Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Bà Nguyễn Ngọc Tiền – TGĐ Công ty Bất động sản Đảo Vàng: “Tôi hiểu giá trị của nữ doanh nhân”

Nhân dịp sắp tới Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2019), bà Nguyễn Ngọc Tiền – Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Đảo Vàng (GIS) không bàn nhiều đến chuyện kinh doanh mà chia sẻ góc nhìn về doanh nhân và giá trị cốt lõi của người làm doanh nghiệp, nhất là doanh nhân nữ.

– Hiện nay, khi nền kinh tế phát triển ổn định, việc xác định giá trị của đội ngũ doanh nhân lại càng cần thiết để những người làm kinh doanh hướng đến và cũng là để động viên doanh nhân có thêm động lực sản xuất, kinh doanh, làm ra nhiều của cải cho bản thân và đất nước. Khi được xã hội vinh danh, doanh nhân nào cũng cảm thấy tự hào, càng phải vươn lên để xứng đáng với sự vinh danh đó.

Hiện nay, doanh nhân được nhiều người hiểu là người làm kinh doanh. Điều đó không sai, nhưng người được gọi là doanh nhân là chỉ khi họ tạo ra lợi nhuận cho công ty, cho bản thân, tạo được nhiều giá trị cho xã hội, có tinh thần làm giàu chân chính và có trách nhiệm với xã hội và môi trường sống; sản phẩm làm ra phải mang lại giá trị cho cộng đồng, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

Lý lẽ duy nhất để tôi kiên định với con đường kinh doanh là “tôi là người ham tiền chứ không tham tiền”. Tôi nghĩ, ham tiền là mong muốn tích cực của mỗi người. Trong xã hội, ai cũng cần tiền và ham tiền, vì tiền là phương tiện để thực hiện được những mong muốn và ước mơ.

Với nhiều thành quả đã đạt được cũng như có nhiều đóng góp cho cộng đồng, nhưng có người gọi bà là “nữ doanh nhân” thì bà lại không “cởi mở” đón nhận…

– Tôi là một trong những người tiên phong đầu tư xây dựng các khu biệt thự, khu nghỉ dưỡng và nhà phố thương mại cao cấp và nhiều công trình lớn tại Phú Quốc vào thời điểm vùng đất này còn hoang sơ. Gần đây, một số bè bạn, đồng nghiệp hay gọi tôi là “nữ doanh nhân” nhưng tôi thích được gọi là “người dẫn đầu” hơn. Mặc dù Công ty GIS đang kinh doanh tốt, nhưng “thương trường như chiến trường”, người dẫn đầu phải có bản lĩnh, có chiến lược đúng, có sự uyển chuyển, dám đứng mũi chịu sào, nhất là thời điểm thị trường có rất nhiều khó khăn thì mới làm cho doanh nghiệp phát triển bền vững và đóng góp ngày càng nhiều cho xã hội. Để được vinh danh là “nữ doanh nhân”, tôi thấy mình cần nỗ lực phát triển GIS hơn nữa.

Là một phụ nữ bước vào nghiệp kinh doanh, để có thành công và xứng đáng được gọi là “nữ doanh nhân”, bản thân tôi đã phải hy sinh nhiều thứ cũng như phải phấn đấu, học hỏi rất nhiều. Vậy nên, với doanh nhân nam thành đạt rất đáng được vinh danh thì với phụ nữ làm doanh nghiệp, sự đóng góp của họ càng phải được ghi nhận. Bởi doanh nhân nữ làm được những điều vốn thuộc về ưu thế của nam giới đòi hỏi phải nỗ lực hơn. Bên cạnh đó, họ còn phải đảm nhận nhiều vai trò trong gia đình, mà việc gia đình coi vậy chứ không đơn giản như một số đàn ông nghĩ!

Mặc dù hiện nay xã hội đã đề cao vai trò của doanh nhân nhưng sự tôn vinh nữ doanh nhân, theo tôi là vẫn chưa xứng đáng với những khó khăn, định kiến xã hội mà nhiều chị em phải vượt qua. Một trong những định kiến thường gặp là khi một nữ doanh nhân thành công, nhiều người không tin vào năng lực của họ mà hoài nghi có đàn ông đứng sau và không tin doanh nghiệp của nữ doanh nhân ấy phát triển bền vững.

