thời gian đó, nếu làm việc tại Việt Nam, chị có mức lương khá nhưng khi tìm kiếm 1 chân trời mới, chị sẵn sàng chấp nhận mức lương ban đầu thấp hơn để có thể học hỏi, tìm kiếm môi trường phát triển.
Ở Angola 3 năm, chị nhận thấy phụ nữ bản địa và người châu Âu, châu Mỹ đến Angola sinh sống có nhu cầu làm đẹp. Chị đã khởi nghiệp với mô hình làm spa và nail và phát triển thành chuỗi gồm 3 tiệm. Từng bước, chị tạo lập sự nghiệp thành công ở đất khách quê người.
Trong thời gian ở Angola, CEO Nguyễn Mai tìm thấy sứ mệnh ý nghĩa cuộc đời là phải mang được văn hoá ẩm thực Việt Nam đi khắp thế giới, làm giàu cho mình và cho quê hương đất nước, đồng thời mang được những sản phẩm tốt của bạn bè quốc tế về phục vụ bà con quê hương mình!
“Tôi nhận thấy người bản địa cũng như người nước ngoài ở Châu Phi, rất thích món ăn Việt Nam. Đặc biệt là các món: Phở, bánh mỳ, món cuốn, nem rán, bún chả…..họ trầm trồ khen ngợi xuýt xoa mỗi khi được tôi trổ tài nấu nướng thết đãi họ một món ăn Việt Nam nào đó”, CEO nhớ lại.
Muốn đi xa thì hãy đi cùng nhau
Xuất phát từ những kinh nghiệm thành công được đánh đổi với một cái giá không hề rẻ, CEO Nguyễn Mai nhận ra rằng đang có những khoảng trống để có thể khởi nghiệp trong lĩnh vực F&B tại Việt Nam.
Đầu tiên, đó là môi trường kinh doanh, khởi nghiệp chưa thật sự thuận lợi, chưa có hình thức đào tạo chuyên biệt nào về việc kinh doanh F&B. Kế đến là nhận thức của cộng đồng về vai trò, vị thế của người sở hữu mô hình kinh doanh F&B cũng chưa đúng, nhiều người cho rằng chủ nhà hàng vẫn chưa phải hay ít nhất là chưa đạt đến tầm “doanh nhân” và mô hình họ sở hữu cũng chưa phải là doanh nghiệp.
Với tâm niệm “muốn đi xa thì hãy đi cùng nhau” trước khi lên chuyến tàu khởi nghiệp lại của mình, CEO Nguyễn Mai mong muốn có thể chia sẻ những bài học xương máu của mình để góp phần cải thiện môi trường kinh doanh trong ngành F&B tại Việt Nam.
Khi mọi thứ đã sẵn sàng, CEO Nguyễn Mai sẽ tiếp tục khởi nghiệp lại, bắt đầu với mô hình nhà hàng ảo – bếp trung tâm nhằm tiếp cận khách hàng nhanh nhất. Chị sẽ khởi tạo lại concept nhà hàng Thành Cổ hoàn chỉnh hơn, tăng cường ứng dụng các công nghệ như dữ liệu lớn và nền tảng kết nối,… nhằm gia tăng giá trị cho khách hàng và thu hút nhà đầu tư.
“Tôi rất mong nhận được sự ủng hộ của khách hàng, các nhà đầu tư, các doanh nhân đi trước, các cơ quan ban ngành liên quan sẽ giúp đỡ ủng hộ cho dự án Thành Cổ sớm trở lại, tiến tới chinh phục thị trường nước ngoài. Thông qua đó, ẩm thực sẽ mang theo cả văn hoá Việt ra thế giới nhằm tạo ra nhiều cơ hội hơn cho quê hương“, CEO Nguyễn Mai chia sẻ về những dự định và kế hoạch sắp tới của mình.
Khởi nghiệp và những bài học “xương máu”
Năm 2015, CEO Nguyên Mai quyết định quay trở lại Việt Nam và gây dựng sự nghiệp với nhà hàng Thành Cổ đặt tại phố Tô Hiến Thành.
Kinh doanh được hơn một năm, chị phải đóng cửa dù doanh thu cao nhưng không có lãi do chị không biết cách quản trị. Chị bắt đầu học hỏi và ấp ủ mở 1 nhà hàng với không gian mới mẻ, xứng tầm hơn.
“Tôi lao vào học hỏi nghề nhà hàng: kiến thức ẩm thực, chuyên môn phục vụ, setup vận hành, học kinh doanh, bán hàng, marketing, học kế toán tài chính cho nhà hàng…
Và cuối năm 2016, tôi tìm địa điểm mới tại phố Hoàng Cầu, Đống Đa, Hà Nội để thành lập công ty cổ phần Thương mại & Dịch vụ Baobab, mở 1 nhà hàng Thành Cổ (kinh doanh văn hoá Ẩm thực Việt) cùng 1 quán cafe Vamos (Văn hoá Châu Phi).
Rút kinh nghiệm từ thất bại cũ, tôi hoạch định sẽ đi từ chiến lược đầu tư phát triển bền vững bằng cách xây dựng thương hiệu cho cái tên Thành Cổ, định vị thương hiệu Thành Cổ, xây dựng tầm nhìn, giá trị cốt lõi, điểm khác biệt và lợi thế cạnh tranh, xây dựng hệ thống các chiến lược, hệ thống quy trình vận hành, quy trình kiểm soát chất lượng, hệ thống quản trị kinh doanh đặc thù cho ngành nhà hàng, xây dựng bộ công thức món ăn….
