Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

8 bài học kinh doanh từ ông chủ Amazon

Câu chuyện khởi nghiệp thành công của Jeff Bezos khiến không ít người ngưỡng mộ: Ông bắt đầu từ một trang bán lẻ sách trực tuyến sau đó biến nó thành trang bán lẻ trực tuyến lớn nhất mọi thời đại – Amazon. Đằng sau sự thành công đó, Jeff Bezos có bí quyết gì để ta có thể học hỏi theo?

Ảnh Internet

1. Luôn ứng dụng triết lý “ngày đầu tiên”

Bezos ứng dụng trí lý “ngày đầu tiên” từ những ngày đầu hoạt động của Amazon. Triết lý này có nghĩa là luôn giữ vững tinh thần của một công ty khởi nghiệp, chống lại sự tự mãn có thể giết chết sự thành công và tiếp đó là cái chết. Đó là lý do ông luôn cố gắng giữ công ty ở trạng thái “ngày đầu tiên”.

Năm 1997, ông từng đề cập đến triết lý này trong thư gửi cổ đông. Ông bắt đầu bằng việc liệt kê tất cả các sự kiện mà công ty trải qua trong năm đó, ví dụ như phục vụ 1,5 triệu khách hàng (hiện nay con số này là hơn 310 triệu khách hàng), đạt doanh thu 147,8 triệu USD (doanh thu năm 2017 của Amazon là 178 tỷ USD). Tiếp đó, ông khẳng định công ty phải tiếp tục tìm kiếm cơ hội để phát triển trên thị trường đầy cạnh tranh.

Triết lý này cùng với tầm nhìn, sự quyết tâm cùng những bước đi táo bạo là kim chỉ nam cho Amazon từ khi thành lập đến nay.

2. Lấy khách hàng làm trọng tâm

Ngay từ khi bắt đầu, Bezos luôn ám ảnh với việc phải đổi mới theo nhu cầu và mong muốn của khách hàng. Ông tin rằng phải tập trung vào khách hàng, chứ không phải vào đối thủ.

“Một điều tôi yêu thích ở khách hàng là họ luôn bất mãn”, Bezos viết trong thư gửi cổ đông Amazon năm 2017. “Kỳ vọng của họ không bao giờ là đủ – luôn luôn tăng lên. Đó là bản chất của con người…Chúng ta không thể ngủ quên với vòng nguyệt quế trên thế giới này”.

Người kinh doanh phải hiểu rõ thị trường của mình và hiểu rõ khách hàng đang tìm kiếm điều gì. Nếu mang lại được cho khách hàng những gì họ muốn, họ sẽ tiếp tục quay lại. Bezos cho rằng đây là cách duy nhất để tồn tại và phát triển trên thị trường luôn luôn thay đổi và đây cũng là nguyên tắc cơ bản quan trọng nhất đằng sau tất cả những thương vụ đầu tư của Amazon.

3. Bạn sẽ hối tiếc điều gì khi 80 tuổi?

Trên thương trường khốc liệt, không dễ để biết cơ hội nào nên nắm bắt, cơ hội nào nên bỏ qua. Đây là tình huống Bezos gặp phải khi ông nảy ra ý tưởng thành lập cửa hàng sách trực tuyến. Khi đó, ông đã có một công việc tốt tại một quỹ đầu cơ, nhưng ông nhận thấy sự phát triển nhanh chóng của Internet và biết rằng ý tưởng của mình thực sự tiềm năng.

Vậy, ông đã làm gì để có can đảm từ bỏ công việc lương cao và ổn định để khởi nghiệp? Bezos cho biết khoảnh khắc đó, ông tưởng tượng mình 80 tuổi và nói với bản thân mình rằng liệu có hối hận nếu không nắm bắt cơ hội này? Và câu trả lời hiển nhiên là có.

“Trong hầu hết trường hợp, điều hối tiếc lớn nhất của chúng ta hoá ra là việc bỏ qua cơ hội. Đó là con đường ta đã không đi và nó sẽ ám ảnh chúng ta”, Bezos nói. Ông cho biết ông sẽ luôn luôn tự hào rằng mình đã thử làm, dù có thất bại.

4. Xây dựng đội ngũ nhân lực tốt nhất cho công ty

Thành công của công ty phụ thuộc chủ yếu vào những con người được tuyển về. Đó là lý do Bezos luôn coi trọng việc xây dựng đội ngũ nhân viên. Triết lý của ông là tập trung vào việc đưa đúng người vào đội ngũ quản lý, sau đó cho họ hưởng thành quả từ những thành công của công ty – giúp họ có động lực để cống hiến.

Trong thư gửi cổ đông năm 2017, Bezos viết: “Thành công của chúng tôi phần lớn là nhờ vào khả năng thu hút và giữ chân đôi ngũ nhân viên với động lực cao, mỗi người đều phải tư duy như chính mình là chủ nhân công ty và thực tế đúng như vậy”.

