Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

3 xu hướng định hình thị trường khởi nghiệp logistics năm 2023

Ngành logistics đã phục hồi mạnh mẽ sau thời kỳ khó khăn của đại dịch Covid-19 và dần hoạt động trở lại bình thường. Nhìn chung, các doanh nghiệp logistics trên thị trường đang quay lại đà phát triển, với tốc độ tăng trưởng dao động từ 12-15%, tùy ngành nghề kinh doanh.

3 xu hướng định hình thị trường khởi nghiệp logistics năm 2023

Trong bối cảnh đó, công ty đầu tư mạo hiểm Nextrans đã đưa ra một số nhận định về các xu hướng định hình thị trường khởi nghiệp logistics trong năm 2023 và những năm sắp tới.

Khẩu vị đầu tư thay đổi

Những thương vụ trong năm 2022 cho thấy sự thay đổi khẩu vị đầu tư của các quỹ đầu tư mạo hiểm trong thị trường khởi nghiệp logistics. Vào năm 2020 và 2021, do nhu cầu giao nhận hàng hóa tại điểm cuối cùng tăng mạnh trong thời kỳ đại dịch, các nền tảng giao hàng chặng cuối (như Viettel Post, J&T…) là những mô hình kinh doanh nhận được số vốn đầu tư lớn nhất.

Tuy nhiên, đến năm 2022, khi nhu cầu của người tiêu dùng ổn định hơn, các quỹ mạo hiểm lại chủ yếu đầu tư vốn vào những doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường bộ, các nền tảng kho bãi và những startup tập trung vào quy trình hoàn tất đơn hàng và vận chuyển chúng đến tay khách hàng (eCommerce fulfillmentđể đẩy mạnh tính bền vững của thị trường.

Thậm chí, nhiều nhà đầu tư còn chuyển sự chú ý sang mảng supply-chain visibility (khả năng hiển thị chuỗi cung ứng trong thời gian thực cho phép doanh nghiệp kiểm soát và điều chỉnh hoạt động của chuỗi cung ứng), logistics phục vụ cho hoạt động thương mại điện tử và giao hàng.

Những thương vụ này thể hiện rằng các nhà đầu tư đang quan tâm đến thị trường vận tải đường bộ và các giải pháp công nghệ. Đây là những mảng có nhiều nhà cung cấp phân tán đang hoạt động. Cụ thể, họ là những công ty vận tải đường bộ thúc đẩy nhu cầu cho thị trường.

Tăng trưởng thương mại điện tử thúc đẩy sự phát triển của các startup giao hàng B2C

Người tiêu dùng thương mại điện tử Việt Nam là một trong những người mua sắm trực tuyến thường xuyên nhất ở khu vực Đông Nam Á. Do dân số trẻ, tỷ lệ sử dụng internet cao và tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh ngày càng tăng, thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam đang mở rộng đáng kể. Tiềm năng mở rộng trong tương lai cho các dịch vụ hậu cần trong nước và quốc tế, đặc biệt là dịch vụ chuyển phát nhanh, được dự đoán sẽ đến từ lĩnh vực thương mại điện tử đang mở rộng.

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Việt Nam (IDEA), lĩnh vực thương mại điện tử Việt Nam được dự đoán sẽ đạt 23 tỷ USD vào năm 2025. Ngoài ra, khi sở thích giao hàng nhanh của người tiêu dùng nở rộ, dịch vụ chuyển phát nhanh sẽ trở thành một điểm khác biệt lớn cho cả các công ty thương mại điện tử lâu đời và các doanh nghiệp mới nổi.

Theo quan điểm của quỹ đầu tư mạo hiểm Nextrans, doanh thu từ các dịch vụ giao hàng, đặc biệt là giao hàng trong ngày, giao hàng chặng cuối và giao hàng nhanh, sẽ tăng 30 – 40%. Do nhu cầu ngày càng tăng đối với các dịch vụ chuyển phát nhanh từ phân khúc kinh doanh B2C, sự mở rộng của ngành thương mại điện tử có thể sẽ thúc đẩy sự phát triển thị trường của các dịch vụ này.

