Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Bán hàng online lên ngôi, tại sao vẫn cần cửa hàng offline hiện diện? Đây là lý giải của doanh nhân Lý Quí Trung

Bán lẻ online đang ngày càng phủ bóng lên toàn bộ nền kinh tế thế giới, đe dọa không nhỏ đến các cửa hàng offline truyền thống.

Gần đây nhất, hãng thời trang Topshop đã đệ đơn xin bảo hộ phá sản, đồng thời đóng toàn bộ 11 cửa hàng Topshop và Topman tại Mỹ. Ngay trong năm nay, đế chế thời trang này cho biết sẽ tiếp tục đóng 23 cửa hàng tại thị trường nội địa Anh quốc.

Một số thương hiệu thời trang nhanh khác cũng không nằm ngoài cuộc vật lộn. Gap tuyên bố đóng 230 cửa hàng trong năm nay do giảm sút doanh số còn Forever 21 đang đàm phán với hãng quản lý Apollo Global Management về khả năng nộp đơn xin bảo hộ phá sản.

Sự suy thoái của ngành bán lẻ Mỹ nói chung, tuy chưa lan tới Việt Nam, nhưng vẫn đủ để nhiều người dấy lên lo ngại về tương lai của các của hiệu truyền thống. Vậy nhưng với doanh nhân Lý Quí Trung, CEO Tập đoàn nội thất Aka Furniture Group, nhà sáng lập thương hiệu Phở 24 một thời, cái nhìn lạc quan được thể hiện rất rõ.

“Xu thế thế giới nói chung hiện nay là online, từ từ người tiêu dùng sẽ mua hàng online ngày càng nhiều hơn. Hôm trước cũng có người hỏi tôi ‘Anh mở showroom nội thất như vậy, một ngày nào đó xu hướng online thắng thế, các showroom của anh thế nào’. Tôi liền trả lời: Xu thế là online nhưng có những món chúng ta không thể mua qua mạng được”, ông Trung chia sẻ tại lễ khai trương showroom nội thất cao cấp Bellavita Luxury của Aka.

Lấy ngay ngành nội thất hạng sang làm ví dụ, ông cho biết khách hàng mua tại showroom sẽ được nhận sự tư vấn của nhân viên, được chạm vào sản phẩm để định hình chất lượng so với giá thành đưa ra, những vấn đề mua sắm online không thể giải quyết được.

“Rất nhiều sản phẩm, phải nhìn tận mắt sờ tận tay thì chúng ta mới thấy cái đẹp, cái hay của nó. Ở các showroom nội thất cũng vậy, ngoài việc bố trí theo không gian bắt mắt, khách hàng được sờ, cầm, ngồi thử lên sản phẩm. Như bộ salon Baxter của Ý chẳng hạn, chỉ ngồi lên thôi là đã muốn ngủ luôn ở đó rồi, khác xa lắm với cái salon thường”.


Showroom Bellavita Luxury. Ảnh: Hồng Lam.

Ông Trung thừa nhận ở các nước phương Tây, với ngành hàng nội thất, có thể không cần mở showroom lớn, tất cả bán qua catalogue và các kênh online, cộng thêm một vài địa điểm offline là đủ. Nhưng tại Việt Nam, họ vẫn cần showroom để khách hàng tới chiêm ngưỡng, định hình không gian bài trí. Bởi không phải ai cũng có ý tưởng hay “gu” thẩm mỹ trong đầu.

“Showroom là địa điểm giúp khách hàng có sự hình dung cụ thể về bối cảnh sắp xếp nội thất, cảm nhận cái cái hay, cái đẹp của sản phẩm”

Trên thực tế, tại Việt Nam hiện nay, xu hướng bán hàng kết hợp giữa online và offline đang được nhiều doanh nghiệp triển khai để đem lại hiệu quả hoạt động tốt hơn.

Một khảo sát do Sapo thực hiện trong năm 2018 với hơn 1.000 chủ cửa hàng đang sử dụng phần mềm quản lý bán hàng Sapo (có quy mô 1 – 3 chi nhánh và trung bình 7 nhân viên/cửa hàng) cho thấy 3 kênh bán hàng lớn nhất là tại cửa hàng – mô hình bán lẻ truyền thống, Facebook và website. Ba kênh này tạo thành thế “chân kiềng” giúp doanh nghiệp tối ưu hóa hoạt động kinh doanh của mình.

Cụ thể, kênh online làm nhiệm vụ tạo ra nhận thức rõ ràng trong tâm trí khách hàng về sản phẩm/dịch vụ, cho phép khách hàng tiềm năng tìm kiếm đầy đủ thông tin cần thiết nhằm dẫn dắt họ đến tận cửa hàng để thực hiện hành vi mua sắm. Còn kênh offline sẽ là nơi cung cấp mọi trải nghiệm đầy đủ nhất, thỏa mãn nhất cho khách hàng.

Quá trình tìm kiếm được xử lý hiệu quả trên kênh online sẽ điều hướng khách tới các cửa hàng, và ngược lại các cửa hàng áp dụng công nghệ giúp quá trình trải nghiệm khách hàng tốt hơn.

“Xu hướng là online nhưng không phải tất cả đều bán online được. Thứ nhất là các mặt hàng cao cấp, thứ hai là các mặt hàng do nghệ nhân sản xuất, sử dụng kỹ thuật cao, đòi hỏi dịch vụ tư vấn nhiều, lúc nào cũng cần cửa hàng offline đi kèm”, CEO Lý Quí trung khẳng định.

Hồng Lam

Theo Trí Thức Trẻ