Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

6 từ khóa kết nối nguồn nhân lực khu vực ASEAN

Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu những người làm nhân sự biết cách hợp tác sẽ đưa nguồn nhân lực khu vực ASEAN dẫn đầu thế giới.
Các bên kí kết thành lập Hiệp hội Phát triển nguồn nhân lực ASEAN (gọi tắt là AHDO)

Hội nghị Nhân sự Việt Nam 2019 do Câu lạc bộ Nhân sự Việt Nam (VNHR) phối hợp với Hội các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam (VACD) tổ chức đã quy tụ được gần 1.000 chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế, 30 diễn giả là quản lý nhân sự cấp cao hàng đầu trong và ngoài nước, với những trao đổi hết sức cụ thể và hấp dẫn xoay quanh chủ để “Ứng biến trong kỷ nguyên số”.

Qua năm năm tổ chức, sự kiện đã thể hiện sức ảnh hưởng mạnh mẽ đối với các nhà quản trị và đội ngũ nhân sự tại các doanh nghiệp, dần trở thành một điểm hẹn quen thuộc, nơi mà cộng đồng nhân sự chuyên nghiệp kết nối và chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm mỗi năm. Điều này thể hiện qua sự tăng trưởng về số lượng người tham dự so với năm đầu tiên.

Với cách tiếp cận mới, hội nghị đi sâu phân tích những thay đổi từ bối cảnh kinh tế, công nghệ đang tạo ra những thách thức, cơ hội thế nào cho các lĩnh vực tổ chức, lãnh đạo, trải nghiệm nhân viên trong xây dựng và đào tạo nguồn nhân lực. 

Phòng tổ chức đề cập đến các vấn đề xây dựng môi trường làm việc hấp dẫn và ý nghĩa; chuyển đổi từ cấu trúc truyền thống sang kết nối và linh hoạt; xây dựng nghề nghiệp dựa trên phát triển hay thăng tiến; nguồn nhân lực cho kỷ nguyên số; đưa các giá trị cốt lõi vào doanh nghiệp. 

Phòng lãnh đạo bao gồm: phát hiện, đánh giá, phát triển và gắn kết thế hệ lãnh đạo trẻ; nâng cao năng lực đội ngũ lãnh đạo hiện tại và tương lai; sự linh hoạt trong học tập; bộ năng lực ngành nhân sự; cách thức tăng cường ảnh hưởng của nhân sự trong doanh nghiệp.

Phòng trải nghiệm nhân viên tập trung về nâng cao chất lượng môi trường làm việc; linh hoạt trong hoạt động gắn kết nhân viên; cách mạng số trong ngành nhân sự; tuyển dụng sáng tạo; nâng cao năng lực phân tích dữ liệu của bộ phận nhân sự.

Trong khuôn khổ hội nghị, triển lãm “Giải pháp nhân sự” với sự góp mặt từ rất nhiều nhà cung ứng dịch vụ, giải pháp nhân sự hiệu quả cũng thu hút được sự chú ý của doanh nghiệp, với những mô hình công nghệ thông tin sáng tạo, các giải pháp phần mềm quản lý nhân sự hiệu quả tại khu vực.

Đặc biệt, lễ kí kết thành lập Hiệp hội Phát triển nguồn nhân lực ASEAN – gọi tắt là AHDO (ASEAN Human Development Organisation) cũng diễn ra trong khuôn khổ hội nghị. Đây là bước mở đầu cho sự kết nối các hiệp hội nhân sự các nước trong khu vực ASEAN thành một cộng đồng chuyên nghiệp và làm việc với các tổ chức ASEAN về chính sách và các sáng kiến liên quan đến phát triển con người tại nơi làm việc. 

AHDO đặt mục tiêu phát triển bản sắc và văn hóa quản lý của khu vực ASEAN với mục đích cốt lõi là cải thiện sự phát triển của con người trong môi trường làm việc.

Ông Lê Hồng Phúc, Chủ tịch CLB Nhân sự Việt Nam VNHR

Ông Lê Hồng Phúc, Chủ tịch CLB Nhân sự Việt Nam VNHR, chia sẻ: “Với sứ mệnh gắn kết và nâng tầm nguồn nhân lực Việt Nam, VNHR đã và đang từng bước tạo nên nhiều hoạt động mang ý nghĩa thiết thực cho lực lượng lao động hiện nay như Hội nghị Nhân sự Việt Nam. 

Với hơn 50 sự kiện về nhân sự được VNHR định kì tổ chức trong mỗi năm và sắp tới mở rộng thêm nhiều dự án, hoạt động để kết nối cộng đồng nhân sự Việt sẽ giúp ngành nhân sự Việt Nam bắt kịp với nhân sự thế giới”.

