Một doanh nghiệp trẻ với tầm nhìn “trải đời” là những gì Propzy đang thể hiện giữa sân chơi nền tảng giao dịch bất động sản, hành trình này có xuất phát điểm không dễ dàng.
Kể từ khi được ông John Le- một doanh nhân Mỹ gốc Việt thành lập vào tháng 7/2015, Propzy đã làm thay đổi cục diện thị trường mua bán và cho thuê bất động sản trong nước thông qua hai hướng tiếp cận.
Một là cung cấp kịp thời giải pháp giao dịch mới cho thị trường bất động sản vốn đang bị bão hoà bởi hình thức trang thông tin mua bán truyền thống. Hai là tạo ra “mặt tiền” công nghệ phục vụ nhu cầu lựa chọn đa phân khúc của khách hàng (dưới 3 tỷ cho đến trên 20 tỷ đồng) – hiện sôi động, giàu tiềm năng nhưng chưa được tối ưu qua một kênh giao dịch cụ thể.
Theo đó, bất cập của việc dành ra nhiều giờ tìm kiếm hàng dài những sản phẩm nhà đất, sự bất tiện của việc kiểm chứng thông tin và thủ tục thanh toán giao dịch nhiều bước đã được đơn giản hoá chỉ bằng vài nút chạm.
Đồng thời, sản phẩm bất động sản cũng được khai thác tốt hơn nhờ việc Propzy trở thành trung gian kiểm tra chất lượng, tính pháp lý nguồn hàng theo tiêu chí “nhà thật, hình thật, giấy tờ thật” trước khi giới thiệu sản phẩm theo sát nhu cầu đặc thù của từng người mua qua bộ lọc thông minh.
Giao dịch bất động sản có giải pháp hoàn thiện hơn, cá nhân hoá được tối ưu hơn cũng đồng nghĩa với trải nghiệm người dùng tốt hơn. “Cửa mở” về phát triển doanh số, hệ thống đối tác và hệ sinh thái liên kết của Propzy vì thế là một tương lai dễ dự báo trước.
Đầu tháng 6/2020, Propzy đã công bố khoản gọi vốn vòng A trị giá 25 triệu USD với sự tham gia của hai nhà đầu tư mới là Gaw Capital và Softbank Ventures Asia (quỹ đầu tư thuộc Tập đoàn Softbank).
Hiện công ty có 30 địa điểm giao dịch (chủ yếu ở TP.HCM) với hơn 400 nhân viên bán hàng. Trên đà phát triển đó, Propzy đã xác nhận về lộ trình tiếp cận các thị trường mới ở miền Bắc vào quý 3/2021 và xa hơn là thị trường Đông Nam Á vào các năm tới.
Gác lại những hào nhoáng bên ngoài, kết quả ấn tượng kể trên lại chỉ giản đơn đến từ sự “tận hiến”. John Lê đến với Propzy và Propzy đến Việt Nam – trước cả những khoản đầu tư đầy hứa hẹn và một chiến lược chỉn chu, là nguyện vọng gửi gắm chất xám vào công cuộc phát triển lĩnh vực công nghệ bất động sản giàu tiềm năng trong nước, đồng thời góp vào một nền tảng proptech hoàn thiện đầu tiên theo tinh thần “Made in Vietnam”.
Hành trình này đã được nhà sáng lập Propzy kể lại trong một buổi gặp gỡ cuối năm 2020.
Mang thân phận “cư dân Thung lũng Silicon” và hành trang kinh nghiệm tại các công ty hàng đầu của Mỹ, chuyện khởi nghiệp với ông có lẽ là “con đường trải hoa hồng”?
Ông John Le: Tôi tâm niệm rằng việc khởi nghiệp cũng như một cuốn sách tự lực – người cần thì nhiều nhưng người thấu hiểu, ứng dụng giá trị nội dung hiệu quả vào thực tiễn thì không bao nhiêu. Theo đó, thẩm thấu sách hiệu quả hay khởi nghiệp thành công còn phụ thuộc vào tầm tiếp nhận và kinh nghiệm của mỗi người. Với hành trình đã qua, tôi đúc kết được vài vấn đề cơ bản.
Vấn đề thứ nhất là về con người. Nhà sáng lập phải ít nhiều đặt mình trong thế lệ thuộc vào con người – yếu tố mang nhiều biến số, do đó rủi ro là điều thường trực, nhất là ở những mô hình mới. Đầu tư trực tiếp thì lệ thuộc đối tác hoặc tự điều hành thì lệ thuộc đội ngũ nhân sự.
