Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Bản lĩnh nữ doanh nhân đối diện với đại dịch Covid-19

Bản lĩnh vững vàng của một nhà lãnh đạo, cùng với phẩm chất mềm mỏng, chia sẻ với cộng đồng của người phụ nữ là cách bà Đặng Thị Thanh Vân chèo lái con thuyền Savvycom vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của đại dịch Covid-19.

Bản lĩnh nữ doanh nhân đối diện với đại dịch Covid-19
Bà Đặng Thị Thanh Vân cùng ban lãnh đạo Savvycom.

Đại dịch Covid-19 phủ bóng đen lên nền kinh tế, đẩy hàng loạt doanh nghiệp vào tình cảnh điêu đứng, phải tạm dừng hoạt động, tinh gọn đội ngũ hay thậm chí là phá sản. Có thể nói, hai năm vừa qua là khoảng thời gian khó khăn chưa từng có tiền lệ đối với doanh nhân cũng như cộng đồng doanh nghiệp.

Trong tình cảnh đó, hình ảnh những nữ lãnh đạo càng trở nên nổi bật. Vừa làm tròn vai nhà lãnh đạo kiên cường, bản lĩnh để trụ vững con thuyền của doanh nghiệp, tổ chức, những nhà lãnh đạo nữ vừa phải đóng vai người chị, người mẹ, với tấm lòng bao dung, ấm áp để sẻ chia với đội ngũ, với đối tác những khó khăn và mất mát.

Sự bản lĩnh, kiên cường cũng như tấm lòng bao dung, ấm áp ấy được bà Đặng Thị Thanh Vân, Nhà sáng lập kiêm CEO Savvycom chia sẻ trong câu chuyện với TheLEADER.

Nhiều năm làm công việc điều hành doanh nghiệp, cũng như tiếp xúc, giao lưu, hợp tác với nhiều doanh nghiệp khác, bà có suy nghĩ thế nào về phẩm chất của nữ lãnh đạo doanh nghiệp? Doanh nghiệp nữ làm chủ có điểm gì khác biệt?

Bà Đặng Thị Thanh Vân: Cá nhân tôi thấy rằng đã lãnh đạo doanh nghiệp, bất kể là nam hay nữ đều sẽ có những phẩm chất chung. Đó là tư duy chiến lược, khả năng tạo ảnh hưởng, tính quyết đoán và khả năng học hỏi điều mới.

Còn để nói riêng về nữ lãnh đạo, qua thời gian sinh hoạt với câu lạc bộ nữ doanh nhân, tham gia các chương trình cố vấn nữ doanh nhân, tôi thấy có một điểm đặc biệt là họ thực sự mạnh mẽ. Phải mạnh mẽ mới vượt qua được những rào cản, những định kiến để dấn thân vào con đường doanh nhân vốn rất nhiều chông gai, thách thức.

Một điểm đặc biệt nữa của nữ lãnh đạo là tính cộng đồng. Nếu nam giới thường tập trung vào một mục tiêu chính thì nữ giới sẽ có thiên hướng quan tâm hơn tới cộng đồng xung quanh. Người ta thường nói “đầu tư vào phụ nữ chính là đầu tư vào cộng đồng xung quanh họ”.

Dù tôi trực tiếp lãnh đạo Savvycom nhưng bản thân tôi lại không nghĩ Savvycom là một “doanh nghiệp do nữ làm chủ”. Bởi ở Savvycom, chúng tôi đề cao sự tự làm chủ của mỗi cá thể trong tổ chức của mình. Mọi người đều có quyền và trách nhiệm cao nhất ở công việc của mình.

Khoảng 40% nhân sự của Savvycom là nữ, một tỷ lệ khá cao so với các công ty làm về công nghệ. Khi các đối tác, khách hàng đến làm việc trực tiếp tại văn phòng, họ nhận xét là mọi thứ đều gọn gàng, ngăn nắp hơn. Có vẻ như có sự xuất hiện của phụ nữ nhiều hơn thì mọi thứ chỉn chu hơn chăng?

Những phẩm chất, bản lĩnh của nhà lãnh đạo nữ được khắc họa thế nào qua cơn bão Covid-19, thưa bà?

