Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Cách thức tuyển dụng trong bối cảnh doanh nghiệp đang vướng vào truyền thông xấu

Những vấn đề liên quan đến truyền thông và quan hệ công chúng luôn là mối quan tâm hàng đầu của các công ty từ tập đoàn đa quốc gia đến các công ty vừa và nhỏ. Chỉ cần một lời phàn nàn đầy tính chủ quan, một câu bóng gió tiêu cực về công ty, một sự bẻ lái dư luận không thiện chí của giới báo chí truyền thông mà nếu bộ phận quan hệ công chúng không quản lý tốt thì khả năng rất lớn là sẽ gây nên một làn sóng chỉ trích mạnh mẽ của cộng đồng, làm tổn hại trầm trọng đến hình ảnh của của công ty. Một khi rơi vào khủng hoảng truyền thông, sẽ kéo theo vô số khó khăn và phiền toái không chỉ đối với bộ phận Marketing mà cả toàn công ty.

Có thể nói, bộ phận tuyển dụng là phòng ban chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Nếu như công ty có một “bộ mặt truyền thông xấu xí” hay đang rơi vào khủng hoảng truyền thông sẽ khiến các nhà tuyển dụng vô cùng khó khăn trong việc tiếp cận và tuyển dụng được nguồn nhân lực tối ưu cho công ty.

Những vấn đề ấy cụ thể là gì? Và nhà tuyển dụng sẽ phải giải quyết ra sao? Dưới đây là một vài giải pháp đúc kết từ lời khuyên của những nhà quản trị nhân lực nổi tiếng mà các bộ phận tuyển dụng của công ty có thể áp dụng.

Thứ nhất, tạm “đình ngưng” các hoạt động tuyển dụng của công ty.

Thời gian “đình ngưng” quá trình tuyển dụng này không nên diễn ra quá lâu nhưng rất cần thiết đối với công ty để truy xét ngọn nguồn của vấn đề, xem lại những mặt thiếu sót và cách hành xử chưa thỏa đáng của công ty trước vấn đề đấy. Từ những vấn đề nhỏ, mang tính bộc phát bất ngờ như sự không thỏa mãn nhu cầu khách hàng, thái độ và hành động chưa khôn khéo của công ty đối với những vấn đề của xã hội như khí hậu, môi trường, nhân quyền,… cho đến những vấn đề “thâm căn cố đế”, có thể đã tồn đọng dai dẳng trong bất kì nền văn hóa doanh nghiệp nào như phân biệt giới tính, phân biệt chủng tộc, quấy rối tình dục nơi công sở,…

Tất cả những vấn đề này đều có thể tạo ra tiếng xấu cho doanh nghiệp, gây mất thiện cảm trong mắt cộng đồng, khách hàng, đối tác và cả các nhân viên tiềm năng vì bởi lẽ sẽ không có nhân viên nào mong muốn làm việc trong môi trường như thế. Công việc của nhà tuyển dụng lúc này là giải quyết triệt để những vấn đề đã đề cập ở trên theo trình tự từ nhỏ đến lớn, từ khách quan đến chủ quan. Và trong quá trình giải quyết, hai tiêu chí quan trọng nhất cần phải ghi nhớ là sự “Thành thực” và “Minh bạch”. Công ty phải thực sự có ý chí “gột rửa sự xấu xí” có trong bản chất doanh nghiệp bằng những hành động thiết thực và minh bạch, không phải là thái độ đối phó cho có lệ nhằm bảo vệ lợi ích ngầm của riêng một hay một nhóm cá nhân nào đó. Trước sự tấn công của truyền thông, chỉ duy nhất sự trong sạch và tốt đẹp thực sự từ nội bộ của công ty là lớp khiên giáp kiên cố nhất bảo vệ danh tiếng của công ty.

Thứ hai, điều tiết cảm tính của công chúng.

