Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

CEO chuỗi thời trang Gumac: Doanh nghiệp còn dòng tiền thì không bao giờ nên “ngủ đông”!

“Chúng ta nên đi tìm những giải pháp mới cho doanh nghiệp của mình thay vì “ngủ đông” và có thể đây chính là giai đoạn chuẩn bị mọi nguồn lực thật tốt, có cái “gốc rễ” thật chắc để tạo ra được những lợi thế cạnh tranh lớn và bắt đầu bùng nổ kinh doanh trở lại sau dịch bệnh”, anh Lê Thành Vân, CEO chuỗi thời trang Gumac chia sẻ.

Sau gần 3 tháng đối mặt với đai dịch Covid-19, đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu “thấm đòn”. Có thể nói rằng, đây là một cú “sốc” lớn với nhiều ngành nghề, nhiều lĩnh vực, doanh nghiệp và người lao động. 

Để hiểu rõ hơn về ảnh hưởng của dịch COVID-19, anh Lê Thành Vân – CEO GUMAC có những chia sẻ về các doanh nghiệp kinh doanh thời trang và những giải pháp, cơ hội của doanh nghiệp.

Theo góc nhìn của anh, đại dịch COVID-19 lần này ảnh hưởng như thế nào đối với ngành kinh doanh thời trang? Lúc này, tình hình ở doanh nghiệp anh hiện ra sao?

Đại dịch Covid 19 ảnh hưởng rất lớn trong ngành thời trang nhưng cũng là bước đệm quan trọng để các doanh nghiệp nhìn rõ nhất những ưu, khuyết điểm của doanh nghiệp mình để cải thiện và phát huy. Ngoài ra, việc thay đổi mô hình kinh doanh bằng việc bán hàng trên nền tảng Internet cần được đầu tư nghiêm túc hơn bởi đó chính là xu thế, doanh nghiệp nào không bắt kịp ắt sẽ bị đào thải. Đối với tôi, thời điểm này là cần thiết để sàng lọc thị trường và đi về đúng bản chất hơn.

Kể từ ngày 1/4/2020, công ty chúng tôi đã đóng của 80 cửa hàng trên toàn quốc sau khi có nghị định của chính phủ. Vừa qua tập thể công ty cũng có ủng hộ cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với số tiền là 100 triệu đồng để đồng lòng cùng chính phủ và các ban ngành chung tay chống dịch Covid 19.

Trước đó chúng tôi vẫn vận hành bình thường, tuy doanh thu ở các cửa hàng có giảm nhưng vẫn bán được hàng. Hiện tại, các cửa hàng Gumac đã đóng hết nhưng rất may mắn, chúng tôi vẫn bán hàng online tốt từ kênh Facebook, website và từ các sàn thương mại điện tử. Tuy dịch bệnh nhưng số lượng đơn hàng vẫn tăng cao hơn so với ngày thường. Đó là một dấu hiệu rất vui mừng cho doanh nghiệp làm thời trang như chúng tôi. Tuy nhiên, thời trang cao cấp có vẻ đang gặp khó khăn hơn.

Sức ép lớn nhất mà Gumac đang phải đối mặt là gì? Ở thời điểm này, doanh nghiệp có gặp vấn đề về tài chính không, thưa anh?

– Sức ép lớn nhất của Gumac chính là bản thân Gumac. Hiện tại toàn bộ nhân viên công ty đang bước vào giai đoan rất quan trọng đó là đổi mới toàn diện chính bản thân mình để cùng hướng đến mục tiêu xa hơn trong tương lai. 

Còn về vấn đề tài chính thì đây không phải vấn đề lớn, bởi chúng tôi vẫn đang duy trì hoạt động mua bán online nên phát sinh doanh thu. Ngoài ra, chúng tôi cũng có quỹ dự phòng rủi ro nên điều đó đảm bảo công ty vẫn “sống khỏe” trong mùa dịch bệnh dù hằng tháng vẫn có thể bị lỗ.

Trong mùa dịch, kế hoạch nhân sự của quý công ty có những thay đổi gì? Tiền lương, phúc lợi của nhân viên và lãnh đạo tại công ty có bị giảm không?

– Hiện nhân sự của công ty chúng tôi không có sự cắt giảm nào, công ty vẫn đang tuyển thêm nhân sự để đảm bảo mục mục tiêu thay đổi dịch vụ bán hàng tốt hơn, đồng đều hơn và chuyên nghiệp hơn. Còn tiền lương và phúc lợi của nhân viên vẫn được đảm bảo kể cả khi các nhân viên phải nghỉ ở nhà để vừa học vừa làm việc. Khi tôi nhận được email các bạn nhân viên sẽ không nhận bất cứ loại tiền thưởng nào vào tháng 3, tháng 4 khiến bản thân tôi cảm thấy vô cùng xúc động và bất ngờ trước tình cảm, sự thấu hiểu của các bạn nhân viên dành cho công ty. 

Chúng tôi xây dựng văn hóa doanh nghiệp dựa trên giá trị cốt lõi là tình yêu thương gia đình, tất cả các thành viên đều coi nhau như một gia đình nên tôi tin dù có khó khăn như thế nào thì tất cả các thành viên sẽ đồng lòng chung sức để giúp công ty mạnh mẽ vượt qua được đại dịch lần này.

