Ý tưởng của Đào Chi Anh đã vấp phải khá nhiều ý kiến trái chiều từ cộng đồng mạng, mặc dù sau 5 ngày kêu gọi dự án đã huy động được hơn 1.300 USD.
Thông tin Đào Chi Anh, cựu CEO của The Kafe muốn huy động vốn cộng đồng (crowdfunding) 200.000 USD để xây dựng lại một ngôi nhà mới cho những người đã từng yêu KAfe từ cửa hàng đầu tiên. Thông qua hasgtag #bringtheKafeback, Đào Chi Anh muốn những người đóng góp vốn cho cô “có một nơi để trải nghiệm những nét văn hoá ẩm thực đa sắc, được giao thoa giữa nhiều phong cách và thời đại, được giao lưu với nhau và làm chính mình”. Việc huy động vốn online thông qua trang web gofundme. Chi Anh cho biết cô không huy động vốn qua nhà đầu tư mà muốn huy động vốn từ cộng đồng với hi vọng “có thể xây dựng một trung tâm để giao lưu, để giới thiệu những nét mới trong văn hoá ẩm thực hiện đại thế giới, để là một điểm nhấn của những người khách đến Hà Nội trải nghiệm nét riêng của Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hoá”.
Tuy nhiên ý tưởng của Đào Chi Anh đã vấp phải khá nhiều ý kiến trái chiều từ cộng đồng mạng, mặc dù sau 5 ngày kêu gọi dự án đã huy động được hơn 1.300 USD. Nhiều người thắc mắc cộng đồng sẽ được gì khi đây là một dự án mang lại lợi nhuận cho một cá nhân, bởi trên trang cá nhân Đào Chi Anh chỉ giải thích chung chung rằng “dự án gọi vốn cộng đồng nên nếu bạn góp vốn 100.000 đồng thì sau này khi cửa hàng mở sẽ được nhận voucher 100.000 đồng”.
The Kafe là chuỗi cửa hàng được Đào Chi Anh thành lập năm 2013 với phong cách Á Âu phục vụ cho giới trẻ. Không gian hiện đại, đồ ăn được chế biến đẹp mắt đã khiến The Kafe nổi lên như một hiện tượng check in của giới trẻ lúc bấy giờ. Tháng 10/2015, Đào Chi Anh đã huy động thành công 5,5 triệu USD trong vòng gọi vốn đầu tiên từ các quỹ đầu tư tại London và Hongkong. Thương hiệu này đã mở rộng phạm vi kinh doanh với 26 chi nhánh tại Hà Nội vào TP.HCM nhưng sau đó tháng 10/2016, giới startup dậy sóng khi Đào Chi Anh không còn đảm nhận chức vụ CEO của Kafe Group. Nửa năm sau đó, The Kafe đóng cửa hàng loạt, rút chân ra khỏi thị trường, đánh dấu sự thất bại của startup đình đám một thời.
Crowdfunding – cơ hội cho các startup khởi nghiệp 0 đồng
Crowdfunding được định nghĩa là việc kêu gọi ủng hộ tài chính từ cộng đồng để một startup thực hiện ý tưởng của mình trong trường hợp không có vốn, không có tài sản thế chấp để vay ngân hàng thực hiện dự án. Người khởi xướng hay chủ dự án sẽ đăng dự án của mình trên website, sau đó kêu gọi các nhà đầu tư cá nhân góp vốn. Những nhà đầu tư khi thấy dự án phù hợp với mình, có tiềm năng phát triển sẽ lựa chọn các gói ủng hộ khác nhau mà chủ dự án đưa ra. Việc gọi vốn cộng đồng sẽ giúp startup có vốn thực hiện dự án mà không phải chịu sự kiểm soát của các cổ đông lớn.
Theo Firststep, lịch sử của dự án crowdfunding là mô hình quỹ tín dụng cho các hộ gia đình nông thôn nhỏ của Ireland khi họ không thể tiếp cận được ngân hàng. Quỹ này cho những người nông dân vay các khoản tiền nhỏ để sản xuất và kinh doanh. Người vay sau khi làm ăn có lời họ trả cả vốn và đóng góp một phần lợi nhuận để góp vào quỹ này. Số tiền quỹ này quản lý lại tiếp tục cho những người nông dân khác vay.