Không phải chỉ có đối tác chọn tôi mà tôi cũng có tiêu chí riêng để chọn người đồng hành. Tôi luôn đề cao đạo đức, bản lĩnh thương trường cũng như tầm nhìn của đối tác. Nếu đối tác có dự án tốt, lợi nhuận cao nhưng không có uy tín, tư chất tốt thì tôi sẽ từ chối.

Có sự đồng cảm nào của bà với chị em cũng muốn bước vào con đường kinh doanh?

– Tôi sinh ra trong gia đình buôn bán nên có gene kinh doanh từ nhỏ. Khi trưởng thành, tôi quyết không lùi vào “hậu trường” để làm tròn vai trò bếp núc của người phụ nữ, có lúc tôi bị mang tiếng là người “tham tiền” nhưng vẫn chấp nhận. Lý lẽ duy nhất để tôi kiên định với con đường kinh doanh là “tôi là người ham tiền chứ không tham tiền”. Tôi nghĩ, ham tiền là mong muốn tích cực của mỗi người. Trong xã hội, ai cũng cần tiền và ham tiền, vì tiền là phương tiện để thực hiện được những mong muốn và ước mơ. Tôi ham có nhiều tiền để con cái học hành đến nơi đến chốn, để mua được những thứ mình thích mà không phải xin ai. Có tiền tôi mới tự chủ được cuộc sống.

Mặc dù kinh doanh là con đường đầy chông gai và thử thách nhưng tôi luôn tìm thấy niềm vui, đôi lúc ngẫm lại, thấy cuộc đời làm doanh nghiệp thật dễ thương. Đồng cảm với những chị em cũng có mong muốn như mình, tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ và mong ngày càng nhiều phụ nữ dám dấn thân, vượt qua trở ngại để đi trên con đường mình mong muốn, để được làm chủ cuộc đời và công việc mình ưa thích. Tuy nhiên, cũng phải nhắc nhở rằng, cho dù bạn có mạnh mẽ đến đâu cũng sẽ có lúc yếu đuối, cần sự cảm thông, chia sẻ của những người bên cạnh, vì bạn là phái yếu, là phụ nữ.

Bà nghĩ sao khi có không ít ý kiến cho rằng phụ nữ dấn thân vào kinh doanh sẽ khó chu toàn hạnh phúc gia đình?

– Cuộc sống muôn màu muôn vẻ và số phận từng con người cũng vậy. Trong hôn nhân, sự đổ vỡ đều đến từ hai phía với nhiều nguyên nhân. Bản thân tôi đã từng không may, nhưng sau phút mềm lòng thì gạt nước mắt đứng dậy và đi tiếp con đường đang dang dở với niềm tin ngày mai sẽ tốt hơn hôm nay. Vì thế tôi vẫn có người đồng hành luôn cảm thông, hiểu mình, chấp nhận cho tôi được làm doanh nghiệp, cho tôi bờ vai đủ rộng để tựa vào những lúc khó khăn nhất trong cuộc sống, trong kinh doanh.

Để có hôn nhân bền vững, nhất là khi gia đình có người vợ là doanh nhân thì điều cần nhất là người chồng phải có tình yêu đủ lớn dành cho một nửa của mình.

Bà quan niệm thế nào về sự bền vững trong hôn nhân?

– Để có hôn nhân bền vững, nhất là khi gia đình có người vợ là doanh nhân thì điều cần nhất là người chồng phải có tình yêu đủ lớn dành cho một nửa của mình. Vì tình yêu đủ lớn mới có sự cảm thông, chia sẻ. Khi tình yêu không lớn hơn “cái tôi” thì vợ chồng sẽ thấy khó chịu về nhau, sẽ thấy nhược điểm lấn át ưu điểm và lâu dần sẽ là nguyên nhân khiến hôn nhân đổ vỡ.

