Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

CEO Nguyễn Hải Ninh và hành trình quảng bá chất lượng cà phê Việt

Đã tròn một năm kể từ ngày chúng tôi có dịp trò chuyện với đội ngũ marketing của “Nhà cà phê”. Lúc bấy giờ, con số cửa hàng của The Coffee House vừa chạm mốc 80. Đến thời điểm hiện tại, con số này đã vượt ngưỡng 160. Với tốc độ trung bình 10 chi nhánh mới mỗi tháng, cả đội ngũ The Coffee House đang từng bước đến gần hơn mục tiêu 700 cửa hàng trải dài khắp Việt Nam trong vòng 4-5 năm sắp tới.

“Tuy nhiên, lượng cà phê tiêu thụ trong nước chỉ dao động ở khoảng 10% mà thôi,” anh Nguyễn Hải Ninh, nhà sáng lập kiêm CEO The Coffee House, chia sẻ với chúng tôi. Mà trong 10% đó, có bao nhiêu phần là cà phê sạch, không qua tẩm ướp?

Thế nên năm vừa rồi, anh Ninh quyết định mua lại bộ phận cà phê của Công ty Cầu Đất Farm và quyết tâm cùng người nông dân sản xuất ra loại cà phê “tử tế”. Theo lời anh, “đã đến lúc người Việt Nam xứng đáng được trải nghiệm chất lượng cà phê sạch. Người trồng cà phê Việt xứng đáng có được cuộc sống tốt đẹp hơn. Hạt cà phê Việt xứng đáng được thế giới biết đến với chất lượng cao.”

Anh Nguyễn Hải Ninh, nhà sáng lập kiêm CEO The Coffee House.

Trong chuyên mục How I Manage lần này, chúng tôi sẽ dẫn bạn đến tham quan không gian làm việc mở tại trụ sở của The Coffee House và nghe câu chuyện quản lý từ trái tim của nhà sáng lập Nguyễn Hải Ninh.

Ba giá trị cốt lõi trong phong cách lãnh đạo của anh.

Có ba giá trị mà tôi luôn tôn trọng và muốn truyền tải nó đến những người xung quanh, đó là tính nhân văn, sự tử tế và hết lòng vì người khác.

Mọi người hay bảo The Coffee House (TCH) là mô hình kinh doanh cà phê, nhưng đối với tôi, con người mới chính là yếu tố trọng tâm của TCH (human-centric). Vậy nên, mọi thứ làm ra phải quảng bá cho những giá trị nhân văn trước đã.

Tôi cũng tin rằng chỉ những hành động được thực hiện một cách tử tế, xuất phát từ trái tim thì mới có khả năng chạm đến trái tim người khác. Và đã là một thương hiệu về con người thì mọi người phải cùng nhau chia sẻ chung triết lý lấy hạnh phúc của người khác làm hạnh phúc của mình.

Hãy mô tả người nhân viên lý tưởng của anh.

Người nhân viên lý tưởng của tôi là những bạn thật sự có đam mê về cà phê, thích được làm việc cùng con người và yêu công việc được phục vụ người khác.

Ngành dịch vụ ăn uống nhìn chung là một ngành khá cực, thường xuyên phải thức khuya, dậy sớm, và mỗi năm chỉ được nghỉ đúng một ngày (30 Tết). Đã vậy, nhiều người còn cho rằng công việc này tạm bợ, không ổn định, không có khả năng thăng tiến… Thế nên tôi nghĩ chỉ những người thật sự đam mê thì mới có đủ dũng khí vượt qua những khó nhọc này, xem nó là niềm vui và đi được đường dài với nó.

Trong đội ngũ TCH có nhiều bạn dành phần lớn thanh xuân để đi khám phá các nông trại cà phê ở Việt Nam. Thậm chí có những bạn tôi tự hào rằng không có một nông trại cà phê nào ở Việt Nam mà bạn chưa đặt chân tới. Hễ tìm thấy loại cà phê nào có chất lượng tốt là các bạn sẽ mang về đây.

Ngoài ra, tôi cũng thích những người sống có sứ mệnh và lập trường rõ ràng, sống thành thật với bản thân mình.

