Theo nhà đồng sáng lập kiêm CEO Endeavor, Việt Nam không nhất thiết phải chạy theo số lượng ‘kỳ lân’ và bắt chước nguyên mẫu Silicon Valley để thành công.
Endeavor, tổ chức toàn cầu chuyên tuyển chọn và hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp tạo hiệu quả cao, chính thức đặt chân vào Việt Nam từ tháng 11/2018. Mới đây, tổ chức này công bố chọn 4 doanh nhân từ 3 công ty Việt Nam vào mạng lưới doanh nhân toàn cầu Endeavor.
Theo đó, 4 doanh nhân được tiếp cận miễn phí mạng lưới dịch vụ rộng lớn, bao gồm việc giới thiệu với các cố vấn là những doanh nhân và chuyên gia giàu kinh nghiệm trong và ngoài nước, các tình nguyện viên từ các công ty tư vấn trong danh sách Fortune 500.
Trong cuộc trò chuyện với báo giới, bà Linda Rottenberg – Nhà đồng sáng lập kiêm CEO Endeavor đã chia sẻ góc nhìn về thế hệ tài năng, môi trường khởi nghiệp và cơ hội tiến ra toàn cầu của doanh nhân Việt Nam.
– Sau lần tuyển chọn đầu tiên và tiếp xúc với 4 doanh nhân, bà nghĩ gì về họ và doanh nghiệp của họ?
– Một vài người thực sự gầy dựng được các doanh nghiệp đáng chú ý. Họ đạt được doanh thu 100 triệu USD nhưng không dừng lại. Họ muốn phát triển gấp 10 lần, đạt một tỷ USD doanh thu. Thật thú vị bởi tôi nhận ra ba điều.
Một là các doanh nghiệp này thật sự lớn. Nhiều startup ở các nước lớn khi kiếm được 50-100 triệu USD thì dừng lại vì họ thấy ấn tượng rồi. Nhưng các doanh nhân Việt vẫn tiến lên, chỉ cần cho họ thời gian.
Điều thứ hai, tại một số quốc gia như Brazil, Indonesia và Saudi Arabia, có khi đạt thị phần lớn rồi thì bạn chỉ cần thị trường địa phương và không hứng thú mở rộng ra khu vực. Còn ở Singapore hay Dubai thì phải có tầm nhìn khu vực.
Ở Việt Nam, những doanh nhân mà tôi tiếp xúc cho thấy họ vẫn muốn tiếp tục phát triển ở thị trường địa phương nhưng cũng tin rằng luôn có chỗ dành cho họ ở quốc tế. Tôi nghĩ trong 5 năm tới, chúng ta sẽ thấy có nhiều công ty Việt Nam hiện diện ở Malaysia, Philippines, Indonesia, Singapore và những nơi khác.
– Cụ thể, bà sẽ giúp họ phát triển ra khu vực thế nào?
– Sau 20 năm, Endeavour hỗ trợ gần 1.900 công ty, được sàng lọc từ 60.000 công ty. Chỉ 2% trong số những người đăng ký tham dự đạt yêu cầu. Vì vậy, mọi người nói vào Endeavor Entrepreneurs còn khó hơn vào Trường Harvard.
Chúng tôi có yếu tố phi lợi nhuận về cố vấn và xây dựng hệ sinh thái. Sau đó, chúng tôi có những quy tắc đầu tư dựa trên quy tắc của các quỹ đồng đầu tư khác, cho phép đầu tư ở mức 10% trong các vòng, giới hạn ở 2 triệu USD. Nhưng việc chúng tôi luôn liên kết với các doanh nhân mới chính là điều thú vị.
Thật khó để trao đổi kinh nghiệm thị trường vì bạn lo lắng về cạnh tranh. Nhưng những gì đang diễn ra ở Mexico, Nigeria hay Brazil rất giống với Việt Nam, và doanh nghiệp nơi đó không phải là những đối thủ cạnh tranh. Vì thế, bạn có thể thoải mái chia sẻ những thất bại lẫn thành công mà không lo bị mất thị phần.
Chúng tôi cũng tạo ra các mạng lưới doanh nghiệp ngang hàng, với chương trình nỗ lực vượt trội dành cho 10% doanh nhân giỏi hàng đầu ở Silicon Valley và trực tuyến trong các cộng đồng nhỏ để chia sẻ kinh nghiệm.
Chúng tôi đang cố gắng tạo một nguồn lực cho các doanh nhân, tùy chỉnh theo nhu cầu của họ. Nếu họ muốn tăng vốn, chúng tôi sẽ giúp tăng vốn. Nếu họ muốn tham gia các khóa học về lãnh đạo, Endeavour có các chương trình tại Trường Kinh tế Harvard và Trường Kinh tế Stanford, được thiết kế dành riêng, giúp họ tiết kiệm thời gian.
– Vậy ngân sách của một tổ chức phi lợi nhuận như Endeavour đến từ đâu?
– Ý tưởng cốt lõi là tạo niềm tin trong mạng lưới. Chúng tôi thiết lập một tổ chức phi lợi nhuận với các thành viên điều hành được trả lương nhờ vào một khoản đóng góp của các doanh nhân tham gia.
Một trong hai quỹ đầu tiên của chúng tôi, Endeavour Catalyst, huy động được 110 triệu USD và có 30 triệu USD trong đó là đến từ các doanh nhân Endeavour. Vì vậy, ý tưởng chung là doanh nhân tham gia trở thành một phần của cộng đồng. Họ nhận được sự giúp đỡ và hỗ trợ rồi sau đó tái đầu tư vào quỹ như một niềm tự hào.