Cắt giảm chi phí là việc phải tính đến trong bất cứ cuộc khủng hoảng nào. Vậy các chi phí ở quý công ty đã phải cắt giảm là gì?

– Hiện tại, khoản cắt giảm lớn nhất đó là việc thương lượng với các chủ nhà cho thuê để được giảm một phần nào số tiền phải trả hàng tháng, nếu chủ nhà giảm được cho từng nào thì tốt từng đó. Hiện tại, công ty chúng tôi cũng đang phát động phong trào tối ưu tất cả các loại chi phí như điện, nước, công cụ, dụng cụ,.. tới toàn bộ nhân viên công ty.

Nhiều người cho rằng đây là thời điểm tốt để tái cơ cấu doanh nghiệp, nhìn lại toàn bộ để có thay đổi đột phá so với trước đây. Ý kiến của anh ra sao?

– Đây chính là thời điểm tốt, một cơ hội tuyệt vời để tái cơ cấu doanh nghiệp, nhìn lại toàn bộ các quy trình làm việc để rồi xem đang vướng mắc, đang chưa tốt ở những điểm nào để thay đổi tốt hơn. Tôi có thời gian ngồi lại với các bộ phận nhiều hơn để lắng nghe những chia sẻ của các bạn cũng như đào tạo hướng dẫn các bạn về những việc nhất thiết phải làm gấp để hết dịch tất cả các thành viên hiểu, cùng chung chí hướng thì như thế mới có sự bùng nổ sau dịch. 

Về mặt kinh doanh, tôi thấy đây là thời điểm tốt để tất cả các công ty nhìn lại chính mình, biết mình đang ở đâu và cần làm gì tiếp theo. Mọi thứ cần được đưa về giá trị thật, bởi các giá trị sản phẩm và dịch vụ của nó đang được đẩy lên quá cao khiến tất cả mọi người dân đều gặp khó khăn gây ra sự mất cân bằng trong xã hội.

Anh dự trù phương án kinh doanh cho đại dịch này sẽ kéo dài bao lâu? Doanh nghiệp anh đã lên những kịch bản ứng phó thế nào và có chuẩn bị cho chiến lược quay trở lại sau dịch bệnh?

– Chúng tôi dự trù dịch Covid 19 có thể ổn định vào cuối tháng 7, còn tàn dư của nó chắc chắn còn kéo dài rất lâu vì cần thời gian để các ngành còn lại hồi phục. 

Kịch bản xấu nhất mà chúng tôi tính đến là chính phủ bắt buộc đóng cửa toàn bộ các công ty, các nhà máy sản xuất, ngừng giao dịch mua bán kể cả trên nền nảng online. Chúng tôi tin điều đó sẽ không xảy ra, bởi chính phủ của chúng ta đang kiểm soát dịch rất tốt, chặt chẽ và chắc chắn sẽ không thể để bùng phát như Mỹ hay các quốc gia châu Âu khác. 

Chúng tôi đã có kế hoạch về chuẩn bị hàng hóa, xây dựng kịch bản truyền thông, đẩy mạnh bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, nâng cao chất lượng nhân sự ở các phòng ban, nhất là bộ phận bán hàng tại các cửa hàng. Lần này, chúng tôi quyết liệt làm triệt để mọi vấn đề còn tồn đọng để mang lại những trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng của mình.

Có doanh nhân cho rằng thời gian chống dịch doanh nghiệp nên “ngủ đông”, có người thì cho rằng trạng thái “ngủ đông” sẽ kéo theo hiệu ứng suy thoái kinh tế. Quan điểm của anh thì sao?

– Tôi cho rằng nếu doanh nghiệp không thể cầm cự được thì mới nên “ngủ đông” còn doanh nghiệp còn có dòng tiền để vận hành được thì không nên “ngủ đông” bởi nó kéo theo rất nhiều hệ lụy cho nền kinh tế. Chúng ta nên đi tìm những giải pháp mới cho doanh nghiệp của mình thay vì “ngủ đông” và có thể đây chính là giai đoạn chuẩn bị mọi nguồn lực thật tốt, có cái “gốc rễ” thật chắc để tạo ra được những lợi thế cạnh tranh lớn và bắt đầu bùng nổ kinh doanh trở lại sau dịch bệnh.

Anh có những khuyến nghị chính sách gì từ các Chính phủ và các cơ quan hữu quan để giúp doanh nghiệp “giảm đau”, “tăng đề kháng” trong đại dịch COVID-19?

– Đại dịch xảy ra tới giờ cũng hơn 3 tháng và tới hiện tại cũng chưa phân định được thiệt hại là như thế nào cho các doanh nghiệp, nhưng chắc chắn nó đang ảnh hưởng trầm trọng đến các doanh nghiệp và cũng như nền kinh tế nước ta. Vì vậy chỉ mong các cơ quan chức năng và chính phủ có thêm các gói hỗ trợ tài chính không lãi suất hoặc lãi suất thấp, và hỗ trợ cho các doanh nghiệp giãn thời gian các khoản nghĩa vụ phải nộp để doanh nghiệp có dòng tiền phục hồi và lấy đà phát triển trở lại.

Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Theo Trí thức trẻ