Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Ba mối “lương duyên” của “đại gia” Dương Công Minh

Nói về quan điểm để lập nghiệp thành công, theo ông Minh, điều kiện cần là phải có kiến thức, còn điều kiện đủ là phải có… máu liều.

LTS: Doanh nhân tuổi Canh Tý là những người sinh năm 1960. Họ là những người thông minh, nhanh nhẹn, hoạt bát. Bất cứ lĩnh vực nào họ tham gia cũng đều đạt những thành tựu lớn… Do đó, trên thương trường, mọi người đều đánh giá cao các doanh nhân tuổi này.

Ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT ngân hàng Sacombank.

Ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT ngân hàng Sacombank sinh năm 1960. Ít ai biết được rằng, để có được thành công như ngày hôm nay, con đường đi của ông Minh không hề bằng phẳng. Khởi nghiệp của ông là việc kinh doanh xoài đầu những năm 1990. Đây cũng chính là giai đoạn biệt danh “Minh Xoài” của ông Minh được hình thành.

“Ngày trước, tôi làm xuất nhập khẩu trái cây qua Trung Quốc, tôi xuất khẩu xoài. Bạn tôi muốn làm chung thì tôi đồng ý chia sẻ với cam kết lời cùng chia nhưng lỗ tôi chịu. Vì giữ lời hứa này mà sau một lần kinh doanh mà bạn tôi tự quyết thì tôi phải gánh lỗ khá nhiều nên quyết định bán nhà đang ở (1000m2 trên đường Cộng Hoà) để trả nợ cho người bạn”, ông Minh kể lại quãng thời gian khó khăn trước đây.

Trong quá trình làm thủ tục bán nhà, ông Minh nhận thấy có cơ hội lớn trong đầu tư bất động sản. “Khi bán nhà tôi bị dịch vụ chém đau. Nếu bán 350 triệu đồng nhưng hợp thức hóa giấy tờ mất 50 triệu đồng. 50 triệu nhiều quá. Tôi tự đi làm, tổng cộng chỉ… 3 triệu. Tôi lập luôn công ty hợp thức hóa nhà đất với chi phí chỉ 20 triệu (giảm 60%). Lợi nhuận lúc đó là 300% sau khi chi các loại chi phí”.

“Ông Dương Công Minh sinh năm 1960, quê Quế Võ, Bắc Ninh. Ông tốt nghiệp Cử nhân chuyên ngành Vật giá năm 1984 tại Đại học Kinh tế Kế hoạch (nay là Đại học Kinh tế Quốc dân). Trước khi ra kinh doanh, ông Minh từng là đại tá trong quân đội và có hơn 13 năm làm quản lý tại các doanh nghiệp quân đội”.

Lỗ vốn, vướng nợ vay nên phải quay về TP. HCM bán nhà trả nợ. Tìm hiểu quy trình hợp thức hoá giấy tờ nhà đất, ông Minh phát hiện ra chi phí cho môi giới quá đắt đỏ, chiếm 1/7 tiền bán nhà. Ông “mày mò” tự đi tìm cách làm, mất chi phí khoảng 1/10 so với phí cho môi giới. 

Nhìn thấy cơ hội, ông Minh không ngại vay nóng, lãi suất cao để mở ra văn phòng chuyên làm giấy tờ về nhà đất. Khi đó là năm 1991, Him Lam trở thành doanh nghiệp tư nhân đầu tiên làm về nhà đất được mở tại TP. HCM. “Vừa phá sản xong lại vay nóng để mở văn phòng, nghĩ thì rủi ro nhưng thấy cơ hội thì phải liều thôi. Cùng lắm tài sản về âm, nhưng sẽ dương về kinh nghiệm, và nhất là dương về bản lĩnh”ông Minh chia sẻ.

Him Lam của ông Minh là một “ông lớn” trong lĩnh vực địa ốc, với hơn 30 đơn vị thành viên và công ty liên kết hoạt động trên nhiều lĩnh vực tập trung ở Hà Nội, TP.HCM và một số địa phương khác.