Khi gia đình đổ vỡ, người phụ nữ bị tổn thất tinh thần rất lớn và với phụ nữ làm kinh doanh thì sự chịu đựng càng kinh khủng hơn. Bởi, có buồn đến đâu họ cũng không được tắt điện thoại vì còn có khách hàng và công việc đang chờ giải quyết, không được phép đóng cửa nằm trong phòng hay chạy trốn đâu đó vì còn trách nhiệm với con cái, với người thân, có lúc đang khóc nhưng phải giấu nước mắt vào trong để tươi cười với khách hàng. Sau những vấp váp, từng trải với nhiều hỷ, nộ, ái, ố, tôi  lại phải nói lời cảm ơn, vì chính điều đó đã cho tôi thêm nghị lực, chất liệu sống và trân trọng hơn giá trị mình đã tìm thấy và có được ngày hôm nay.

Bà quan niệm thế nào về người thân yêu của mình là người nổi tiếng?

– Thành công và nổi tiếng không chỉ ở lĩnh vực nghệ thuật. Ai cũng có thể thành công và nổi tiếng trong nghề mình chọn. Mỗi người sinh ra đều có sự phân công của xã hội và nếu được nổi tiếng thì đó là do sự cống hiến, và phấn đấu làm việc nghiêm túc. Vậy nên khi người thân yêu của mình được nổi tiếng, tôi rất tự hào. Bản thân tôi cũng tự tin đang làm tốt công việc đã chọn. Khi sống cùng người nổi tiếng thì càng phải nỗ lực trong công việc và cách sống để cộng hưởng nhiều điều tốt đẹp hơn.

Theo bà, trong doanh nghiệp, lãnh đạo nữ có điểm mạnh nào so với  nam giới?

– Trong doanh nghiệp, việc đối nhân xử thế, ứng xử với nhân viên đòi hỏi người lãnh đạo phải có sự mềm dẻo, chân tình, kiên nhẫn và biết lắng nghe. Đó là điểm mạnh của phụ nữ làm lãnh đạo. Riêng tôi, một ưu điểm khiến tôi thành công trong quản trị nhân sự là luôn xem nhân viên là người bạn đồng hành. Tôi không “chỉ tay năm ngón” mà cùng làm, cùng chơi, đôi lúc lang thang dạo phố với nhân viên, cùng ngồi lề đường thưởng thức những món ăn vặt. Chính những điều bình thường ấy đã làm cho nhân viên cảm thấy gần gũi và càng gắn bó với mình, với doanh nghiệp của mình.

Bí quyết giữ nhân viên mà bà tâm đắc?

– Lấy tình cảm và sự tôn trọng nhân viên để ứng xử và hành động. Không ít người lãnh đạo giấu dốt, giấu điểm yếu của mình vì sợ nhân viên coi thường, nhưng tôi không ngại hỏi, luôn cởi mở học hỏi từ nhân viên, can đảm nhận lỗi và dám nói lời xin lỗi khi mình làm sai hoặc thiếu sót. Điều đó đã rút ngắn khoảng cách giữa nhân viên và người lãnh đạo khiến môi trường làm việc luôn thân thiện, cởi mở và sẻ chia. Đó cũng là một yếu tố làm nên thành công của doanh nghiệp, bởi không chỉ có năng lực của người dẫn đầu mà là cả một đội ngũ.

Có nhận xét rằng, điểm yếu của doanh nhân Việt Nam là thiếu sự hợp tác trong kinh doanh. Theo bà điều ấy đúng đến đâu?

– Tôi nghĩ rằng, thế hệ doanh nhân Việt Nam hiện nay đã có những thay đổi tích cực. Yêu cầu từ đối tác, từ khách hàng ngày càng cao, do vậy, xã hội cũng có cái nhìn ngày càng khắt khe hơn đối với doanh nhân về bổn phận và trách nhiệm với cộng đồng, với môi trường. Hầu hết doanh nhân đã chịu đựng và vượt qua khó khăn, năng động sáng tạo để doanh nghiệp tồn tại và phát triển. Đó là điểm tích cực. Nếu nói doanh nhân Việt Nam thiếu đoàn kết, thiếu hợp tác thì không đúng lắm. Riêng lĩnh vực bất động sản, tôi chưa từng gặp cạnh tranh xấu. Thậm chí lúc khó khăn, chúng tôi còn liên kết với nhau, chia cho nhau từng đồng vốn, có người còn bán bớt tài sản để giúp đỡ đối tác. Họ đến với nhau bằng nụ cười và ra đi cũng bằng nụ cười. Có thể đâu đó việc liên kết giữa doanh nhân, doanh nghiệp chưa chặt chẽ và hiệu quả. Có doanh nhân chỉ muốn thủ lợi về mình và tìm cách để đạt được lợi lớn nhất trong sự liên doanh, liên kết, nhưng đó chỉ là số ít, rất ít.

