Amazon tuyển 100.000 người, Walmart 150.000, và có nhiều ngành nghề khác đang tích cực tuyển dụng thêm.
Những tháng đầu năm 2020, thế giới chứng kiến một giai đoạn buồn của nền kinh tế. Các thành phố bị phong tỏa, nhiều ngành nghề không thiết yếu phải tạm đóng cửa để ngăn đại dịch Covid-19 tiếp tục lan xa hơn. Người lao động thì nín thở, chờ đợi xem liệu họ có phải là những người kế tiếp phải nghỉ làm, giảm lương, thậm chí mất luôn công việc hiện tại khi một bộ phận không nhỏ các doanh nghiệp phá sản.
Tại Mỹ – nơi vừa trở thành ổ dịch lớn nhất thế giới trong ngày 27/3, khoảng 3,28 triệu người đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần qua. Đây là con số gia tăng lượng người thất nghiệp trong tuần lớn nhất từ trước đến nay tại quốc gia này. Khi quy tắc hạn chế tiếp xúc xã hội được thi hành, việc cắt giảm nhân công xảy ra thường xuyên hơn, đặc biệt là những ngành bán lẻ truyền thống, khách sạn, nhà hàng và kinh doanh quán bar.
Nhưng giữa cơn bão “kinh tế buồn”, hóa ra vẫn còn đó những ngành nghề khác đang tích cực tuyển dụng, tạo ra việc làm cho xã hội. Ví dụ như Walmart – tập đoàn bán lẻ có thể xem là biểu tượng của Mỹ tuần qua đã công bố kế hoạch tuyển dụng thêm 150.000 nhân công. Hãng cho biết sẵn sàng thưởng thêm cho nhân viên toàn thời gian $300 mỗi người, và bán thời gian là $150. Nhóm được tuyển dụng thêm ban đầu sẽ chỉ là nhân viên tạm thời, nhưng rất nhiều trong số này sẽ lên chính thức.
Amazon – ông hoàng thương mại điện tử cũng có động thái tương tự. Họ công bố kế hoạch tuyển dụng thêm 100.000 nhân viên, nhằm đáp ứng nhu cầu tăng đột biến đối với các đơn hàng trực tuyến và vận chuyển tại Mỹ.
“Hầu hết các nhân viên mới sẽ đi cùng Amazon ít nhất là hết tháng 4, và chúng tôi kỳ vọng sẽ có những cơ hội để nhiều người trong số này được cống hiến lâu hơn, hoặc trở thành nhân viên chính thức.”
1. Ngành thực phẩm và cửa hàng tiện lợi
Dịch bệnh lan rộng đã gây hoang mang và tạo ra tâm lý “mua tích trữ” tại nhiều quốc gia trên thế giới. Ở Mỹ, các hàng tạp hóa và cửa hàng tiện lợi thường xuyên rơi vào cảnh cháy hàng, ban kệ rỗng không sau những đợt càn quét của người tiêu dùng.
Nhưng nhìn ở góc độ kinh tế, điều này cũng có nghĩa nhu cầu mua sắm nhu yếu phẩm đang tăng cao. Và để lấp đầy các kệ hàng một cách kịp thời, nhiều doanh nghiệp đã tiến hành đăng tuyển thêm nhân công trong mùa dịch.
Lowe’s – chuỗi cửa hàng bán lẻ tại Mỹ tuần qua tuyên bố đang tuyển dụng 30.000 vị trí toàn thời gian và tạm thời, làm việc tại các trung tâm phân phối của hãng trên khắp cả nước. 7-Eleven – chuỗi cửa hàng tiện lợi đình đám nhất thế giới cũng tuyển dụng ít nhất 20.000 nhân công.
“Điều này mang đến cơ hội việc làm cho người lao động, đồng thời đảm bảo được rằng các cửa hàng của 7-Eleven được sạch sẽ và các ban kệ luôn được lấp đầy hàng hóa,” – CEO hãng, ông Joe DePinto cho biết. Công ty ước tính phần lớn người mới sẽ làm việc cho 7NOW – ứng dụng vận chuyển của công ty.
