Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: “Doanh nghiệp có thể đề xuất thí điểm Sandbox thông qua Bộ TT&TT”

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Thủ tướng đã đồng ý về nguyên tắc đối với việc triển khai Sandbox. Do vậy, các doanh nghiệp có thể đề xuất thí điểm các sản phẩm dịch vụ mới thông qua Bộ TT&TT.

Phát biểu tại Hội nghị giao ban công tác quản lý nhà nước về Thông tin và Truyền thông Quý III/2019 và nhiệm vụ công tác trọng tâm Quý IV/2019, Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp hiện đại vào năm 2030 và trở thành nước phát triển thu nhập cao vào năm 2045. Trong đó, ngành ICT là một động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển. Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc đối với việc triển khai Sandbox (thử nghiệm các công nghệ mới, dịch vụ mới,…). Do vậy, các doanh nghiệp, đơn vị trong ngành có thể đề xuất thí điểm các sản phẩm dịch vụ mới thông qua Bộ TT&TT. Bộ có trách nhiệm đại diện các đơn vị đứng ra làm việc với các bộ, ngành có liên quan.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã nhấn mạnh, cơ chế Sandbox được ứng dụng cho những thử nghiệm mới ở bất kỳ tổ chức nào, thậm chí cơ quan nhà nước nên đi đầu. Do đó, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, cần thử nghiệm những mô hình mới trong phạm vi nhỏ, đối tượng ít, sau đó mới tiến hành nhân rộng. “Chẳng hạn có thể thử nghiệm trong quy mô một phòng ban, với một số công việc cụ thể, rủi ro ít nhất”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Bình luận về chính sách quản lý của Bộ TT&TT, ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch CMC cho rằng, cách làm chính sách mà Bộ TT&TT sẽ đưa ra theo kiểu sandbox là chính sách đúng theo tư tưởng doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm chứ không thể cứ áp vấn đề cấp phép xin phép làm mất cơ hội kinh doanh.

Ông Nguyễn Trung Chính cho rằng, hiện có nhiều lĩnh vực kinh doanh truyền thống phải đưa công nghệ vào để thay đổi phương thức kinh doanh hiệu quả hơn. Thế nhưng, nếu áp dụng quản lý thông thường với những mô hình này thì không quản lý được bởi chính sách thường chậm hơn thực tiễn.

“Chúng ta không thể đòi hỏi cơ quan quản lý nhà nước đưa ra chính sách cho tương lai vì thực sự đây là vấn đề khó. Thế nhưng, nhiều nước đưa ra chính sách sandbox để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển những mô hình mới, nhưng giới hạn khu vực triển khai. Đây chính là doanh nghiệp được triển khai cái gì mà nhà nước không cấm. Sandbox (khung chính sách riêng) là chính sách đúng theo tư tưởng doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm chứ không thể cứ áp vấn đề cấp phép xin phép sẽ làm mất cơ hội phát triển của doanh nghiệp. Để xây dựng chính phủ kiến tạo cần phải bỏ tư tưởng cái gì nhà nước cho làm mới được làm”, ông Nguyễn Trung Chính nói.

Ông Phùng Anh Tuấn, Phó Chủ tịch – Tổng thư ký VAFI cho rằng:”Trong giao dịch điện tử, có rất nhiều thay đổi nhanh chóng, nhiều loại dịch vụ hiện tại đã có trên thị trường song chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật nào. Vì thế, chúng tôi cho rằng cơ chế Sandbox là một cơ chế rất phù hợp để khuyến khích những dịch vụ mới ra đời, phát triển thị trường hơn theo hướng khuyến khích các doanh nghiệp trẻ, doanh nghiệp mới làm những gì mà pháp luật không cấm”.

Ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch Ngân hàng Liên Việt PostBank cho biết: Càng doanh nghiệp lớn càng sợ nhất là rủi ro pháp lý. Hầu hết các doanh nghiệp đều mong muốn thể chế đi trước một bước để tạo khung pháp lý. oanh nghiệp nền tảng công nghệ và tài chính ngân hàng có thể đi đầu trong chuyển đổi số. Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cần tạo điều kiện khuyến khích để các ngân hàng có thể đứng đầu trong chuyển đổi số và giải quyết các khúc mắc ở thời điểm hiện tại. “Phải tạo điều kiện cho ngân hàng làm sandbox càng sớm càng tốt. Nhà nước cần làm những việc tập trung đầu tư (đào tạo nhân lực, xây dựng hạ tầng dữ liệu) còn lại có thể để doanh nghiệp cơ chế để làm”.

Tại Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam với chủ đề “Khát vọng, tầm nhìn và định hướng phát triển vì một Việt Nam hùng cường” , CEO Công ty VCCorp Nguyễn Thế Tân đã đề xuất Nhà nước cần ban hành cơ chế Sandbox dành cho cái mới: Cơ chế này rộng về phạm vi, rộng về đối tượng tham gia, giới hạn quy mô ảnh hưởng. Ví dụ, cho phép ví điện tử nạp tiền mặt, nhưng giao dịch không quá 1 triệu đồng/ngày, giao dịch hóa đơn cơ bản thì được giao dịch các khoản tiền to hơn.

Ông Tân cũng kiến nghị Nhà nước cho phép áp dụng chính sách đặc khu ảo cho những vấn đề quá hóc búa, cần kiểm soát, hoặc có rủi ro lớn. “Nhà nước chọn lọc công ty, chọn lọc vấn đề với quy định thông thoáng hơn để áp dụng thử nghiệm, sau thời gian thử nghiệm sẽ điều chỉnh chính sách để cho phép áp dụng chính thức. Ví dụ như quản lý tiền ảo chẳng hạn thì cần áp dụng chính sách đặc khu ảo”, ông Tân nêu.

Chủ tịch kiêm CEO Công ty Got It Trần Việt Hùng cũng nhận định: nếu cơ chế Sandbox được thực hiện để hỗ trợ các doanh nghiệp thử nghiệm các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới, sẽ giúp rất nhiều cho sự phát triển các startup công nghệ của Việt Nam.

Theo ICT News