Theo số liệu của Prnewswire, thị trường huy động vốn toàn cầu năm 2018 đạt 10,2 tỷ USD trong đó 37% tập trung tại thị trường Trung Quốc, 33% tại Mỹ và 18% tại Châu Âu. Tại Việt Nam thực tế việc huy động vốn cộng đồng cho startup không mới. Lê Diệp Kiều Trang, cựu CEO Facebook Việt và hiện đang làm CEO của Go Viet trước đây khi startup dự an Misfit, thiết bị đeo công nghệ theo dõi sức khỏe đã huy động được 100 triệu USD trên Indegogo chỉ sau 10 tiếng đồng hồ.
Một số các website giúp huy động vốn cộng đồng nổi tiếng trên thế giới là Kickstarter (lấy phí 5% tổng số tiền huy động, nền tảng này đã giúp các startup huy động vốn cho 156.000 dự án trên toàn thế giới với tổng số vốn hoảng 4,1 tỷ USD), Indiegogo (phí 5%), Petreon (phí 5%), Crowdfunder (Shopify App), GoFundMe (miễn phí), Fundable (179$/tháng), Crowdcube (7%), Crowdfunder (299$/tháng)…
Theo Boxme, khi một dự án được đưa lên Kickstarter để kêu gọi vốn, dự án bắt buộc phải xác định mức vốn đầu tư cần có và thời gian thực hiện chiến dịch gọi vốn cho dự án. Khoảng thời gian từ khi bắt đầu đến kết thúc dự án (khoảng 30 – 40 ngày), số tiền nhận được phải bằng hoặc lớn hơn mức vốn đặt ra ban đầu. Để nhận được tiền đầu tư trên Kickstarter, người gọi vốn sẽ làm mọi cách để nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư cộng đồng, bằng cách trình bày ý tưởng qua đoạn văn bản hoặc video ngắn thật chỉn chu để thuyết phục nhà đầu tư và tận dụng tối đa mạng xã hội (social media) để thu hút cộng đồng.
Theo đó, chủ dự án sẽ phải đặt ra nhiều gói phần thưởng và ưu đãi khác nhau, tương ứng với số vốn của nhà đầu tư. Trong suốt thời gian kêu gọi vốn, chủ dự án có thể nhận ý kiến phản hồi của cộng đồng, thay đổi chi tiết dự án và các phần thưởng cho nhà đầu tư. Ngược lại, nhà đầu tư cũng có thể tăng mức vốn để nhận ưu đãi nhiều hơn và tham gia trực tiếp vào việc phát triển dự án.
Những người ủng hộ (backers), sẽ nhận được gì khi góp tiền cho các dự án startup?
Thông thường, khi kêu gọi góp vốn cộng đồng cho các ý tưởng startup, các nhà sáng lập (founder) sẽ phải ghi rõ các cam kết sau khi nhận được vốn. Ví dụ: cơ hội được dùng các sản phẩm mới đầu tiên, cơ hội được đặt hàng trước một sản phẩm và có tiếng nói trong việc phát triển sản phẩm đó, một phần thưởng độc quyền như được giảm giá hay có cơ hội được tham gia vào nhóm sáng lập hoặc được mua cổ phần khi lập công ty…
Hiện tại Đào Chi Anh vẫn đang mơ hồ trong việc công khai quyền lợi của những người ủng hộ và cho biết “đang trong quá trình xây dựng quy chế và sẽ công khai trên trang gofundme”. Trong khi đó một số ý kiến cho rằng khi huy động vốn cộng đồng các dự án đều phải có kế hoạch đầy đủ, timeline triển khai, cập nhật tiến độ triển khai, trả lời các câu hỏi hay gặp của người góp tiền, người góp số lượng tiền khác nhau cụ thể sẽ nhận lại gì.
Theo Châu Cao
Trí Thức Trẻ