Với cộng đồng kiều bào thì thách thức này còn lớn hơn vì họ thường chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc với nhân sự trong nước. Nhiều tiêu chí mới trong cách “đọc vị” cần phải cập nhật và làm quen, cũng như quá trình tìm kiếm được các đối tác, nhân sự tin cẩn, phù hợp trong nước cũng tốn nhiều thời gian hơn thông thường.
Vấn đề thứ hai là khoảng cách văn hoá – khá phổ biến ở đối tượng Việt kiều khởi nghiệp. Dù là quê hương nhưng Việt Nam vẫn là một vùng đất mới. Con người, tập quán, cách giao tiếp và tư duy cũng khác biệt và vì thế, những cú sốc văn hoá là hiển nhiên. Nhiều doanh nhân Việt kiều có vẻ khá “nóng vội” nên thường đưa mình vào thế áp lực kép – vừa phải thay đổi để thích nghi văn hoá, vừa tập trung vào việc kinh doanh còn ở giai đoạn “đuốc mồi”. Khó chồng khó, căng thẳng tăng cao và hiệu quả công việc cũng vì thế gặp nhiều trở ngại.
Vấn đề thứ ba đến từ việc “địa phương hoá” các mô hình quản lý. Văn hoá làm việc tại thung lũng Silicon mà tôi tiếp nhận coi trọng tính “mở” – sự sáng tạo, tính cá nhân và mức độ hạnh phúc của nhân viên, nên khi áp dụng với nhân sự tại Việt Nam – thường quen thuộc với các mô hình làm việc thụ động, theo khung, vì thế sẽ xuất hiện độ lệch nhất định.
Số lượng ý tưởng, giải pháp mới không nhiều hoặc không thực tế, một số gợi mở hoặc định hướng phát triển sản phẩm từ cấp lãnh đạo làm nhân viên khó hiểu… là một vài trong số các hệ quả dễ thấy. Thu hẹp khoảng cách này đòi hỏi Propzy đầu tư nhiều thời gian và chi phí cho các lớp đào tạo (workshop), đối thoại trực tiếp (cá nhân hoặc nhóm) hay thậm chí là những buổi trải nghiệm thực tế (các ý tưởng, mô hình mà sếp đề xuất, chọn làm gợi ý) để nhân viên nếu chưa có cơ hội tìm hiểu sẽ dễ hình dung hơn.
Theo kinh nghiệm cá nhân, tôi nghĩ rằng nên chia nhỏ những áp lực trên và biến thích nghi mang tính bị động thành thích ứng mang tính chủ động cho dễ vượt qua và hạn chế tối đa các tác động tiêu cực. Cụ thể, các bạn Việt kiều muốn khởi nghiệp có thể dành thời gian tìm hiểu địa phương trước, thậm chí đảm nhận vị trí nào đó ở công ty trong nước để tiện làm quen với môi trường, đặc thù văn hoá, sau đó mới tiến hành thành lập công ty riêng.
“Chấp nhận thất bại” nghe thì dễ nhưng không phải ai cũng có thể làm được. Đây có phải một năng lực mà ông có sẵn?
Ông John Le: Thực ra là nó đến từ việc chuẩn bị tâm thế ngay từ những ngày đầu tôi chọn khởi nghiệp ở Việt Nam, mà cụ thể là thông qua vai trò ‘người cống hiến’.
Theo quan sát, tôi nhận thấy có hai nhóm tính cách phổ biến ở những Việt kiều khởi nghiệp: ‘người thách thức’ (doer) và ‘người cống hiến’ (contributor).
Người thách thức là những cá nhân có kinh nghiệm, văn hóa từ các nước phát triển.
Nhờ có tầm nhìn khác từ văn hóa các nước này và kinh nghiệm chuyên môn cao, họ thường làm ở những vị trí hay vai trò tương tự tại Việt Nam để đóng góp chất xám phát triển doanh nghiệp.
Trong khi đó nhóm người cống hiến lại có khuynh hướng lãnh đạo nhiều hơn, thường là vai trò một nhà đầu tư. Họ về Việt Nam bởi vì họ thấy cơ hội để thay đổi một vấn đề nào đó chưa có giải pháp, thông qua một sản phẩm hoặc một mô hình kinh doanh.
