Nhiều bạn trẻ gửi thư hỏi tui về các vấn đào tạo nhân viên và làm sao để nguồn nhân lực trong công ty ngày càng mạnh, mạnh không phải là đông mà là tinh.
Tinh hoa thì phải rèn luyện mới thành, không ai bỗng dưng trở thành tinh hoa.
Mỗi người tự rèn luyện để trưởng thành, nhưng về phía doanh nghiệp, cũng phải đề ra chiến lược đào tạo để phát triển con người. Bởi vì, nhân viên chính là sức mạnh của doanh nghiệp, người lao động là tài sản của doanh nghiệp.
Mỗi doanh nghiệp có tầm nhìn riêng, đặt ra cho mình sứ mệnh khác biệt, vậy thì điều đó phải được nuôi dưỡng trong tâm trí của mỗi người. Đó là mục tiêu hướng tới, nhưng cũng là nền tảng, là bệ đỡ cho từng cá nhân vững vàng niềm tin để phấn đấu và trưởng thành. Con người sống có mục đích, có lý tưởng và có cộng đồng cùng chí hướng thì dễ thành công hơn trong cuộc đời.
Đã là rèn luyện thì phải trong môi trường khắc nghiệt, gian khổ, không ai rèn luyện trong nhung lụa. Một võ sĩ muốn có thành tựu võ học thì phải qua giai đoạn khổ luyện, nếu suốt ngày uống rượu thì chỉ có làm đệ tử của Lưu Linh.
Cho nên, phải đặt ra yêu cầu công việc trên khả năng của nhân viên hay một nhóm nhân viên, để họ nỗ lực hết mình, phải động não, sáng tạo để hoàn thành nhiệm vụ. Quá trình đó sẽ khai thác tối đa nguồn năng lượng trong mỗi người, đánh thức tài nguyên trí tuệ. Lưu ý đừng đưa ra yêu cầu quá khó không thể thực hiện được, như vậy sẽ tạo áp lực mà không thu nhận được kết quả, chỉ làm cho nhân viên bị trầm cảm mà thôi.
Thực hiên một nhiệm vụ, nhân viên bước thêm một bậc thang, rồi sẽ đến lúc đi lên đến đỉnh cao.
Không phải ai cũng muốn tiến bộ, cũng muốn học hỏi và có chí lớn, chính vì vậy quá trình phát triển nguồn nhân lực cũng là quá trình sàng lọc để tuyển chọn người có thực tài và có hoài bão. Cơ quan nhà nước có thuật ngữ “quy hoạch nhân sự” cũng là lý thuyết này. Thêm một lưu ý nữa ở đây, đó là “quy hoạch” phải công bằng, khách quan, chọn người có nhiệt tâm và cầu tiến. Ngược lại, nếu chọn người bằng tình cảm riêng thì hư việc.
Bất cứ nhân viên nào cũng muốn cấp trên ghi nhận đóng góp của mình đối với doanh nghiệp, cho nên đừng quên khen và thưởng tương xứng với thành tích của họ. Cha ông xưa dạy rằng, “một miếng giữa làng bằng một sàng sau bếp”, hãy tuyên dương họ trước tập thể, thì dù thưởng một đồng cũng là danh dự. Đây là yếu tố vô cùng quan trọng để thúc đẩy nhân viên cống hiến, sáng tạo.
Theo tranquithanh