Chưa hết, Albertsons Cos., chuỗi cửa hàng tạp hóa đình đám tại Mỹ cho biết sẽ tuyển dụng 30.000 vị trí. Kroger tuyển thêm 10.000 người, trong khi Trader Joe chưa công bố kế hoạch tuyển nhưng cho biết cũng đang dần quá tải với các đơn hàng tăng đột biến mùa dịch.
2. Dịch vụ vận chuyển
Thời điểm dịch bệnh bùng nổ, người dân cũng hạn chế ra đường, chuyển sang mua sắm trực tuyến và đặt đồ ăn, thực phẩm giao tận nhà. Hiển nhiên, nhu cầu lao động vận chuyển chắc chắn sẽ tăng cao, theo nhận xét của nhà kinh tế Daniel Zhao.
Zhao cho biết trong tuần qua, lĩnh vực này đang tăng trưởng một cách chóng mặt. Các vị trí tuyển dụng đang mở ra dành cho tài xế xe tải, nhân viên giao hàng, và nhân viên lưu kho. Tuy rằng đây là các công việc nghe có vẻ kém hấp dẫn trong thời điểm mọi người cố gắng hạn chế tiếp xúc trực tiếp, nhưng có rất nhiều vị trí cho phép làm việc từ xa.
“Dĩ nhiên, nhu cầu nhân lực cho ngành y tế cũng sẽ tăng cao,” – Stephen Stanley, chuyên gia kinh tế của công ty chứng khoán Amherst Pierpont tại New York chia sẻ. “Nhưng đó không phải là việc bất kỳ ai cũng làm được.” Stanley dự đoán, các nhân viên trong nhà hàng sẽ sớm chuyển sang vị trí giao hàng trong thời buổi này.
CVS Health – công ty dược của Mỹ thông báo vào ngày 23/3, họ tiến hành tuyển 50.000 nhân viên – cả chính thức lẫn thời vụ, hướng đến lực lượng lao động đang mất việc từ các chuỗi khách sạn. Các nhân viên mới sẽ có nhiệm vụ chuyển đơn thuốc đến tận nhà cho người bệnh, đồng thời mong muốn tuyển thêm tài xế xe tải trong mùa dịch.
Các chuỗi pizza lớn cũng đang có động thái tương tự. Pizza Hut công bố tuyển thêm 30.000 vị trí toàn thời gian. Papa John hướng đến 20.000 nhân công bắt đầu công việc luôn, trong khi Domino Pizza đăng tuyển cho nhiều vị trí – chủ yếu là đầu bếp và tài xế.
3. Ngành viễn thông và Internet
Thời dịch bệnh, xu hướng các công ty cho nhân viên làm việc từ xa đang trở nên phổ biến. Và với các tập đoàn hàng nghìn nhân công, để điều hành từ xa thì điều tiên quyết cần có là một hệ thống đường truyền internet ổn định và có tốc độ cao.
Dane Jasper – CEO của công ty viễn thông Sonic tại Bắc California cho biết, công ty đã chứng kiến lượng khách hàng mới tăng trưởng kỷ lục trong thời gian qua. Để đảm bảo đáp ứng nhu cầu, Jasper sẽ tuyển thêm ít nhất 15 nhân viên để tham gia cùng đội ngũ 520 nhân lực trong công ty.
“Nhiều nhu cầu gia tăng do làm việc từ xa và học trực tuyến, chúng tôi đang trở nên bận rộn hơn bao giờ hết,” – Jasper chia sẻ. Giống như các công ty viễn thông khác, nhân viên của Sonic được phép di chuyển thoải mái trong các thành phố, bởi đây là ngành thiết yếu.
4. Ngành sản xuất
Nhu cầu sản xuất các trang bị y tế liên quan đến hô hấp – như ống thở đang tăng lên, và điều này kéo theo sự tăng trưởng trong nhu cầu thuê nhân công sản xuất.
“Ở một số thời điểm, các nhà sản xuất sẽ muốn gia tăng nhân lực để có thể làm được nhiều máy và ống thở hơn. Giống như thời chiến vậy,” – một chuyên gia kinh tế chia sẻ với Market Watch.
Được biết, bên cạnh việc thiếu hụt nhân công và giường bệnh, các bệnh viện còn thiếu cả ống thở và máy thở cho bệnh nhân – những công cụ đặc biệt cần thiết để điều trị cho các trường hợp nặng.
Theo Market Watch