Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Cần “tiếp thêm lửa” cho các tập đoàn kinh tế lớn mạnh hơn

“Để các doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh bên cạnh môi trường cạnh tranh, minh bạch, chúng ta cần tiếp thêm lửa cho những xu hướng chuyển đổi tích cực của họ”.

Dưới đây là chia sẻ của TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh.

TS Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh

Vị thế lớn mạnh của kinh tế tư nhân

Thưa ông, ông đánh giá thế nào về sự lớn mạnh của khối kinh tế tư nhân trong những năm vừa qua, cũng như sự thay đổi trong nhận thức và hành động của Đảng và Nhà nước đối với kinh tế tư nhân? 

Quá trình cải cách đổi mới của Việt Nam suốt 30 năm qua cũng là quá trình đổi mới nhận thức về vai trò kinh tế tư nhân và hội nhập kinh tế. Vai trò kinh tế tư nhân được nhìn nhận đầy đủ hơn, thực chất hơn.

Kinh tế thị trường mà không có kinh tế tư nhân thì chắc chắn không có cạnh tranh, không có thị trường. Cái cốt lõi và đằng sau chính là kinh tế tư nhân. Từ chỗ nhìn nhận là kinh tế nhiều thành phần nay thừa nhận là động lực phát triển kinh tế là một bước tiến.

Sự phát triển của kinh tế tư nhân hiện nay là đáng ghi nhận, tuy nhiên nó đã tương xứng với tiềm năng cũng như khả năng thực sự của khối này hay chưa?

Chúng ta đặt mục tiêu đạt con số hơn 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020. Nhưng tăng về số lượng là một chuyện, còn có mạnh về năng lực công nghệ, quản trị, cạnh tranh lại là chuyện khác. Ngay cả với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, có thể nằm trong 500 doanh nghiệp lớn nhất, đóng thuế nhiều, vốn lớn, nhưng so với thế giới thì vẫn cần nỗ lực để trở thành tập đoàn lớn mạnh.

Hiện, số doanh nghiệp Việt Nam tầm cỡ vươn ra khu vực toàn cầu chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Chúng ta vẫn mong muốn nhiều hơn nữa ở khu vực tư nhân. Muốn vậy thì cần thay đổi cách thức, mô hình phát triển để hiện thực hóa tiềm năng đấy, gắn với nó là khát vọng phát triển đất nước.

Trong sự phát triển của khối kinh tế tư nhân thời gian qua, nổi lên là những Tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tham gia vào nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội và đạt được nhiều thành tựu như Vingroup, Sun Group, Thaco Trường Hải, FPT… Điều này chưa từng xảy ra trước đây. Ông đánh giá thế nào về vai trò của các Tập đoàn này với nền kinh tế Việt Nam? 

Sự nổi lên của các tập đoàn lớn thể hiện trên nhiều góc độ. Họ bắt đầu làm những công trình phức hợp đòi hỏi không chỉ trình độ quản lý mà còn khả năng nắm bắt và làm chủ công nghệ. Rất nhiều công trình lớn về xây dựng, bất động sản, cầu cảng, sân bay, những công trình phức hợp lớn được thực hiện bởi các tập đoàn tư nhân.

Sau giai đoạn tích lũy, nhiều doanh nghiệp bắt đầu chuyển sang lĩnh vực phù hợp với xu thế và đòi hỏi của đất nước. Ví dụ đầu tư vào nông nghiệp thông minh, công nghiệp chế tạo, trí tuệ nhân tạo…

TS Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh

Các tập đoàn lớn trong đó có tập đoàn tư nhân bắt đầu có tên tuổi và giá trị tên tuổi của họ được định giá cao bởi các tổ chức chuyên nghiệp trên thế giới. Nhiều tập đoàn được định giá lên đến hàng chục, hàng trăm triệu USD, thậm chí cả tỷ USD. Điều đó cho thấy vị thế lớn mạnh của khu vực tư nhân.

“Chắp cánh” để tập đoàn tư nhân vươn mình ra thế giới

Để thực sự “cởi trói” cho khối kinh tế tư nhân, giúp họ phát huy hết khả năng của mình đóng góp cho đất nước, tạo thêm nhiều đầu tàu, “sếu đầu đàn” hơn nữa, theo ông, nhà nước cần phải thay đổi những gì về cơ chế, chính sách?

Phát triển kinh tế tư nhân phải “xây nhà từ móng”. Đối với khu vực này, có 4 khía cạnh mà nếu muốn cải thiện đầu tư kinh doanh thì phải nhìn vào đó.

Một là quyền sở hữu tài sản, quyền liên quan sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ.

Hai là vấn đề cạnh tranh. Mặc dù, Việt Nam đã sửa luật, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề. Ví dụ câu chuyện thị trường độc quyền, vai trò doanh nghiệp Nhà nước.

Thứ ba là tiếp cận nguồn lực, làm sao để tiếp cận mặt bằng sản xuất, vốn, quyền sở hữu phải thật nghiêm túc. Vấn đề cuối cùng là cải cách bộ máy hành chính, giải trình minh bạch để giảm chi phí kinh doanh. Muốn xây nhà từ móng thì phải làm được những vấn đề căn cơ đó.

Thế còn về phía các doanh nghiệp, làm thế nào để hiện thức hóa giấc mơ vươn tầm thế giới?        

Chúng ta đã có bước tiến lớn là sự xuất hiện của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn. Để họ thực sự lớn mạnh thì bên cạnh môi trường cạnh tranh, minh bạch, chúng ta cần tiếp thêm lửa cho những xu hướng chuyển đổi tích cực của họ.

Ví dụ như làm ăn lớn gắn với sáng tạo, xây dựng thương hiệu. Khi nói đến tập đoàn Samsung của Hàn Quốc hay BMW của Đức thì không chỉ nhắc đến tập đoàn mà còn là hình ảnh về thương hiệu quốc gia.

Ví dụ nói về một công ty của Nhật Bản, có thể chưa biết là ai, nhưng ta tin rằng chất lượng tốt, vì đó là thương hiệu Nhật Bản. Ngược lại khi nhắc đến Nhật Bản là nhớ đến những tập đoàn nổi tiếng. 

Quay trở lại Việt Nam, chúng ta có thương hiệu quốc gia trong đó có nhiều tập đoàn tư nhân, nhưng cần quan tâm nhiều hơn về câu chuyện thương hiệu và sáng tạo. Chúng ta đã có hơn 30 năm đổi mới thành tựu đáng kể.

Tương lai có nhiều điều mới mẻ với cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và chuyển đổi số. Cái hay là ở một số lĩnh vực chúng ta có thể cùng đi với thế giới chứ không đi sau. Vấn đề là doanh nghiệp có khát vọng, có quyết liệt, có dám chấp nhận sáng tạo và phát triển không? Đây chính là thời cơ thể hiện bản lĩnh quyết tâm của con người Việt Nam tiến lên phía trước.

Theo DĐDN