Đối với mặt hàng trái cây hiện nay, ngoài chất lượng sản phẩm, hình thức kinh doanh đổi mới chính là yếu tố làm nên sự khác biệt và sức bền của doanh nghiệp trong cuộc đua cạnh tranh.
Dưới ảnh hưởng của xu hướng sống xanh, ăn thuận tự nhiên, sự tăng lên của người tiêu dùng trung và thượng lưu (với một bộ phận không nhỏ là cộng đồng “sành ăn” trái cây), dư địa phát triển của các mô hình kinh doanh trái cây tại Việt Nam được nhận định rất nhiều tiềm năng.
Đây cũng chính là tiền đề tạo ra làn sóng khởi nghiệp liên quan đến mặt hàng nông sản này trong khoảng 10 năm trở lại đây.
Bên cạnh lĩnh vực xuất khẩu có phần “dài hơi”, mô hình bán lẻ được cho là sân chơi thu hút hơn với những chủ doanh nghiệp trẻ nhờ tính mở của phân khúc khách hàng, sự đa dạng về nguồn hàng và tính linh hoạt của các mô hình kinh doanh.
Song cơ hội nào cũng đi kèm những thách thức, tiềm năng chỉ có thể khai thác nếu các chủ doanh nghiệp có chiến lược kinh doanh rõ ràng.
Nếu như trước đây, hoạt động khảo sát và nghiên cứu thị trường, vấn đề nguồn hàng và hệ thống bảo quản trái cây được đặt ra, vừa là bước khởi động cần thiết, đồng thời là thước đo cạnh tranh thì hiện nay “luật chơi” ít nhiều đã có sự thay đổi.
Cũng như trong nhiều ngành bán lẻ khác, khách hàng giờ đây không chỉ mua trái cây nhờ chất lượng hay qua thương hiệu uy tín mà còn mua bằng cả những trải nghiệm – bao gồm trải nghiệm mua sắm và trải nghiệm sản phẩm; điều này đã dẫn đến nhiều sự thay đổi mới trong cách thức bán lẻ trái cây tại Việt Nam.
Tiếp cận thị trường ngách nhờ trái cây hạng sang
Khởi nghiệp từ khoảng năm 2013, chiến lược mà nữ doanh nhân trẻ Nguyễn Ngọc Huyền đã và đang thực hiện cho thương hiệu Mia Fruit, chính là điển hình cho câu chuyện “thay máu” kinh doanh ngành bán lẻ trái cây tại Việt Nam hiện nay.
Năm 2015 (tức chỉ 2 năm sau ngày thành lập), Mia Fruit là đơn vị đầu tiên đem sản phẩm nho mẫu đơn đến thị trường Việt Nam và ngay lập tức gây nên một cơn sốt. Thành công của nho mẫu đơn cùng sức mua ngày càng tăng của các sản phẩm nhập khẩu trước đó đã giúp Ngọc Huyền ngay sau đó nhận được lời mời tham gia chuỗi phân phối trái cây đến Việt Nam từ các hiệp hội xúc tiến thương mại, đại sứ quán của Úc, Nhật, Hàn quốc, Thổ Nhĩ Kỳ.
Cơ hội này được Ngọc Huyền chia sẻ, không hẳn là do may mắn mà từ chính hiệu quả trong cách làm hình ảnh, thương hiệu dựa theo độ phủ rộng của Mia Fruit. Theo đó, các đơn vị này (hiệp hội xúc tiến) đã lên mạng tìm kiếm và họ thấy thông tin Mia Fruit sang tận Nhật, Đài Loan… để tìm sản phẩm. Nhờ sự hỗ trợ này, hiện nay Mia Fruit là một trong những đơn vị hiếm hoi tiếp cận và sở hữu được nguồn hàng trái cây cao cấp đa dạng nhất tại Việt Nam.
Theo quan sát của Huyền, mặt hàng trái cây cao cấp tuy giá cao (từ vài triệu đến chục triệu/kg) nhưng sức mua tại Việt Nam là không nhỏ. Tỉ lệ khách tái hồi của Mia Fruit rất khả quan bên cạnh việc nhiều khách quen là người nổi tiếng. Số liệu khảo sát của Mia Fruit cho thấy đến 70% khách hàng VIP của công ty là các ngôi sao lớn của làng giải trí, tiếp sau là các chủ doanh nghiệp, tập đoàn và giới chính khách cấp cao.
