“Thế hệ F2 muốn được chia sẻ với thế hệ đi trước không chỉ chiến thắng mà còn là những khó khăn. Từ trao quyền được nhắc đến rất nhiều, nhưng tôi muốn sửa lại một chút, đó là trao niềm tin”, TGĐ CTCP địa ốc Foodinco Nguyễn Ngọc Mỹ nói.
Nguyễn Ngọc Mỹ, 28 tuổi, con gái ông Nguyễn Tuấn Hải, Chủ tịch Tập đoàn Alphanam là một trong những đại diện cho thế hệ thừa kế chia sẻ tại Diễn đàn Doanh nghiệp gia đình Việt Nam 2019: Thực trạng và giải pháp chuyển giao kế nghiệp thành công.
Mỹ cùng với anh trai Nguyễn Minh Nhật đang tham gia vào điều hành sâu tập đoàn còn người cha đã lùi dần về, chủ yếu giữ vai trò cố vấn cho con.
“Tháng 5 vừa qua chúng tôi đã tổ chức hội nghị chiến lược chuẩn bị cho 1/4 thế kỷ tiếp theo”, Mỹ nói. Alphanam cũng đã gần tròn 25 tuổi và đã đến lúc chuẩn bị bước sang một trang mới. Theo Mỹ, thành phần tham dự hội nghị không chỉ có ban lãnh đạo chủ chốt mà có cả các cấp trưởng phòng, trưởng ban đại diện. Thế hệ của nhân viên cũng trải dài từ 5X đến 9X.
“Buổi chia sẻ rất cởi mở, nói về việc chúng tôi sẽ làm gì trong 20 năm tới. Câu hỏi đặt ra không chỉ cho thế hệ F2 mà còn toàn bộ nhân viên có liên quan đến Alphanam”, Mỹ nói. Cô nhấn mạnh mọi nhân tố đều quan trọng trong vận hành công ty.
Có một câu hỏi khiến Mỹ và nhiều người chú ý là: Văn hoá gia đình có được coi là văn hoá bền vững, văn hoá gia đình có nên tiếp tục duy trì?
Theo cô, đa số doanh nghiệp Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, được vận hành như một gia đình. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp phát triển nhanh chóng như thì liệu văn hoá đấy có còn phù hợp? Đặt trong câu chuyện của Alphanam, Mỹ tỏ ra trăn trở: làm thế nào để một doanh nghiệp vừa giữ được những văn hoá mà bậc cha chú xây dựng hàng chục năm tích hợp với những thứ mới, mang hơi thở thời đại.
Một công thức được cô đưa ra là lòng tin và tình yêu giữa các thành viên trong doanh nghiệp. “Mọi người cùng đối xử với nhau như thành viên trong gia đình”, cô nói và lý giải: “Điều này không có gì là không chuyên nghiệp nếu nhìn vào Việt Nam với cách xưng hô vô cùng gia đình, gọi nhau là cô, chú, bác. Không có nền văn hoá nào cư xử với nhau gần gũi và thân thiện như Việt Nam”.
Nhớ lại buổi gặp với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Mỹ cho biết cô rất nhớ lời khuyên của ông cho thế hệ F2. “Để đóng góp được cho đất nước, chúng tôi phải coi mình là người trong cuộc, phải cảm nhận được xung quanh là đất nước – cũng chính là gia đình còn nghèo. Vậy phải làm thế nào để chia sẻ những khó khăn đó”, cô nhắc lại.
Khi tham gia vào công việc kinh doanh của gia đình cũng vậy, Mỹ nhấn mạnh đến yếu tố “người trong cuộc”.
Thế hệ F2, theo cô, cần được thế hệ cha chú chia sẻ một cách cởi mở không chỉ chiến thắng mà còn là những khó khăn.
“Tôi nghe mọi người nói nhiều về trao quyền, nhưng tôi muốn sửa lại một chút, là trao niềm tin”, Mỹ nói.
Dù rằng không có một công thức chung nào cho sự tương tác giữa thế hệ đi trước và thế hệ kế thừa, nhưng cây cầu nối cần có giữa hai thế hệ phải là niềm tin. Niềm tin vào thế hệ F1 sẽ làm những gì tốt nhất để có thể giữ được nền tảng mà họ đã xây dựng. Niềm tin vào thế hệ F2 có tình yêu với người đi trước và mong muốn làm những điều tốt nhất để giữ gìn và phát triển di sản.
Ý chí của thế hệ kế thừa cũng xuất phát từ điểm này. “Thế hệ F2 chỉ có ý chí khi họ có niềm tin rằng họ có thể thay đổi nó”, cô nói và giải thích rằng thế hệ kế cận cần thực sự có một ghế trong việc vận hành doanh nghiệp.
“Họ phải được lắng nghe, chia sẻ chứ không chỉ nghe những lời nói kiểu như không có thế hệ F1 thì thế hệ F2 có thể làm gì”, Mỹ nói. Cô cho rằng cần có sự thay đổi về mặt từ ngữ để có thể đẩy mạnh được ý chí, mong mỏi của lớp người kế cận.
“Chúng ta hãy ít hỏi về những áp lực, thách thức mà hãy hỏi xem có những chuyện gì cần bàn, có những sứ mệnh gì mà thế hệ thứ 2 mong muốn làm được”, Nguyễn Ngọc Mỹ nói thêm.
Nam Dương
Theo Trí Thức Trẻ