Vận chuyển hàng hóa đường hàng không có nhiều cơ hội cất cánh

Trong lĩnh vực logistics, Việt Nam chưa có nhà cung cấp dịch vụ hàng hóa hàng không cụ thể trong khi nhu cầu vận chuyển hàng qua đường hàng không đang không ngừng tăng lên. Tính đến năm 2020, có 33 sân bay đang hoạt động tại Việt Nam, trong đó có 8 sân bay quốc tế. Trong số tất cả các sân bay ở Việt Nam, chỉ có bốn trong số đó có nhà ga hàng hóa riêng biệt. Thêm vào đó, doanh nghiệp xuất nhập khẩu phải trả chi phí cao hơn khi thuê các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài.

Trong 30 năm qua, thị trường vận tải hàng hóa qua đường hàng không của Việt Nam đã có sự tăng trưởng vượt bậc, với tốc độ phát triển bình quân giai đoạn 1991-2022 đạt 15,3%/năm.

Trong giai đoạn đại dịch, ngành hàng không chứng kiến sự tụt giảm số lượng hành khách nhanh chóng, nhưng lại có số lượng hàng hóa tăng đột biến. Cụ thể, sản lượng hàng hóa năm 2021 qua đường hàng không của Việt Nam đạt 1,5 triệu tấn, với giá cước vận chuyển hàng hóa quốc tế tăng vọt.

Ngay sau đó, 11 tháng đầu năm 2022, Việt Nam cũng ghi nhận 1,28 triệu tấn hàng vận chuyển qua đường hàng không, trong đó có đến 1,02 triệu tấn là hàng hóa quốc tế.

Tuy vậy, trên thực tế, các hãng hàng không Việt Nam chỉ đảm nhận 129 nghìn tấn (chiếm thị phần 12,6%) trong tổng số hàng hóa quốc tế. Đó là một sự thiệt hại không hề nhỏ đối với ngành logistics Việt Nam.

Có thể thấy, dù nhiều tiềm năng, nhưng hoạt động vận tải hàng hóa đường hàng không của Việt Nam vẫn còn nhiều chỗ trống. Sự thiếu hụt này khiến cho 80-90% hàng hóa quốc tế vào và ra khỏi Việt Nam đã trở thành “miếng bánh béo bở” cho 29 hãng hàng không nước ngoài, trong đó có nhiều ông lớn quốc tế lớn tham gia khai thác.

Trong hoàn cảnh đó, mặc dù IPP Air Cargo đã rút lui và xin dừng cấp phép kinh doanh vận chuyển hàng hóa hàng không nhưng “tân binh” VUAir Cargo với sự kết hợp giữa Vietravel Airlines và Công ty Asean Cargo Gateway (ACG) đã trở thành một trong những niềm hi vọng tiếp theo trong việc kinh doanh dịch vụ vận chuyển hàng hóa hàng không Việt.

Trong năm đầu tiên, VUAir đặt mục tiêu mở dịch vụ chuyên chở hàng hóa ở châu Á với 2 – 4 chiếc máy bay chuyên dụng B737-800F, và dự kiến tăng gấp đôi trong năm tiếp theo. Thêm vào đó, việc Bambooo Airways công bố thành lập Công ty cổ phần Hàng hóa Hàng không Tre Việt – Bamboo Airways Cargo (BAC) từ đầu năm nay cũng là một tín hiệu vui cho vận tải hàng không nước nhà.

Trả lời VnEconomy, ôngBùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam, nhận định rằng thị trường vận tải hàng không còn nhiều dư địa để phát triển. Tuy nhiên, theo ông, doanh nghiệp cần lưu ý những vấn đề sau:

Thứ nhất, các doanh nghiệp Việt cần tiếp tục vận chuyển hai chiều, đây là cơ hội để đầu tư mở rộng lĩnh vực này.

Thứ hai, ngành hàng không cạnh tranh trong môi trường quốc tế và đầu tư lớn. Để có thể cạnh tranh với nhiều hãng có tiềm lực và kinh nghiệm hàng chục năm, các hãng hàng không trong nước cần cố gắng nâng cao năng lực.

Thứ ba, các doanh nghiệp hàng không cần dành sự quan tâm đúng mức và tập trung đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động vận tải hàng hóa.

Thứ tư, cơ quan quản lý và các địa phương cần sớm đưa ra định hướng, chiến lược, kế hoạch phát triển vận tải hàng hóa trong lĩnh vực hàng không.

The quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, nhà nước và các doanh nghiệp không chỉ cần tập trung thực hiện nhanh, giải quyết những ách tắc hiện nay mà còn phải thu hút thêm nguồn tài chính, nhà đầu tư để dành địa điểm gom tụ hàng lớn và sớm hình thành ga hàng hóa tại các sân bay.

Theo Theleader.vn