“Xuất hiện cùng thời với Mia Fruit, có những doanh nghiệp xuất hiện và mất đi, sự tồn tại của Mia Fruit chính là câu chuyện điển hình cho việc thành công sẽ đến khi chúng ta bền bỉ theo đuổi những gì đã chọn. Hiện nay ngoài hệ thống khách hàng ổn định khoảng 2.000 khách với tỷ lệ đổi trả dưới 3% doanh số, các yếu tố về bảo hành chất lượng, dịch vụ trái cây (đổi trả miễn phí, mua bán 24h, bảo quản như hướng dẫn mà hư miễn phí đổi trả…) đang được Mia Fruit thực hiện nghiêm túc và hoàn thiện từng ngày để giữ vững vị thế cạnh tranh”, Ngọc Huyền cho biết.
Định hướng trong thời gian tới, Mia Fruit chỉ cần mỗi thành phố lớn lớn có 1-2 chi nhánh, riêng TP. HCM có thể có 2-3 chi nhánh, đồng nghĩa với việc cần 1-2 kho tổng để đi phân phối toàn thành phố. Nhưng song song với đó, hệ thống cửa hàng cũng phải được quan tâm để đáp ứng thị hiếu người dùng đặt ra hiện nay có phần thiên về những trải nghiệm mua hàng.
Trong năm nay, Mia Fruit có kế hoạch nâng cấp mô hình lên tầm cao mới với cảm hứng từ mô hình trưng bày đã rất thành công tại Nhật – bán trái cây như bán trang sức và bán kèm theo các loại bánh trái cây sử dụng sản phẩm của Mia Fruit.
Ngọc Huyền cho rằng: “Có thể người ta bán ổ bánh từ vài trăm ngàn nhưng tôi có thế bán ổ bánh từ 3-5 triệu đồng vẫn bán được vì nguyên liệu là trái cây cao cấp”.
Được biết, áp dụng mô hình này cho phép sản phẩm của Mia Fruit không chỉ được bày bán bắt mắt, ấn tượng mà còn là cách để doanh nghiệp này nhấn mạnh thông điệp thương hiệu cũng như giúp người tiêu dùng nhận biết rõ hơn về giá trị sản phẩm mà Mia Fruit đang kinh doanh: những loại trái cây không chỉ sạch, tươi ngon, chất lượng tốt mà còn là định nghĩa đúng đắn về trái cây cao cấp – không dễ để tìm mua và là đặc sản từ vùng trồng trọt chính gốc.
Chuyên trái cây nhập khẩu nhưng không quên nông sản nội
Chuyện Mia Fruit làm thương hiệu, trước là để làm đẹp hơn hình ảnh của ngành hàng nói riêng và thị trường trái cây nói chung nhưng sau đó là để thu hút ngược lại, động viên nông sản Việt Nam phát triển. Sản phẩm nước ngoài đã có thương hiệu, chất lượng và hình ảnh, những doanh nghiệp phân phối nhờ đó cũng dễ dàng hơn khi xây dựng các chiến dịch kinh doanh. Nếu nông sản Việt Nam học tập được mô hình này, sẽ là lợi thế lớn.
Nhà sáng lập Mia Fruit nhận định: “Từ năm 2013 đến nay, đã có nhiều đơn vị là các anh, chị lớn trong ngành, đầu tư tiền tỷ vào nông nghiệp sạch: họ đi trồng cây, rau, trái cây… nhưng đến bây giờ những người còn tồn tại được thì không nhiều. Trong số này, một số đến nay đã có sản phẩm, tiêu thụ ở thị trường nội địa và muốn xuất khẩu. Thanh long vàng 790 nghìn đồng/kg vẫn bán được thì thanh long đỏ, thanh long trắng loại cao cấp không có lý do gì không bán giá cao, quan trọng là về vấn đề chất lượng thôi”.
Hiểu được hiện trạng đó, một vài năm trở lại, Mia Fruit đã tiếp cận nhiều hơn đến khu vực nông sản nội, thông qua các chiến lược truyền thông trên thị trường và đến người nông dân, các cơ sở trồng trái cây chất lượng trong nước.
