Theo CEO MBS Trần Hải Hà, việc CQQL làm trong sạch thị trường có thể đã gây ra sự điều chỉnh về điểm số và sự sụt giảm thanh khoản gần đây, tuy nhiên điều này là tối cần thiết vì sự phát triển bền vững và lành mạnh của thị trường. Thậm chí, cần rốt ráo hơn nữa, xử lý hết những “con sâu” riêng lẻ ảnh hưởng đến sự phát triển của TTCK trong dài hạn.
TTCK Việt Nam đang trải qua giai đoạn không thực sự tích cực. Sau khi tăng lên vùng đỉnh 1.520 điểm vào đầu tháng 4, chỉ số VN-Index đã có nhịp điều chỉnh mạnh và kết thúc phiên giao dịch 20/4 chỉ còn gần 1.385 điểm. Đà giảm mạnh có phần bất ngờ của thị trường vừa qua đã khiến không ít đầu tư trở nên mất phương hướng.
Trong bối cảnh biến động như hiện nay, ông Trần Hải Hà – Tổng Giám đốc Chứng khoán MB (MBS) đã có những chia sẻ quan điểm về thị trường.
TTCK Việt nam liên tục giảm điểm trong thời gian vừa qua, VN-Index giảm gần 140 điểm trong chuỗi giảm 8/9 phiên liên tiếp, thanh khoản giảm khoảng 20% so với 2 tuần trước đó, xin hỏi cảm nhận của ông là gì?
Ông Trần Hải Hà: Là CEO của một CTCK hàng đầu, phục vụ hơn 600 nghìn nhà đầu tư với tổng giá trị tài sản ròng (NAV) lên tới 3 tỷ USD, tôi thấu hiểu áp lực hiện tại của nhà đầu tư khi tài sản của mình giảm liên tục, chính vì vậy, khao khát và trách nhiệm của tôi là cố gắng làm mọi việc có thể trong khả năng để giảm thiểu thiệt hại cho nhà đầu tư.
VN-index đã giảm khoảng 10%, kể từ mức đỉnh lịch sử, với những con số biết nói: Giảm liên tục 8/9 phiên vừa qua (chỉ có 1 phiên hồi); Thanh khoản giảm 20% toàn thị trường và nhiều nhà đầu tư đang chịu thua lỗ kể cả các nhà đầu tư mới hoặc đã có kinh nghiệm. Việc thị trường giảm liên tục đến từ phản ứng có phần thái quá do có sự quan ngại và áp lực bán của nhà đầu tư/đầu cơ khi thấy các thông tin về việc xử lý các hành vi thao túng thị trường, làm trong sạch môi trường và thực tiễn huy động vốn qua trái phiếu của các cơ quan chức năng…Hành động này của các cơ quan quản lý chắc chắn sẽ đem đến một “sân chơi” lành mạnh hơn cho toàn thể nhà đầu tư trong và ngoài nước trong trung dài hạn.
Một quan sát nhỏ: Dù thanh khoản kể từ đầu tháng 4 có giảm 12,5% so với tháng 3 nhưng vẫn cao hơn 25,8% so với mức bình quân ở tháng 4 năm ngoái. Khi dòng tiền vẫn còn ở lại thị trường tìm kiếm cơ hội, tôi cho rằng khi những khó khăn qua đi và tâm lý sợ hãi không còn thắng thế thì với dự báo về lạm phát, lãi suất tăng, kênh chứng khoán vẫn là kênh đầu tư có khả năng mang lại hiệu quả tốt và theo đó vẫn là kênh dòng tiền hướng đến.
Chúng ta đều biết, TTCK là kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Qua hơn 20 năm phát triển quy mô thị trường đã có lúc đạt 120% GDP, mức lý tưởng để TTCK có thể san sẻ gánh nặng huy động vốn cho nền kinh tế với hệ thống ngân hàng thương mại truyền thống. Tuy nhiên, với đà giảm mạnh như thế này theo ông nếu tiếp tục giảm liệu có thể gây ra sự đổ vỡ của TTCK không? Nếu có thì ảnh hưởng như thế nào tới nền kinh tế?
Ông Trần Hải Hà: Theo góc nhìn của tôi, sự biến động tăng/giảm trên TTCK qua thời gian là hiện tượng bình thường và các nhà đầu tư đang phản ứng và lo lắng thái quá. Về dài hạn, TTCK tăng trưởng dựa trên nền tảng tăng trưởng lành mạnh của nền kinh tế và lợi nhuận doanh nghiệp. Các dao động và điều chỉnh của TTCK đều mang tính chất nhất thời. Đơn cử năm 2020 với cú sốc của dịch Covid 19, TTCK đã đã trải qua một nhịp giảm điểm mạnh nhất của chỉ số VN-Index lên tới 35% tuy nhiên sau đó thị trường lại lấy lại toàn bộ số điểm đã mất thậm chí tăng trưởng cao đến giai đoạn hiện tại.
Mặc dù TTCK đang có một nhịp điều chỉnh giảm khá mạnh song tôi cho rằng sẽ không xảy ra sự đổ vỡ của TTCK theo nghĩa TTCK tiếp tục giảm điểm mạnh, thanh khoản suy giảm và các NĐT rời bỏ thị trường (doanh nghiệp dừng, huỷ niêm yết, nhà đầu tư không tham gia…).
