Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

6 thay đổi trong tâm lý người tiêu dùng trong và sau Covid-19

Đại dịch Covid-19 sẽ ảnh hưởng dài lâu tới người tiêu dùng – nhiều người trong số này đã mất đi người thân, công việc và doanh nghiệp. Cuộc sống vì thế có thể chuyển sang trạng thái bình thường mới (new normal), rất khác với trước đây. Điều này cũng sẽ tái định hình lại cách thức các thương hiệu tiếp cận khách hàng sau khi dịch bệnh qua đi.

1. Bị ám ảnh bởi dịch bệnh

Đại dịch Covid-19 đến nay đã gây tử vong hơn 211.000 người trong tổng số hơn 3 triệu người nhiễm bệnh trên toàn cầu. Ảnh: Getty Images. 

Trong thời gian dịch bệnh xảy ra, 18% dân số thế giới có gia đình hay bạn bè bị ảnh hưởng bởi Covid-19, với 5% trong số đó có người thân chết vì dịch, theo Agility PR. Căn bệnh truyền nhiễm này cũng đẩy hàng triệu người lâm vào tình cảnh thất nghiệp, hàng tỉ người phải chịu cách ly và khiến hầu hết mọi người trên thế giới cảm thấy bản thân và người thân đều gặp rủi ro sức khỏe.

Theo đó, người tiêu dùng trở nên bất an và tiêu cực hơn. 22% những người này cho biết mình đang trải qua cảm giác bất an khi phải “chôn chân” trong nhà. Trong khi đó 19% lo lắng hết tiền, phần lớn trong số này là những người trẻ trong độ tuổi 18-24.

2. Tin tưởng hơn vào doanh nghiệp

Thông tin của Edelman cho biết tại một số quốc gia có chính phủ không hoạt động mạnh mẽ để chống dịch, người tiêu dùng tín nhiệm doanh nghiệp hơn cả nhà nước. 62% những người tham gia khảo sát nhận định đất nước của mình sẽ không thể qua khỏi cơn khủng hoảng nếu không có các doanh nghiệp. Tại Mỹ, 55% người được hỏi cho biết các thương hiệu đang phản ứng nhanh và hiệu quả hơn cả chính phủ.

Từ đó người tiêu dùng mong muốn các công ty phải quan tâm nhiều hơn tới sức khỏe nhân viên, sản phẩm để tạo ra thiện cảm cho cộng đồng. 71% cho biết nếu nhận ra một thương hiệu nào đó đang đặt lợi nhuận lên trên con người, họ sẽ mất niềm tin vào thương hiệu đó vĩnh viễn.

3. Chi tiêu thận trọng hơn

Người tiêu dùng dự định sẽ lên kế hoạch cẩn trọng chi tiêu, dù trong tương lai có còn dịch bệnh hay không. 37% những người được hỏi sẽ ưu tiên thỏa mãn các nhu cầu cơ bản khi ở nhà – bao gồm làm việc, giao tiếp trực tuyến, tiếp xúc truyền thông và mua sắm các mặt hàng bán lẻ thiết thực.

Hiện tại 65% người tiêu dùng đang trì hoãn các khoản mua sắm và kế hoạch du lịch, 27% đang tiết kiệm nhiều hơn thông thường và 26% dự kiến sẽ tiết kiệm nhiều hơn trong tương lai.

4. Thay đổi quan điểm về làm việc tại nhà

36% những người tham gia khảo sát của Proper Insights cho biết họ mong muốn tiếp tục được làm việc tại nhà sau khi dịch bệnh kết thúc. 40,7% trong số đó là nam, 32,5% là nữ.

Chính vì vậy việc đầu tư vào một mô hình làm việc mọi nơi, mọi lúc, trên mọi thiết bị và áp dụng những phương thức làm việc tạo lợi thế cho công ty giữa mùa dịch cần trở thành ưu tiên cho doanh nghiệp.

Nền tảng hội nghị trực tuyến Zoom đã vụt sáng thành hiện tượng mùa Covid-19 khi hàng tỉ người phải ở nhà cách ly vì dịch. Ảnh: Zoom. 

5. Phụ thuộc hơn vào công nghệ

Tâm lý này đã giúp các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chuyển đổi số, chẳng hạn như các công cụ làm việc từ xa hay nền tảng hội nghị trực tuyến, phát triển tích cực. Minh chứng cho điều này là việc hàng loạt công ty như Facebook, Amazon, Google hay Apple đều săn tìm thêm nhân sự công nghệ. 

Amazon hiện đang mở hơn 20.000 vị trí tuyển dụng chuyên môn công nghệ bên cạnh 175.000 vị trí logistics và giao hàng. Công ty cho biết gần đây mình đang chứng kiến nhu cầu giao hàng tăng nhanh giữa mùa dịch. Gã khổng lồ mạng xã hội Facebook cũng sẽ tuyển thêm 10.000 nhân viên mới cho nhóm kỹ sư và phát triển sản phẩm tới cuối năm nay.

13% người tiêu dùng đang gia tăng sử dụng robot kể từ tháng 1.2020 tại các địa điểm bán lẻ. Điều này khiến các doanh nghiệp cũng gia tăng tận dụng công nghệ trong kinh doanh, chẳng hạn như Walmart đã trang bị các robot lau sàn, Hàn Quốc cũng dùng robot để đo nhiệt độ và phân phối nước rửa tay. Hãng thức ăn nhanh McDonald’s cũng đang thử nghiệm dùng robot trong nấu nướng và phục vụ khách tại tiệm.

6. Trân trọng cuộc sống bình thường hơn

1/3 người dùng ngày nay đồng tình rằng họ sẽ trân trọng hơn những gì trước đây vốn thường xem nhẹ, chẳng hạn như những hoạt động như ăn ngoài, đi cà phê hay đi du lịch. Họ cũng sẽ suy ngẫm lại những gì bản thân trân trọng nhất, theo kết quả khảo sát của Ernst & Young.

Đáng chú ý, 1/4 cũng cho biết họ sẽ chú ý những gì mình tiêu thụ hơn cũng như các tác động do việc mua sắm gây ra. Như vậy tại thế giới hậu Covid-19, con người sẽ ngày một để tâm tới những hệ quả theo sau những lựa chọn của mình.   

Theo FosberVietnam