Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Cần các gói hỗ trợ đặc biệt để Việt Nam không bị lỡ nhip

Chương trình chính sách hỗ trợ tài khoá, tiền tệ cũng như an sinh cần được thực hiện một cách đồng bộ và phối hợp nhịp nhàng để có thể phục hồi nền kinh tế sau cuộc khủng hoảng do Covid-19 gây nên.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV

Trong 2 năm qua, dịch bệnh Covid-19 đã gây ra thiệt hại nặng nề về kinh tế, xã hội trên phạm vi toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV chỉ ra, tăng trưởng năm nay của Việt Nam bị tác động nặng nề và có dấu hiệu lỡ nhịp khi tăng trưởng GDP cả năm dự 2%, so với con số năm ngoái là 2,91%. GDP trong nước trong quý III/2021 giảm nghiêm trọng đến 6,17% so cùng kỳ.

Theo ông Lực, sau bốn đợt dịch, kinh tế Việt Nam đang phục hồi theo hình chữ U thay vì mô hình chữ V như xu hướng chung của thế giới. Nếu không có các chương trình đặc biệt thì Việt Nam chắc chắn sẽ bị lỡ nhịp, mất cơ hội đạt mục tiêu phát triển kinh tế 5 năm. Nếu không có chính sách phục hồi thông qua kích thích tài khoá và tiền tệ thì GDP năm tới dự báo chỉ khoảng 4 – 4,5%, lạm phát cũng tăng 3,4 – 3,7%.  

Nói về kinh nghiệm của quốc tế về hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, ông Lực cho biết, các nước tung ra những gói hỗ trợ về tài khoá và tiền tệ tươngđối lớn, bình quân toàn cầu 14,6% GDP, trong đó, chính sách tài khoá là chủ yếu. Con số này ở Việt Nam chỉ khoảng 4%. 

Tại Việt Nam, dư địa cho chính sách tài khoá được đánh giá là còn ở mức tương đối khả quan vì mấy năm qua đã củng cố tương đối tốt, được quốc tế đánh giá là rất vững chãi và thuận lợi để mở được tài khoá trong vài năm tới trong khả năng kiểm soát.

Dư địa cho chính sách tiền tệ của Việt Nam vẫn còn nhưng ít hơn vì lãi suất đã giảm ở mức tương đối thấp trong khi xu hướng quốc tế bắt đầu thu hẹp các gói hỗ trợ và tăng lãi suất. 

Đề xuất nhiều gói hỗ trợ

Đại diện nhóm nghiên cứu của Thường trực Uỷ ban Kinh tế và các chuyên gia trong Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021, ông Lực đề xuất chương trình chính sách hỗ trợ về tài khoá, tiền tệ, an sinh và các gói hỗ trợ khác cho giai đoạn 2022 – 2023 với ba giai đoạn.

Một là giai đoạn kích hoạt chương trình và mở cửa nền kinh tế, phục hồi rõ nét hơn (hết quý II/2022). Hai là giai đoạn tạo lập nền tảng, phục hồi nhanh và tăng tốc (đến hết quý III/2023). Ba la kết thúc chương trình và bước sang quỹ đạo mới (từ quý IV/2023). 

Tổng hợp các gói chính sách hỗ trợ theo đề xuất của Nhóm nghiên cứu của Thường trực Uỷ ban Kinh tế và các chuyên gia

Về chính sách tài khoá, nhóm nghiên cứu đề xuất gói hỗ trợ 383,2 nghìn tỷ đồng, tương đương 4,79% GDP của năm 2021, giả định năm nay tăng trưởng 2%. Ông lực nhấn mạnh ba đề xuất. 

Một là tiếp tục giảm thuế VAT theo hai phương án 1% hoặc 2%, tương đương 32 – 60 nghìn tỷ đồng. Hai là có bảo lãnh vay vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và thông qua các quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các địa phương. Ba là triển khai gói hỗ trợ lãi suất, ở mức 20 – 30 nghìn tỷ đồng. Riêng về cơ sở hạ tầng thì tăng đầu tư bổ sung 50 nghìn tỷ đồng cho các dự án trọng điểm.

