Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Cảm phục cụ ông 90 tuổi miệt mài đi bán đậu phộng để làm từ thiện

 Ở tuổi 90, cụ Lưu Bình (tổ 1, phường Quyết Thắng, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) hàng ngày vẫn miệt mài đạt xe khắp các con phố để bán đậu phộng, dành dụm tiền làm từ thiện.

“Ông lão từ thiện” là cái tên trìu mến mà nhiều người ở TP. Kon Tum vẫn thường dùng mỗi khi nhắc đến cụ Lưu Bình, có “thâm niên” hơn 20 năm bán đậu phộng để làm chuyện “bao đồng”. Những hạt đậu thơm ngon “đi cùng năm tháng” của cụ Bình đã giúp không biết bao nhiêu mảnh đời khốn khó ở thành phố nhỏ trên cao nguyên này.

Kể về cái “duyên” làm từ thiện, cụ Bình kể, hơn 20 năm trước, cụ làm nông nghiệp. Công việc đòi hỏi nhiều sức khỏe, nhưng vào lúc đó, sức khỏe cụ không tốt nên cụ chuyển qua đi bán đậu phộng dạo. Cứ sáng sáng, cụ mua đậu về rang, chiều lại đạp xe rong ruổi hàng chục km trên các ngả đường, quán nhậu, quán ăn, cà phê ở TP Kon Tum để bán, đến khuya mới về nhà.

Bán hết đậu phộng, cụ Bình lấy tiền lãi mua gạo cho nồi cơm từ thiện ở bệnh viện

“Những lúc đi bán, tôi được tiếp xúc với nhiều người và thấy có nhiều mảnh đời còn khó khăn. Chứng kiến những cảnh ấy, tôi rất buồn. Lương tâm tôi cứ thôi thúc phải làm chút gì đó để giúp đỡ những người kém may mắn”. Rồi cụ bắt đầu làm việc từ thiện bằng những hành động âm thầm ít ai biết. Số tiền ngày đêm đội mưa, đội nắng đi bán đậu tích cóp được, cụ nhắm đến ai khó khăn thực sự và tìm đến tận nơi để giúp đỡ. Đó là những người nghèo không may bị tai nạn, hay những người đang cần tiền chữa bệnh, thuốc men…

Cách đây khoảng 7 năm, thấy nhiều người vào bệnh viện có hoàn cảnh khó khăn, thậm chí không đủ tiền mua thức ăn, cụ Bình nảy sinh ý định làm tủ bánh mì từ thiện để huy động thêm nhiều người tham gia. Cụ bỏ tiền thuê đóng một tủ kính rồi đặt gần Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum. Hàng ngày, cụ mua khoảng 100 ổ bánh mì, cho vào tủ để bệnh nhân nghèo sử dụng.

“Chứng kiến bệnh nhân và người nhà ăn ngon lành, tôi hạnh phúc vô cùng và duy trì nó 6 năm liền. Mạnh thường quân thấy việc làm có ích nên họ cũng tham gia ủng hộ bánh mì. Một năm trở lại đây, tôi chuyển qua mua gạo cho bếp cơm từ thiện ở gần bệnh viện. Tầm 2-3 ngày, tôi lại ra tiệm mua 10kg gạo rồi chở đến bếp cơm”, cụ Bình chia sẻ.

Cứ năm này qua năm khác rong ruổi, tóc cụ đã bạc hết mái đầu, thế nhưng đôi chân của cụ thì không muốn dừng lại. Cụ nói rằng, với cụ không có ngày thứ bảy, chủ nhật. Kể cả những ngày mưa gió, cụ vẫn đi bán. Cụ chỉ nghỉ khi người quá mệt, bước chân không thể nhích được. Còn đã đi bán là phải bán hết đậu, có đủ số tiền cho những dự định sẽ làm thì mới về nhà.

Chúng tôi thắc mắc sao cụ tuổi cao mà vẫn đi làm khổ cực, cụ cười đáp: “Tôi ở với con trai. Mọi việc ăn uống, sinh hoạt, chi tiêu con tôi lo cho hết, không cần làm gì cả. Nhưng tôi thích đi vì muốn kiếm thêm ít thu nhập để giúp đỡ cho người khó khăn hơn mình. Tiền bán đậu, tôi dùng hết để giúp người khó, con tôi chẳng bao giờ hỏi tới, thậm chí còn cho thêm”.

20 năm bán đậu, cụ Bình không nhớ số tiền mình ủng hộ là bao nhiêu, không nhớ đã giúp đỡ bao nhiêu người.

Là một người đồng hành và rất ủng hộ việc làm của cụ Bình, chị Nguyễn Thị Mừng (con dâu cụ Bình) cho biết: “Hàng ngày, cứ sáng sớm là tôi dậy để luộc lạc, rồi đóng thành túi chuẩn bị mọi thứ để đến khoảng 7h30 là bố tôi bắt đầu chở đi bán. Nếu buổi sáng bán không hết thì buổi chiều cụ lại đi bán tiếp. Mấy ngày gần đây bán đắt hàng thấy ông cụ rất vui vẻ, khiến con cháu trong nhà ai cũng hào hứng”.

20 năm bán đậu, cụ Bình không nhớ số tiền mình ủng hộ là bao nhiêu, không nhớ đã giúp đỡ bao nhiêu người. Cụ chỉ nhớ những người đồng hành cùng cụ trong công việc bán đậu làm từ thiện, cụ gọi họ là “những người tốt khác”. Đó là con trai cụ, thấy cha vất vả rang đậu đã chế cho cha chiếc máy rang; là chủ tiệm bánh mì bớt tiền cho cụ để cùng ủng hộ người bệnh; là các mạnh thường quân tham gia hỗ trợ công việc từ thiện của cụ; là những khách hàng ở các quán nhậu, quán ăn hay tiệm cà phê mua đậu của cụ, sẵn sàng trả gấp 5 lần tiền để cụ có thêm chi phí làm việc thiện,…

Cụ Lưu Bình phấn khởi cho biết: Bà con đồng bào dân tộc trong tỉnh còn nhiều khó khăn nên nếu giúp được gì cho họ là tôi sẵn sàng. Sau buổi trò chuyện với chúng tôi, cụ Bình lại tất bật chuẩn bị xe và những bì đậu để bắt đầu hành trình của một ngày mới. Nhìn dáng cụ lẫn trong dòng người hối hả, chúng tôi thấy xúc động và cảm phục cụ nhiều hơn.

Theo Enternews.vn