Bản thân tôi mang tâm thế của một người cống hiến. Tôi về đây không muốn làm làm cho ai hết mà chỉ muốn xây một nền tảng nào để phát triển nguyên một thị trường. Thành công hay không là một chuyện khác nhưng đây chính là mong muốn của tôi.
Vì vậy, tư duy chấp nhận thất bại mà tôi đề cập ở trên dường như đã được chuẩn bị sẵn từ khi chọn con đường khởi nghiệp tại Việt Nam.
Giải pháp mà ông cống hiến nay đã thành hình với tên gọi Propzy, sản phẩm này đã giải quyết những vấn đề nào tại Việt Nam?
Ông John Le: Một thị trường hay một công ty luôn có những tiêu chí nhất định – tạm gọi là “luật chơi”, để sàng lọc và đảm bảo sự phù hợp của giải pháp và sản phẩm mới. Theo khảo sát, tiêu chí mà thị trường bất động sản Việt Nam đang đặt ra chính là tính minh bạch, uy tín và sự tiện ích.
Bốn năm vừa qua là khoảng thời gian Propzy tập trung toàn lực vào chuyện xây dựng các hệ thống. Trong khi công nghệ (thể hiện qua tính năng trên ứng dụng) giúp Propzy có thế kiểm soát và tư vấn sản phẩm nhanh và tốt hơn cho khách hàng khi họ chỉ cần ngồi một chỗ thì những bộ phận đặc biệt như nhóm kiểm định thực tế lại có vai trò như một trung gian hồi phục “điểm tín nhiệm” dành cho thị trường.
Nói cách khác, Propzy không khác một “môi giới nhà đất” công nghệ về bản chất, song lại nhanh hơn, tiện lợi hơn, có uy tín, tính minh bạch cao nhờ không bị ảnh hưởng bởi vấn đề “kì kèo” tiền hoa hồng như hình thức truyền thống. Propzy nhận hoa hồng sau khi giao dịch hoàn tất với chi phí tính theo giá thị trường.
Điều này cũng đồng thời làm Propzy khác biệt với các trang rao bán bất động sản truyền thống. Sản phẩm thì nhiều, hệ thống sàng lọc và tối ưu hoá tìm kiếm kém thông minh vì sử dụng công nghệ không theo kịp thị trường. Trong khi đó, mức độ kiểm định thực tế chưa cao do không có đủ nhân lực và sự đầu tư để phát triển bộ phận chuyên trách.
Đáng tiếc là thời gian qua, việc xây dựng thương hiệu chưa được phát triển đúng kỳ vọng vì ưu tiên phát triển hệ thống, những lầm tưởng Propzy là một trang tin mua bán đơn thuần vì thế khá phổ biến.
Người tiêu dùng chưa phân biệt được sự khác biệt của Propzy với các trang đăng tin mua bán thông thường khác. Thực tế, các trang này đang hoạt động kinh doanh dựa trên hình thức đăng tin và lấy phí giao dịch của người đăng tin trong khi Propzy hoạt động dựa trên hình thức giao dịch thực sự, phí từ người bên bán.
Sản phẩm bất động sản của Propzy thật vì giao dịch có thật, thông tin khách hàng có thật, giá cả thật, mọi thứ đều thật. Khi khách hàng nhìn rõ bản chất và nền tảng của Propzy, họ sẽ có niềm tin trở lại về sự minh bạch của thị trường. Nhờ đó, hiện Propzy tự tin bản thân đang sở hữu dịch vụ tốt nhất ở trên thị trường cho đến thời điểm hiện tại.
Xu thế gần đây của các giải pháp công nghệ mới là việc luôn đi kèm khả năng tối ưu trải nghiệm người dùng theo phương thức cá nhân hoá. Propzy đã tiệm cận hướng đi này ra sao?
Ông John Le: Dưới góc nhìn của Propzy, hành vi tiêu dùng hoặc sử dụng giải pháp của khách hàng cũng là một ‘vòng đời’. Các tính năng, việc lưu trữ dữ liệu khách hàng và ghi điểm tín nhiệm cũng được xây dựng để phục vụ tầm nhìn này. Nói đơn giản thì Propzy sẽ là nền tảng theo sát từng nhu cầu mua bán, thuê và cho thuê bất động sản ứng theo từng giai đoạn cuộc sống của người dùng.
