Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

BIDV đã quyết định “trả nợ” cổ đông, VietinBank thì sao?

Trong số 2 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước đang “nợ” cổ tức, BIDV đã có câu trả lời. Sự chú ý còn lại dồn về VietinBank.

Như vậy, với câu hỏi cổ tức từng được đặt ra suốt gần ba năm qua, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) mới đây đã chính thức có văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội về việc công bố thông tin chi trả cổ tức năm 2017, 2018.

Theo đó, căn cứ Nghị quyết số 1056/NQ-BIDV của Hội đồng Quản trị BIDV ngày 25/10/2019, BIDV sẽ trả cổ tức năm 2017 và 2018 bằng tiền mặt.

Cụ thể, ngân hàng này sẽ thực hiện trả cổ tức năm 2017 bằng tiền mặt với tỷ lệ 7%/cổ phiếu; cổ tức năm 2018 với tỷ lệ 7%/cổ phiếu.

Tổng tỷ lệ cổ tức bằng tiền mặt cho hai năm, theo đó, là 14%/cổ phiếu (một cổ phiếu nhận 1.400 đồng).

Ngày đăng ký cuối cùng là 08/11/2019. Ngày thanh toán là 12/12/2019.

Thông báo và nghị quyết trên của Hội đồng Quản trị BIDV đưa ra sau hơn hai năm qua chính sách trả cổ tức tại đây chưa được thực hiện.

Như vậy, trong số 2 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước chi phối đang “nợ” cổ tức, BIDV đã có câu trả lời. Và sự chú ý hiện tại đang được dồn về thành viên còn lại là VietinBank .

Cũng như BIDV, năm tài chính gần đây nhất mà ngân hàng này chi trả cổ tức cho cổ đông là năm 2016, với mức 7% bằng tiền.

Cho năm tài chính 2017, VietinBank dự kiến sẽ trả cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 5-7%, còn cho năm 2018, ngân hàng dự kiến chia toàn bộ cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 8,03% hoặc để lại toàn bộ lợi nhuận để tăng vốn điều lệ .

Cũng cần phải nhắc lại, so với VietinBank, việc tăng vốn của BIDV giờ đây có phần bớt căng thẳng hơn khi ngân hàng đã tìm được đối tác chiến lược là một ngân hàng lớn đến từ Hàn Quốc.

Theo thông tin được công bố, BIDV sẽ phát hành riêng lẻ cho đối tác KEB Hana Bank hơn 603 triệu cổ phần, tương ứng 15% vốn điều lệ sau phát hành. Với mức giá 33.640 đồng/cổ phiếu, tổng giá trị giao dịch ước tính gần 20.300 tỷ đồng.

Vốn điều lệ của ngân hàng theo đó sẽ  tăng lên 40.220 tỷ đồng, từ mức 34.187 tỷ đồng hiện tại. Theo một số nguồn tin, nhiều khả năng việc chuyển tiền sẽ sớm được hoàn tất, sau bước thủ tục với Ủy ban Chứng khoán gần đây…

Đối với VietinBank, tình thế trở nên khó khăn hơn nhiều khi đã khai thác hết dư lượng trong việc đa dạng hoá cổ đông, trong đó, 64,46% là vốn nhà nước, các nhà đầu tư nước ngoài cũng đã lấp đầy “room” 30%.

Việc phát hành cổ phiếu tăng vốn gần như là không thể do Nhà nước không có kế hoạch chi thêm ngân sách cho các ngân hàng thương mại trong kế hoạch trung hạn.

Vốn điều lệ không thể tăng trong nhiều năm qua khiến tăng trưởng tín dụng của ngân hàng bị “co lại” do phải đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn, điều này không chỉ ảnh hưởng tới các kế hoạch cung ứng vốn cho nền kinh tế mà còn ảnh hưởng rất lớn tới lợi nhuận, cũng như kế hoạch phát triển của nhà băng.

Áp lực với ngân hàng này vì thế càng lớn hơn khi buộc phải dựa vào giải pháp ngắn hạn, liên tục phát hành trái phiếu bổ sung vốn cấp 2 với chi phí cao hơn.

Ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch VietinBank cho biết, tính đến cuối năm 2018, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) riêng lẻ của ngân hàng là 9,6% và hợp nhất là 10%. Tuy nhiên, nếu áp dụng theo Thông tư 41, CAR của ngân hàng lại ở mức dưới 8%.

Cụm từ “đặc biệt cấp bách” theo đó, liên tục được lãnh đạo VietinBank nhắc tới khi đề cập đến nhu cầu tăng vốn của nhà băng.

Xét về tổng thể, việc giữ lại lợi nhuận tăng vốn dường như là phương án khả thi nhất đối với VietinBank lúc này.

Tuy nhiên, điều này lại có tác động trực tiếp đến “túi tiền quốc gia”. Bởi, mỗi năm, “ông lớn” này đóng góp cho ngân sách Nhà nước tới hàng ngàn tỷ đồng.

VietinBank cũng đã từng nhiều lần đề nghị cơ quan quản lý là Bộ Tài chính cho phép không chia cổ tức hoặc chia bằng cổ phiếu nhằm bổ sung nguồn vốn tự có, nâng cao năng lực tài chính, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng, đồng thời đảm bảo tuân thủ các giới hạn về an toàn vốn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và thông lệ quốc tế.

Đồng thời, cơ quan quản lý là Ngân hàng Nhà nước cũng liên tục có đề xuất  Chính phủ kiến nghị Quốc hội sửa Nghị quyết số 25/2016/QH14, Nghị quyết số 26/2016/QH14, Nghị quyết số 1023/NQ-UBTVQH13 hoặc ban hành một Nghị quyết mới theo hướng cho phép sử dụng ngân sách nhà nước để tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại nhà nước.

Tuy nhiên, cho tới nay, vẫn chưa có câu trả lời từ các cấp có thẩm quyền được công bố.

Trong khi đó, một ngân hàng khác cũng có đặc điểm Nhà nước chi phối sở hữu là Vietcombank vẫn đều đặn trả cổ tức hàng năm bằng tiền mặt, BIDV như trên cũng đã có quyết định cuối cùng, còn lại VietinBank có được là ngoại lệ hay không?

Theo Trần Thức

BizLive