– Trong 20 năm, khi Endeavor đến một số thị trường thì có nơi thành công nhưng cũng có thất bại. Bà rút ra được những bài học gì?
– Chúng tôi không nghĩ là thất bại, chỉ là có lúc đến một thị trường quá sớm, như Morocco chẳng hạn. Chúng tôi cũng mới ra mắt ở Ấn Độ. Endeavor đã cố gắng đến đó 10 năm trước và họ nói ‘Chúng tôi không cần bạn. Chúng tôi có nhiều quỹ đến từ Silicon Valley rồi’. Và đoán xem, họ chỉ thành công với Flipkart và rồi các quỹ từ Mỹ rời đi. Chúng tôi lại đến ‘gõ cửa’ hợp tác.
Không thể tiếp cận vốn chắc chắn cản trở doanh nghiệp phát triển, nhưng quá nhiều vốn cũng không hoàn toàn là chuyện tốt. Chúng tôi có một số công ty rất ấn tượng tại Indonesia nhưng tôi lại thấy lo vì quá nhiều tiền đổ vào. Họ gọi được đến 30 triệu USD trong khi lẽ ra chỉ cần gọi 2-3 triệu USD thôi.
Bạn có thể nghĩ nhiều tiền thì rất tuyệt và phấn khích nhưng tôi lo vì điều đó khiến các startup mất trạng thái Goldilocks cần thiết, tức ‘quá khó thì dễ nản, quá dễ thì nhanh chán’. Họ cần vừa đủ tiền, còn quá nhiều thì cũng dở như thiếu.
– Vậy những tiêu chuẩn khi thâm nhập một thị trường mới là gì?
– Điều chúng tôi tìm kiếm là một nơi có những tài năng công nghệ hoặc ít nhất có thị trường phát triển đủ lớn. Chúng tôi không muốn bắt đầu tại nơi chưa có gì mà là nơi chúng tôi có thể đóng vai trò đưa các tài năng ra thế giới.
Có thể nhiều người nghĩ Trung Quốc đã không cần giúp đỡ nhưng thật ra chúng tôi còn có nhiều việc phải làm ở đó, cũng như các thị trường thứ cấp ở Mỹ. Ở Việt Nam, tôi rất hào hứng với quy mô dân số tại đây. Tôi phấn khích là chúng tôi có thể làm tốt bởi quy mô thị trường địa phương đủ lớn.
– Bà có nghĩ rằng Việt Nam có thể tạo ra một Silicon Valley?
– Tôi nghĩ nó sẽ khác với Silicon Valley và điều này thực sự quan trọng. Startup ở Việt Nam có thể học hỏi từ khắp nơi trên thế giới. Còn liệu nơi đây sẽ trở thành Silicon Valley chính xác 100% thì không.
Tôi đã từng sống ở San Francisco. Họ tạo ra rất nhiều triệu phú USD nhưng đồng thời cũng đẩy những người khác ra khỏi thành phố. Họ cũng có vấn đề cần nhận ra. Vì vậy, tôi nghĩ vai trò của các doanh nhân ở những nơi như Việt Nam, Đông Nam Á, Trung Đông hay Mỹ Latinh là nhận ra trách nhiệm thúc đẩy cả nền kinh tế tiến lên, nhận ra những khách hàng chưa có tài khoản ngân hàng và những nhân viên cần được chăm sóc y tế đầy đủ.
Vì vậy, câu trả lời của tôi là phát triển hệ sinh thái startup rất quan trọng nhưng tôi nghĩ nó sẽ khác với Silicon Valley và đó là một điều tốt.
– Chính phủ có vai trò như thế nào để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, nhất là giúp startup phát triển quy mô lớn hơn?
– Việc chính phủ ủng hộ kinh tế tư nhân và giảm bớt các rào cản rất quan trọng. Có hai điểm, thứ nhất, chính phủ là người tạo ra nền tảng, kể các câu chuyện thành công. Thứ hai là giảm rào cản để thuê mướn nhân sự, ký được hợp đồng, tức tạo điều kiện cho startup tiến ra thế giới. Nhưng tôi không nghĩ chính phủ cần cố gắng đầu tư như một quỹ mạo hiểm. Tôi không nghĩ họ nên tích cực tham gia đầu tư vào bất kỳ công ty nào nhưng họ nên lắng nghe.
– Với sự xuất hiện của Endeavor, liệu chúng ta có thể kỳ vọng có thêm nhiều unicorn (startup tỷ USD) tại thị trường Việt Nam?
– Tôi hy vọng là thế. Tuy nhiên, chúng tôi không tập trung vào việc sẽ có thêm bao nhiêu unicorn mà quan tâm đến tác động tạo ra bởi các startup. Ở Mỹ, có rất nhiều unicorn ‘chết’, nên chúng tôi không thích những unicorn ‘chết’.
Thật tuyệt vời khi phát triển lớn hơn. Tôi có nghĩ nơi này có những tài năng không? Có. Tôi có nghĩ nơi này có những công ty tăng trưởng nhanh và có thể tiến ra khu vực không? Có. Nhưng tôi nghĩ nên thận trọng. Bạn phải tìm ra đúng hướng. Bạn phát triển công ty để bền vững lâu dài chứ không chỉ có quy mô lớn, thành unicorn rồi sụp đổ đúng không.
Viễn Thông
Theo VNE