Cảm xúc của cộng đồng không do bản thân doanh nghiệp định đoạt, tuy nhiên lại có thể thay đổi và điều tiết thông qua sự tích cực và nhanh nhạy trong cách doanh nghiệp đối phó với điều tiếng mà doanh nghiệp bị gán cho.

Khi nhận thức được việc đang vướng vào khủng hoảng truyền thông, doanh nghiệp cần phải chủ động khắc phục tình huống ngay lập tức. Phương pháp khắc phục trực tiếp nhất là thông qua truyền thông online và mạng xã hội nơi mà mọi thông tin được chia sẻ và lan truyền có ảnh hưởng to lớn đối với việc quản lý hình ảnh thương hiệu của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể thực hiện hai hành động song hành sau đây.

Hành động đầu tiên, liên tục phản hồi những ý kiến trái chiều của công chúng. Nếu doanh nghiệp sai, không ngần ngại nhận lỗi, bày tỏ thiện chí khắc phục hệ quả. Nếu doanh nghiệp đúng, giữ vững lập trường giải thích và làm sáng tỏ hiểu lầm.

Hành động thứ hai đó là tích cực cho thấy những thế mạnh, ưu điểm và chia sẻ những câu chuyện thành công của doanh nghiệp nhờ vào sự tận dụng và  kết hợp cả kênh truyền thông online như diễn đàn, mạng xã hội với kênh truyền thông truyền thống như báo chí, truyền hình,… Hãy để cho không chỉ cộng đồng mà cả những ứng cử viên tiềm năng có cái nhìn bao quát nhất doanh nghiệp, cả mặt tốt lẫn mặt xấu, cả ưu điểm lẫn khuyết điểm. Những nhân viên có tầm nhìn luôn có xu hướng thích đánh giá trọn vẹn mọi khía cạnh của vấn đề, cho nên nếu doanh nghiệp làm được điều này có nghĩa là đã thu hút được sự quan tâm của một nhóm nhân sự tài năng.

Thứ ba, trực tiếp đối đầu với những vấn đề bất cập tồn tại dai dẳng dưới sự cố tình lờ đi của cả công ty.

Có thể nói rằng ở bất kì công ty nào cũng sẽ có những vấn đề hiển hiện rất rõ ràng nhưng luôn bị phớt lờ và trốn tránh bởi số đông trong công ty. Những vấn đề ấy như những vết thương hoèn sâu vào doanh nghiệp, mưng mủ ngày qua ngày rồi dần dần trở nên thối rữa và cuối cùng là biến thành một phần hư hỏng nặng nề chẳng thể cứu vãn, cũng chẳng thể che giấu. Cho nên doanh nghiệp không nên phí công lấp liếm, che giấu những vấn đề ấy khỏi tầm mắt của những ứng cử viên tiềm năng- người thật sự hứng thú với những công việc của doanh nghiệp. Họ là người xứng đáng được biết rõ những điểm mạnh yếu của công ty, được thấu hiểu thực hư về những tiếng xấu truyền thông công ty gánh chịu.

Và người tạo điều kiện cho họ được hiểu biết không ai khác chính là những nhà tuyển dụng. Những nhà tuyển dụng là người chịu trách nhiệm xử lý tất cả những vấn đề liên quan đến nhân sự ấy trong công ty, là người sẽ cho ứng cử viên những đánh giá chân thực và khách quan nhất, đồng thời định hướng lại giá trị cốt lõi của công ty thông qua quá trình nhận thức và giải quyết vấn đề đầy minh bạch và hiệu quả.

Khi đối đầu với những cơn khủng hoảng truyền thông xuất phát từ sự làm việc kém hiệu quả của bộ phận quan hệ công chúng, những nhà lãnh đạo nhân sự luôn đóng một vai trò quan trọng trong việc tìm ra hướng đi đúng đắn nhờ vào bản năng giải quyết tốt những vấn đề liên quan đến con người. Mà công chúng, chính là con người.

Theo SHRM