TTCK đã có một nền tảng phát triển hơn 20 năm, hệ thống pháp lý khá hoàn chỉnh và phù hợp với quá trình phát triển của TTCK Việt Nam, với đầy đủ những thành viên chính trên thị trường như CQQL, các CTCK, công ty quản lý quỹ, các doanh nghiệp niêm yết và các nhà đầu tư đã phát triển lên 1 tầm cao mới, vững chắc và đang phát huy, đóng góp vai trò thiết yếu trong việc huy động vốn cho nền kinh tế.
Bên cạnh đó, tôi cho rằng đã có những bài học trong công tác quản lý TTCK, vì thế việc xử lý các hành vi sai trái mang tính đầu cơ trên thị trường là việc làm đúng đắn để hướng tới một sự phát triển toàn diện, lành mạnh, để TTCK tiếp tục hướng tới mốc vốn hoá lớn hơn đạt 120-150% GDP trong thời gian tới. Ngoài ra, cũng phải nói thêm trên cương vị người tiếp xúc với rất nhiều tinh hoa trong giới phân tích – đầu tư, tôi đã trao đổi và nhận thấy với mức điều chỉnh hiện tại, TTCK đã mở ra rất nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn, điều không thể có được khi TTCK vẫn neo ở mức cao trong thời gian trước. Điều này có nghĩa là khi thị trường giảm đến một mức độ nhất định sẽ lập tức xuất hiện dòng tiền thông minh tìm mua những viên kim cương của nền kinh tế với mức giá chiết khấu, vậy nên sẽ không có viễn cảnh thị trường giảm điểm liên tiếp, thanh khoản sụt giảm… như tôi đã khẳng định ở trên.
Hiện tại, độ mở của TTCK Việt Nam là rất cao với trên 1.500 doanh nghiệp niêm yết, giao dịch và gần 5 triệu tài khoản NĐT do đó diễn biến tiêu cực của TTCK sẽ có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế. Sự suy giảm của TTCK sẽ làm giảm năng lực huy động vốn cho nền kinh tế qua đó ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển của nền kinh tế quốc dân.
Tôi đánh giá, mức định giá của TTCK Việt Nam hiện nay đang ở mức hấp dẫn khi mức PE trung bình hiện tại trên sàn HSX ở mức 16,3 lần thấp hơn mức trung bình của các thị trường Châu Á là mức 19,6 lần trong khi triển vọng tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận doanh nghiệp Việt Nam hiện tại rất khả quan.
Ông có đề cập đến việc cơ quan quản lý mạnh tay làm sạch thị trường trong thời gian qua bằng cách loại bỏ những hành vi thao túng thị trường, xử lý những doanh nghiệp huy động vốn qua trái phiếu không đúng với quy định pháp lý, chính việc này gây ra sự suy giảm mạnh mẽ cả về quy mô giao dịch, giá trị giao dịch và vốn hoá của thị trường có đúng không? Và liệu đây có thể coi là nguyên nhân gây ra việc giảm sốc cũng như khả năng tiếp tục giảm trong thời gian tới?
Ông Trần Hải Hà: Việc CQQL làm trong sạch thị trường có thể đã gây ra sự điều chỉnh về điểm số và sự sụt giảm thanh khoản gần đây, tuy nhiên chúng tôi đánh giá điều này là tối cần thiết vì sự phát triển bền vững và lành mạnh của thị trường. Thậm chí, cần rốt ráo hơn nữa, xử lý hết những “con sâu” riêng lẻ ảnh hưởng đến sự phát triển của TTCK trong dài hạn.
Tôi cho rằng CQQL sẽ bảo vệ đến cùng những điều đúng đắn và kiên quyết xử lý những hành vi sai trái. Sự quyết đoán này của các CQQL sẽ tác động tích cực đến TTCK trong dài hạn. Trong ngắn hạn, thị trường có thể rất cảm tính, tuy nhiên khi dần bình tĩnh lại và dưới tác động của CQQL dẹp bớt những tin đồn đoán thiếu căn cứ và trở nên lý tính trở lại, sự điều chỉnh trong thời gian vừa qua có thể đã làm xuất hiện nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn như tôi đã trao đổi ở trên.
Tóm lại, việc thanh lọc này có thể gây những tác động ngắn hạn (như chúng ta đã thấy) nhưng về lâu dài chắc chắn là một sự củng cố vững chắc để TTCK Việt Nam tiếp tục phát triển lên tầm cao mới.
Một câu hỏi ngắn nữa, mong ông chia sẻ quan điểm cá nhân về triển vọng thị trường trong thời gian tới? Liệu đây có phải là cơ hội cho các nhà đầu tư “lý trí” không khi thị trường đã giảm gần 10% so với mức đỉnh?
Ông Trần Hải Hà: Vâng, hoàn toàn đồng ý với anh, tôi vẫn cho rằng đây là một cơ hội rất tốt để các nhà đầu tư cân nhắc, giải ngân và đầu tư vào những doanh nghiệp tốt, có tiềm năng tăng trưởng mạnh. Tôi có quan điểm như vậy bởi vì sao? Bởi chúng ta đều biết trong dài hạn, TTCK đi lên là nhờ kỳ vọng sự tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp và sự đóng góp của TTCK đối với nền kinh tế ngày càng lớn và rõ rệt. Những rung lắc trong ngắn hạn chỉ là cơ hội cho những nhà đầu tư lý trí, khôn ngoan và bản lĩnh gặt hái được quả ngọt trong dài hạn, như tôi đâu đó đã được nghe chia sẻ: “Đầu tư đôi khi là công việc rất cô đơn”.
Theo Cafebiz.vn