Ông Hàn Mạnh Tiến, Chủ tịch Hội Các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam

TS. Hàn Mạnh Tiến, Chủ tịch Hội các Nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam chia sẻ: “Năm 2019 đánh đấu năm thứ năm VACD đồng hành với VNHR, đúc kết những bài học thực tiễn mới về quản trị thông qua các nhà chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế. 

Năm 2019 chứng kiến những biến động lớn của chính trị kinh tế thế giới, những thay đổi như vũ bão của quản trị. Năng lực thay đổi để thích nghi và phát triển trở thành sống còn. 

Với ba nhóm chuyên đề chia sẻ qua nhiều hình thức đa dạng, bảo đảm chiều sâu và tính hữu ích cao. 

Lễ ký kết chính thức thành lập Hội nhân sự ASEAN từ năm nước Indonesia, Myamar, Việt Nam, Malaysia, Lào, Philippines đã xây dựng kế hoạch hành động rất tham vọng, đem lại hiệu ứng lớn cho cộng đồng nhân sự Việt Nam và ASEAN. Đây là điều đáng tự hào, để VACD cùng AHDO hướng đến mục tiêu nâng tầm doanh nghiệp Việt”.

Nhấn mạnh việc phát triển bản sắc và văn hóa quản lý nhân sự của khu vực ASEAN, TS. Bob Aubrey, người vừa hoàn thành tác phẩm “Leading Human Development In Asean” đã đúc kết 6 từ là biểu tượng cho từng nước trong khối ASEAN.

“Tôi vừa hoàn thành cuốn sách dành riêng cho thị trường nhân lực ASEAN. Đó cũng là mong muốn của tôi với các nước ASEAN, một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, nhưng liệu con người có thể phát triển kịp với phát triển kinh tế hay không? Một năm trước, chúng ta không có tổ chức nào đại diện cho ASEAN, năm nay chúng ta đã đạt được giấc mơ đó.

Nghĩ đến Đông Nam Á, người ta nghĩ tới một lực lượng nhân sự phức tạp, đa dạng nhất thế giới, có ngôn ngữ, tập quán, tôn giáo hoàn toàn khác nhau, vậy ngôn ngữ chung nào có thể chia sẻ? Những từ nào thể hiện chúng ta là con người khác biệt?

“Kiên cường” là một trong những từ tiêu biểu mà nhân sự Việt Nam có thể chia sẻ với thế giới. Kiên cường trong quá khứ, và kiên cường để có khả năng thay đổi, phát triển trong tương lai.

“Wold Class” là từ mà nhân sự Singapore có thể chia sẻ với các nước Đông Nam Á.

“Sanok”- Vui vẻ, biểu tượng của con người Thái Lan, vừa đạt được độ chuẩn quốc tế, vừa đạt được sự vui vẻ ngay ở công ty.

“Merdeka”- tiêu biểu cho sự tự do nơi làm việc của người Malaysia. Muốn giữ nhân sự tài giỏi phải cho phép họ được tự do xây dựng những dự án mới, công trình mới.

“Malasakit”- tiêu biểu cho người Philippines, sự đam mê, quan tâm đến người khác. Nếu làm việc ở Đông Nam Á, bạn phải có sự quan tâm đến nhân sự của mình.

“Gotong Royong”- biểu tượng từ Indonesia, nghĩa là hợp tác, Indonesia tiêu biểu cho một quốc gia biết cách hợp tác cao”.

TS. Bob Aubrey

Nhìn vào nơi sản xuất Apple lớn nhất thế giới tại Trung Quốc, có thể thấy nguồn nhân lực hoàn toàn giống nhau, có thể thay thế được! Họ chỉ tối ưu hoá lợi ích của họ, chứ không phát triển con người. 

Việt Nam đang trong quá trình phát triển, nếu quốc gia nào đến Việt Nam thì họ phải quan tâm đến sự phát triển con người Việt Nam. Mục tiêu của con người không chỉ để tối ưu hoá phát triển kinh tế, mà phải đạt đến con người mà chúng ta mong muốn.

Người làm nhân sự phải chú ý phát triển con người, chứ không chỉ đạt được mục tiêu kinh doanh. Ở Đông Nam Á, mỗi khi nói chuyện với CEO, họ muốn giám đốc nhân sự phải phát triển con người.

Hiện nay, quản trị nhân sự có thể thuê ngoài. Uber bộ phận nhân sự đâu có liên quan, những người lái xe chính là nhân sự của công ty Hoa kỳ 4 năm trở lại đây, những công ty IT mới chiếm chủ yếu những công việc mới được tạo ra, bộ phận nhân sự sẽ được coi là thế nào? 

Vai trò này có thể nằm trong hay ngoài công ty, đó là thay đổi lớn và nhanh. ASEAN đã thay đổi nhanh chóng, bộ phận quản lý nhân sự nếu biết hợp tác sẽ đưa nguồn nhân lực ASEAN dẫn đầu thế giới.

Theo The Leader