Trong lần hiếm hoi xuất hiện trước ông chúng, ông Dương Công Minh đã từng tuyên bố: “Him Lam không phải là công ty gia đình trị mà là độc trị. Chỉ mình Dương Công Minh là người quyết định thôi”.

Him Lam có vốn 6,5 ngàn tỷ đồng (trong đó ông Minh sở hữu 99%) đầu tư và xây dựng ngót nghét 100 dự án nhà ở, khu đô thị, khu du lịch với một số dự án lớn như: Him Lam Tân Hưng (quận 7, TP.HCM), Him Lam Riverside, Him Lam Chợ Lớn, Him Lam Phú Đông, sân gôn Long Biên, sân gôn Tân Sơn Nhất, dự án BT nút giao thông Long Biên, khai thác quỹ đất 20ha ở Dương Xá (Gia Lâm) và 320ha đất tại các phường Long Biên và Cực Khôi thuộc quận Long Biên, và 135ha đất bãi sông Hồng.

Tuy nhiên, tới cuối tháng 6 năm 2017, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2015 và 2016 và bầu ra ban lãnh đạo nhà băng nhiệm kỳ 2017-2021 ông Dương Công Minh lúc ấy đang là Chủ tịch HĐQT CTCP Him Lam, một đơn vị chuyên kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản với nhiều dự án tầm cỡ, nguyên Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank đã bầu ra ông Dương Công Minh là Chủ tịch HĐQT.

Ông Minh là người có kinh nghiệm trong cả lĩnh vực bất động sản và tài chính ngân hàng khi là lãnh đạo LienVietPostBank trong nhiều năm, giúp nhà băng này từng bước vươn lên trở thành ngân hàng với chất lượng tài sản tốt.

Sau một khoảng thời gian hoạt động sa sút với những hệ quả nặng nề để lại từ thời Trầm Bê khi nhận sáp nhập Ngân hàng Phương Nam, Sacombank đã dần “lột xác” khi ông Minh ngồi ghế nóng.

Tháng 1/2018, ông Dương Công Minh chính thức từ chức Chủ tịch HĐQT tại 4 công ty: Công ty Cổ phần Him Lam, Công ty Cổ phần Dụng cụ Thể thao Bảo Long, Công ty Cổ phần Phát triển Xín Mần, Công ty Cổ phần Chứng khoán Liên Việt. Hiện tại, ông Minh sẽ chỉ giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT duy nhất tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank).

Việc rút khỏi ghế Chủ tịch HĐQT tại các công ty khác của ông Dương Công Minh nhằm đáp ứng Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các Tổ chức tín dụng (TCTD) được Quốc hội thông qua mới đây và có hiệu lực từ ngày 15/1/2018.

Nói về quan điểm để lập nghiệp thành công, theo ông Minh, điều kiện cần là phải có kiến thức, còn điều kiện đủ là phải có… máu liều. Tuy nhiên, ông Minh nhấn mạnh, 30% thành công của ông đến từ may mắn, dù may mắn đó không phải tự nhiên tìm đến. “Người xưa nói há miệng chờ sung, nhưng muốn có sung thì cũng phải nằm dưới gốc mới có. Tức là kể cả muốn ăn rung rụng, ta cũng phải tự thân bò đến dưới gốc sung mà chờ. Vậy nên, may mắn không phải tự nhiên tìm đến ta, mà do ta tự vận động tạo ra nó”.

Dù có số tài sản khổng lồ, nhưng ông Minh được biết đến là người khá khiêm tốn và kín tiếng. Trong một cuộc phỏng vấn, ông cũng từng tự nhận: “Tôi là người giàu, tuy nhiên đã biết cách làm giàu thì cũng cần biết cách khiêm tốn, tránh khoe khoang. Nhà cửa cửa tôi ở đàng hoàng, nhưng hiếm người biết nhà tôi như thế nào, tránh để người ta có những nhìn nhận không cần thiết”.

Theo Enternews.vn