“Tôi tin rằng khi mọi người đã chia sẻ chung một hệ giá trị, thì tự khắc họ sẽ có chung một ngôn ngữ để làm việc với nhau.”

Làm thế nào để tạo lập một văn hóa doanh nghiệp bền vững?

Hồi mới mở những cửa hàng đầu tiên, tôi còn có thể đi đến tận nơi để trò chuyện với các bạn nhân viên, cửa hàng trưởng, thế nhưng bây giờ cứ mỗi tuần TCH lại có thêm một chi nhánh mới, việc giao tiếp với từng người là vượt quá sức.

Vì thế, trách nhiệm của tôi là thiết lập một hệ giá trị cốt lõi và bằng mọi giá không được thỏa hiệp hay để nó mai một. Tôi tin rằng khi mọi người đã chia sẻ chung một hệ giá trị, thì tự khắc họ sẽ có chung một ngôn ngữ để làm việc với nhau.

Tuy nhiên, sự phát triển doanh nghiệp cũng tỉ lệ thuận với sự phát triển trong DNA của doanh nghiệp. Trước đây mô hình chính của TCH là chuỗi cửa hàng cà phê, vì vậy giá trị cốt lõi là phục vụ con người. Sau khi mua lại Cầu Đất Farm, chúng tôi có thêm nghĩa vụ tri ân, mang đến lợi ích cho cộng đồng nữa.

Tình yêu của anh với hạt cà phê bắt nguồn từ đâu?

Bẩm sinh tôi không phải là một người thích hay uống được cà phê, tôi bắt đầu TCH chỉ đơn giản là vì thích được làm việc với con người. Nhưng trong quá trình làm việc, thông qua một người bạn đồng hành, tôi tìm được đam mê của mình đối với hạt cà phê.

Đó là năm 2014, sau khi ra mắt cửa hàng TCH đầu tiên, anh bạn này có rủ tôi về quê anh ở Cầu Đất chơi. Tại đây, hai người chúng tôi chở nhau trên một chiếc wave nhỏ đi khắp các nông trại cà phê. Đường vào nông trại nhỏ hẹp, trơn trượt sau mưa, một bên là thung lũng, một bên là vực.

Lần đầu tiên, tôi tận mắt chứng kiến cái cơ cực của người làm cà phê. Ấy thế mà người nông dân ở đây chẳng ai khá giả cả. Thành quả mà họ đạt được so với công sức bỏ ra quả thật không đáng.

Thế nhưng ngày ấy tôi chưa dám nghĩ sẽ làm gì cho Cầu Đất cả, vì doanh nghiệp của mình còn non trẻ quá. Mãi đến tận năm ngoái, khi mọi thứ ổn định rồi, tôi mới nghĩ đến chuyện mở rộng mô hình kinh doanh của mình ra khỏi khuôn khổ cửa hàng. Đó là lúc tôi quyết định đầu tư vào Cầu Đất Farm, dù nông nghiệp chưa bao giờ là thế mạnh của tôi.

“Tôi tin rằng giải pháp duy nhất cho ngành cà phê Việt là sản xuất cà phê chất lượng cao.”

Sau một năm thử sức trên mặt trận sản xuất nông sản, anh có thể chia sẻ về bối cảnh ngành nông sản cà phê Việt Nam ở thời điểm hiện tại?

2018 là một năm cực kỳ thê thảm của ngành cà phê Việt Nam. Hạn hán khiến cà phê mất mùa, đã thế giá cà phê lại còn ở mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây do chịu ảnh hưởng của giá sàn cà phê quốc tế (90% sản lượng cà phê Việt Nam là để xuất khẩu).

Chúng ta ở thành phố không ý thức được cái khó khăn mà tôi đang nói, nhưng cứ thử về Gia Lai, Đắk Nông hay Cầu Đất, bạn sẽ thấy cảnh vườn cà phê tiêu điều, người dân lao đao. Nông dân không buồn chăm sóc, thu hái cà phê, vì tiền bán còn không đủ trả công hái thì bán làm gì. Thậm chí, nhiều người còn chặt bớt vườn cà phê…

Mấy năm trước, tình trạng tương tự đã từng xảy ra với cây tiêu, nếu cứ tiếp diễn như thế này, tôi sợ chỉ trong vài năm nữa thôi, Việt Nam sẽ đánh mất vị thế của mình trên bản đồ cà phê thế giới.

