“Các doanh nghiệp công nghệ cần coi đây là thách thức, đồng thời là trách nhiệm của mình đối với xã hội, khẩn trương vào cuộc, đưa ra những giải pháp, ứng dụng công nghệ số sáng tạo vào cuộc sống, góp phần nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng vừa ra chỉ thị về việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV).
Theo đó, người đứng đầu Bộ TT&TT yêu cầu tất cả các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trong ngành thông tin và truyền thông phải vào cuộc, tham gia công tác phòng, chống dịch; phối hợp với ngành Y tế và các cơ quan có liên quan phòng, chống dịch.
“Các doanh nghiệp công nghệ cần coi đây là thách thức, đồng thời là trách nhiệm của mình đối với xã hội, khẩn trương vào cuộc, đưa ra những giải pháp, ứng dụng công nghệ số sáng tạo vào cuộc sống, góp phần nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Dựa trên nền tảng công nghệ, bộ trưởng chỉ thị các cơ quan, tổ chức phải phải tổ chức nhắn tin tuyên truyền về phòng, chống dịch do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra đến từng thuê bao điện thoại di động; Sản xuất các video clip, phim ngắn, thông tin dưới dạng đồ họa để tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và các mạng xã hội có nhiều người dùng tại Việt Nam, trên các nền tảng công nghệ số như Facebook, Zalo, YouTube, Lotus…
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu các đơn vị trong ngành phải phối hợp với Bộ Y tế định hướng nội dung thông tin về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) trên báo chí (báo in, phát thanh, truyền hình, báo điện tử) và hệ thống thông tin cơ sở, thông tin đối ngoại, các mạng lưới quảng cáo điện tử trên các nền tảng khác nhau.
Đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet, truyền hình qua Internet, các doanh nghiệp cung cấp nền tảng công nghệ số có đông người sử dụng tại Việt Nam (Zalo, Lotus, Coccoc, Gapo, Be, Mocha, Fastgo, Facebook, Google, Grab,…), chỉ thị nêu rõ các doanh nghiệp cần chủ động, sáng tạo trong việc thực hiện lan truyền thông tin chính thống từ các cơ quan chức năng tới người dùng của mình thông qua các nền tảng công nghệ; Cung cấp bổ sung các tiện ích đơn giản, sáng tạo trên các nền tảng của mình để người dùng có thể dễ dàng tiếp cận thông tin chính thống về phòng, chống dịch bệnh.
Đối với Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, cần chủ trì trao đổi với Facebook và Google để yêu cầu: Ngăn chặn, gỡ bỏ các video clips, thông tin sai sự thật về dịch bệnh; hiển thị kết quả khi người dùng trên lãnh thổ Việt Nam tìm kiếm các thông tin có liên quan về dịch bệnh tới các nguồn thông tin chính thống theo đề nghị chính thức của Việt Nam tại những kết quả đầu tiên.
Đối với các doanh nghiệp bưu chính, chỉ thị yêu cầu các doanh nghiệp bưu chính tạm dừng việc chấp nhận, vận chuyển gửi chuyển phát ra nước ngoài các mặt hàng là trang thiết bị y tế dùng cho việc phòng bệnh Viêm đường hô hấp cấp do chủng virus Corona (nCoV) gây ra, cụ thể: khẩu trang y tế, nước sát trùng, găng tay kể từ ngày 01/02/2020.
Bên cạnh đó, phát động chiến dịch đồng bộ gắn hashtag #ICT_anti_nCoV, thống nhất mẫu biểu trưng cho chiến dịch “Cộng đồng công nghệ số Việt Nam phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra”.
“Phối hợp triển khai kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bệnh viện, cơ sở y tế quản lý, cách ly, điều trị bệnh nhân nhiễm, nghi nhiễm virus Corona (nCoV) và những địa bàn có thể xuất hiện ca nghi nhiễm với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của Bộ Y tế. Bảo đảm miễn phí cước gọi đến các đường dây nóng của Bộ Y tế phục vụ phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra”, chỉ thị nêu rõ.
Theo The Leader