Vùng an toàn (comfort zone) là nơi mà chúng ta luôn cảm thấy thoải mái nhất – một công việc chúng ta đã làm quen tay bao năm qua, một loại sách mà ta luôn chọn mua để đọc hay một môi trường sống mà ở đó ta quen vẫy vùng mà không lo sợ.
Và chẳng có gì là sai nếu ai cũng thích ở trong vùng an toàn như vậy, vì nó khiến ta như “cá gặp nước”, có gì mà lo lắng vì bất kỳ ai hay thứ gì trong nơi đó cũng khiến ta dễ chịu hay được yêu thương và bao bọc. Tuy vậy, sẽ có ngày ta chợt nhận thấy: Sao cuộc sống này thật quá đơn điệu và buồn tẻ?
Để bước ra khỏi vùng an toàn, chúng ta cần rất nhiều sự dũng cảm. Trước hết, chúng ta phải chuẩn bị tâm thế rằng ở môi trường mới có thể mọi thứ sẽ không hề thuận lợi. Công việc mới sẽ có những quy trình mới, người đồng nghiệp mới, vì thế mà không phải ai cũng sẽ hiểu bạn hay bạn có thể hiểu rõ cách công việc đó được thực hiện tốt nhất.
Một loại sách mới chắc gì đã hay, vì vốn bạn chỉ thích những điều ngọt ngào mà thứ sách bạn đang thử đọc lại quá khô khan. Một nơi ở mới có nhiều phong tục tập quán mới và những con người lạ lẫm. Vì thế, sự dũng cảm dám trải nghiệm phải là điều kiện tiên quyết để bạn quyết định mở rộng hay chuyển đổi vùng an toàn của mình.
Nhưng tại sao chúng ta lại phải thay đổi nó? Có thực sự cần thiết để thay đổi hay không?
Tôi sẽ kể các bạn nghe câu chuyện mà có lẽ nhiều người trong chúng ta cảm thấy quen thuộc. Thuở nhỏ, chúng ta hay nhìn cuộc sống xung quanh bằng con mắt e dè, đầy hoài nghi và lo sợ. Cha mẹ chúng ta luôn nói rằng “ngoài kia có ông kẹ đấy, ông sẽ bắt nhốt chúng ta vào bao và bán đi”.
Và thế là chúng ta cứ quanh quẩn trong nhà, bên mẹ hay chỉ đi ra ngoài khi có người đi cùng. Rồi đến khi chọn trường đại học, chúng ta cũng sẽ chỉ dám nghe theo ý của cha mẹ. Chúng ta sợ làm khác theo những gì được dạy, cũng sợ “ngoài kia có ông kẹ” nếu mình không làm theo những gì người lớn chỉ dẫn.
Tuy vậy, khi bước vào môi trường học thật sự, chúng ta đâu thể cứ luôn sợ hãi, không dám ra khỏi nhà, hay đi học cũng không dám nói chuyện với ai (trừ những người bạn cũ). Và có khi nào bạn tự hỏi, chúng ta rồi sẽ đi về đâu khi đến lúc chúng ta phải sống cuộc đời của mình và tự ra quyết định cho những vấn đề trong cuộc sống khi người thân không còn ở đó?
Bạn không thể là một nhà giáo giỏi nếu điều bạn muốn truyền đạt không thể được diễn đạt gẫy gọn và dễ hiểu. Bạn cũng không thể là một người lãnh đạo tốt nếu bạn luôn chỉ thích làm theo ý người khác và lo sợ ý kiến của mình bị phản bác.
Rõ ràng đó chính là lúc bạn thấy mình cần “sinh tồn” theo bản năng, nếu bạn không đi thì bạn đang đứng tại chỗ, nếu bạn càng đứng ở “vùng an toàn” càng lâu thì điều đó sẽ càng khiến bạn bị đào thải nhanh.
Bước ra khỏi vùng an toàn
Cũng có những trường hợp bạn muốn mình bước ra khỏi “vùng an toàn” để mở mang kiến thức, để có nhiều trải nghiệm, để thấy thế giới này bao la và rộng lớn. Vì thế giới luôn thay đổi, luôn biến đổi không ngừng khiến cho điều ta hiểu biết càng lúc càng trở nên lỗi thời.
Vì không phải việc lặp đi lặp lại có thể khiến chúng ta là người thợ lành nghề mà chúng ta còn phải là một người thợ khéo léo và tinh tế. Bản thân ta có thấy chán với chính ta nếu như ngày nào chúng ta cũng mặc lên người những bộ quần áo như nhau từ kiểu dáng đến màu sắc? Chúng ta có thấy rằng đã quá lâu có ai đó phải trầm trồ khen ngợi vì ta có những bước thay đổi tích cực.
Ngày nay, bước ra khỏi vùng an toàn chính là “dám dấn thân và dám thay đổi”. Các bạn có thể thay đổi một cách từ từ để mình tập quen với hình ảnh con người mới, với những thay đổi quanh ta.
Có nhiều sinh viên cứ nói với tôi “em cũng không biết mình thích gì cả, cũng không biết mình có thể làm được gì nếu em ra trường”. Nếu chính em còn không biết thì làm sao tôi có thể biết để dẫn đường cho em. Chính em còn không thể hiểu em là ai và em thích gì thì cả chục bài trắc nghiệm về bản thân cũng chỉ là làm cho vui mà thôi.
Đã đến lúc em nghiêm túc nhìn nhận bản thân, và dấn thân để thử xem mình thích ngành nghề nào hay nó có phù hợp với em không. Giáo viên hay bất kỳ ai cũng chỉ có thể giúp em định hình đường đi nhưng chính em mới quyết định được mình nên đi hay không hoặc có dám thử nó hay không.
Trong thời đại công nghệ như hiện nay, việc dám dấn thân và dám nhận lấy những rủi ro cũng là những yếu tố để giúp em bản lĩnh và thành công hơn. Bước ra khỏi vùng an toàn bằng cách dám hỏi, dám nói, dám nhận chỉ trích, dám đối diện với bản thân và thất bại sẽ luôn khó khăn nhưng hãy dũng cảm lên nhé…
Cuộc sống thú vị đang chờ chúng ta ngoài kia!
Hà Phạm/Trí thức trẻ