Liệu có hướng đi nào cho ngành cà phê Việt…

Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai trên thế giới, nhưng chủ yếu là cà phê nhân dùng làm nguyên liệu để sản xuất cà phê đóng gói, chất lượng không cao do quy trình trồng trọt, thu hái không theo quy chuẩn, đã qua tẩm ướp. Vì thế cà phê của mình chẳng bao giờ bán được với giá cao.

Tôi tin rằng giải pháp duy nhất cho ngành cà phê Việt là sản xuất cà phê chất lượng cao. Phải nâng cao chất lượng thì mới nâng cao giá thành, cũng như thay đổi nhận thức của bạn bè quốc tế về hạt cà phê Việt được.

Mấy năm gần đây phong trào thưởng thức cà phê sạch trong nước cũng đang trở nên phổ biến. Mọi người đang dần từ bỏ thói quen uống cà phê tẩm để chuyển sang uống cà phê sạch, cà phê mộc. Mình phải sản xuất cà phê chất lượng cao để còn phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Giải pháp anh mang đến cho người dân Cầu Đất là gì?

Năm nay sản lượng trung bình mỗi hecta của Cầu Đất giảm đến 30%, giá arabica Cầu Đất cũng chỉ có 66.000 VNĐ/kg thôi. Nhưng TCH cam kết với người dân sẽ mua lại với giá gấp rưỡi so với thị trường. Hy vọng mức giá này đủ để duy trì niềm tin của người nông dân với cây cà phê.

Nội bộ TCH cũng đang cân nhắc việc mở rộng kho cà phê của mình, thay vì mua 100% thì mua 120%, để phần nào đấy giúp được thêm vài hộ nông dân trang trải cuộc sống.

Năm ngoái là lần đầu tiên chúng tôi xuất khẩu thành công 10 tấn cà phê chất lượng cao vào thị trường Mỹ. Từ đầu năm 2019 đến giờ cũng đã xuất hơn 10 tấn rồi, hy vọng từ đây đến cuối năm có thể xuất thêm 20 tấn nữa. Đây có thể không phải là một con số nhiều, nhưng ít nhất là chúng tôi đã bắt đầu những bước đầu tiên trên con đường mà chúng tôi tin tưởng.

Khiếm khuyết của tuổi trẻ là thiếu kinh nghiệm, nhưng bù lại chúng ta có sức trẻ, chỉ cần có động lực và thái độ tốt, mọi thứ đều có thể học hỏi được.

Anh có thể chia sẻ một số mục tiêu dài hạn của mình được không?

Theo thống kê, hiện Việt Nam có khoảng 18.000 cửa hàng cà phê, TCH chỉ mới có khoảng 160 chi nhánh thôi, chúng tôi muốn mở thêm nhiều chi nhánh hơn nữa để mang trải nghiệm cà phê sạch đến nhiều người hơn nữa. Có nhiều cửa hàng thì mới có thể giải quyết đầu ra cho cà phê Việt. Mục tiêu cuối cùng của TCH là góp phần xây dựng sự bền vững cho ngành cà phê Việt Nam.

Cá nhân tôi đặt mục tiêu mỗi năm phải đi thêm một đất nữa để tìm cà phê. Năm vừa rồi tôi đã đi qua Bảo Lộc, Gia Lai, Đắk Nông, Buôn Ma Thuột. Sắp tới là Khe Xanh (Quảng Trị), và Lạng Sơn. Biết đâu một ngày nào đó tôi có thể giới thiệu một bộ sưu tập cà phê Việt Nam. (cười)

Cuối cùng, anh có lời khuyên gì dành cho các độc giả trẻ không?

Đó là không bao giờ được ngừng ước mơ. Khiếm khuyết của tuổi trẻ là thiếu kinh nghiệm, nhưng bù lại chúng ta có sức trẻ, chỉ cần có động lực và thái độ tốt, mọi thứ đều có thể học hỏi được.

Theo Vietcetera