Vị trí cao luôn tỉ lệ thuận với mức độ căng thẳng và nếu các nhà quản lí doanh nghiệp đang rơi vào tình huống đó thì đây là những việc họ cần làm trước khi mọi thứ trở nên tồi tệ hơn.
Cuộc sống và công việc của chúng ta ngày càng trở nên khắt khe hơn, đặt chúng ta vào những thách thức phức tạp hơn bao giờ hết với tốc độ gần như không ngừng. Cùng với trách nhiệm đáp ứng nhu cầu cá nhân và gia đình, thật dễ dàng để cảm thấy quá tải.
Trong cuốn sách Immunity to Change, các giáo sư Harvard Robert Kegan và Lisa Lahey đã phân tích về việc cuộc sống hiện đại phức tạp đã khiến con người cảm thấy thế nào.
Mọi thứ dường như vượt qua giới hạn và khả năng giải quyết các vấn đề phức tạp của não bộ con người. Th không liên quan đến việc chúng ta thông minh như thế nào mà là cách chúng ta hiểu về thế giới và thích nghi trong đó.
Phản ứng điển hình của chúng ta đối với khối lượng công việc ngày càng tăng là làm việc chăm chỉ hơn và bỏ ra nhiều thời giờ hơn thay vì lùi lại và tìm hiểu điều gì khiến chúng ta vất vả đến vậy để thay đổi và giải quyết.
Rất nhiều CEO và nhà quản lí tham gia khảo sát của HBR có một lịch trình làm việc khủng khiếp. Sue – quản lí của một công ty công nghệ vừa lên sàn chứng khoán, đang chỉ đạo nhiều dự án cùng lúc và luôn sợ rằng sẽ bỏ lỡ một email quan trọng.
Ajay – nhà lãnh đạo cấp cao của một startup luôn cần thêm thời gian yên tĩnh để nghỉ ngơi trong danh sách việc cần làm ngày càng tăng nhưng điều đó dường như không thể.
Maria – nhà đồng sáng lập công ty khởi nghiệp cảm thấy ám ảnh khi doanh nghiệp bắt đầu mở rộng quy mô trong khi các CEO của những tập đoàn nghìn tỉ USD như Apple phải thức dậy từ 3:45 sáng.
Ảnh hưởng xấu của tình trạng căng thẳng kéo dài bao gồm tư duy ngày càng trì trệ, tính hay quên, nhầm lẫn, khó tập trung hoặc suy nghĩ logic hay thậm chí là sự ám ảnh hoặc khả năng giải quyết vấn đề đang tê liệt.
Bất cứ triệu chứng nào trong số đó cũng có thể khiến chúng ta làm việc kém hiệu quả hơn và tăng cảm giác tiêu cực thêm nhiều lần. Nếu bạn đang ngập trong sự căng thẳng và ám ảnh đến mức không thể thoát ra, đây là một số giải pháp được chuyên gia Havard gợi ý:
Xác định nguyên nhân chính gây ra căng thẳng
Hãy tự hỏi mình câu hỏi: “Điều gì đang gây ra 80% căng thẳng mà tôi đang cảm thấy?”. Dù bạn vẫn có thể chịu trách nhiệm về mọi thứ hay không thể tránh được các vấn đề, câu hỏi này vẫn giúp bạn xác định nguồn căng thẳng đáng kể nhất.
Nếu đó là một dự án lớn đã gần hoàn thành, hãy hoàn thành nó nhanh hơn. Nếu sức ép quá lớn từ công việc hay dự án đang theo đuổi bạn, hãy chia nhỏ các đầu việc để dễ quản lý hơn, yêu cầu thêm hỗ trợ hoặc hoãn lại deadline.
Đặt giới hạn thời gian và khối lượng công việc
Điều này có thể bao gồm cả thời gian làm việc ngoài giờ, thời gian bạn dành cho một nhiệm vụ hoặc dự án, rời khỏi văn phòng trong một khung giờ nhất định hoặc từ chối một số công việc cụ thể.
Ajay nhận ra rằng anh đã dành lượng thời gian đáng kể chỉ để làm trung gian giải hòa các xung đột giữa những thành viên trong nhóm. Tình trạng ấy không chỉ khiến thời gian của anh không hiệu quả mà còn khiến đồng nghiệp của anh trở nên ỷ lại thay vì tự học cách tự giải quyết vấn đề. Từ chối những việc nằm ngoài trách nhiệm đã cho Ajay thời gian để tập trung vào các dự án cần được ưu tiên với ít phiền toái hơn.
Chống chủ nghĩa cầu toàn
Sự cầu toàn có thể khiến chúng ta thực hiện các nhiệm vụ hoặc dự án quá mức cần thiết, dẫn đến chậm trễ về thời gian và sức ép về tâm lý. Khi mọi thứ chồng chất, cảm giác choáng ngợp tăng lên và sẽ ngày càng tệ hơn nếu bạn không dừng lại.
Sheryl Sandberg từng nói: “Xong việc tốt hơn là hoàn hảo. Hãy biết khi nào là đủ tốt và tự hỏi mình rằng lợi ích khi dành nhiều thời gian hơn cho nhiệm vụ hoặc dự án này là gì?”. Sue cuối cùng đã có thể chấp nhận rằng đôi khi một vài email sẽ bị bỏ qua và nếu nó đủ quan trọng, người gửi sẽ gửi lại thông báo.
Thuê nhân sự ngoài hoặc tìm người đại diện
Tiếp theo, hãy tự hỏi bạn có thể sử dụng thời gian nhiều nhất và tốt nhất cho công việc gì? Đó có thể là quản lý các dự án, tham dự một số cuộc họp nhất định và để ai đó giúp bạn thực hiện các cuộc phỏng vấn, thuê người giúp việc dọn dẹp nhà cửa và chuẩn bị bữa ăn.
Thay đổi các suy đoán của bạn
Nếu cảm thấy ám ảnh và căng thẳng là một cuộc đấu tranh tâm lý bạn đang phải chịu đựng hàng ngày thì có khả năng bạn đang có quá nhiều suy đoán, khiến bạn bị mắc kẹt trong những hành vi không hiệu quả.
Kegan và Lahey gọi những điều này là Giả định Lớn. Đối với Sue, đó là niềm tin rằng chỉ cần một chi tiết hỏng, cô sẽ thất bại và không thể đứng lên. Trong trường hợp của Ajay, anh luôn cho rằng nếu không giúp đỡ người khác, anh sẽ đánh mất giá trị của mình.
Trong khi những giả định này rất hay xuất hiện ở các lãnh đạo cấp cao, chúng thường không chính xác 100% và khiến họ bị mắc kẹt trong những khuôn mẫu cũ, góp phần đáng kể vào cảm giác ám ảnh hàng ngày.
Bằng cách xác định và gỡ bỏ những niềm tin này dần dần theo thời gian, họ có thể mở rộng quan điểm về công việc, về thế giới, giảm bớt áp lực và củng cố sức khỏe tinh thần.
Dù đôi khi chúng ta cảm thấy quá tải trong công việc và cuộc sống cá nhân vốn ngày càng khắc nghiệt, những giải pháp ở trên có thể giúp giảm thiểu tần suất và mức độ của sự căng thẳng để giải quyết những vấn đề một cách triệt để.
Theo VNB