Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Bỏ 5 năm lấy công làm lãi, 10 năm sau thu lợi nhuận lớn, ông chủ người Việt khiến người Nhật phải khâm phục

Trong kinh doanh điều quan trọng nhất là mình phải có cái tâm hết lòng vì khách hàng, lợi nhuận chỉ là thứ yếu. Hiểu được điều đó khách hàng sẽ đến với mình. Có khách hàng thì hàng sẽ bán được, chắc chắn sẽ không bị thua lỗ, về lâu dài thể nào cũng có lãi.

Nhắc đến doanh nhân Ngô Hùng Lâm, trong con mắt của bạn bè Nhật Bản, ông là một trong những doanh nhân người Việt Nam đầu tiên và là một trong không nhiều những doanh nhân người nước ngoài gặt hái thành công ở đất nước mặt trời mọc – nơi mà người tiêu dùng nổi tiếng khó tính và chỉ tin dùng “hàng nội”. Cuốn sách Chinh phục đỉnh Phú Sĩ ghi lại những kinh nghiệm sống và kinh doanh của ông tại Nhật Bản và là bí quyết gối đầu giường với những ai đang mong chinh phục thị trường này.

Tiêu biểu cho bí mật kinh doanh của ông Lâm là chuyện kinh doanh hoa nhân các dịp lễ tết. Điều ông làm đi ngược với toàn thị trường nhưng nhận được kết quả tích cực lâu dài:

Nhật Bản một năm có bốn dịp lễ lớn, đó là Shogatsu đọc là Sô-gát-chự, Higan đọc là Hi-găng, và Obon đọc là Ồ-bông. Shogatsu chính là dịp Tết, người Nhật từ lâu đã bỏ lịch âm, theo lịch Dương nên ngày Tết cổ truyền của họ được chuyển thành ngày 1 tháng 1 Dương lịch hàng năm. Higan chính là ngày Thanh minh, là một ngày lễ đặc biệt của đạo Phật tại Nhật. Một năm có hai dịp Higan, khoảng ba ngày trước ngày Xuân phân được gọi là Higan (mùa Xuân), và khoảng ba ngày trước ngày Thu phân được gọi là Higan (mùa Thu). 

Cả hai dịp Higan đều là thời gian chuyển mùa, ngày Thu phân và ngày Xuân phân chính là ngày trên mặt đất có số giờ cho ban ngày và ban đêm bằng nhau. Vào những ngày này, người Nhật thường đi tảo mộ tổ tiên, họ thường dùng hoa trắng và Ohagi một loại thức ăn để bày cúng.

Còn lễ hội Obon giống như ngày rằm tháng Bảy, chính là lễ Vu Lan và ngày Xá tội vong nhân ở nước ta. Lễ Vu Lan là để tỏ lòng báo hiếu với ông bà, cha mẹ, tổ tiên đã khuất; còn lễ Xá tội vong nhân là lễ cúng thí cho những vong hồn vật vờ không nơi nương tựa, không có ai là thân nhân trên trần gian cúng bái, hai lễ này khác nhau. Người Nhật quan niệm ngày Rằm tháng Bảy là ngày cửa địa ngục mở để đón thân nhân và các vong linh được giải thoát. Họ sắm sửa đồ cúng làm đèn lồng để dẫn đường, làm bò và ngựa từ cà tím và dưa chuột để cúng cho tổ tiên. Người Nhật nói rằng làm thế là để cầu nguyện cho linh hồn của tổ tiên có thể đi đến thế giới hiện thực nhanh chóng bằng ngựa làm từ dưa chuột; vì tiếc thương, quyến luyến nên chậm rãi trở về thế giới bên kia bằng bò làm từ cà tím. Nếu như mộ tổ tiên gần nhà thì buổi trưa người ta sẽ ra quét dọn và tảo mộ.

Trong những dịp này, khách thường mua rất nhiều hoa đi tảo mộ hoặc cũng cho ông bà tổ tiên. Các cửa hàng hoa thường nhân dịp này tranh thủ bán kiếm lời, một bó hoa có thể lên tới 600 đến 700 Yên. Riêng của hàng tôi những ngày này lại giữ giá bán là 398 Yên, bằng đúng giá gốc tôi nhập vào, có khi còn rẻ hơn. Khách đến cửa hàng mua hoa còn được tôi đích thân mang trà nước ra phục vụ. Trời nóng thì mỗi người khách vào tiệm được tặng một lon trà uống liền giá 100 Yên.

 Những việc làm đó của tôi khiến khách hàng không khỏi ngạc nhiên, họ xúm vào hỏi: “Đã bán giá rẻ rồi lại còn tặng trà, anh không sợ bị lỗ à”. Tôi trả lời: “Xin hỏi các vị, trên đời này cái nhìn thấy và cái không nhìn thấy, cái gì quý hơn? Cái nhìn thấy là tiền bạc vật chất, cái không nhìn thấy là tấm lòng con người”. “Vậy thì cái không nhìn thấy quý hơn” – khách hàng đáp.

Tôi giãi bày tiếp: “Hoa này là để cúng cho người đã khuất. Dù chúng ta không nhìn thấy họ nhưng họ luôn hiện diện ở bên chúng ta. Hoa bán cho người đã khuất nên tôi không thể bán giá cao để kiếm lời. Tôi làm vậy cũng là để những người đã khuất hiểu được tấm lòng của tôi, họ sẽ phù hộ độ trì cho tôi ăn nên làm ra.” Khách hàng nghe tôi giải thích vậy thì đồng tình và mua càng nhiều hoa. Rồi thì một đồn mười, mười lại đồn trăm… uy tín và danh tiếng của cửa hàng lại càng được nhiều người biết đến, khách hàng ngày càng đông.

Trong những dịp lễ tết, các cơ sở bán hàng khác thường thu lời rất nhiều, còn cửa hàng tôi thì may ra chỉ hòa vốn, có khi còn lỗ. Nhưng tôi rất thanh thản và tự tin, vui vì mình làm được một việc tốt, tự tin vì dù không kiếm được lợi nhuận nhưng lại tri ân được khách hàng. Một năm có 365 ngày, trừ 4 ngày người ta đi tảo mộ thì vẫn còn tới 361 ngày, chỉ cần họ là những khách hàng trung thành với cửa hàng của mình thì trong 361 ngày còn lại là quá đủ lời.

Tôi đã bỏ ra 5 năm trời để xây dựng thương hiệu, uy tín cho bản thân và cho cửa hàng. Trong 5 năm đầu tiên gần như tôi chỉ lấy công làm lãi, nhưng quãng thời gian vất vả này không hề uổng phí. Nhờ có 5 năm đó mà 10 năm tiếp theo tôi đã thu được rất nhiều lợi nhuận từ đó. Đó cũng chính là “Lùi một bước để tiến ba bước”, hay nói cách khác là: “Bỏ con săn sắt để bắt con cá rô”. Nhưng điều này không có nghĩa là sau 5 năm đầu tôi không cố gắng và không hết mình, tôi luôn hết mình phục vụ khách hàng từ ngày đầu tiên. Các chương trình khuyến mại, giảm giá, chính sách ưu đãi khách hàng luôn được cửa hàng đặt lên hàng đầu.

Điều quan trọng nhất là mình phải có cái tâm hết lòng vì khách hàng, lợi nhuận chỉ là thứ yếu. Hiểu được điều đó khách hàng sẽ đến với mình. Có khách hàng thì hàng sẽ bán được, chắc chắn sẽ không bị thua lỗ, về lâu dài thể nào cũng có lãi.

Thảo Nguyên

Theo Trí Thức Trẻ