Bà Đặng Thị Thanh Vân: Nói về bản lĩnh, chắc là điều không thể thiếu với bất cứ ai làm kinh doanh, vì họ chấp nhận thử thách, biến cố, thậm chí chấp nhận sự cô đơn. Bản lĩnh lại càng được nhấn mạnh qua phép thử mang tên Covid-19.

Tính chia sẻ của người phụ nữ như tôi đã nói chính là phẩm chất đặc biệt giúp những nhà lãnh đạo nữ vượt qua khủng hoảng dễ hơn. Ví dụ như chúng tôi sinh hoạt với nhau thông qua câu lạc bộ nữ doanh nhân. Mọi người cùng chia sẻ, động viên nhau, cùng nhau nhìn xem những doanh nghiệp xung quanh đang rơi vào tình cảnh nào, đang có phương án nào để giải quyết.

Những sự chia sẻ, động viên ấy không chỉ đem lại kinh nghiệm mà còn giúp giải tỏa được vấn đề về tinh thần. Nhờ hỏi han, động viên lẫn nhau mà chị em cũng phần nào vơi bớt áp lực, nặng nề.

Một điều nữa, vì đại dịch Covid-19 xảy đến rất bất ngờ và mang tính khách quan nhiều hơn, đòi hỏi sự ứng biến linh hoạt. Phụ nữ “ghi điểm” vì phát huy được sự mềm mỏng và khả năng chịu đựng. Nên nhìn chung doanh nhân nữ vượt qua khủng hoảng Covid-19 có phần nào đó tốt hơn.

Trong bối cảnh Covid-19, những nữ doanh nhân tôi biết, có người chấp nhận cho doanh nghiệp “ngủ đông”, cũng có người dũng cảm đóng cả doanh nghiệp để xoay sang mảng mới, hay lựa chọn các giải pháp thích nghi như chuyển đổi số. Họ thể hiện rất là linh hoạt với tình thế, dù đang kinh doanh ở lĩnh vực nào.

Bản lĩnh nữ doanh nhân đối diện với đại dịch Covid-19 2
Savvycom ưu tiên bảo vệ “nồi cơm” cho đội ngũ nhân viên trước tình cảnh khó khăn.

Cá nhân bà và Savvycom vượt qua đại dịch như thế nào?

Bà Đặng Thị Thanh Vân: Thời gian đầu tiên khi dịch bùng phát, ngành công nghệ thông tin cũng rơi vào thế khó. Bởi lúc ấy, cả thế giới còn đang “ngơ ngác” chưa hiểu chuyện gì xảy ra nên nhiều doanh nghiệp cắt giảm chi phí về công nghệ cũng như tạm ngừng các dự án mới.

Trong lúc khó khăn ấy, tôi tâm niệm phải giữ được cái đầu lạnh, nếu để nỗi sợ hãi xen vào, quyết định đưa ra sẽ bị ảnh hưởng và có thể sẽ là những quyết định sai.

Giữ tâm thế bình tĩnh, việc đầu tiên tôi làm là quan sát. Quan sát xem điều gì đang xảy ra trên thế giới, đang xảy ra với những khách hàng của mình, bởi thị trường của Savvycom chủ yếu nằm ở nước ngoài. Tiếp theo đó là tích cực trao đổi thông tin với các doanh nghiệp trong và ngoài ngành, để tìm hiểu, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm.

Đối với đội ngũ trong công ty, tôi tăng cường truyền thông nội bộ, thiết lập kênh trực tuyến để chia sẻ định hướng, chiến lược, đồng thời linh hoạt điều chỉnh quy trình để thích nghi với những thay đổi.

Việc tôi ưu tiên đầu tiên là bảo toàn lực lượng, bảo vệ “nồi cơm” cho nhân viên. Tiếp sau đó là sẻ chia với nhau những giá trị về sự cảm thông, cùng đóng góp, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trong và ngoài công ty.

Mọi người xung quanh, từ bạn bè cho tới nhân viên, đối tác đều nghĩ chắc thời gian vừa qua tôi phải căng thẳng lắm. Tuy nhiên, thực ra tôi vẫn luôn giữ tâm trạng khá ổn định, tránh bi quan, tiêu cực. Lúc nào vấn đề khó quá thì tôi nghỉ ngơi hoặc làm việc khác, chứ không để những cái tiêu cực chi phối, ảnh hưởng đến công việc.

Liệu đây có phải “công thức chung” khi đối diện với khó khăn của bà?