Về chính sách tiền tệ, tiếp tục thực hiện thông tư 14, có thể phải gia hạn nếu cần. Bên cạnh đó, sử dụng một loạt công cụ nghiệp vụ thị trường mở để hỗ trợ các tổ chức tín dụng duy trì lãi suất ở mức thấp, phấn đấu giảm thêm 0,5 – 1% lãi suất cho vay bình quân trong năm 2022 và duy trì ổn định trong năm 2023. Đồng thời, phối hợp để cho vay tái cấp vốn các tổ chức tín dụng để cho vay nhà ở quy mô 65 nghìn tỷ đồng, giá trị cấp bù lãi suất chênh lệch ước tính 6.100 tỷ đồng.

Ông Lực cũng đề xuất việc nghiên cứu giữ nguyên tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung – dài hạn; linh hoạt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 13 – 14% trong hai năm tới. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện thể chế, quy định để các tổ chức tín dụng phi ngân hàng tham gia cho vay tiêu dùng an toàn, lành mạnh, góp phần kích cầu tiêu dùng lành mạnh; đề xuất phương thức luật hoá xử lý nợ xấu.

Về chính sách an sinh, nhóm nghiên cứu đề xuất thêm hai gói hỗ trợ. Một là hỗ trợ tiền thuê nhà cho khoảng 2 triệu người lao động ngoại tỉnh đến làm việc tại bốn vùng kinh tế trọng điểm với mức hỗ trợ khoảng 1 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó là hỗ trợ đào tạo nghề để thay đổi công viêc, quy mô khoảng 6.800 tỷ đồng.

Một số chính sách hỗ trợ khác cũng được đề xuất như giảm tiền điện và cước viễn thông; hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tài trợ các dự án nâng cấp, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến, chế tạo…

Tổng hợp các đề xuất chính sách về tài khoá, tiền tệ, an sinh và các chính sách khác, ông Lực ước tính mức hỗ trợ khoảng 844 nghìn tỷ đồng về danh nghĩa, còn thực chi khoảng 445 nghìn tỷ đồng, tương đương 5,5% GDP, đủ sức hấp thụ trong thời gian tới. 

Cũng đánh giá là Việt Nam đang “lệch nhịp” với tăng trưởng, PGS.TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đề xuất chương trình phục hồi kinh tế tổng thể 2 năm tới (2022 – 2023) khoảng 666.000 tỷ đồng, tương đương 8% GDP 2020. 

Trong đó, gói hỗ trợ hệ thống y tế khoảng 76.000 tỷ đồng; gói củng cố hệ thống an sinh xã hội 58.000 tỷ đồng; gói hỗ trợ doanh nghiệp 244.000 tỷ và gói đầu tư công 288.000 tỷ đồng.

Ông Tuấn cho rằng, cần hỗ trợ doanh nghiệp một cách thiết thực hơn bởi lẽ thực tế triển khai các gói hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian qua cho thấy hiệu quả chưa cao, chưa đúng đối tượng hoặc thủ tục còn phức tạp.

Để có thể đạt được mục tiêu, các chuyên gia lưu ý, gói chính sách sẽ có một số tác động nhất định cần phải chấp nhận. Chẳng hạn, thâm hụt ngân sách có thể tăng thêm 1 điểm phần trăm mỗinăm trong giai đoạn hai năm tới.

Nguồn tiền được giải ngân sẽ khiến áp lực lạm phát gia tăng, dự kiến ở mức 3,5 – 3,9% trong hai năm tới. Việc tăng vay nợ và thâm hụt ngân sách nhà nước tăng có thể khiến cho giá trị VND giảm nhẹ, dự báo tỷ giá USD/VND sẽ tăng từ 0,5-1,5% trong hai năm tới.

Các chuyên gia nhấn mạnh, các gói hỗ trợ chính sách cần được triển khai đồng bộ và phối hợp nhịp nhàng. 

Ông Nguyễn Minh Cường, Kinh tế trưởng Ngân hàng phát triển châu Á tại Việt Nam (ADB) cũng cho rằng, điều quan trọng đối với ban hành chính sách là cần xác định các mục tiêu phù hợp với từng thời kỳ để xây dựng gói hỗ trợ với quy mô đủ lớn đáp ứng các tiêu chí kịp thời, đúng đối tượng, đủ dài, đủ bao trùm để mang lại hiệu quả như mong đợi.

Theo The Leader