Ảnh Internet

Amazon có chế độ thưởng quyền chọn mua cổ phiếu hậu hĩnh dành cho nhân viên. Đây là động lực giúp nhân viên càng thêm cống hiến vì sự thành công chung của công ty.

Hãng này thậm chí trả 5.000 USD cho những nhân viên muốn nghỉ việc – chính sách giúp sớm loại bỏ những nhân viên bất mãn, không muốn làm việc. Điều này giúp công ty tiết kiệm được nhiều tiền hơn trong dài hạn, đồng thời khiến những nhân viên ở lại cam kết hơn với công việc.

5. Luôn giữ tinh thần đổi mới và sáng tạo

Bezos cho biết mục tiêu của Amazon là “trở thành công ty lấy khách hàng làm trung tâm nhất thế giới”, vì vậy gần như mọi hoạt động trong công ty đều thúc đẩy bởi mục tiêu này. Từng bước trên con đường xây dựng đế chế bán hàng trực tuyến lớn nhất thế giới, Bezos thêm vào các tính năng và chức năng mà ban đầu bị cho là không đảm bảo, nhưng lại có lợi cho khách hàng.

Đó là lý do Amazon liên tục tối ưu hoá hệ thống vận tải và vận chuyển, nhằm giúp dịch vụ được trơn tru và hiệu quả nhất có thể. Công ty đầu tư mạnh vào phát triển cơ sở hạ tầng.

Khi xây dựng Amazon, Bezos sẵn sàng thực hiện những bước đi có thể khiến công ty mất tiền trong ngắn hạn, miễn là có thể giúp công ty đạt được các mục tiêu trong tương lai và gia tăng thị phần.

6. Tiết kiệm và hiệu quả – đưa doanh thu trở lại đầu tư vào công ty

Tiết kiệm là một trong những nguyên tắc cơ bản của Amazon. Chính việc luôn cố gắng hoạt động tiết kiệm, hiệu quả và cực kỳ cạnh tranh đã giúp công ty này kiếm về hàng tỷ USD.

Bezos luôn tập trung vào việc duy trì hiệu suất làm việc cao và duy trì sự tiết kiệm ở tất cả các cấp – từ lãnh đạo tới nhân viên. Trên website, Amazon cũng đưa tiết kiệm làm nguyên tắc cốt lõi: “Đạt được nhiều hơn với chi phí ít hơn. Những hạn chế giúp nảy sinh sự tháo vát, tự túc và sáng tạo”.

Nguyên tắc này không có nghĩa Bezos không đầu tư tiền bạc, nhưng ông tập trung các nguồn lực vào những thứ có lợi cho khách hàng. Dù lấy tiết kiệm làm trọng tâm, tỷ suất lợi nhuận của Amazon tương đối nhỏ.

Dù có vốn hoá tới 900 tỷ USD, trong suốt 2 thập kỷ là một công ty đại chúng, Amazon chỉ có lãi tích luỹ là 5,7 tỷ USD. Nguyên nhân là công ty này luôn tái đầu tư vào hoạt động kinh doanh và gia tăng thị phần.

7. Sẵn sàng chấp nhận rủi ro thất bại để thành công

Một trong những chiến lược cốt lõi cho sự thành công của Bezos là cách tiếp cận của ông với thất bại. Ông tin tưởng vào việc thử hàng loạt ý tưởng, dù biết rằng một số có thể thất bại. Ông cho rằng chấp nhận những rủi ro đã được tính toán kỹ là điều cần thiết.

Bezos tin rằng nếu không thử sẽ không thể biết ý tưởng đó có thành công hay không. Trên thực tế, việc chấp nhận khả năng thất bại chính là điều đã giúp Bezos có can đảm khởi nghiệp với Amazon.

Khi bắt đầu Amazon, Bezos cho bản thân 30% cơ hội thành công. Ông xây dựng công ty bằng cách chấp nhận rủi ro và đôi khi chấp nhận có thể mất tiền để rút ra được các bài học. Bezos từng nói đùa về việc kiếm “hàng tỷ USD từ thất bại”.

8. Luôn nhìn về phía trước

Bezos luôn tập trung vào tư duy và chiến lược dài hạn cho Amazon. Và ông cũng hi vọng sẽ tạo cảm hứng cho người khác luôn nghĩ về tương lai. Điều này được thấy rõ ở nhiều dự án mà ông thực hiện.

Năm 2000, Bezos thành lập công ty hàng không vũ trụ Blue Origin, phát triển các công nghệ để biến những chuyến bay vào vũ trụ có giá vừa túi tiền với những người bình thường. Đây là một phần của giấc mơ dài nhằm đưa con người định cư ngoài vũ trụ của ông.

Ông cũng làm việc Long Now Foundation để xây dựng đồng hồ vạn niên. Ông cho biết: “Con người giờ đây đã có tiến bộ đủ về công nghệ để tạo ra không chỉ những kỳ quan phi thường mà còn cả những thứ ở quy mô của cả nền văn minh. Chúng ta cần có tư duy dài hạn hơn nữa”.

Theo SI