Tôi không ngại hỏi, luôn cởi mở học hỏi từ nhân viên, can đảm nhận lỗi và dám nói lời xin lỗi khi mình làm sai hoặc thiếu sót. Điều đó đã rút ngắn khoảng cách giữa nhân viên và người lãnh đạo khiến môi trường làm việc luôn thân thiện, cởi mở và sẻ chia.

Một doanh nhân từng chia sẻ, trong kinh doanh bất động sản, muốn thành công thường có “sân sau” hoặc dựa vào các mối quan hệ nào đó. Bà có thấy đó là điểm bất lợi?

– Môi trường kinh doanh ngày càng rõ ràng, minh bạch, người tiêu dùng cũng thông minh hơn nên có sản phẩm tốt thì khách hàng tìm đến. Vậy nên tôi chưa bao giờ bị mất cơ hội hay đối tác vì không có “sân sau” hay mối quan hệ nào đó. Trước đây, nhiều người cho rằng phụ nữ làm kinh doanh bất lợi hơn nam giới vì không thể có những  mối quan hệ trên bàn nhậu. Quan niệm đó bây giờ không còn phù hợp. Những doanh nhân thành đạt thường là người giỏi, vì vậy, khi họ chọn phụ nữ đồng hành thì không cần phải thật đẹp, nhậu giỏi, giao thiệp rộng mà là người biết việc, biết làm việc.

Theo tôi được biết thì bà được nhiều đối tác tin cậy…

– Tôi thành công là do làm được việc và tôi tự hào là một phụ nữ có đủ năng lực đồng hành trên thương trường với đối tác là những quý ông thành đạt và lịch lãm. Không phải chỉ có đối tác chọn tôi mà tôi cũng có tiêu chí riêng để chọn người đồng hành. Tôi luôn đề cao đạo đức, bản lĩnh thương trường cũng như tầm nhìn của đối tác. Nếu đối tác có dự án tốt, lợi nhuận cao nhưng không có uy tín, tư chất tốt thì tôi sẽ từ chối. Một dự án không đẹp, mình có thể làm cho nó đẹp nhưng một nhân cách không đẹp thì không thể đi chung trên một con đường.

Bà muốn truyền lại những gì cho con?

– Tôi là người mạnh mẽ trong công việc, ham làm, ham tiền nhưng biết thế nào là đủ, biết đứng lên sau tổn thương. Tôi luôn sống lạc quan, giàu tình yêu thương và chân thành. Đó cũng là điều tôi muốn con mình có.

Dư luận đang lo lắng về mật độ xây dựng quá dày tại một số nơi làm mất vẻ đẹp tự nhiên, thậm chí là phá hoại cảnh quan, như tại Sapa hay Phú Quốc. Bà có trăn trở về điều này khi lĩnh vực kinh doanh bất động sản có liên quan?

– Gìn giữ cảnh quan kết hợp với quy hoạch bài bản là vấn đề không chỉ người dân mà chính quyền từ trung ương đến địa phương quan tâm. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu của sự phát triển luôn đi kèm một số hệ lụy. Nhưng tôi tin một khi Nhà nước quan tâm và các nhà đầu tư chân chính đổ tiền vào kiến tạo thành phố du lịch, những sản phẩm du lịch thì mọi thứ sẽ vào quy củ, khang trang và đẹp đẽ. Một thành phố du lịch không chỉ có cảnh đẹp thiên nhiên và cảnh đẹp cũng chỉ là cảm nhận ban đầu, muốn thu hút du khách cần phải có dịch vụ, tiện nghi thật tốt. Như vậy, du lịch mới phát triển bền vững.

Theo DNSG