Rời Mỹ sau hơn 10 năm học tập và làm việc, Nguyễn Đăng Trung trở về Việt Nam để khởi nghiệp với TagEdu – trung tâm dạy lập trình cho trẻ em từ 6 đến 15 tuổi với chương trình học tập đạt tiêu chuẩn Mỹ.
Giúp trẻ em Việt Nam tiếp cận kỹ năng của tương lai
Nguyễn Đăng Trung chia sẻ, tại các quốc gia phát triển như Mỹ, Anh, Australia…, lập trình là một phần của chương trình giáo dục bắt buộc. Thậm chí, ở cấp phổ thông, các quốc gia này còn có riêng môn học về khoa học máy tính. Ngay tại một quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á là Singapore, từ năm 2020, tất cả học sinh cuối cấp tiểu học đã có thêm những tiết học bổ trợ về kiến thức lập trình.
“Giống như tiếng Anh, lập trình là một kỹ năng quan trọng ở hiện tại cũng như tương lai, cần được giảng dạy càng sớm càng tốt”, Trung nhấn mạnh.
Để giúp các bạn nhỏ có cơ hội tiếp cận lập trình từ sớm, đầu năm 2023, Nguyễn Đăng Trung thành lập TagEdu. Nếu như các trung tâm dạy lập trình hiện có trên thị trường thường tập trung vào yếu tố “game hóa” để thu hút học sinh, thì TagEdu hướng đến cung cấp cho các em kiến thức nền tảng vững chắc, sau đó kết hợp song song giữa hoạt động học tập và ứng dụng kiến thức vào các trò chơi.
Nhà sáng lập cho biết, TagEdu nhập khẩu chương trình học đạt tiêu chuẩn CSTA K-12 từ Mỹ đã được chứng minh bởi 2 triệu người dùng trên thế giới, rồi chia nhỏ thành 5 cấp độ, gồm: Fresher, Junior, Senior, Back end, Front end. Chương trình học hoàn toàn bằng tiếng Anh với mức học phí 250.000 – 400.000 đồng/tiếng (khoảng 3 – 5 triệu đồng/tháng).
Hiện tại, TagEdu giảng dạy theo cả hình thức trực tiếp (offline) và trực tuyến (online), nhưng mô hình offline vẫn là chủ đạo. Trong tương lai, TagEdu dự kiến tập trung phát triển theo chuỗi tại các khu chung cư cao cấp gần trường học, nơi phụ huynh có điều kiện tài chính để chi trả học phí cũng như có sẵn hội nhóm để dễ dàng kết hợp tổ chức các sự kiện ngoài chương trình.
Tầm nhìn xa hơn của TagEdu là hoàn thiện nền tảng học tập, tiến tới Việt hóa chương trình giảng dạy để phù hợp với số đông học sinh, cũng như có thể tích hợp các chương trình khoa học máy tính vào hệ thống trường học ở Việt Nam.
Tự tin vào cơ hội phát triển
Sở hữu bằng đại học và thạc sĩ chuyên ngành điện tử và máy tính tại Mỹ, Nguyễn Đăng Trung làm việc trong ngành công nghệ tại Mỹ 10 năm trước khi trở về Việt Nam vào tháng 5/2021 để tránh dịch Covid-19. Ban đầu, Trung chỉ dự định ở lại một vài tháng, nhưng sau đó, nhận thấy tiềm năng phát triển các dự án khởi nghiệp tại Việt Nam, anh quyết định gây dựng sự nghiệp tại quê nhà.
Ấp ủ rất nhiều ý tưởng, nhưng cuối cùng, Trung quyết định khởi nghiệp trong mảng công nghệ giáo dục (edtech), cụ thể là lập trình, để phát huy kiến thức và kinh nghiệm của bản thân. Nhà sáng lập cho biết, với thế hệ của anh, việc học lập trình diễn ra khá muộn và nhiều ngôn ngữ lập trình đã cũ so với thế giới. Khi ra nước ngoài du học, sinh viên Việt Nam như anh từng thua kém sinh viên quốc tế, mà nguyên nhân xuất phát từ chương trình học chưa đáp ứng đủ tính cập nhật và thực tiễn.
“Người Việt Nam rất giỏi, chỉ là chúng ta thiếu nền tảng vững chắc về lập trình. Vì vậy, tôi muốn trẻ em Việt Nam được tiếp cận các kiến thức quốc tế về lập trình càng sớm càng tốt. Bằng cách này, các bạn nhỏ sẽ được trang bị đầy đủ kiến thức về khoa học máy tính và phát triển tư duy logic, tư duy lập trình, tăng khả năng sáng tạo và cách giải quyết vấn đề”, CEO của TagEdu cho biết.
Dù thị trường Việt Nam đã có nhiều tên tuổi đi trước trong mảng lập trình cho trẻ em, nhưng nhà sáng lập 9x vẫn rất tự tin về tiềm năng phát triển của TagEdu. Ước tính, thị trường edtech Việt Nam năm 2023 đạt giá trị 3 tỷ USD. Trong khi đó, nước ta đang thiếu hụt khoảng 150.000 – 200.000 kỹ sư công nghệ thông tin mỗi năm. Theo tính toán, chi phí cho giáo dục lập trình lên tới 100 triệu USD. Ngoài ra, Việt Nam hiện có khoảng 22 triệu học sinh, sinh viên và các gia đình sẵn sàng chi tiêu 20 – 30% thu nhập cho giáo dục.
Với lợi thế của người đi sau, Nguyễn Đăng Trung cho rằng, TagEdu không tốn nhiều thời gian và chi phí để truyền thông, marketing, kích cầu thị trường, bởi các đối thủ đi trước đã giúp anh làm điều đó.
“Thị trường giáo dục lập trình cho trẻ em vẫn còn ở giai đoạn sớm, nên tiềm năng cho TagEdu vẫn còn nhiều”, Nguyễn Đăng Trung phân tích.
Trong năm 2024, TagEdu sẽ tiếp tục củng cố nền tảng vững chắc và mở thêm 1 – 2 địa điểm mới tại TP.HCM, trước khi tính đến mở rộng mô hình theo dạng chuỗi. Ngoài ra, nhà sáng lập cho biết, TagEdu chuẩn bị kết thúc vòng gọi vốn đầu tiên (tiền hạt giống), khi một số nhà đầu tư đã xác nhận sẽ tham gia dự án.
Theo baodautu.vn