Thời điểm hiện tại, Luxstay đang tập trung vào thị trường địa phương, tuy nhiên, mục tiêu xa hơn của công ty là vươn ra ngoài biên giới Việt Nam và tạo ảnh hưởng trên thị trường khu vực.
Năm 2017, sau khi Nguyễn Văn Dũng (Steven Nguyễn) bán Netlink Online Communications, startup công nghệ quảng cáo do mình thành lập cách đây 10 năm, anh đã đặt mục tiêu xây dựng một kỳ lân công nghệ tiếp theo của Việt Nam.
Malaysia có Grab, Indonesia có Go-jek và Traveloka, trong khi lúc đó, Việt Nam vẫn chưa có một startup kỳ lân công nghệ nào ngoài VNG. Tại chương trình Shark Tank 2019, CEO sinh năm 1989 chia sẻ: “Thành công của Grab tại thị trường Đông Nam Á cho thấy những người chơi địa phương hoàn toàn có thể cạnh tranh và giành chiến thắng trước các công ty quốc tế”.
Tuy mới được hai năm tuổi và còn một chặng đường dài phía trước nhưng Luxstay của Nguyễn Văn Dũng đã tạo ra rất nhiều tiếng vang ở thị trường nước nhà khi thách thức ông lớn trong lĩnh vực đặt phòng Airbnb, ít nhất là tại Việt Nam ở thời điểm này.
Được thành lập năm 2017, Luxstay là một nền tảng kết nối cho thuê nhà ngắn hạn trực tuyến (chung cư, biệt thự, homestay). Công ty cho biết hiện họ có khoảng 15.000 chỗ nghỉ, 20.000 lượt đặt và tốc độ tăng trưởng 20% mỗi tháng.
Tuy chưa chính thức ra mắt ở Việt Nam nhưng Airbnb đã bắt đầu cung cấp dịch vụ cho thuê nhà trực tuyến từ năm 2015. Theo một báo cáo gần đây về thị trường chia sẻ nhà tại Việt Nam của công ty tư vấn du lịch địa phương Outbox Consulting, công ty này có khoảng 40.000 chỗ nghỉ trên toàn quốc.
CEO Nguyễn Văn Dũng cho biết trong khi Airbnb chủ yếu tập trung vào việc đáp ứng như cầu của khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam thì Luxstay lại có lợi thế phục vụ khách nội địa và tiếp cận với đối tượng khách nước ngoài muốn tìm kiếm những điểm đến địa phương ít người biết tới hơn ở Việt Nam.
Theo nghiên cứu từ Google và Temasek, tăng trưởng trong thị trường du lịch trực tuyến của Việt Nam năm 2018 đạt 3,5 tỷ USD và dự kiến sẽ đạt 9 tỷ USD vào năm 2025. Báo cáo cũng lưu ý rằng ở Đông Nam Á nói chung, cho thuê ngắn hạn trực tuyến đã trở thành phân khúc tăng trưởng nhanh nhất và có tiềm năng phát triển lên mức 2 tỷ USD vào năm 2025.
Một trong những chiến lược của Luxstay là đa dạng hóa để du khách có thể tìm thấy chỗ thuê không có sẵn trên Airbnb. Theo Nguyễn Văn Dũng, công ty đã đầu tư để hỗ trợ chủ nhà nhằm cải thiện hoạt động của bất động sản của họ.
Ngoài ra, Luxstay cũng làm việc với các đối tác bất động sản để tận dụng du lịch địa phương. Theo CEO 30 tuổi, một điểm khác biệt đáng kể là người dùng sẽ dễ dàng nhận được sự hỗ trợ từ Luxstay tại Việt Nam so với đặt chỗ trên các nền tảng quốc tế vì công ty có nhân viên trực điện thoại và trả lời tin nhắn SMS cả ngày.
Giống như Airbnb, Luxstay tính phí 15% cho mỗi giao dịch thuê nhà thành công. Theo trang web của công ty, tỷ lệ này đối với chủ nhà và người thuê tùy theo chính sách trong từng giai đoạn khác nhau của Luxstay. Trong khi đó, khi đặt phòng được xác nhận trên Airbnb, công ty thường tính 3% phí dịch vụ đối với chủ nhà và dưới 13% đối với người thuê
Theo Nguyễn Văn Dũng, Luxstay có đội ngũ nhân viên ở nhiều địa phương làm nhiệm vụ xác minh đăng ký trở thành chủ nhà của những người muốn tham gia. Còn về công nghệ, ưu tiên hàng đầu là đảm bảo thiết kế và nội dung của Luxstay đáp ứng tốt nhu cầu của người dùng Việt.
Thời điểm hiện tại, Luxstay đang tập trung vào thị trường địa phương, tuy nhiên, mục tiêu xa hơn của công ty là vươn ra ngoài biên giới Việt Nam và tạo ảnh hưởng trên thị trường khu vực.
Nguyễn Văn Dũng đã huy động được khoảng 10,5 triệu USD cho Luxstay và mới đây nhất, anh đã gọi vốn thành công thêm 6 triệu USD từ các nhà đầu tư trong chương trình Shark Tank của Việt Nam.
CEO 8x cho biết mục tiêu của anh là để Luxstay hòa vốn tại Việt Nam trong vòng từ 3-5 năm tới. Nguyễn Văn Dũng thừa nhận thị trường hiện đang có sự cạnh tranh khốc liệt không chỉ từ Airbnb mà còn từ các đại lý du lịch trực tuyến khác cũng cung cấp dịch vụ cho thuê nhà.
Mặc dù vậy, anh tự tin rằng startup của mình có thể đạt mục tiêu bằng cách tập trung vào người tiêu dùng am hiểu công nghệ và nền kinh tế internet đang bùng nổ ở Việt Nam.
Nguyễn Văn Dũng chia sẻ: “Tôi tin rằng các startup Việt là những công ty hiểu rõ nhất và có khả năng giải quyết các vấn đề tại thị trường nội địa cũng như đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng địa phương.
Chúng tôi có thể cạnh tranh bình đẳng với các đối thủ quốc tế nếu hợp tác về các dịch vụ mình đang cung cấp và chia sẻ dữ liệu với nhau để tạo ra một hệ sinh thái mạnh mẽ”.
Gia Vũ
Theo Trí Thức Trẻ/SCMP