Cụ thể, hôm nay bạn là một nhân viên văn phòng mới ra trường với mức lương 15 triệu đồng hàng tháng. Mua một căn nhà ở thời điểm này khó khả thi nên một căn hộ cho thuê một phòng ngủ gần công sở sẽ là giải pháp bất động sản phù hợp mà Propzy cung cấp theo nguyện vọng mà bạn đặt ra.
Khoảng 10 năm sau, bạn có số vốn nhất định để mua nhà, với dữ liệu lưu lại từ lần giao dịch trước, Propzy lại cung cấp cho bạn các gợi ý bất động sản, thậm chí là khả năng hỗ trợ cho vay ngân hàng nếu bạn có đủ điểm tín dụng ghi nhận trên nền tảng (thông qua các giao dịch đã thực hiện)
Mặt khác, “vòng đời” người dùng này còn có thể kéo dài đến cả thế hệ F1 trong gia đình bạn với nhiều giải pháp tài chính tối ưu hơn.
Giả sử bạn 35 tuổi vừa mua căn nhà 5 tỷ đồng, gia đình có một đứa con tầm 11 tuổi. Propzy nắm được thông tin gia đình nên khi mua nhà, Propzy có thể gợi ý hình thức vừa mua vừa vay với các sản phẩm gói vay phù hợp. Khoảng bảy năm sau, lúc con vào đại học cũng là lúc giá trị căn nhà này tăng lên đến khoảng 6 tỷ đồng. Lúc này, Propzy sẵn sàng cung cấp giải pháp vay thế chấp trên nhà, hỗ trợ 500 triệu đồng để con đi học đại học, hoặc nếu ở trong nước thì có thể thế chấp thẻ tín dụng.
Đây là giải pháp mà Propzy đang xây dựng và phát triển hoàn thiện thêm trong thời gian tới, thể theo chiến lược dài hạn 15 – 20 năm tới mà công ty đặt ra.
Nói như vậy thì Propzy đang có dự kiến phát triển theo hướng công nghệ tài chính (fintech)? Bên cạnh đó thì hướng đi trong tương lai gần của Propzy sẽ là gì?
Ông John Le: Propzy vẫn là một nền tảng công nghệ bất động sản (proptech), tuy nhiên mọi nền tảng số đều có sự liên kết và vì thế, một tương lai Propzy có yếu tố fintech là điều dễ hiểu.
Hiện tại, Propzy đang ấp ủ một dự định từ khá lâu về hệ sinh thái “FIRE tech” (Finance, Insurance, Real Estate) kết hợp bộ ba lĩnh vực: tài chính, bảo hiểm và bất động sản, trong đó bất động sản vẫn là chủ lực.
Hệ sinh thái này xuất phát từ ý tưởng ngày xưa người ta vẫn có thể mua bất động sản và trả bằng tiền mặt. Giờ đây, để thị trường phát triển thì phải đi vay. Khi đó nhiều người có cơ hội để mua nhà, để đầu tư bất động sản. Và khi vay để mua bất động sản thì phải có bảo hiểm để bảo vệ hai bên. Tức là với FIRE tech, cùng một giao dịch có thể có được cả ba loại hình gồm vay – bảo hiểm – bất động sản.
Nhìn lại chặng đường đã qua, với Propzy và bản thân anh, đó là một thành công?
Ông John Le: Tôi luôn cho rằng thành công là một khái niệm thiên biến nhưng trong đó, nhân tố cố định của mọi nền tảng thành công chính là con người. Những “quả ngọt” vừa qua Propzy có được không nằm ngoài quy luật ấy.
Với khách hàng, Propzy liên tục đáp ứng được nguyện vọng và hài lòng những nhu cầu mới với tinh thần “vượt trên sự kỳ vọng”, đồng nghĩa với những sản phẩm thông minh hơn, tiện ích hơn, tiết kiệm hơn.
Với nhân viên, là một môi trường làm việc phát huy tố đa năng lực và niềm vui công sở. Với đối tác, đó là một doanh nghiệp trẻ giàu tiềm năng, uy tín và có trách nhiệm với cam kết và các kế hoạch đề ra.
Cuối cùng với bản thân, đó là sự tận hiến chất xám dành cho nền kinh tế Việt Nam – quê hương và cũng là ngôi nhà thứ hai của tôi, vùng đất kinh tế còn nhiều điều thú vị có thể khai phá.
Xét ở những khía cạnh kể trên, giai đoạn vừa qua có thể xem là chặng đường thành công với tôi và cả tập thể Propzy.
Theo The Leader