Vì thế hơn một năm đầu, tôi chỉ sử dụng phương pháp marketing truyền miệng là chủ yếu. Tôi chú trọng ra món ăn và dịch vụ đáp ứng nhu cầu khách hàng.
Tôi đầu tư cho quảng cáo rất ít, để có thời gian nghiên cứu hoàn thiện mô hình kinh doanh, hoàn thiện concept, hoàng thiện mô hình quản trị phù hợp với tầm nhìn chiến lược kinh doanh văn hoá ẩm thực Việt.
Theo kế hoạch dự kiến, hết năm 2018, đầu năm 2019, tôi sẽ đầu tư mạnh mẽ cho hoạt động truyền thông và marketing để đột phá doanh thu. Đưa sản phẩm ra thị trường, kêu gọi đầu tư, và tập hợp nguồn lực nhằm tiến tới mở rộng hệ thống tại các tỉnh thành có du lịch phát triển, xa hơn nữa là “xuất khẩu” mô hình này ra nước ngoài.
Trong quá trình khởi nghiệp, tôi đã có những bài học xương máu. Bản thân tôi phải kiên trì, xem mình sai chỗ nào, chấp nhận thất bại và phải cố gắng hơn nữa.
Trước đây, sai lầm ở chỗ khởi nghiệp tự phát, không có bài bản. Mình nghĩ rằng sản phẩm này khách thích thì làm, không có nghiên cứu thị trường, hoạch định khác hàng, nhu cầu của khách hàng là gì. Không có sự chuẩn bị cho kế hoạch tài chính. Đầu tư bao nhiêu, bao lâu sẽ thu hồi vốn, hoạch định chạy công suất thì thu về bao nhiêu?
Lần thứ 3 khởi nghiệp, tôi đã trăn trở mình sẽ mang lại lợi ích gì cho khách hàng, khách hàng của Thành Cổ là ai, mình cung cấp được sản phẩm gì cho khách hàng. Rồi đưa kế hoạch tài chính vào nhưng tôi vẫn gặp khó khăn về quản trị, nhân sự, và quy trình đồng bộ.
Làm kinh doanh, không thể nói có đam mê là đủ mà cần hoạch định chiến lực, xây dựng tiềm lực tài chính, đội ngũ, phát triển giá trị sản phẩm.
Có lúc, tôi đã sai lầm khi không cân đối được yếu tố quản trị với yếu tố bán hàng. Tôi đã quá tự tin vào tiềm lực tài chính đang có đều đặn từ hệ thống kinh doanh bên châu Phi đưa về, vì quá đam mê làm sản phẩm, nghiên cứu concept, xây dựng mô hình quản trị.., mà quên mất việc bán hàng, marketing cũng như huy động nguồn lực kịp thời… Vì vậy, thời gian tới, tôi sẽ tạm dừng dự án nhà hàng Thành Cổ để chuẩn bị tốt hơn cho dự án sắp tới.
Cho dù thất bại tạm thời, nhưng tôi sẽ không từ bỏ ước mơ, tôi sẽ bắt đầu lại với một hướng đi khác trong tương lai”.
Để góp phần phát triển cho các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực ẩm thực, CEO Nguyễn Mai cho biết, chị sẵn sàng chia sẻ miễn phí toàn bộ những kiến thức, kinh nghiệm, những quy trình, hệ thống,… mà đội ngũ Thành Cổ đã tạo ra dưới sự hướng dẫn tư vấn của chuyên gia Hà Lan, từ những chuyên gia hàng đầu về kinh doanh. Thông qua đó, chị hy vọng kết nối với cộng đồng các doanh nghiệp, chủ nhà hàng, chủ quán ăn… cùng giúp đỡ, kết nối giao thương, cùng nhau thực hiện các dự án tiềm năng…
“Đồng thời, tôi sẽ tiếp tục khởi nghiệp lại, bắt đầu với mô hình nhà hàng ảo – bếp trung tâm (CloudKitchens) nhằm đưa sản phẩm của Thành Cổ tiếp cận với khách hàng được nhiều nhất, phủ được thị trường nhanh nhất, sau đó sẽ cho khởi tạo xây dựng lại concept nhà hàng Thành Cổ với phiên bản mới hoàn chỉnh hơn, hiện đại hơn, nhưng vẫn mang đậm phong cách và bản sắc Việt Nam. Dự án Thành Cổ mới sẽ ứng dụng công nghệ trong quản trị và kinh doanh như bigdata, thương mại điện tử, ứng dụng giao hàng, nền tảng kết nối… nhằm gia tăng giá trị cho khách hàng, Chúng tôi sẽ nghiên cứu sử dụng blokchain để minh bạch tài chính cho các nhà đầu tư yên tâm khi tham gia đầu tư cho dự án.
Tôi biết, kinh doanh không bao giờ là bình yên cả nhưng tôi sẽ bền bỉ vượt qua để đạt được mục tiêu của cuộc đời mình”, CEO Nguyễn Mai bày tỏ.
Theo TBCK