Nhiều báo châu Âu trong đó có DW (Đức) và FT (Anh) ngạc nhiên về Việt Nam với hệ thống y tế chưa hiện đại trong khi ngân sách eo hẹp nhưng lại đang chống dịch một cách hiệu quả.
Đài truyền hình Đức DW (Deutsche Welle) mở đầu bài viết trên trang web của họ hôm 26/3 bằng câu hỏi: Làm thế nào mà một quốc gia có mật độ dân số cao giáp với Trung Quốc, có hệ thống y tế không hề hiện đại và ngân sách eo hẹp lại có thể giữ tỷ lệ nhiễm virus ở mức thấp như vậy?
Theo dõi cả F2, F3 và F4
Virus corona đang hoành hành ở châu Âu, cách xa hơn 10.000 km so với Trung Quốc – nơi đầu tiên bệnh dịch bùng phát. Đức đã ghi nhận hơn 96.000 ca nhiễm và 1.400 trường hợp tử vong. Trong khi đó, Việt Nam, nước có hơn 1.100 km đường biên với Trung Quốc, ghi nhận 241 ca nhiễm và chưa có trường hợp tử vong nào kể từ khi Covid-19 xuất hiện tại đây vào tháng 1.
DW cho rằng kể cả khi phải nhìn nhận những số liệu thống kê với một sự thận trọng nhất định, có một sự thật rõ ràng là cho tới nay, Việt Nam đã làm tốt công tác ứng phó với virus corona.
Hãng thông tấn Đức cho biết ngay từ cuối tháng 1, chính phủ Việt Nam đã “tuyên chiến” với dịch bệnh, mặc dù lúc đó việc lây nhiễm chủ yếu diễn ra ở Trung Quốc. Tuy nhiên, cuộc chiến này cần đến nguồn lực rất lớn được sử dụng cho hệ thống y tế – cả 2 thứ Việt Nam đều chưa thể nói là hoàn thiện.
Để vượt qua những khó khăn này, DW giải thích chính phủ Việt Nam đã áp dụng những biện pháp cách ly chặt chẽ và truy vết hoàn toàn những người có khả năng tiếp xúc với virus. Và cũng theo DW, những biện pháp như vậy được thực hiện sớm hơn nhiều so với quá trình diễn biến của dịch bệnh so với tại Trung Quốc – nơi việc phong tỏa toàn bộ thành phố được sử dụng như cách cuối cùng ngăn chặn virus lây lan.
Hồi tháng 2, Việt Nam tiến hành phong tỏa xã Sơn Lôi với 10.000 dân trong vòng 3 tuần, khi mà mới chỉ có 10 trường hợp nhiễm Covid-19 được xác nhận trên cả nước. Các cơ quan chức năng cũng điều tra rộng rãi và kỹ càng bất cứ ai có khả năng tiếp xúc với virus.
Các nước phương Tây như Đức chỉ ghi nhận những người nhiễm và người tiếp xúc trực tiếp với họ. Việt Nam trong khi đó theo dõi cả mức độ tiếp xúc thứ hai, thứ ba và thứ tư với những người nhiễm bệnh. Tất cả những người này sau đó được đặt dưới sự giám sát y tế và cách ly.
Việt Nam cũng tiến hành cách ly bắt buộc 14 ngày với người đến từ vùng dịch từ rất sớm. Tất cả trường học và đại học cũng đã không hoạt động kể từ đầu tháng 2.
DW cũng nêu lên việc các phương tiện truyền thông nhà nước đã mở một chiến dịch mạnh mẽ để truyền tải thông tin về virus corona tới mọi người dân trong xã hội. Bộ Y tế Việt Nam còn trực tiếp đỡ đầu cho một bài hát được sáng tác để nhắc nhở mọi người rửa tay – và nó đã trở thành giai điệu được lan truyền trên mạng.
DW cho rằng tâm trạng trên truyền thông và mạng xã hội Việt Nam thể hiện rằng phần lớn công chúng đồng thuận với các biện pháp của chính phủ.
Người dân được thông tin đầy đủ
Hãng thông tấn EFE của Tây Ban Nha cũng phỏng vấn ông Park Ki Dong, đại diện của WHO tại Hà Nội để giải thích tại sao Việt Nam đang chống lại Covid-19 một cách hiệu quả.
Theo ông Park, “sự chuẩn bị trong thời bình”, “kích hoạt hệ thống cảnh báo sớm” và “cách tiếp cận toàn xã hội dưới sự lãnh đạo mạnh mẽ” là những lý do chính cho sự thành công của Việt Nam cho đến thời điểm này.
Tiến sĩ Park cũng nhận định rằng chính phủ Việt Nam đã có những quyết định đi đúng hướng, và người dân cũng có ý thức tuân thủ các quy định của chính phủ.
Tạp chí FT (Financial Times) của Anh thì nhắc tới việc Bộ Y tế Việt Nam gửi tin nhắn hàng ngày đến tất cả người sử dụng điện thoại cũng như các thông tin khác về virus và hướng dẫn giữ gìn sức khỏe.
FT cũng nhắc tới một khảo sát gần đây của công ty nghiên cứu thị trường Nielsen về việc phẩn lớn người được hỏi tại Việt Nam “có khả năng nhận thức cao” về các triệu chứng của Covid-19. Trong khi đó, các nỗ lực của chính phủ để chống lại Covid-19 đã thu hút được sự ủng hộ của mọi người.
Trên mạng xã hội, người dùng Việt Nam kêu gọi mọi người ở nhà và cổ vũ các nhân viên y tế, cũng như chia sẻ một bức tranh phong cách cổ động có nội dung: “Ở nhà là yêu nước”.
Theo DW, người dân Việt Nam hầu hết đều chấp nhận những thiệt hại kinh tế gây ra bởi Covid-19 mặc dù số liệu của chính phủ cho thấy 3.000 doanh nghiệp đã ngừng hoạt động trong 2 tháng đầu tiên của năm 2020.
Để giảm nhẹ gánh nặng này, chính phủ Việt Nam đã bơm 1,1 tỷ USD ra thị trường, dù các quan chức tài chính cho rằng cuộc khủng hoảng sẽ ảnh hưởng đến thu ngân sách nhà nước. Vì vậy chính phủ đang kêu gọi các khoản đóng góp tự nguyện, và người dân cũng hiến tặng những gì họ có vì họ tin vào chính phủ trong cuộc chiến chống lại virus corona.
Theo Zing.vn