Với kinh nghiệm tiếp xúc nhiều mô hình mới trên thế giới cùng kế hoạch “phủ sóng” thông tin, thương hiệu Mia Fruit nhờ đó đã có “tên tuổi” và sự tin tưởng nhất định trong thị trường, nhiều hộ nông dân trồng trọt chuyên với đa dạng sản phẩm như chanh leo, xoài, thanh long… đã chủ động liên lạc với Mia Fruit để nhờ tư vấn nhận diện thương hiệu, cách thức đưa ra thị trường, các vấn đề về giấy tờ đảm bảo chất lượng hay thậm chí một số yếu tố như phân bón hữu cơ.
Trong quá trình hỗ trợ thông tin, nếu phù hợp với các tiêu chí về sản phẩm của Mia Fruit, công ty sẽ chủ động đưa ra lời mời để quảng bá lan tỏa ra thị trường nội địa.
“Tiềm năng thị trường trái cây vô cùng lớn, nhất là về bán lẻ. Người có thu nhập cao ở Việt Nam sẽ càng ngày càng tăng và khi đó thì cái họ quan tâm nhất là sức khỏe, thông qua lối sống, việc ăn uống và môi trường sinh hoạt. Trong đó, ăn uống là cái đầu vào, nó quyết định 90% yếu tố sức khỏe.
Bản thân Mia Fruit từ những ngày đầu đã lấy phương châm sức khỏe và sự hài lòng của khách hàng làm gốc, do đó Huyền tin rằng với những gì mình làm được hôm nay, dù là nền tảng giao dịch, mô hình cửa hàng hay đồng hành cùng nhà nông, tuy khó khăn nhưng sẽ là tiền đề cho những phát triển xa hơn trong tương lai.
Đồng thời cũng là đáp lại sự tin yêu và đồng hành từ khách hàng, nông dân, đối tác trong và ngoài nước”, nhà sáng lập Mia Fruit khẳng định.
‘Thay máu’ hình thức kinh doanh trái cây ở Việt Nam
Trước những nhu cầu về giao thương và xu hướng số hóa các công cụ thương mại, Nguyễn Ngọc Huyền đã chủ động hiến kế xây dựng “sàn giao dịch nông sản trực tuyến”đầu tiên tại Việt Nam với sự phối hợp của nhiều tổ chức, cơ quan ban ngành.
“Dùng từ sàn thì thực ra nó chưa chính xác bởi vì Việt Nam chưa mở rộng việc cấp phép cho sàn thương mại nên Huyền gọi là nền tảng thương mại, giao thương giữa hai đầu – xuất đi và nhập vào. Xuất đi nguồn nguyên liệu, nông sản từ phía các nhà nông dân, các bên làm về nông nghiệp bài bản và nhập vào cho những đơn vị, công ty nhập khẩu lớn tại Việt Nam và trên thế giới.
Hiện nay, nếu qua trung tâm xúc tiến thương mại để xuất hàng, thông tin nguồn nông sản, trái cây tại Việt Nam rất hạn chế, khi các đơn vị (nhất là nước ngoài) tìm kiếm sẽ không ra kết quả gì cả. Mặt khác, mô hình thu mua manh mún vẫn còn phổ biến sẽ tạo trở lực cho nông sản cũng như nâng cao sự tin tưởng từ nhà nông trong nước hoặc bạn hàng quốc tế. Do đó nền tảng mới không chỉ là sự tiếp cận công nghệ thông thường mà còn là một hướng đi góp phần nâng tầm trái cây nội và giải pháp cho nhiều vấn đề tồn đọng đang đặt ra.
Với dữ liệu thị trường thu thập trong nhiều năm cùng mối quan hệ thân thiết với các hiệp hội xúc tiến ở nhiều nước, ngoài việc hiến kế lên ý tưởng thì bên Huyền sẽ là đơn vị hỗ trợ về cơ sở dữ liệu. Dự kiến cuối năm 2019 sẽ có bản thử nghiệm đầu tiên của nền tảng thương mại trực tuyến này” – nữ chủ nhân Mia Fruit lạc quan chia sẻ.
Theo The LEADER