Bà Đặng Thị Thanh Vân: Suốt 13 năm trên con thuyền Savvycom, nếu không tính đại dịch Covid-19, có lẽ khó khăn lớn nhất của tôi là khi phải đưa ra các quyết định về nhân sự. Tôi luôn coi đồng nghiệp là những người gắn bó, đồng hành, là mối quan hệ lâu dài và luôn muốn xây dựng một môi trường để nhân sự được trưởng thành trong sự nghiệp, thấy vui khi đến công ty và duy trì được hứng khởi với công việc của mình.

Vì vậy, khi phải đưa ra quyết định “chia tay” ai đó, tôi cảm thấy rất là khó khăn, đặc biệt là trong giai đoạn đầu khởi nghiệp. Cách đối diện với khó khăn của tôi là đối diện với sự thật, trao đổi thẳng thắn và luôn tạo ra cái sự chia tay “có hẹn ngày trở lại”. Và quả thực là năm nào Savvycom cũng có nhân sự cũ trở về, công ty gọi vui với nhau là “nhân viên boomerang”.

Cũng giống như việc đối diện với Covid-19, tôi đề cao tính chia sẻ, cảm thông, thấu hiểu lẫn nhau trong nội bộ, lấy đó làm nền tảng cho các quyết định.

Bản lĩnh nữ doanh nhân đối diện với đại dịch Covid-19 3
Khó khăn lớn của bà Đặng Thị Thanh Vân là khi phải đưa ra những quyết định nan giải về nhân sự.

Người ta thường nói “thương trường như chiến trường”, trong khi phụ nữ thường mềm mỏng, nhân hậu, ít có sự lạnh lùng hơn so với nam giới, nên khó làm công việc điều hành doanh nghiệp? Bà nhận xét thế nào về quan điểm này?

Mềm mỏng không đồng nghĩa với yếu đuối, nhân hậu không nhất thiết phải là nhu nhược, và dẫu có lạnh lùng cũng không thể thiếu đi được chữ tình!

Bà ĐẶNG THỊ THANH VÂN CEO

Bà Đặng Thị Thanh Vân: Thương trường đúng là rất khốc liệt. Nhưng theo tôi coi thương trường là chiến trường có lẽ chưa đúng lắm. Trên chiến trường có người thắng, kẻ thua, thậm chí là cả 2 bên cùng thua vì chiến tranh phi nghĩa, bên nào cũng chịu thiệt hại cả.

Tôi thì tư duy thương trường theo cách khác. Thương trường là nơi cạnh tranh lành mạnh, tạo ra các sản phẩm dịch vụ mới, chứ không nhất thiết cứ phải một sống một còn. Thay vì cạnh tranh, triệt tiêu nhau, doanh nghiệp có thể cộng tác với nhau để đạt được thành tựu xa hơn nữa.

Đơn cử như trong ngành công nghệ thông tin, Savvycom đang có khoảng gần 200 nhân sự, nếu đi một mình thì chỉ nhận được dự án quy mô tối đa tương ứng với chừng ấy người thôi, còn muốn giải bài toán lớn hơn, làm dự án lớn hơn, bắt buộc phải hợp tác. Chúng tôi vẫn tâm niệm đoàn kết, hợp tác với doanh nghiệp cùng ngành để “đưa Việt Nam lên bản đồ IT thế giới”.

Như vậy thương trường không hẳn là một nơi quá khốc liệt và sự mềm mỏng, nhân hậu của người phụ nữ cũng không phải là không thích hợp với thương trường. Mềm mỏng không đồng nghĩa với yếu đuối, nhân hậu không nhất thiết phải là nhu nhược, và dẫu có lạnh lùng cũng không thể thiếu đi được chữ tình.

Trong công việc, tôi tin và luôn nhắc nhở đội ngũ của mình rằng “lạt mềm buộc chặt”. Tức là dù bất cứ tình huống nào cũng cần duy trì thái độ bình tĩnh, mềm mỏng, tuy nhiên vẫn giữ nguyên tắc, ví dụ như có điều nào không thể nhượng bộ thì quyết không nhượng bộ. Điều này cũng phù hợp với một triết lý khác trong kinh doanh mà tôi luôn cho rằng “quyết định tuyệt vời nhất là quyết định đưa ra để các bên cùng có lợi”.

Xin cảm ơn những chia sẻ của bà!

Theo The Leader